Bê bối trong trợ giá gạo ở Thái Lan (Bài 1): “Con dao hai lưỡi”
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan năm 2011, đảng Vì nước Thái do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo đã giành thắng lợi thuyết phục trước Đảng Dân chủ và bà Yingluck đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở xứ chùa Vàng.
Nông dân Thái trên những chiếc xe trong cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 20/2. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một trong những nhân tố làm nên chiến thắng của Vì nước Thái là cam kết giúp nông dân tăng thu nhập thông qua chương trình trợ giá gạo.
Tuy nhiên, bốn năm sau đó, chính chương trình này đang gây rắc rối cho bà Yingluck. Hôm 19/3, Tòa án Tối cao Thái Lan đã quyết định đưa ra xét xử vụ kiện hình sự đối với vị cựu Thủ tướng này với cáo buộc thiếu trách nhiệm, gây thất thoát trong chương trình trợ giá gạo.
Cam kết chính trị
Năm 2011, đảng Vì nước Thái – khi đó vẫn là đảng đối lập – của bà Yingluck đã tham gia cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan trong bối cảnh hết sức bất lợi. Tại thời điểm đó, nội bộ đảng Vì nước Thái vẫn còn rạn nứt sau cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch, trong khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck, Vì nước Thái đã giành thắng lợi đầy thuyết phục trước Đảng Dân chủ cầm quyền.
Chiến thắng này của Vì nước Thái xuất phát từ việc đảng này đã đưa ra hàng loạt cam kết có lợi cho nông dân, nhất là những người nông dân ở các khu vực Đông Bắc và Bắc Thái Lan, vốn có truyền thống ủng hộ gia đình Shinawatra.
Trong số các cam kết đó đáng chú ý, có cam kết thực hiện chương trình trợ giá gạo, với mức giá mua vào 15.000 baht/tấn, cao hơn 3.000 baht/tấn so với mức giá cam kết của Chính phủ do đảng Dân chủ lãnh đạo lúc đó và hơn 1.000 baht/tấn so với mức giá mà những người nông dân đòi hỏi.
Sau khi lên nắm quyền, bà Yingluck đã ngay lập tức thực hiện cam kết của mình. Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu triển khai chương trình trợ giá lúa gạo từ tháng 10/2011, với giá mua được cố định ở mức 15.000 baht/tấn, cao hơn khoảng 50% so với giá bán ở thị trường nội địa.
Chương trình này hướng tới hai mục tiêu: nâng cao thu nhập của nông dân bằng cách mua gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường và tăng giá nông sản này trên thị trường quốc tế bằng cách giảm lượng gạo xuất khẩu.
Video đang HOT
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, Chính phủ Thái đã chi hơn 337 tỷ baht, gồm hơn 118 tỷ baht cho vụ mùa đầu tiên và 218 tỷ baht cho vụ mùa thứ hai. Có khoảng gần 3,5 triệu hộ nông dân đã đăng ký tham gia chương trình.
Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia Thái Lan cho thấy chương trình đã giúp tăng thêm 184 tỷ baht thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần giúp từ 15 đến 18 triệu nông dân (khoảng 3,7 triệu hộ gia đình) giảm nghèo, với thu nhập trung bình mỗi hộ 4 người vào khoảng 24.795 baht.
“Gậy ông, đập lưng ông”
Khi tung ra chương trình trợ giá gạo, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng việc họ tích trữ nông sản này sẽ gây ra tình khan hiếm và giúp tăng giá gạo trên thị trường quốc tế, qua đó cải thiện thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên, chính sách này đã bị phá sản bởi vì, khi Thái Lan giảm lượng gạo xuất khẩu, các đối thủ cạnh tranh chủ chốt như Ấn Độ và Việt Nam đã ngay lập tức lấp khoảng trống mà nước này để lại.
Bên cạnh đó, việc trợ giá đã khiến giá lúa gạo xuất khẩu Thái Lan tăng vọt và làm giảm lợi thế cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế. Đây là những nguyên nhân khiến Thái Lan để mất vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ và Việt Nam trong các năm 2012 và 2013.
Mặt khác, tại thời điểm đó, tình hình thị trường nông sản cũng rất bất lợi cho chương trình trợ giá gạo của Thái Lan. Trên thị trường quốc tế, giá gạo liên tục giảm do tình trạng dư cung. Trong nửa đầu năm 2012, giá gạo xuất khẩu đã giảm tới 45,8%. Điều này đã khiến lượng gạo nằm trong kho dự trữ của Chính phủ liên tục tăng.
