Bé gái mù lòa sau cơn bệnh cúm
Jade DeLucia 4 tuổi, ở Iowa, mắc bệnh cúm vào Giáng sinh phải nằm viện suốt hai tuần và về nhà với đôi mắt mù lòa.
Ca bệnh được Bệnh viện Nhi đồng Đại học Iowa Stead báo cáo ngày 10/1. Trước đó một ngày, Jade được xuất viện. Gia đình em quyết định chia sẻ câu chuyện với hy vọng kêu gọi các phụ huynh tiêm vắcxin đầy đủ cho con em mình.
Jade DeLucia và mẹ. Ảnh: Amanda Phillips
Mỗi năm, tại Mỹ có tới hàng chục trẻ em tử vong và hàng nghìn trường hợp nhập viện vì cúm mùa, hầu hết không được tiêm vắcxin phòng bệnh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Nhiều em hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mắc bệnh cúm.
Jade là một trong số đó.
Tháng 12/2019, mẹ của Jade, Amanda Phillips phát hiện con gái có biểu hiện bất thường. Vài ngày sau, cô bé sốt nhẹ, uống thuốc. Cơn sốt nhanh chóng chấm dứt, Jade có thể chạy nhảy và ăn uống trở lại. Gia đình cho rằng tình hình không đáng lo.
Sáng 24/12, Jade sốt cao, lên cơn co giật. Gia đình đưa bé tới phòng cấp cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đại học Iowa Stead bằng trực thăng.
Bác sĩ chẩn đoán não của cô bé bị hoại tử cấp, một biến chứng nghiêm trọng sau khi cúm, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Nếu may mắn sống sót, tỷ lệ tàn tật 15%. Jade có nguy cơ phải sống thực vật cả đời.
Cô bé hôn mê sâu nhiều ngày sau đó, phải tiêm steroid để làm dịu chứng phù não.
Gia đình chưa từng từ bỏ hy vọng và niềm tin vào con gái mình. May mắn đã mỉm cười với bé gái 4 tuổi. Ngày 1/1, đúng dịp năm mới, em tỉnh lại. Song, biến chứng của căn bệnh đã khiến em bị mù.
Bác sĩ cho biết nhãn cầu của em hoàn toàn bình thường, nhưng phần não bị tổn thương đã ảnh hưởng đến thị giác. Hiện, bệnh viện chưa thể xác nhận khả năng hồi phục của Jade. Em cần được theo dõi y tế trong khoảng 3 đến 6 tháng.
Video đang HOT
Jade xuất viện vào ngày 9/1. Ảnh: Amanda Phillips
Jade cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về nhận thức hoặc phát triển như khuyết tật học tập (learning disabilities), một dạng rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng năng lực đọc, viết và làm toán.
Bác sĩ cho biết sức khỏe của bé đang có những tiến triển đáng kinh ngạc. Ngày 5/1, em có thể ngồi dậy, hô hấp bình thường không sử dụng ống thở và cất tiếng “Chào mẹ”.
“Thật may mắn là cô bé còn sống”, Tiến sĩ Theresa Czech, bác sĩ của Jade xúc động.
Một trong những điều đầu tiên Jade làm khi trở về nhà đó là chạm vào mặt em gái, kéo cô bé vào lòng và bật khóc.
Bệnh cúm hoành hành tại Mỹ từ cuối năm 2019, sớm hơn hai tháng so với bình thường. Phổ biến nhất là cúm B, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Đến ngày 11/1, Mỹ ghi nhận có 32 trẻ tử vong vì bệnh cúm mùa, 21 trong số đó mắc cúm B.
Tiêm vắcxin có khả năng ngăn ngừa 40-60% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Adam Ratner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Langone Đại học New York, nhiều cha mẹ bỏ qua việc tiêm chủng cho con em mình vì nghĩ rằng bệnh cúm không đáng lo.
Thục Linh
Theo CNN/VNE
3 sai lầm khi bị cúm khiến bệnh càng thêm nặng
Đa số mọi người cho rằng bệnh cúm là bệnh phổ biến nên rất dễ chữa khỏi. Không ít người chữa bệnh cảm cúm sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Nhiều người mắc sai lầm khi bị cúm khiến bệnh càng thêm nặng. Hình minh họa.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa Đông - Xuân.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, không ít người có những quan niệm chữa bệnh cảm cúm sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng dưới đây là các sai lầm khi điều trị cúm mà người dân thường mắc phải.
