Bé một tháng tuổi mắc bệnh giang mai
Bé chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ trong tình trạng da xanh nhợt, khó thở, bụng chướng.
Ảnh minh họa
Các bác sĩ khám, xác định gan, lách của bé to, da bụng nổi rõ tĩnh mạch màu xanh, có vết chợt loét vùng mông và lòng bàn chân. Nghi ngờ bé mắc giang mai bẩm sinh, bác sĩ tiến hành xét nghiệm, kết quả cả bé và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.
Video đang HOT
Bé được chỉ định điều trị kháng sinh và truyền máu. Sau một tuần điều trị, ngày 25/2 sức khỏe bé tiến triển tốt, da hồng hào, hết khó thở, hết nổi tĩnh mạch bụng, gan lách đã nhỏ lại bình thường.
Bác sĩ Mai Hồng Tình, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ, cho biết giang mai bẩm sinh là do người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ, thai nhi có thể bị sảy, chết lưu, đẻ non, nhiễm khuẩn có thể tử vong. Trường hợp nhẹ hơn, bé vẫn chào đời bình thường, sau dần xuất hiện tổn thương ở các cơ quan mắt, tai, xương…
Các bác sĩ khuyến cáo người lớn thực hiện tình dục an toàn. Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám thai đầu tiên. Nếu thai phụ xét nghiệm dương tính với giang mai trong thai kỳ, cần được bác sĩ tư vấn và điều trị ngay.
Không chủ quan với bệnh lây qua đường tình dục ở trẻ
Theo thống kê của Bệnh viện (BV) da liễu TP HCM, trong nhiều năm qua, số lượng trẻ mắc các bệnh lây qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện da liễu TPHCM trao đổi với người nhà bệnh nhi.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015 BV Da liễu TPHCM điều trị cho 28 trường hợp trẻ bị bệnh lây qua đường tình dục, năm 2018 là 85 trường hợp thì trong 11 tháng của năm 2019 có 146 trường hợp. BSCK 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ - Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, BV da liễu TPHCM nhận định, đây là con số đáng báo động vì xu hướng trẻ bị bệnh lây qua đường tình dục đang ngày càng gia tăng.
Ngoài các đối tượng trẻ em bị bệnh lây qua đường tình dục do lây truyền từ mẹ sang con do trong quá trình vệ sinh hay do bị xâm hại, không hề thiếu những trường hợp các bé mắc bệnh do tự nguyện quan hệ tình dục.
BS Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em, BV da liễu trung ương cho biết, khoa vừa điều trị cho trường hợp bệnh nhi 13 tuổi ở Hà Nội mắc giang mai. Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc bệnh giang mai nhưng cậu bé khẳng định chưa từng quan hệ tình dục. Chỉ đến khi phụ huynh được "mời" ra ngoài phòng bệnh, bác sĩ gặng hỏi nhiều lần, cậu bé mới thừa nhận đã quan hệ đồng tính trước đó gần 1 năm và bị lạm dụng tình dục nhiều lần. Theo BS Thùy, đây không phải là trường hợp cá biệt bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi tuổi còn nhỏ. Tại khoa cũng từng điều trị cho những trường hợp 14-15 tuổi mắc bệnh lậu, sùi mào gà...
TS.BS Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh, BV da liễu trung ương cho rằng, tình trạng trẻ em mắc các bệnh lây qua đường tình dục là điều không lạ. Trẻ sơ sinh hoặc dưới một tuổi có thể lây bệnh từ mẹ trong quá trình mang thai hoặc sinh nở. Trẻ lớn hơn có thể mắc một số bệnh lây qua tiếp xúc người trông trẻ, bố mẹ, bảo mẫu có bệnh. Tuy nhiên, phần lớn trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi mắc các bệnh tình dục do có hiện tượng quan hệ sớm khi chưa biết cách phòng tránh và chưa có biện pháp tình dục an toàn.
Để bảo vệ trẻ trước các bệnh lây qua đường tình dục, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ khuyến cáo, đối với phụ nữ, nếu đã lên kế hoạch có con, cần đi khám để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục. Khi có thai, nên có chế độ khám thai và làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, tránh các hậu quả trầm trọng có thể xảy ra cho cả thai nhi và người mẹ. Người lớn trước khi vệ sinh cho trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ, tránh truyền virus qua cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi cha mẹ cần dạy bé các kỹ năng như giữ khoảng cách với người lạ, tránh xa nơi vắng vẻ, không được để người lạ đụng chạm vào cơ thể. Đặc biệt với vùng kín thì chỉ có mẹ, bà, bác sĩ khám bệnh mới được đụng vào.
Đối với trẻ lớn hơn, TS.BS Phạm Thị Minh Phương chia sẻ, không nhiều bố mẹ hiểu biết về căn bệnh lây truyền qua đường tình dục và thường chủ quan nghĩ rằng con mình không bao giờ mắc. Để phòng bệnh tốt nhất, phụ huynh nên tự trang bị kiến thức, từ đó chia sẻ với con. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên đưa kiến thức này vào các chương trình giáo dục giới tính để các con biết phòng tránh.
Đức Trân
Theo daidoanket
Xử trí thành công ca bệnh thủng tạng rỗng có bệnh lý tim mạch phức tạp Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã giúp bệnh nhân ở Thanh Oai thoát khỏi "lươi hái tử thần". Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phối hợp cấp cứu xử trí thành công cho bệnh nhân Nguyễn Bá D. (61 tuổi, Thanh Oai) bị thủng tạng rỗng có tiền sử bệnh lý...