Có thời điểm, số gạo tồn kho thuộc chương trình trợ giá lên tới 18 triệu tấn, gần bằng sản lượng gạo cả năm của Thái Lan, khiến các kho dự trữ rơi vào tình trạng quá tải. Vấn đề là chi phí bảo quản số gạo tồn kho này rất tốn kém, trong khi gạo có thể bị hư hỏng cho dù có được bảo quản trong điều kiện lý tưởng.
Để giải phóng lượng gạo tồn kho trong chương trình này, ngoài việc bán cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã mở thêm nhiều kênh tiêu thụ mới như đấu giá tại Sở Giao dịch Hợp đồng Tương lai về Nông sản Thái Lan (AFET) hay xuất khẩu theo các thỏa thuận liên chính phủ.
Sau này, Thái Lan đã chấp nhận bán lỗ để “xả” kho dự trữ, khiến giá gạo xuất khẩu của nước này giảm mạnh. Chênh lệch giữa giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam dần thu hẹp. Chẳng hạn, vào cuối tháng 8/2013, chênh lệch giữa giá gạo RI-THBKN5-P1 5% tấm của Thái Lan và loại gạo tương đương của Việt Nam đã giảm còn khoảng 82,5 USD/tấn, giảm mạnh so với con số 180 USD/tấn hồi tháng 1/2013.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực đó của Chính phủ, lượng gạo tồn kho không hề giảm. Nguyên nhân là do Chính phủ Thái Lan đã ấn định mức giá mua vào quá cao so với giá xuất khẩu tại thời điểm đó. Điều này khiến cho nước này gặp khó khăn trong việc bán gạo mà họ đã mua theo chương trình trợ giá để thu hồi vốn, chứ chưa nói đến việc kiếm lời từ hoạt động này.
Trong bối cảnh đó, chính quyền của bà Yingluck đã phải đối mặt với bài toán hết sức hóc búa là tìm kiếm nguồn vốn để tài trợ cho chương trình. Từ giữa năm 2013 đến đầu năm 2014, họ đã loay hoay tìm đủ phương án để duy trì chương trình này như giảm giá thu mua gạo của nông dân, giới hạn khối lượng mua vào, vay vốn từ các tổ chức tín dụng và thậm chí là phát hành trái phiếu để huy động vốn tài trợ cho chương trình này.
Vào đầu năm 2014, phe đối lập liên tục tổ chức các cuộc biểu tình ở Bangkok, gây áp lực đòi bà Yingluck phải từ chức thủ tướng, trong khi cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn ngày 2/2/2014 không giúp Thái Lan thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị.
Trong khi đó, khủng hoảng chính trị đã khiến cho các nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn cho chương trình trợ giá gạo của chính quyền Yingluck rơi vào thế bế tắc, trong khi Chính phủ vẫn còn nợ tiền của các hộ nông dân tham gia chương trình này.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, đến cuối tháng 2/2014, Chính phủ vẫn nợ nông dân hơn 3,5 tỷ USD tiền mua gạo từ tháng 11/2013. Điều này đã gây ra sự bất bình trong nông dân – những người đã từng ủng hộ bà Yingluck trong cuộc bầu cử năm 2011.
Vào thời điểm đó, những cáo buộc về tình trạng tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo và ngân sách Nhà nước bị thâm thủng do chương trình này đã xuất hiện ngày càng nhiều. Theo các cáo buộc đó, cách thức tham nhũng là thống kê gian lận hay nhập lậu gạo từ các nước láng giềng để nâng tổng mức gạo cần trợ giá.
Dư luận còn đặt vấn đề về tính xác thực của các hợp đồng mua bán gạo liên chính phủ với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng Thái Lan đã tiến hành các cuộc điều tra về chương trình trợ giá. Kết quả điều tra đã xác nhận những nghi ngờ trên. Khi đó, Ủy ban chống Tham nhũng Quốc gia (NACC) đã tiến hành cuộc điều tra về vai trò của bà Yingluck, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia, đối với chương trình này.
Ngày 7/5/2014, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã quyết định cách chức bà Yingluck với lý do vi phạm hiến pháp và lạm quyền trong vụ điều chuyển công tác của một quan chức an ninh hồi năm 2011. Một ngày sau đó, NACC đã đề nghị truy tố bà Yingluck trong vụ án tham nhũng liên quan tới chương trình trợ giá gạo.
Hồi cuối tháng 12/2014, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định Chính phủ sẽ có hành động pháp lý đối với những người phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại từ chương trình trợ giá gạo. Theo ông Prayut, cho dù 17 triệu tấn gạo trong các kho dự trữ của Chính phủ được bán hết, số tiền thiệt hại từ chương trình trên có thể sẽ lên tới 680 tỷ baht.
