Bế mạc Đại lễ Vesak 2019: Xứng đáng sự kiện đối ngoại nâng cao vai trò Phật giáo Việt Nam
Sáng qua (14/5), sau chuỗi sự kiện, các hoạt động văn hóa diễn ra trong ba ngày, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (LHQ) 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ ba đăng cai tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã chính thức lễ bế mạc.
“Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″ đã được công bố với nhiều nội dung đáng chú ý.
Toàn cảnh lễ bế mạc Vesak 2019
Dự chương trình bế mạc có Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hòa thượng. TS. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ; Hòa thượng GS TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ…
Vì sự phát triển bền vững cộng đồng Phật giáo toàn thế giới
Mở đầu lễ bế mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2019 đọc diễn văn bế mạc và khẳng định Đại lễ Vesak 2019 đã thành công tốt đẹp.
“Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″ đã nhận được sự đồng thuận cao của 1.600 vị đại biểu đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ vì sự phát triển bền vững của cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, góp phần xây dựng hòa bình nhân loại.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế ICDV-Vesak 2019 báo cáo, trong lịch sử 16 lần tổ chức, Đại lễ Vesak 2019 ở Việt Nam có sự tham dự của khách mời quốc tế đông nhất với nhiều lãnh đạo cấp cao nhất, xứng đáng là sự kiện đối ngoại nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như là cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, Hội thảo Khoa học quốc tế nhận được sự tham dự đóng góp của 343 bài tham luận thực hiện bằng tiếng Anh, 110 bài tham luận bằng tiếng Việt tại các diễn đàn hội thảo nhóm xoay quanh chủ đề Đại lễ: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Video đang HOT
Thay mặt các đại biểu khách mời, ông Tashi Dorji, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan phát biểu: “Đại lễ Vesak LHQ 2019 lần này giúp chúng ta thiết lập nên nền tảng hòa bình, đức tính từ bi, bình đẳng và bất bạo động của Đức Phật. Điều này sẽ mang đến xã hội bền vững, con người sống an vui, hạnh phúc.
Việt Nam đã 3 lần đăng cai tổ chức, lần đầu tại Hà Nội, lần thứ hai tại Ninh Bình và lần này tại Hà Nam, cả ba lần đều thành công tốt đẹp. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn, vinh dự khi có mặt ở đây. Dù tôi không phải là người uyên thâm về Phật pháp, nhưng tôi tin các giá trị giáo lý đạo Phật được đề cập trong hội thảo lần này sẽ giúp chúng ta về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thực hiện nghi lễ tắm Phật tại chùa Tam Chúc tối 13/5
Là địa phương có Trung tâm hội nghị quốc tế Tam Chúc nơi diễn ra Đại lễ, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, phát biểu nhấn mạnh: Đại lễ Vesak LHQ 2019 được tổ chức tại Việt Nam một lần nữa khẳng định những giá trị giáo lý đạo Phật đã kiến tạo nên những điều tốt đẹp cho tương lai. Hà Nam rất vinh dự và tự hào được chọn là địa điểm tổ chức Đại lễ lần này, góp phần vào việc giúp xã hội bền vững, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị các nước.
Nội dung “Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 đã tuyên đọc “Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″ gồm 9 điều (bao gồm: Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; Lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Phật giáo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững…). Tuyên bố nêu lên thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững, các vấn đề liên quan khác dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ; các cam kết cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Để thúc đẩy khái niệm về trách nhiệm cùng chia sẻ, trong “Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″ nhấn mạnh đến việc hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm đạt mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là chuyển hóa đau khổ; truyền bá năm điều đạo đức Phật giáo và thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cộng đồng địa phương nhằm biến chúng thành các mục tiêu cụ thể như nền tảng của trách nhiệm cùng chia sẻ đối với điều kiện sống tốt hơn trên toàn thế giới…
Đưa ra thông điệp lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững, “Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″ nhấn mạnh tới cách tiếp cận đối thoại và phi bạo lực trong việc xây dựng hòa bình; khuyến khích các khái niệm từ bi và trí tuệ, làm nền tảng nhằm tránh và giải quyết các tranh chấp hoặc xung đột; xác quyết tầm quan trọng cơ bản của lãnh đạo có chính niệm liên quan đến sự hướng dẫn về đạo đức cá nhân và xã hội nhằm đóng góp vào việc xây dựng hòa bình; giải quyết các tranh chấp, xung đột, tôn trọng cuộc sống, chấm dứt bạo động cùng các cuộc chạy đua vũ trang, khắc phục bất bình đẳng và đặc biệt là thực hành tâm nhân từ và không bạo lực thông qua đối thoại và hợp tác..
