Bé gái 13 tuổi phải cắt bỏ chân vì nhờ thầy lang vườn trị rắn cắn
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bé bị rắn độc cắn và tiến hành điều trị nhưng người nhà xin về. Nghe hàng xóm mách, cha bé đã chở con mình đến thầy lang vườn tại địa phương để điều trị bằng cách cắt lể, hút máu ở cả hai chân.
Bé gái phải đoạn chi vì rắn cắn
Theo lời kể của gia đình, vào ngày 6/10, bé L.M.U, 13 tuổi (dân tộc Ê đê), ngụ tại Phú Yên đi cắt cỏ ngoài đồng, bị động vật, (nhưng không xác định được con gì) cắn ở gối trái, sau đó bị sưng, đau nhiều nên gia đình đưa bé đến bệnh viện Tuy Hòa.
Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị rắn độc cắn và tiến hành điều trị nhưng người nhà xin về. Nghe hàng xóm mách, cha bé đã chở con mình đến thầy lang vườn tại địa phương để điều trị bằng cách cắt, lễ, hút máu ở cả hai chân. Tuy nhiên, sau vài ngày, vết thương ở chân trái không những không thuyên giảm mà chân phải cũng bị sưng to, gây đau đớn cho bệnh nhân. Lúc này, người nhà mới hoảng hốt đưa con gái trở lại bệnh viện Tuy Hòa và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM do cả hai chân của bệnh nhân đã bị nhiễm trùng rất nặng.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, vì tình trạng nhiễm trùng hoại tử cẳng bàn chân phải quá nặng, các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ phần chân dưới. Chân trái cũng được các bác sĩ cắt lọc và hút dịch 3 lần những chỗ hoại tử nặng nhưng khả năng phải đoạn chi là rất cao.
BS.CK1. Ngô Hồng Phúc – Khoa Bỏng Chỉnh trực khuyến cáo, khi trẻ bị động vật cắn, phụ huynh nên lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tuyệt đối không đưa bệnh nhân đến những điểm điều trị tự phát bằng cách cắt lễ, cho uống sản phẩm không rõ công dụng, nguồn gốc… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
YẾN NHI
Theo Tiền phong
Bảo tồn chân trái bị ung thư phá hủy của nữ sinh 16 tuổi
Nữ sinh Lương T.T.U. (16 tuổi, Lạng Sơn) bị đau đầu gối trái âm ỉ đã 5 tháng nay, nhưng em không được gia đình đưa đi khám bệnh mà cho sử dụng thuốc giảm đau. Em U. chỉ được gia đình đưa đi khám khi bệnh đã chuyển nặng, khiến em suýt bị cắt cụt chân trái và phải chịu cảnh tàn phế.
Video đang HOT
Ung thư "ăn mòn" xương đùi trái
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K.
Lương T.T.U. được chuyển từ một bệnh viện huyện ở Lạng Sơn tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám vào một ngày đầu tháng 10. Khi ấy, chân của em đau dữ dội cả ngày và đêm, các bác sĩ ở tuyến huyện phát hiện em có một khối u bất thường ở đầu dưới xương đùi trái nhưng không thể xử lý.
Người thân của nữ sinh U. cho biết, những cơn đau ở chân trái của em U. đã xuất hiện từ 5 tháng trước.
Ban đầu, em bị đau âm ỉ vùng quanh đầu gối trái và không cảm thấy đỡ đau khi vận động và nghỉ ngơi. Chân của em chỉ sưng nhẹ, không biến dạng. Em cũng không bị sốt, không sút cân, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, gia đình nghĩ em chỉ bị đau nhẹ nên cho em uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cơn đau không hề thuyên giảm mà ngược lại càng trầm trọng hơn.
Tại Hà Nội, em U. được bác sĩ Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội - trực tiếp thăm khám và phát hiện ở đầu gối của nữ sinh có một khối bất thường khiến em không thể cử động. Bên cạnh đó, cơn đau đã lan xuống cả bàn chân, em U. đi lại rất khó khăn.
Sau khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện khối u ở đầu dưới xương đùi, ác tính. Khối u đã "ăn mòn" hết khớp đầu gối trái, phá hủy toàn bộ phần lồi cầu xương đùi gồm vỏ xương đùi trái, thành sau vỏ xương đùi và xâm lấn vỏ xương, diện khớp đùi trái, lan sang cả một phần dây chằng ở hai bên đầu gối.
Không thể để bệnh nhân tàn phế
Nữ sinh U. đứng, tập đi lại sau khi được phẫu thuật.
Vì tình trạng bệnh của em U. phức tạp, nguy hiểm, nên nhóm bác sĩ đứng trước lựa chọn khó khăn: Cắt cụt hay điều trị bảo tồn chân trái của em. Nếu quyết định cắt cụt chi thể để tiêu diệt toàn bộ khối u ác tính, thì em U. sẽ vĩnh viễn mất đi chân trái, mất chức năng chân, không thể đi lại và mất đi sự duyên dáng của một người con gái mới lớn, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và tương lai của em.