Bệnh cúm tự khỏi
Cảm cúm được coi là một trong những bệnh thông thường. Mỗi năm, người trưởng thành đều có thể bị cảm cúm 2-4 lần với những biểu hiện thông thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể. Cũng từ suy nghĩ cho rằng đây là bệnh thông thường mà nhiều người để bệnh tự khỏi, không cần uống thuốc hay đi khám.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo các bác sĩ, khi người bị cảm cúm có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể... kéo dài, cần phải uống thuốc và điều trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là đối với hệ thống tim mạch như gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hô hấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, tai mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang , viêm họng...
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn với một số đối tượng như trẻ nhỏ, sức đề kháng kém.
Tự ý truyền nước
Nhiều người mới bị cảm cúm đã nghĩ ngay truyền nước để có thể nhanh khỏi. Tuy nhiên việc tự ý truyền nước mà không theo khám, xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ hoàn toàn có thể dẫn đến đe dọa tính mạng.
Không phải thời điểm nào truyền nước biển vào cơ thể cũng tốt. Nó sẽ có tác dụng trong một số trường hợp bệnh nhân bị sốt, mất nước... nhưng đều phải dưới sự theo dõi và quyết định của bác sĩ khám, điều trị khi đã xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.
Nếu tự ý truyền nước một cách bừa bãi, truyền quá liều, truyền với tốc độ nhanh (tốc độ chảy của nước vào cơ thể) có thể gây ra dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải, phù phổi, sưng tim, tình trạng nghiêm trọng sẽ nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí còn gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng người bệnh chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp, người bệnh không thể ăn, uống được. Còn trong trường hợp người bệnh bị cảm cúm, cơ thể mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì nên bù nước qua đường uống sẽ tốt hơn.
Tự ý dùng thuốc để điều trị
Chuyên gia khuyến cáo không thể sử dụng tùy tiện Tamiflu để điều trị cúm.
Về việc nhiều người săn lùng Tamiflu để dự phòng hoặc tự điều trị cúm, PGS Dũng cho rằng thuốc này không thể sử dụng tùy tiện. Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc chỉ được chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tamiflu là thuốc có thành phần hóa học, người không cúm uống vào sẽ gặp những tác dụng phụ không mong muốn như: buồn nôn, buồn nôn, ảnh hưởng thần kinh.
"Nếu dùng nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc. Ví dụ một người dù không cúm vẫn uống Tamiflu có thể 2,3 năm nữa họ an toàn, nhưng tới năm thứ 4,5 virus cúm lại quay lại khiến người này bị nhiễm bệnh. Lúc đó, virus có khả năng kháng thuốc, uống Tamiflu cũng chẳng còn tác dụng gì", PGS Dũng khuyến cáo.
Một loại thuốc khác hay bị sử dụng tùy tiện khi điều trị cúm là kháng sinh. Nếu chăm sóc tốt, không bội nhiễm thêm vi khuẩn thì không phải sử dụng kháng sinh. "Về bản chất, thuốc kháng sinh không có tác dụng với các virus gây bệnh cúm. Ngoài ra, nó còn gây nguy cơ gây ra tình trạng kháng kháng sinh", PGS Dũng cho hay.
Đặc biệt khi người bệnh bị cúm, sốt chỉ nên dùng Paracetamol khi nhiệt độ trên 38,5 độ C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt. Điều quan trọng là phải đảm bảo cân bằng nước điện giải và chế độ dinh dưỡng hợp lý để người bệnh tăng cường sức khỏe, nhanh hồi phục.
T.H
Theo Đời sống Plus/GĐVN
7 cách nhanh chóng "đánh bại" bệnh cúm mùa Hàng năm, bắt đầu từ tháng 9 là mùa xuất hiện bệnh cúm nhiều nhất. Những cách sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa và đánh bại bệnh cúm một cách nhanh chóng và hiệu quả, bảo vệ sức khỏe. Tiêm phòng và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý là những cách phòng bệnh cúm hiệu quả. (Ảnh minh họa)....