Bế tắc trước khoản tiền 3,5 tỉ đồng đưa thi thể con về nước
Sang Angola làm việc lấy tiền trả nợ nhưng nợ chưa kịp trả, Nguyễn Công Nguyên đã bỏ mạng nơi đất khách. Càng đau xót hơn khi gia đình không biết tìm đâu ra 3,5 tỉ đồng để đưa thi thể Nguyên về nước.
Gia đình Nguyên bên di ảnh của nạn nhân
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Công Hợp (trú tại khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) sau khi nhận được lời cầu cứu từ gia đình. Ngay sát căn nhà cũ kỹ của ông là ngôi nhà cấp 4 mới được xây dựng của vợ chồng người con trai độc nhất Nguyễn Công Nguyên (SN 1984). Một chiếc bàn thờ mới lập, hương khói nghi ngút. Trong nhà gần như chưa có đồ đạc gì đáng giá. Chị Hoàng Thị Hiền – vợ Nguyên – bế đứa con gái nhỏ hơn 1 tuổi, đôi mắt đỏ hoe, ngồi như bất động trước bàn thờ chồng.
Ông Hợp chậm rãi kể về cuộc đời của đứa con trai duy nhất. Nguyễn Công Nguyên sang Đài Loan đi biển khi vừa đủ lớn. Sau mấy năm lăn lộn, Nguyên về quê lấy vợ, với số vốn tích trữ được sau mấy năm xuất khẩu lao động cộng với số tiền vay mượn, hai vợ chồng Nguyên xây được căn nhà cấp 4 khá khang trang ngay trên mảnh vườn của bố mẹ.
Nhà xây xong thì cũng là lúc hai vợ chồng trẻ đối mặt với một khoản nợ lớn trong khi cả 2 đều không có việc làm. “Trong xã có người tổ chức đưa lao động sang Angola làm công nhân xây dựng với lời hứa hẹn lương tháng đầu 800 USD, sau đó sẽ tăng lên 1.000 USD/tháng nên hai vợ chồng bàn bạc đi một chuyến kiếm tiền trả nợ”, Hiền cho biết.
Đứa con chưa kịp chào đời, Nguyên đã theo người ta sang Angola với bao nhiêu niềm hi vọng. Ngày đi, cả gia đình phải thế chấp sổ đỏ để vay mượn 6.000 USD đặt cọc cho chủ thầu. Sau 6 tháng làm việc, chủ thầu chỉ trả cho Nguyên 3.000 USD và không có ý định thực hiện cam kết trả lương như ban đầu nên Nguyên chuyển sang làm cho một chủ thầu xây dựng khác.
“Cước phí điện thoại bên đó đắt đỏ nên ở nhà phải gọi điện sang nếu muốn biết tình hình của anh Nguyên. Những lần gọi điện ít ỏi đó, anh thông báo là vẫn khỏe, công việc ổn định. Ngày 27 Tết vừa rồi, em nhận được tin anh Nguyên bị sốt xuất huyết phải vào viện điều trị. Để có tiền trả viện phí, thuốc men, gia đình em phải mượn 6.000 USD gửi sang. Ngày 25 tháng Giêng vừa qua gia đình có xem được một đoạn clip do anh em bên ấy gửi qua mạng. Trong clip anh Nguyên vẫn tỉnh táo, có thể giơ tay vẫy chào mọi người nhưng đến ngày 28 tháng Giêng vừa qua (tức ngày 9/3) thì nhận được tin anh Nguyên mất. Anh ấy chưa được nhìn thấy mặt con lấy một lần…”, chị Hiền òa khóc.
Video đang HOT
Người vợ trẻ và đứa con gái chưa một lần được gặp bố
Sau khi thông tin Nguyễn Công Nguyên mất được anh em, bạn bè đi làm cùng xác nhận, gia đình ông Hợp đã lập bàn thờ cho con trai. Nhưng việc đưa thi thể con về nước thì quá khó khăn.
“Ở bên kia gọi điện về thông báo, chi phí nằm viện điều trị hơn 1 tháng trời ở bệnh viện hết 153.000 USD. Do chưa thanh toán nên hiện nay bệnh viện vẫn đang giữ xác Nguyên trong nhà xác. Rồi chi phí đưa hài cốt cháu về bằng máy bay mất khoảng 15.000 USD cộng với chi phí khâm liệm khoảng 8 – 10 nghìn USD nữa mới có thể đưa Nguyên về Việt Nam.
