Bé 5 tuổi tự tử nghi do học theo Youtube: Đừng để “sự đã rồi”
Mới đây, một bé 5 tuổi tự tử ở TP Hồ Chí Minh vì nghi học theo trò treo cổ khi xem Youtube khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Hiểm hoạ từ những video “độc”
Bé gái tên là V.T.D., 5 tuổi. Theo gia đình, vào thời điểm xảy ra sự việc, D. vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng.
Tò mò, bé D. đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.
Được biết đây không phải trường hợp hi hữu bởi từ trước đến nay, một số câu chuyện đau lòng đã xảy ra, liên quan đến trẻ tự tử do bắt chước hành động trên mạng Internet.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội), mạng Internet có nhiều hiểm hoạ.
Đặc biệt, nhiều kênh có video bạo lực, một số nội dung quảng cáo không phù hợp nội dung phim trẻ em.
Bé 5 tuổi tự tử ở TP Hồ Chí Minh vì nghi học theo trò treo cổ khi xem Youtube khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng.
Có nhiều hành vi nguy hiểm, dụ trẻ bắt chước cách thức tự gây hại cho bản thân đến những hướng dẫn tự tử.
Các em có thể vướng vào các mặt tối của thể giới ảo như: Bắt nạt, quấy rối trên mạng.
Đặc biệt, một số em có thể bắt chước tham gia các thách thức như ấn vào ngực cho nghẹt thở đến mức ngất xỉu hay thách thức tự đốt bản thân rồi dập lửa…
Bên cạnh đó, các video “thánh chửi” dạy chửi bậy, dạy ăn sống nuốt tươi, video dạy hút thuốc, dạy nhả khói thuốc điện tử…, là nguy cơ không nhỏ với giới trẻ.
“Thậm chí có nghiên cứu đã chỉ ra, những người xem Youtube sẽ hút thuốc lá điện tử và thuốc smokeless nhiều hơn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, rất nhiều quảng cáo rượu đã được chiếu cho các em trong tuổi vị thành niên, cung cấp những nội dung rất phản khoa học.
Chính vì những độc hại này, bản thân Youtube cũng phải thành lập một đội ngũ thực hiện nhiệm vụ lọc các video phản cảm, với mức lương đền bù độc hại nghề nghiệp khá cao.
Trong khi bố mẹ, gia đình lại không quan tâm đến việc để con mình tiếp xúc với các nội dung độc hại như thế nào”, PGS Thành Nam nói.
Chuyên gia này cũng phân tích rõ, giai đoạn từ 3-8 tuổi, vùng não trán trước của trẻ đang phát triển nên thiếu khả năng ức chế hành vi.
Trẻ có cảm giác không thể thất bại, có xu hướng muốn tự thực hiện mọi thứ để khám phá giới hạn của bản thân mình.
Video đang HOT
Các em khó phân biệt giữa thực và ảo nên sẽ bắt chước các hành vi nguy hiểm.
Ví dụ, xem ảo thuật nuốt dao lam có thể các em cũng sẽ tự bắt chước nuốt như thế. Xem phim thấy nhân vật siêu nhân bay được, cũng nghĩ mình có thể bay nên nhảy từ trên tầng cao xuống…
Môi trường Internet rất nhiều nguy cơ nhưng nhiều bố mẹ vẫn sẵn sàng đưa cho con điện thoại để rảnh tay làm việc khi con chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn.
“Thử thách Momo”, trào lưu hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân trên Internet bị nhiều người phản đối.
Kiểm duyệt video như duyệt… thực phẩm
Trong thế giới mở, không thể để trẻ tuyệt giao với công nghệ. Tuy nhiên, cha mẹ nên dành thời gian để cùng xem Youtube với con, kiểm soát thời gian xem.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trước hết nên thiết lập nguyên tắc chỉ cho phép xem Youtube ở những không gian mở, người lớn có thể quan sát thấy trẻ đang làm gì.
Giúp trẻ nhận diện những nội dung không phù hợp, động viên con báo cho cha mẹ biết, giải thích cho con hiểu tại sao những nội dung đó không tốt.
Ngoài kiểm soát thời gian dùng Internet, cha mẹ cần nói chuyện với con về những nguy cơ, những vấn đề mà trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt hơn nội dung video trên mạng xã hội.
“Khi Youtuber trở thành một nghề, cần được đào tạo để người dùng thực hành theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Nếu coi các nội dung sáng tạo trên Youtube là các món ăn tinh thần, cần có quy trình kiểm duyệt như kiểm duyệt thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn cho sức khỏe cộng đồng”, PGS Thành Nam cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, cùng với các giải pháp trên, cần có các chiến lược yêu cầu gắn nhãn nội dung video clip để khuyến cáo cha mẹ về các video nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến cáo về các nguy cơ có thể xảy ra khi xem.
Bản thân chương trình giáo dục hướng dẫn sử dụng mạng an toàn phải được dành thời lượng trong chương trình học tại trường.
