Bé gái TP.HCM tử vong nghi ngờ viêm cơ tim, phụ huynh cần lưu ý gì?
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong sau vài ngày bị sốt, đau bụng, mệt
Theo chia sẻ của tài khoản Facebook N.D, con gái chị năm nay 5 tuổi. Bé bị sốt, mệt và đau bụng. Trong 3 ngày con ốm, chị N.D đã sớm cho bé khám ở Bệnh viện TP Thủ Đức nhưng không ghi nhận bất thường.
Lần khám thứ 2, bác sĩ loại trừ nguyên nhân con bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, con gái chị bị tụt huyết áp, siêu âm tim thấy tim “bị đơ, không co bóp được”. Ngày 14/9, khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên, bé gái không qua khỏi vì suy tim cấp do virus xâm nhập.
Câu chuyện cô bé 5 tuổi qua đời khiến nhiều người đau xót. (Ảnh chụp màn hình)
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức xác nhận, bé gái trong câu chuyện nhập viện khoảng 20h ngày 13/9. Trước đó 3 ngày, bé sốt và đau bụng. Gia đình đưa bé đến khám nhưng siêu âm và xét nghiệm máu không phát hiện bất thường, tiếp tục theo dõi.
Tối 13/9, bé đau bụng, mệt nhiều, sốt nên được nhập viện. Tuy nhiên, bé rơi vào sốc, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, tràn dịch màng ngoài tim, có dấu hiệu viêm cơ tim.
Các bác sĩ ngay lập tức hồi sức, truyền vận mạch, cho trẻ thở oxy và hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Đến khoảng 0h ngày 14/9, bác sĩ của 2 bệnh viện quyết định chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Tại đây, trẻ tiếp tục được hồi sức nhưng không qua khỏi.
Video đang HOT
“Diễn tiến bệnh rất nhanh, bé rơi vào sốc, trụy mạch, tràn dịch màng ngoài tim. Dựa trên lâm sàng, chúng tôi nghĩ nhiều đến nguyên nhân do viêm cơ tim tối cấp. Tuy nhiên để kết luận chính xác cần phải có hội đồng chuyên môn”, bác sĩ Dũng nói.
Viêm cơ tim có triệu chứng mơ hồ
Theo bác sĩ Dũng, Bệnh viện TP Thủ Đức từng tiếp nhận trẻ mắc viêm cơ tim. Một số trường hợp chỉ biểu hiện thoáng qua nhưng cũng có trường hợp bị suy tim. Viêm cơ tim có nhiều mức độ như nhẹ, trung bình, cấp và tối cấp.
Khi mắc viêm cơ tim thể nhẹ, trẻ chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng. Nghiêm trọng nhất là trẻ bị viêm cơ tim tối cấp, bắt buộc phải can thiệp ECMO.
Theo PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, viêm cơ tim ở trẻ hầu hết do virus gây ra. Bệnh không có biểu hiện đặc trưng nên phụ huynh khó nhận biết. Trong khoảng 2-4 ngày, bệnh có thể trở nặng hoặc diễn tiến thành viêm cơ tim tối cấp.
“Triệu chứng của viêm cơ tim rất mơ hồ. Giống như các bệnh do nhiễm siêu vi, trẻ có sốt hoặc không sốt, sau đó mệt, khó thở, nhập viện trong bệnh cảnh trụy tim mạch hoặc rối loạn nhịp, suy tim cấp”, bác sĩ Quang nói.
Một trường hợp viêm cơ tim tối cấp được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. (Ảnh tư liệu)
Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức cho hay, viêm cơ tim cũng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, sốt ói, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoát hình ảnh để xác định và loại trừ nguyên nhân.
Để tránh diễn tiến nguy kịch của viêm cơ tim, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần theo sát khi trẻ có các triệu chứng nêu trên, đưa trẻ đến bệnh viện để khám và can thiệp kịp thời.
Để phòng ngừa, trẻ nhỏ cần được tiêm phòng các loại vaccine đầy đủ; giữ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá. Trẻ cũng cần được tăng cường đề kháng trước các virus, vi khuẩn gây bệnh.
Trên thực tế, các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đã nhiều lần tiếp nhận trẻ bị viêm cơ tim thể tối cấp. Triệu chứng ban đầu như cảm sốt thông thường nhưng nhanh chóng trụy tim mạch, rối loạn nhịp, suy tim cấp. Trẻ được cứu sống nhờ kịp thời can thiệp ECMO. Trước khi có ECMO, trẻ bị viêm cơ tim tối cấp hầu như tử vong.