Tuy nhiên, nếu điều trị bảo tồn cho nữ sinh U, thì các bác sĩ gặp thách thức rất lớn: Họ phải vừa đảm bảo loại bỏ hoàn toàn khối u, vừa phải tạo hình lại khớp cho nữ sinh này và tính toán ghép xương để tránh khiến cho đôi chân của nữ sinh bị lệch vì xương của em còn đang phát triển.
Cuối cùng, các bác sĩ lựa chọn phương án thứ hai, thực hiện phẫu thuật cắt khối u và phần mềm rộng rãi, thay khớp gối nhân tạo chuôi dài và bù khoảng mất xương bằng module kim loại có thể thay đổi kích thước khi xương phát triển.
Bác sĩ Trần Trung Dũng cho biết: "Ở Việt Nam và trên thế giới, bệnh nhân dưới 20 tuổi hiếm khi phải thay khớp gối. Chỉ định thay khớp gối ở các bệnh nhân trẻ cũng rất nghiêm ngặt. Song, đây là phương án điều trị tốt nhất cho nữ sinh này để giữ chức năng và tránh tàn tật suốt đời".
Ca phẫu thuật khó khăn
Tình trạng chân của bệnh nhân U. trước và sau khi phẫu thuật.
Ca mổ được thực hiện tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Để chữa khỏi chân cho em U, các bác sĩ đã làm việc căng thẳng, cố gắng loại bỏ hoàn toàn khối u mà không gây tổn thương tới các cơ quan còn lành lặn khác khu vực đầu gối, kiểm soát, loại bỏ hết nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cho nữ sinh.
Bác sĩ Hoàng Tuấn Anh - Đơn vị Phẫu thuật ung thư xương và phần mềm, Bệnh viện K - cho biết: "Khối u thực sự phức tạp khiến cho việc bóc tách khối u xương rất khó khăn".
Bác sĩ Phạm Sơn Tùng - Đơn nguyên Phẫu thuật khớp gối và cổ chân, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chia sẻ, vì khối u ăn vào xương và phần mềm phía sau, nên thách thức lớn nhất đối với các bác sĩ là phải bóc tách khối u thật tốt. Chỉ cần sơ sẩy một chút, phẫu thuật viên có thể cắt vào mạch hoặc dây thần kinh, sau đó phải nối mạch khiến cho ca mổ kéo dài thêm nhiều tiếng đồng hồ.
Bên cạnh đó, nếu bất cẩn làm cho khối u bị vỡ, ung thư sẽ lan ra các tế bào xung quanh, gây thêm bệnh cho bệnh nhân; nếu các bác sĩ bất cẩn khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị chấn thương thêm phần mềm ở đùi.
"Đây là hai nguy cơ lớn nhất bắt buộc kíp mổ phải bóc tách khối u còn nguyên vẹn" - Bác sĩ Phạm Sơn Tùng nói.
Bên cạnh đó, việc thay khớp buộc các bác sĩ phải sử dụng xi măng để nối liền xương và khớp nhân tạo.
Bác sĩ Phạm Sơn Tùng chia sẻ, xi măng này có thể làm tắc mạch dẫn đến phổi, gây tổn thương phổi và có nguy cơ tai biến mạch máu não hoặc tim.
May mắn khối u ít xâm lấn vào dây chằng đầu gối, không ăn mòn tới mạch máu của em U, cùng với kinh nghiệm và sự khéo léo của kíp bác sĩ phẫu thuật, khiến cho ca mổ có tỷ lệ thành công cao hơn.
Chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, các yếu tố nguy cơ, biến chứng đã được kiểm soát, nữ sinh chỉ mất khoảng 500ml máu.
"Có thể nói đây là ca mổ thành công hơn cả mong đợi của ekip phẫu thuật" - Bác sĩ Phạm Sơn Tùng cho biết.
Hôm nay (25/11), sau khi điều trị hơn 10 ngày, em U. đã được ra viện, điều trị ngoại trú. Sức khỏe của em hồi phục rất tốt, vết mổ khô, em U. đã có thể đứng và đi lại được. Nữ sinh này sẽ phải tập phục hồi chức năng để có thể hoạt động khớp gối bình thường và tiếp tục điều trị hóa chất định kỳ.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình không nên coi thường những cơn đau của con mình. Việc tự động uống thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, có thể dẫn tới nhiều hệ quả khôn lường. Do đó, khi thấy trẻ bị đau ở một bộ phận nào đó dài ngày, gia đình phải đưa đến các cơ sở y tế tin cậy để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo viettimes
"3 đúng" trong điều trị bệnh lý tai mũi họng trẻ em Tai mũi họng ở trẻ em luôn là vấn đề được các bố mẹ quan tâm hàng đầu vì tính chất dễ nhiễm nhưng lại khó trị dứt điểm. Vào thời điểm giao mùa, bệnh lý tai mũi họng thường có xu hướng bùng phát và sau đó dễ tái đi tái lại nhiều lần. Để "chiến đấu" với bệnh lý Tai mũi...