Theo số liệu một nghiên cứu giai đoạn từ năm 2011 – 2017, số lượng trẻ từ 0-8 tuổi được sử dụng điện thoại thông minh ở nhà tăng từ 41% lên đến 95%.
Tỉ lệ sử dụng máy tính bảng ở nhà tăng từ 8% đến 78% và thậm chí có đến 42% trẻ trong độ tuổi này còn được bố mẹ cho sở hữu máy tính bảng.
Thời gian trung bình các em dành cho các thiết bị di động này tăng lên gấp 3 từ 5 phút năm 2011 đến 15 phút năm 2013 và 48 phút năm 2017.
Bảng thống kê nghiên cứu tỉ lệ trẻ em dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng từ năm 2011- 2017.
Các con số thống kê cũng cho thấy cứ mỗi phút trôi qua, người xem trung bình khoảng 4,5 triệu video clip trên Youtube.
Trong số khoảng 30 triệu trẻ em đang xem Youtube hàng ngày, có nhiều trẻ trong độ tuổi tiền học đường.
(PGS. TS Trần Thành Nam)
Từ vụ bé gái 5 tuổi treo cổ tự tử nghi do học theo YouTube: Hết "Cá voi xanh" rồi "Momo", từ khi nào internet lại trở nên nguy hiểm đến thế?
Các trào lưu, video với nội dung độc hại trên YouTube và internet nói chung có phải đang là những thứ không thể kiểm soát?
Như thông tin ghi nhận thời gian gần đây, đã có một sự việc thương tâm xảy ra ở TP.HCM. Đó là trường hợp một bé gái 5 tuổi đã tự treo cổ đến bất tỉnh vào ngày 12/10. Dù được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn. Cô bé tử vong vào lúc 18h10 phút cùng ngày.
Cô bé 5 tuổi tử vong, nghi do bắt chước YouTube
Đáng chú ý là theo chia sẻ của người thân trong gia đình nạn nhân, họ nghi ngờ hành động của cô bé dường như là vì học theo trò chơi treo cổ trong video nào đó trên YouTube, và đã có một lần từng treo cổ hụt.
Chưa rõ tính xác thực của thông tin này như thế nào, nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp trẻ em gặp nguy hiểm vì học theo YouTube. Tại Việt Nam, tháng 11/2019 đã có một cháu bé 7 tuổi tại TP.HCM học theo trò thắt cổ mà suýt tử vong, hay một trường hợp khác đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ cửa kính giống như các clip trên mạng.
Còn trên thế giới, đây cũng chẳng phải chuyện quá mới nữa, khi các nội dung trên YouTube và internet nói chung gây nguy hiểm cho trẻ em, thậm chí là cả thanh thiếu niên.
Thử thách "Cá voi xanh" và "Momo" - Những nội dung độc hại chết người
Cách đây 5 năm, cư dân mạng xôn xao về một trò chơi trên internet, với cái tên "Thử thách Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge).
Đây là một "trò chơi" được cho là bắt nguồn từ Nga. Người tham gia sẽ phải thực hiện một chuỗi thử thách trong 50 ngày, với độ khó tăng dần. Ban đầu chỉ là các nhiệm vụ đơn giản: ngủ ở một nơi được chỉ định, đi dạo buổi tối... dần dần đòi hỏi người chơi phải tự gây tổn thương như rạch tay, khắc hình cá voi lên tay. Và đến ngày 50, bạn cần phải tự tử - theo đúng nghĩa đen luôn, để được công nhận là người chiến thắng.
Minh họa về thử thách Cá voi xanh
Sự nguy hiểm của trò chơi này nằm ở chỗ nó nhắm đến đối tượng là các thiếu niên tuổi teen - độ tuổi vẫn chưa có được sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Chính vì chưa nhận thức đủ, họ dễ dàng bị những kẻ cầm đầu thao túng, dọa nạt, để rồi phải theo đuổi thử thách đến tận cùng và để lại những hậu quả thương tâm. Theo thống kê, các nạn nhân của "Cá voi xanh" xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Nga năm 2016, ít nhất đã có 130 thanh thiếu niên thiệt mạng vì thử thách này.
Qua thời gian, "Cá voi xanh" dần cũng lắng xuống. Nhưng rồi cách đây 2 năm, cư dân mạng lại một lần nữa xôn xao vì một trào lưu khác. Nó có tên là "Momo Challenge" - hay "Thử thách Momo".
Thời điểm ấy, các thông tin về "Momo Challenge" như sau: đây là một trào lưu cũng tương tự như "Cá voi xanh", và độ nguy hiểm cũng không kém cạnh. Nó xuất hiện lần đầu trên ứng dụng Whatsapp, từ một tài khoản lạ có hình ảnh là một bức tượng điêu khắc của Nhật có tên MotherBird. Đó là một bức tượng quái dị, với hình thù là một con chim mang đầu người, với khuôn mặt ghê rợn cùng một nụ cười ám ảnh đến kinh hoàng.