Chúng tôi đã tính đến chuyện bán đất, vay mượn anh em để đưa cháu nó về nhưng hơn 3,5 tỉ đồng thì dẫu có bán hết nhà cửa, bán cả người đi cũng không đủ…”, ông Hợp sụt sùi.
Bà Trương Thị Hoa – mẹ Nguyên – òa khóc nức nở: “Hôm trước thấy con còn vẫy tay chào mọi người, tôi cứ nghĩ con còn có cơ hội trở về với gia đình. Giờ thì chết rồi, đến xác cũng không có cơ hội được về với bố mẹ, vợ con. Cứ nghĩ đến cảnh thằng Nguyên một thân một mình nằm lại nơi đất khách quê người mà đau đớn quá”.
Bà nội của Nguyên năm nay 84 tuổi, lại mắc căn bệnh viêm hộp sọ não nên chỉ có thể nằm bất động một chỗ. Bà chẳng còn sức mà khóc thương đứa cháu đích tôn của mình. “Ngày ra đi hắn còn dặn bà phải giữ gìn sức khỏe, con đi làm kiếm tiền về chữa bệnh cho bà. Rứa mà giờ hắn chết rồi, đến cái xác già này cũng không được nhìn thấy lần cuối…”, những giọt nước mắt trắng đục rỉ ra từ hai khóe mắt đầy những nếp nhăn.
Bà nội Nguyên đang điều trị căn bệnh viêm vỏ hộp sọ, giờ lại thêm nỗi đau mất đi người cháu trai khiến bà ngã quỵ
Vì Nguyên đi Angola theo con đường bất hợp pháp nên khi sự việc xảy ra gia đình cũng không biết kêu ai. Không còn cách nào khác, gia đình ông Hợp đành phải cầu viện tới cơ quan báo chí cũng như lãnh sự quán Việt Nam tại Angola, nhờ họ can thiệp với phía bệnh viện để giảm một phần chi phí nhưng hiện vẫn chưa có kết quả. “Phía người tổ chức đưa người lao động đi Angola cũng mới chỉ đến thắp hương cho Nguyên và hứa hẹn sẽ giúp đỡ một phần chi phí để đưa cháu về nhưng từ đó tới nay họ cũng không quay lại hay có ý kiến gì nữa cả”, ông Hợp cho biết thêm.
Ông Trần Văn Tý – khối trưởng khối Tân Diện – cho biết, hiện tại UBND phường, Hội Chữ thập đỏ phường Nghi Hòa đang vận động người dân trong phương quyên góp ủng hộ gia đình ông Hợi. Nhân dân khối Tân Diện cũng đã quyên góp được hơn 10 triệu đồng đề chia sẻ nỗi đau cùng gia đình ông Hợp.
Theo Dantri
"Loạn" thông tin xuất khẩu lao động trên mạng
Gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân liên tiếp đăng tải các thông tin tuyển dụng lao động sang các thị trường Qatar, Algeria, Angola... Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định chưa có hợp đồng nào ở những thị trường trên được thẩm định.
Viêm gan B vẫn được đi xuất khẩu lao động
Trên các trang rao vặt trực tuyến như: vatgia.com, webraovat.vn, vieclam.24h.com, raovatngay.com..., các thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động (XKLĐ) liên tục được cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Phần lớn trong đó là tuyển lao động phổ thông, làm việc trong ngành xây dựng như: hàn, nhôm kính, điện nước, thợ mộc, thợ xây (trát, ốp lát, hoàn thiện), thợ nề, thợ sắt, thợ cửa kính, cửa cuốn... tại các thị trường Trung Đông, gần đây là thị trường châu Phi.
Trên trang vatgia.com, từ cuối tháng 11, một công ty XKLĐ ở Ninh Bình đăng tải thông tin tuyển dụng 40 thợ ốp lát sang làm việc tại Qatar, tổng thu nhập 500 - 550 USD/tháng (khoảng 12 triệu đồng/tháng) chi phí xuất cảnh 1.750 USD hợp đồng 2 năm, có thể kéo dài 3-5 năm tùy thuộc vào nhu cầu của chủ sử dụng. Người lao động (NLĐ) được cấp vé máy bay về nước, được hưởng nguyên lương phép một tháng cho một năm làm việc, được chủ sử dụng cung cấp nơi ở, xe đưa đón đến nơi làm việc...