Vào tháng 1/2015, bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm sau khi một đạo luật được quân đội hậu thuẫn cho thấy cựu Thủ tướng này đã phạm tội tham nhũng liên quan tới chương trình trợ giá gạo.
Vào tháng 2, công tố viên đã gửi hồ sơ khởi tố hình sự bà Yingluck. Và mới đây nhất, hôm 19/3, Tòa án Tối cao Thái Lan đã chấp nhận vụ kiện hình sự chống lại bà Yingluck. Theo dự kiến, phiên tòa xét xử đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 19/5 tới. Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm.
Trước đó, theo đề xuất của NACC, Văn phòng Tổng Chưởng lý đã truy tố ông Boonsong Teriyapirom, cựu Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền của bà Yingluck, và 20 cựu quan chức khác với cáo buộc âm mưu làm giả các thỏa thuận mua bán gạo liên chính phủ, lạm quyền và hỗ trợ cho việc lạm quyền, và tham nhũng.
Như vậy, từ chỗ đóng vai trò như một công cụ chính trị giúp Vì nước Thái giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011 và đưa bà Yingluck lên chiếc ghế thủ tướng, đến nay, chương trình trợ giá gạo đang khiến cựu Thủ tướng này phải đối mặt với vụ kiện hình sự./.
Theo Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam )
Philippines: Khẩn trương cứu trợ vùng thảm họa do bão Hagupit gây ra
Tại nhiều khu vực sau khi bão đi qua là cảnh hoang tàn đổ nát. Hơn 1,7 triệu người đang phải sống trong các lều trại.
Ngày 9/12, Chính phủ Philippines cho biết, Hội chữ thập Đỏ đã sẵn sàng gửi những chuyến hàng cứu trợ tới các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão Hagupit.
Bão Hagupit là một trong những cơn bão mạnh với sức gió của một siêu bão đã tấn công vùng Đông Bắc, miền Trung Philippines và phía Nam đảo Lubang, cướp đi sinh mạng của 22 người, ảnh hưởng 2,2 triệu người và tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tại nơi này. Tại nhiều khu vực sau khi bão đi qua là cảnh hoang tàn đổ nát. Hơn 1,7 triệu người đang phải sống trong các lều trại. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người khác tại các vùng xa xôi hẻo lánh ở miền Trung Philippines đang bị cô lập bởi nước lũ.
Hình ảnh người dân Philippines đi sơ tán do bão Hagupit - (ảnh: Reuters)
Hội chữ thập đỏ Philippines cho biết nguồn cứu trợ đủ cung cấp cho 2 triệu người. Hiện nhân viên các cơ quan phúc lợi xã hội, các tình nguyện viên đang hoàn tất việc đóng gói lương thực thực phẩm, thuốc men, nước sạch để sớm phân bổ tới những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giám đốc Văn phòng ứng phó thiên tai Philippines - Thelsa Biolena cho biết: "Nguồn cung hàng hóa cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đủ dùng trong 2-3 ngày. Nếu cần nguồn tài trợ thêm, Bộ Phúc lợi và Phát triển xã hội sẽ hỗ trợ chúng tôi. Bởi vì ngoài các trung tâm cứu trợ chính ở thủ đô, chúng tôi luôn có những văn phòng cứu trợ ở các địa phương nhằm cung cấp kịp thời cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão".
Tuy nhiên, Hội chữ thập đỏ Philippines lo ngại việc tiếp cận nhiều vùng trũng ở miền Trung nước này đang gặp khó khăn bởi nguy cơ lở đất và nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng. Các nhân viên cứu trợ cho biết sẽ dành ưu tiên tiên cho những làng chài ven biển trên đảo Samar, nơi bão đổ bộ đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cùng với đó, quân đội Philippines đang được huy động để dọn dẹp và mở đường cho các hoạt động cứu trợ. Quân đội nước này đang sử dụng tối đa hai máy bay C-130 để vận chuyển hàng cứu trợ tới các vùng khó tiếp cận nhất. Mặc dù bão Hagupit đã gây thiệt hại về người và của nhưng do việc phòng chống tốt nên Philippines đã hạn chế được phần lớn sức hủy diệt của cơn bão này./.
Theo_VOV
Kê khai tài sản, Thủ tướng Thái Lan là triệu phú Việc kê khai tài sản cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha là một triệu phú, với số tài sản trị giá 128, 6 triệu bath (tiền Thái Lan, tương đương 3,9 triệu USD) và có khoản nợ 654.745 bath (20.000 USD). Thủ tướng triệu phú Prayuth Theo luật kê khai tài sản, tài sản của vợ và con dưới 21 tuổi...