Hình tượng gây ám ảnh của Momo
Theo lời thách thức, người chơi sẽ phải nhắn tin với tài khoản này, sau đó sẽ bị dẫn dụ đến các video có nội dung hướng dẫn tự hủy hoại bản thân. Và khác với "Cá voi xanh", đối tượng của Momo lại nhắm đến trẻ em.
Sau khi gây xôn xao trong dư luận, các nhà điều tra đã vào cuộc và phát hiện ra một sự thật: cái gọi là "Thử thách Momo" thực chất chỉ là một trò bịp, một câu chuyện đính kèm hình ảnh ghê rợn được ai đó nghĩ ra để khiến cộng đồng hoang mang về sự an toàn của con trẻ khi sử dụng internet. Nhưng dẫu Momo có là trò bịp, thì đằng sau nó lại là một vấn đề đáng lo ngại hơn thế nữa. Đó là khi các nội dung xấu vẫn đang ẩn nấp trên những nền tảng mạng xã hội, đơn cử như YouTube và YouTube Kids.
Nội dung độc hại ẩn nấp ngay cả trong nền tảng video cho trẻ em
YouTube là một sân chơi khá rộng, đồng nghĩa với việc nội dung đăng tải ở đó sẽ khó kiểm soát hơn và dễ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Thấu hiểu điều này, YouTube đã đưa ra nền tảng YouTube Kids, với mong muốn tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người dùng nhỏ tuổi.
Nhưng thực tế thì họ có làm được không? Đã từng xuất hiện những video có nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát xuất hiện trên YouTube Kids, được nguỵ trang bằng các nhân vật hoạt hình bắt mắt, dù không phải Momo. Nó cho thấy một thực tại, đó là các nội dung độc hại vẫn đang hiện hữu ở ngay giữa nền tảng video tưởng như tươi sáng nhất.
Trong nhiều năm qua, YouTube đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong thầm lặng. Nhưng tới năm 2017, nhà văn James Bridle đã giúp công chúng nhận ra vấn đề nghiêm trọng đến thế nào, thông qua một vài câu chuyện về các video kinh dị được tìm thấy trên YouTube Kids. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, bạn sẽ thấy ngay cảnh chú lợn Peppa bị tra tấn trong phòng khám nha khoa, hoặc chuột Mickey chịu nhục hình, hay vô số các video với nội dung quái đản liên quan đến các nhân vật của Disney. Tất cả đều tồn tại trên nền tảng video dành cho trẻ em của YouTube.
Hình ảnh rất thường, nhưng nội dung trong video thì cực kỳ độc hại
YouTube đã cố gắng gỡ bỏ rất nhiều video có nội dung thô tục, nhưng chúng liên tục xuất hiện, với nhiều mánh khóe lọt qua thuật toán của họ. Như gần đây theo báo cáo của The Verge, scandal mới nhất của YouTube là về những bình luận dưới video mang tính chất khiêu khích, dụ dỗ trẻ em để thực hiện mưu đồ xa hơn, bao gồm cả ấu dâm.
Nhưng tại sao YouTube không thể giải quyết triệt để được vấn đề này? Theo Keza MacDonald, hiện đang là phóng viên video tại The Guardian, sai lầm của họ là quá phụ thuộc vào hệ thống flagging (gắn cờ) - vốn để người dùng báo cáo về các video có nội dung sai trái.
Điều này đồng nghĩa với việc phải có người thực sự nhìn thấy video đó, thấy nó phản cảm rồi báo cáo và chờ đợi hệ thống làm việc. Với ngần ấy công đoạn thì hiển nhiên sẽ có độ trễ, và hoàn toàn có khả năng video ấy tiếp cận được với người dùng là trẻ em.
Trong bản mô tả của ứng dụng YouTube Kids có đoạn: "We work hard to offer a safer YouTube experience, but no automated system is perfect." (tạm dịch: Chúng tôi rất cố gắng để đem đến trải nghiệm YouTube an toàn hơn, nhưng không hệ thống nào là hoàn hảo). Nhưng với Keza, ông không tin vào điều đó. YouTube với ông chưa bao giờ là một nền tảng phù hợp cho trẻ em, và cũng không có khả năng để tự nó thay đổi.
Để tạm thời giải quyết câu chuyện này, giải pháp duy nhất hiện nay là buộc cha mẹ phải quản lý nội dung mà trẻ con theo dõi trên YouTube, và phải là trên mọi nền tảng: từ điện thoại, TV, máy tính, tablet... Hoặc, chúng ta cần nhắm đến những nền tảng giải trí an toàn, lành mạnh hơn, phân cấp độ tuổi rõ ràng như Netflix, BBC iPlayer...
Cảnh báo nạn quấy rối các thiếu nữ trên mạng thời Covid-19 Tình trạng quấy rối trên mạng đang gây nhiều tác hại đối với các thiếu nữ, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Môi tường mạng là nơi nhiều thiếu nữ dễ bị quấy rối - REUTERS Theo nghiên cứu của tổ chức Plan International, có đến 68% các thiếu nữ ở Philippines từng bị quấy rối trên mạng, đặc biệt là...