Bè cá bị lũ đánh bay lên bờ, dân mất tiền tỷ
Người dân nuôi cá ven sông Gianh (Quảng Bình) bỗng rơi vào cảnh trắng tay, khi trong nhà tài sản bị hư hại, ngoài bè cá chết nổi trắng.
Cơn lũ lịch sử ập về miền Trung hôm 14/10 khiến nhiều nơi ở Quảng Bình và Hà Tĩnh ngập sâu. Dòng sông Gianh lớn nhất Quảng Bình đỏ màu phù sa. Người dân địa phương cho biết, có nhà bị nước ập vào ngập đến 4 m.
Người dân Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) ở giữa con sông Gianh chịu thiệt hại nặng nề khi hầu hết các bè nuôi cá đều chết. Con đường dẫn về Cồn Sẻ, bè cá của ông Phạm Sơn (55 tuổi) bị nước lũ đẩy hẳn lên bờ.
“Tôi nuôi hơn 4.000 cá chẽm, giờ cá chết hết, chỉ kịp vớt 1.500 con bán được 30 triệu đồng. Lũ về, tôi mất hơn 300 triệu”, ông Sơn buồn bã nói khi cột lại mỏ neo của bè cá vừa bị thiên tai “nhấc” lên bờ.
Chỉ riêng Cồn Sẻ đã có hơn 150 lồng cá chẽm trên sông Gianh, có nhà nuôi đến 15 lồng, giờ cá đều chết trắng. “Có lồng cá giá trị 400 triệu, giờ chỉ bán được 40 triệu”, bà Nguyễn Thị Hương (xã Quảng Lộc) nói. Ước tính số tiền người dân Cồn Sẻ bị mất do cá chết lên đến hàng tỷ đồng.
Nhiều lồng cá chết nổi trắng bụng, vớt không xuể. Theo người dân, có nhiều nguyên nhân khiến cá chết như do thay đổi môi trường sống đột ngột, nước lũ về chảy siết khiến cá bị va đập vào lồng, ít oxy do phù sa nhiều.
Video đang HOT
Cá chẽm từ lớn đến nhỏ đều bị chết. Trong số những con cá chết được vớt lên, có con nặng tầm 3 đến 4kg.
Những con cá mới chết hoặc đuối sức được những hộ nuôi cá lồng vớt lên thuyền, chèo vào bờ bán.
“Cá nhiều con cũng đến độ thu hoạch rồi. Nhưng cá chết bán rẻ như cho, công sức, tiền của dân nghèo theo dòng nước lũ hết”, người đàn ông này chia sẻ.
Nhiều chủ vựa đã đánh ôtô đến ven sông Gianh để thu mua. Cá được bỏ sẵn vào các giỏ để đưa lên bờ bán.
Cạnh con sông Gianh, nhiều loại rác thải cũng dạt vào bờ. Nhiều hộ nuôi cá cho biết đã mất hết vốn liếng khi hàng tấn cá chẽm chết, nên chưa tính đến chuyện nuôi lại.
Nhiều người dân ở Cồn Sẻ nhận làm thuê cho các chủ xe thu mua cá để kiếm thêm thu nhập. “Lũ lên cao, nhà tôi lợn, gà đều chết hết. Khổ quá!”, bà Hương than.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Điều trực thăng cứu 4 thuyền viên trên tàu hàng mắc cạn
Bị mắc cạn ở cửa biển Gianh (Quảng Bình), tàu lại không có thuyền hay phao cứu sinh, 4 thuyền viên trên tàu hàng sáng nay sẽ được trực thăng ra cứu.
Trực thăng được điều để cứu 4 thuyền viên trên tàu hàng mắc cạn ngay cửa biển. Ảnh: V.Th
Đêm 15/10, Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng cùng đoàn làm việc có chuyến kiểm tra tình hình lũ lụt tại Quảng Bình. Theo báo cáo từ địa phương, tại cảng Gianh có 2 tàu hàng chở clinke bị chìm khiến 5 thuyền viên mất tích, một chiếc khác mắc cạn cách bờ 250 m với 4 thuyền viên trên tàu.
"Do dòng chảy mạnh nên các lực lượng dùng nhiều giải pháp quăng dây, điều tàu vào tiếp cận tàu mắc cạn, nhưng đều không được. Trên tàu không có phao cứu sinh, không có thuyền", Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thông tin.
Trong đêm, ngành giao thông điều tàu cứu hộ đến để cắm mốc cảnh báo vị trí 2 tàu bị chìm nhằm tránh tai nạn. Phương án cứu hộ 4 thuyền viên được đưa ra là dùng tàu đi ngược dòng nước, thả phao có dây để các thuyền viên bám vào rồi kéo vào bờ.
"Đến 10h ngày 16/10 mà không cứu được các thuyền viên sẽ điều trực thăng", Thứ trưởng Thọ nói.
Mưa lũ khiến 57.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập. Ảnh: Hoàng Táo
Phó thủ tướng đã giao Bộ Giao thông phối hợp Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia lên phương án khả thi để cứu hộ để cứu hộ 4 thuyền viên. "Nếu cần thiết điều ngay trực thăng", ông Dũng nói.
Nhằm khắc phục hậu quả lũ lụt, Phó thủ tướng đề nghị huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời gia đình có người chết, người bị thương. Tỉnh Quảng Bình cần cứu trợ gia đình khó khăn, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
"Ngay khi lũ rút, tỉnh phải khắc phục nhanh hậu quả, đảm bảo vệ sinh, không để dịch bệnh, thiếu nước sinh hoạt, khôi phục sản xuất", Phó thủ tướng chỉ đạo và lưu ý tỉnh Quảng Bình, các ngành theo dõi sát thời tiết, chủ động ứng phó với cơn bão mới chuẩn bị vào biển Đông.
Quảng Bình đón nhận trận mưa 700-1.000 mm trong 3 ngày qua, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ chủ động phòng tránh nên tỉnh đã giảm nhiều thiệt hại về người và tải sản. Đến nay có 9 người chết (trong đó 2 em nhỏ), 10 người mất tích, chủ yếu do tàu ngư dân trôi ra biển, 57.000 hộ dân bị ngập.
Về giao thông, 190 km đường sắt với 25 điểm sạt lở và 30 ga dọc tuyến qua Quảng Bình bị ảnh hưởng, khiến 1.200 hành khách đi tàu bị ách tắc. Ngành đường sắt đã trung chuyển 1.000 hành khách.
Quân đội Quảng Bình giúp giải tỏa 132 hành khách đường sắt bị mắc kẹt tại ga Lệ Sơn vào sáng 15/10. Ảnh: Hoàng Táo
Thứ trưởng Thọ cho hay đến tối 15/10 ngành đã khắc phục được 100 km đường sắt, còn 90 km đang nỗ lực khôi phục để thông tuyến sớm nhất. Ngoài ra, quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đã thông tuyến trở lại.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Trong 24 giờ, tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) lên tới 747 mm. Chiều và đêm qua, mưa ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An giảm.
Trong chuyến thị sát Quảng Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thăm hỏi gia đình nạn nhân Lê Văn Thanh (49 tuổi, trú xã Lý Trạch, Bố Trạch) bị sét đánh chết trong lúc chăn vịt.
Hoàng Táo
Theo VNE
Ray đường sắt treo lơ lửng vì xói nền Nước lũ chảy xiết qua Quảng Bình cuốn trôi nền đường sắt, có điểm ray treo lơ lửng 1,6 m. Sau 3 ngày mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hoạt động của tuyến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bị giám đoạn từ chiều 14/10. Hơn 40 chuyến tàu phải dừng hoạt động, nằm chờ...