Sau “Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019″, Việt Nam đã chính thức chuyển giao quyền đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2020. Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) cho biết hiện chưa có quyết định về nước chủ nhà của Đại lễ Vesak LHQ năm 2020.
Hội đồng Quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ đã nhận được đề xuất của 3 quốc gia và sẽ phải xem xét kỹ, chi tiết mới có thể quyết định tổ chức ở quốc gia nào. Cuối chương trình bế mạc, Ban Tổ chức Đại lễ đã trao tặng 1 tỷ đồng đến quỹ khuyến học tỉnh Hà Nam.
Hồng Minh
Theo PLVN
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019: Tất cả đã sẵn sàng
Chiều 6/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và tỉnh Hà Nam tổ chức họp báo Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 tổ chức tại chùa Tam Chúc từ ngày 12-14/5.
Thượng tọa Thích Đức Thiện giới thiệu các sự kiện tại Đại lễ Vesak 2019. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Đại lễ Vesak 2019, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc - Vasak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/5 với chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững".
Tính đến ngày 6/5, đã có 1.650 đại biểu quốc tế chính thức từ 570 phái đoàn quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Trong đó, có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các Bộ trưởng của nhiều nước cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đại lễ còn có sự tham dự của nhiều Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức phật giáo. Phó Tổng thống Ấn Độ, ngài M. Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ.
Dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội 63 tỉnh, thành phố cả nước, các tăng ni tiêu biểu cùng hơn 20.000 phật tử trong và ngoài nước tham dự.
Việc 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak vào năm 2008 và 2014 tại Hà Nội và Ninh Bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo Việt Nam. Đây không chỉ là hoạt động đối ngoại của Phật giáo Việt Nam mà còn là sự kiện văn hóa tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh đến nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 cơ bản đã sẵn sàng.
Nội dung chủ đạo xuyên suốt Đại lễ gồm các diễn đàn về: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Trong những ngày diễn ra Đại lễ còn có các hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan) gồm: Lễ tắm Phật truyền thống; đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc, Trung Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam; triển lãm cổ vật Phật giáo tại Điện Tam Thế và Tòa Hội thảo quốc tế; đêm giao lưu nghệ thuật Phật giáo quốc tế, dự kiến phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h ngày 12/5.
Theo Ban Tổ chức, để bảo đảm an toàn cho du khách và các Phật tử trong và ngoài nước, các đoàn khách quốc tế về tham dự Đại lễ, các khách sạn, các tour du lịch văn hóa, lịch sử và tình nguyện viên đã sẵn sàng. Công tác đảm bảo an ninh, hậu cần, thông tin truyền thông cũng được chuẩn bị chu đáo, an toàn và sẵn sàng phục vụ Đại lễ.
Thông qua Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019, Việt Nam khẳng định nỗ lực và thành tựu về bảo đảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo; khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa. Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc.
Đại lễ cũng nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật Giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế, qua đó phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Lê Sơn
Theo Baochinhphu
'Hành động không thể chấp nhận được ở chùa Ba Vàng' Sau khi vụ việc 'gọi vong' thu tiền tại chùa Ba Vàng được báo chí nêu, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí chiều 21/3 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội để giải đáp những thắc mắc của dư luận trong thời gian qua. Tại...