Bế mạc Khóa họp 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, khóa họp lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/10 đã kết thúc tại trụ sở Văn phòng LHQ, khép lại 3 Khóa họp thường kỳ và nhiều hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2024, đánh dấu sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Việt Nam với việc chủ trì một số sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, trong đó có một số phát biểu chung của ASEAN.
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn. Ảnh: Anh Hiển PV TTXVN tại Thuỵ Sĩ
Kết quả nổi bật sau 5 tuần họp liên tiếp của Khóa họp 57 Hội đồng Nhân quyền bao gồm: (i) 01 Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền và 37 Nghị quyết được thông qua; (ii) 05 phiên thảo luận chuyên đề về thúc đẩy và bảo vệ các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết sự bất bình đẳng, giáo dục vì hòa bình và sự khoan dung cho mọi trẻ em, quyền phát triển, thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia đối với vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ quyền con người của các thành viên, quyền của người bản địa, lồng ghép quan điểm giới vào công việc của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng; (iii) thảo luận về 86 báo cáo chuyên đề; (iv) các phiên thảo luận, đối thoại với 42 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của LHQ; (v) các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước; (vi) hoàn thành thủ tục thông qua các kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước; (vii) bầu 04 thành viên Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2027; và (viii) quyết định bổ nhiệm 04 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.
Trong khuôn khổ khóa họp lần này, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua kết quả UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan. Phiên họp thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.
Cũng nhân dịp tham dự Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tham dự và phát biểu khai mạc cuộc toạ đàm quốc tế “Tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn”. Sự kiện do Việt Nam, Philippines, Australia và Italy đồng bảo trợ tổ chức với sự điều hành của Đại sứ Mai Phan Dũng và sự tham gia của các diễn giả là Đại sứ Philippines, Australia, đại diện Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Bên cạnh sự kiện nêu trên, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, được đông đảo các nước ủng hộ, đến nay đã có 53 nước từ tất cả các châu lục bảo trợ.
Phát biểu chung nhấn mạnh tiêm chủng là một phần quan trọng của quyền được hưởng sức khỏe tối ưu, đóng vai trò thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và đạt được sự bao phủ y tế toàn dân theo mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030.
Ngoài ra, trong khuôn khổ khóa họp, ông Surya Deva – Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển, đã có phiên đối thoại với các nước về các hoạt động của ông trong năm vừa qua, bao gồm chuyến thăm của ông tới Việt Nam từ ngày 9-15/11/2023. Kết thúc chuyến thăm, ông đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng bao phủ an sinh xã hội. Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển. Việt Nam luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng; khẳng định Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế.
Trong quá trình tham dự khóa họp, đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đẳng; quyền của người cao tuổi; biến đổi khí hậu; nước sạch và vệ sinh; quyền của nông dân… Tại các phát biểu, đoàn Việt Nam nêu rõ chủ trương về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; chia sẻ những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin thông qua tinh thần đối thoại, hợp tác. Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực, quyền phát triển, cơ chế UPR.
Trong suốt khóa họp, đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các Đoàn đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại khóa họp 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nổi bật là việc thông qua kết quả UPR chu kỳ IV, đưa ra 02 sáng kiến xây dựng Phát biểu chung và tổ chức cuộc tọa đàm quốc tế, đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển nêu trên cũng như đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong năm thứ 2 trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy hòa bình, phát triển
Việt Nam mong muốn đa dạng hóa đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới.
Đây là thông điệp của Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).
Đại sứ Mai Phan Dũng. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn tổ chức Geneva Geostrategic Observatory về các chính sách của Việt Nam cũng như vai trò của hệ thống đa phương. Nội dung phỏng vấn cũng được đăng trên tờ Tribune de Genève của Thụy Sĩ.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các cuộc đàm phán đa phương tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định chủ nghĩa đa phương và hội nhập quốc tế là trọng tâm của ngoại giao Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng các cơ chế, diễn đàn đa phương của LHQ, WTO... và chủ động tham gia các cuộc đàm phán đa phương tại Geneva, đặc biệt với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam mong muốn đa dạng hóa đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của mình. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia mà còn tận dụng được các nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững đất nước. Điều này cũng cho phép Việt Nam đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề chung cũng như thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
Về những thay đổi trong quan hệ quốc tế hiện nay, Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng hệ thống đa phương được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chiến tranh, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế vì sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, tình hình toàn cầu ngày nay đã thay đổi đáng kể, đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống đa phương toàn cầu. Nhân loại phải đối mặt với những thách thức mới như khủng bố, nghèo đói, an ninh lương thực, dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu... Sự phát triển của nhiều quốc gia mới nổi đã làm thay đổi cán cân quyền lực.
Ngoài ra, sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách suy nghĩ. Các yếu tố như thiếu lòng tin, xu hướng bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc tăng cao và chính sách thực dụng cũng làm suy yếu hệ thống đa phương. Trong bối cảnh này, việc cải cách hệ thống đa phương không chỉ cần thiết mà còn cấp bách. Cuộc cải cách này phải dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của mọi dân tộc. Cải cách phải thúc đẩy sự tham gia dân chủ và công bằng của các quốc gia trong quá trình ra quyết định. Theo Đại sứ, việc đánh giá toàn diện hệ thống đa phương, bao gồm các lĩnh vực an ninh, kinh tế, phát triển và tài chính, là điều cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu và tăng cường lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Đồng thời, điều quan trọng là phải hiện đại hóa và tối ưu hóa các tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp lý hóa ngân sách và giảm chi phí hành chính. Đại sứ cho rằng, nếu làm được như vậy, hệ thống đa phương có thể được hồi sinh, theo đó giúp ứng phó tốt hơn với những thách thức của thế giới đương đại và thúc đẩy hợp tác toàn cầu vì lợi ích của tất cả mọi người.
Đề cập đến việc giảng dạy và học ngôn ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định tiếng Pháp có một vị trí lịch sử vững chắc ở Việt Nam. Mặc dù cho đến nay tiếng Anh đã được ưu tiên hơn tiếng Pháp nhưng ngôn ngữ này vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở Việt Nam. Ngày nay, có khoảng 700.000 người nói tiếng Pháp tại Việt Nam, tương đương gần 0,7% dân số cả nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc dạy tiếng Pháp với các chính sách nhằm thúc đẩy việc học tiếng Pháp từ bậc tiểu học đến đại học, ghi nhận giá trị của tiếng Pháp trên thị trường việc làm.
Một báo cáo do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) thực hiện năm 2023 cho thấy tiếng Pháp chiếm vị trí nổi bật và là ngoại ngữ thứ hai được học sau tiếng Anh. Năm 2021, các lớp song ngữ có khoảng 13.000 học sinh và ngoài con số này, ước tính có khoảng 60.000 người học tiếng Pháp ở các chu kỳ học tập khác nhau ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo tương tự của OIF cũng cho rằng, mặc dù có tiến bộ đáng kể nhưng số lượng người học tiếng Pháp ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ dân số được đi học. Hơn nữa, mặc dù tiếng Pháp được đánh giá cao trong hội nhập nghề nghiệp nhưng cơ hội thực sự dành cho người nói tiếng Pháp vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, Đại sứ cho rằng cần tăng cường mối liên hệ giữa đào tạo tiếng Pháp và nhu cầu của thị trường lao động. Khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ, Đại sứ nói rằng Việt Nam hiện đang hợp tác với các đối tác như OIF, Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, nhằm quảng bá hơn nữa tiếng Pháp cũng như nâng cao sức sống của ngôn ngữ này tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam kêu gọi đảm bảo nhân quyền cho mọi người 7Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) - đã có bài phát biểu tại phiên thảo...