ECMO 'di động' cứu bệnh nhân ngưng tim, ngưng tuần hoàn
Tận dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) trong cấp cứu bệnh nhân ngưng tim, ngưng tuần hoàn, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đã và đang dịch chuyển dần hệ thống ECMO ra ngoài phạm vi khu vực hồi sức tích cực và cả ngoại viện, để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân ngưng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân.
ECMO (trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể, hay còn gọi là tim phổi nhân tạo) là phương pháp y khoa kỹ thuật cao hỗ trợ sự tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi đều đột ngột ngưng hoạt động (do nhiễm vi rút, bệnh lý...). Kỹ thuật ECMO có thể thay thế tim hoặc phổi hoạt động trong một thời gian ngắn để duy trì sự sống của não bộ, hệ thần kinh, trong khi chờ tim, phổi được cấp cứu, điều trị để có thể hoạt động trở lại. Hiện tại, ECMO "di động" của Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, bao gồm đội ngũ nhân lực 24/7 và máy ECMO lưu động, đã tăng cơ hội cứu sống những bệnh nhân (BN) ngưng tim, ngưng tuần hoàn, giành giật thời gian cấp cứu BN ngay cả khi BN chưa được đưa về đến BV...
Mới đây, đường dây nóng của BV Đà Nẵng nhận thông tin BN H.T.T (45 tuổi, quê Quảng Nam) chuyển đến trong tình trạng được nhồi ép tim liên tục, do ngưng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân, nghi do viêm cơ tim, tổn thương đa phủ tạng với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, ê kíp bác sĩ (BS) sẵn sàng thực hiện kỹ thuật ECMO tại khu vực cấp cứu cho BN.
Với ECMO "di động", bệnh nhân được trao đổi ô xy màng ngoài cơ thể cho đến khi về đến Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh D.X
Suốt hơn 1 tháng, BN được điều trị tích cực bằng thuốc an thần, thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục... trong tình trạng phức tạp, nhiều biến chứng, rối loạn đông máu nặng, tổn thương đa cơ quan với nhiều nguy cơ tử vong. Hiện tại, BN đã được cứu sống và hồi phục ngoạn mục mà không có di chứng kèm theo.
Trong thời gian tới, BV Đà Nẵng sẽ tăng cường thực hiện kỹ thuật ECMO ngoài BV và tại những BV lân cận trong các trường hợp khẩn cấp.
BS Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng
BS Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết trường hợp BN T. là ca bệnh đặc biệt được cứu sống, như một kỳ tích đối với người bệnh cũng như những BS tham gia điều trị. "Bình thường kỹ thuật ECMO được tiến hành tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, tình trạng rất khẩn cấp, bắt buộc phải di chuyển cả ê kíp ECMO "di động" đến khu vực cấp cứu, kịp thời giữ lại sự sống cho BN", BS Bình nói. "Trong thời gian tới, BV Đà Nẵng sẽ tăng cường thực hiện kỹ thuật ECMO ngoài BV và tại những BV lân cận trong các trường hợp khẩn cấp", BS Bình nhấn mạnh.
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết ê kíp ECMO "di động" sẽ ngay lập tức lên đường tiếp cận BN khi có tín hiệu "cấp cứu" từ mạng lưới cấp cứu tuyến dưới. Trên xe cấp cứu có ê kíp ECMO "di động" trang bị đầy đủ hệ thống máy thở di động, phương tiện hồi sinh tim phổi, tạo nhịp tạm thời qua da, ê kíp phẫu thuật và chạy máy ECMO ngay trên xe.
Ngay khi BN lên xe sẽ được các BS thiết lập đường truyền mạch máu, kết nối thực hiện ECMO tại chỗ. Theo BS Nhân, nỗ lực này duy trì khi chuyển BN về BV vẫn duy trì được tuần hoàn, đủ thời gian để cứu sống BN, giảm thấp nhất tình trạng chết não, suy giảm các tế bào não, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng và đảm bảo chất lượng cuộc sống của BN về sau...
Dấu hiệu nhiễm độc thần kinh ở trẻ mắc tay chân miệng Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), số trẻ mắc bệnh tay chân miệng được gia đình đưa đến khám gia tăng trong các tuần gần đây. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận 776 trường hợp mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó). Trong số...