Trang web rao tuyển người đi XKLĐ, trong đó có ghi người nhiễm viêm gan B vẫn đi được - Ảnh: Thu Hằng
Không chỉ tuyển dụng đi Qatar, trên các trang rao vặt còn có hàng loạt thông tin tuyển dụng các thị trường khác, như tuyển gấp gần 300 lao động đi Algeria với mức lương khá hấp dẫn, thợ mộc, thợ xây, trát, lương 900 - 1.400 USD (khoảng 19 - 29 triệu đồng/tháng...), chưa kể làm thêm, nhằm "câu kéo" NLĐ. Trên webraovat.vn, một người tên Xưởng, ở Hà Nội, đăng thông tin tuyển NLĐ đi Angola, bay ngay trong tháng 1.2013 với số lượng không hạn chế mức lương bình quân khoảng 800 - 12.000 USD/tháng hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn tiếp tiền đặt cọc 1.500 USD. Đáng chú ý, trong khi theo quy định đi XKLĐ phải đảm bảo sức khỏe và không bị mắc các bệnh kinh niên, truyền nhiễm, giang mai, viêm gan, HIV, lao phổi... thì thông tin tuyển dụng trên lại khá dễ dãi: "Chiều cao và cân nặng không hạn chế, không mù màu, không nhiễm HIV"... và nhấn mạnh với dòng chữ in đậm "viêm gan B vẫn đi được (!?)".
Công an vào cuộc
Theo ông Hải, ngày 18.12 vừa qua, Cục vừa đưa trang web www.hotrolaodongngoainuoc.org vào hoạt động. NLĐ có thể truy cập rất đơn giản vào trang web, sẽ được các chuyên gia tư vấn sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp những thông tin chính xác về các thị trường XKLĐ, những nhận biết để lường được các rủi ro có thể gặp... Ông Hải cũng cho biết trong tuần tới Cục sẽ phối hợp công an "dẹp loạn" tuyển dụng lừa đảo trên mạng.
Mới nhất, trong ngày 22.12, trên trang raovatngay.com, một cá nhân cũng đăng tuyển gấp 200 LĐ đi Angola. Ngoài những thông tin đăng tải tương tự như trên, người này còn cho biết: "Chúng tôi sẽ giảm phí cho người nào kéo theo người thân, đi làm cùng với số lượng từ 3 người trở lên".
NLĐ cần cảnh giác
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), thị trường Qatar "đóng cửa" từ 2 năm nay và "gần đây, Cục cũng không thẩm định hợp đồng nào đi Qatar, do đó, thông tin tuyển lao động là không đúng sự thật".
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết Việt Nam chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria và Angola. Ở Algeria chỉ có những đơn hàng chính thống của các đơn vị trúng thầu đưa NLĐ qua theo công trình, hoặc cung cấp NLĐ cho các nhà thầu nước thứ ba trúng thầu. Còn Angola chưa có doanh nghiệp nào khai thác, đăng ký đưa NLĐ sang thị trường này. Nếu có, phần lớn đi theo con đường XKLĐ "chui".
Ông Đào Công Hải khẳng định: "Không thể có chuyện mắc bệnh viêm gan B, không giới hạn cân nặng, chiều cao mà vẫn đi XKLĐ. NLĐ cần hết sức cảnh giác với những dạng thông tin trên. Thực tế cho thấy, thiếu thông tin chính xác, nhiều NLĐ đã bị trung gian cò mồi lợi dụng, lừa gạt khi đi XLKĐ, khiến tiền mất, nợ mang hoặc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt không như hứa hẹn".
Theo TNO
Chàng trai Việt sang châu Phi mở quán game Thích đi du lịch, muốn tìm cơ hội lập nghiệp, Hoàng một mình sang châu Phi chỉ với ít tiền tích cóp và 200 USD bố cho. Hơn một năm 'bám' lục địa đen, giờ Hoàng là chủ của hai quán game ở Lobito thuộc Benguala, thành phố lớn thứ hai của Angola. Hoàng La Mã (áo trắng) chia sẻ, cậu có nhiều...