Bé 5 tuổi lái máy bay
Cậu bé 5 tuổi, con của ông bố có phương pháp nuôi dạy con khắc nghiệt nổi tiếng Trung Quốc, đã tự lái một chiếc máy bay hạng nhẹ trên chặng đường 30 km.
Cậu bé 5 tuổi lái máy bay trên quãng đường dài 30 km. Ảnh: Sina
Cậu bé có tên Đa Đa, điều khiển chiếc máy bay cất cánh từ công viên động vật hoang dã ở ngoại ô Bắc Kinh vào 6h sáng 31/8 và trở về sau 35 phút. Cậu lái máy bay bay hơn 30 km, Zhang Yonghui, người phụ trách câu lạc bộ bay của công viên cho hay.
Hà Liệt Thắng, bố của cậu bé, nói với Global Times rằng ông muốn con trai mình trở nên mạnh mẽ và sẽ phát triển được trí tò mò và mong muốn khám phá sau chuyến bay.
Ông bố này từng làm dư luận Trung Quốc dậy sóng khi cho cậu con trai chạy mình trần ở nhiệt độ -13 độ C, dưới trời tuyết rơi nặng hạt ở New York hồi đầu năm ngoái. Tháng 10/2012, ông lại dẫn cậu bé leo núi Phú Sĩ để đòi lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, khiến cậu bé bị choáng độ cao và các nhân viên kiểm lâm của Nhật phải đến giải cứu hai bố con.
“Cách giáo dục của ông ấy có giá trị nhất định, nhưng không phải cháu nào cũng nên áp dụng”, Gu Li, giám đốc trung tâm nghiên cứu về giáo dục tại thành phố Nam Kinh, nói.
Video đang HOT
Sun Yunxiao, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu về thanh thiếu niên Trung Quốc, lại không chấp nhận ý tưởng giáo dục của ông bố này. Ông cho rằng với đà này cậu bé sẽ bị tổn thương trong cả quãng đời về sau. “Chúng ta không nên ép con trẻ những việc quá sức. Trẻ con thì thích hợp với việc chơi đồ chơi hơn là lái máy bay”, Sun nói..
Một chuyên gia khác là Zhang Qihuai, luật sư chuyên về hàng không, cho biết rằng việc cho trẻ em lái máy bay như vậy là trái pháp luật.
“Bất cứ ai muốn điều khiển các thiết bị hàng không cũng phải trải qua khóa huấn luyện phi công và phải được cấp phép. Cho một em bé 5 tuổi lái máy bay có thể gây tai nạn cho cộng đồng”, Zhang nói.
Đa Đa bị sinh non khi mới được 7 tháng trong bụng mẹ và bị các bệnh vàng da, viêm phổi của trẻ sinh non. Ông Hà dùng lý do này để giải thích cho phương pháp cứng rắn ông dành cho con trai, với mong muốn cậu trở nên rắn rỏi hơn. Ông đặt biệt danh cho mình là “ông bố đại bàng”, rồi quảng bá cách giáo dục nghiêm khắc, thậm chí viết sách về kinh nghiệm dạy con.
Vũ Hà
Theo VNE
Bé 4 tuổi bị xe ủi cưỡng chế đất cán chết
Một bé gái 4 tuổi vừa tử vong dưới bánh xe ủi trong một cuộc tranh cãi liên quan đến việc cưỡng chế đất ở Trung Quốc, gây phẫn nộ cho dư luận nước này.
Quang cảnh nơi xảy ra vụ bé gái bị xe ủi đất cán chết. Ảnh: Voa News
Global Times dẫn lời một quan chức địa phương tên Hu cho hay, vụ việc xảy ra ở một con đường dẫn đến công trường xây dựng ở tỉnh Phúc Kiến. Bé Hong Xiaorou bị xe ủi cán qua người, dù bà của em đã hét lên bảo chiếc xe dừng lại.
Theo ông Hu, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc thu hồi đất và phần đất của gia đình bé Hong không thuộc diện bị giải tỏa. Tuy nhiên, các công nhân xây dựng vẫn đổ bùn và đất đá vào khu đất nhà em, dẫn đến cuộc cãi vã giữa hai bên.
Theo một thông báo từ chính quyền, tài xế xe ủi không nhìn thấy Hong nên đã quay xe và cán phải em. Hong được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng em không qua khỏi.
Chính quyền địa phương cho rằng cái chết của bé Hong chỉ là vô tình và đã bắt giữ những người chịu trách nhiệm trong vụ việc. Tuy nhiên, những bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội Weibo chụp lại cảnh bố mẹ của Hong đang khóc thương bên thi thể của con gái vẫn gây phẫn nộ cho người sử dụng Internet.
"Gần đây có quá nhiều trẻ em bị thương và tử vong", một người viết. "Xin đừng làm hại trẻ em nữa", một người viết.
Hai người đàn ông chỉ vào nơi bé gái bị xe ủi cán chết. Ảnh: VOA News
Việc thu hồi đất trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây, khi giá nhà đất tăng cao và đô thị hóa được đẩy mạnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ đụng độ giữa người dân và chính quyền ở Trung Quốc. Những người bị cưỡng chế đất thường cho rằng số tiền đền bù mà họ nhận được là không thích đáng.
Telegraph cho biết, theo các nhà nghiên cứu Mỹ, chính quyền địa phương Trung Quốc trả cho nông dân trung bình gần 18.000 USD trên 0,4 hecta đất. Tuy nhiên, khi chính quyền đem đất ra bán lại, hầu hết là cho các nhà phát triển bất động sản thương mại, mức giá này lại tăng lên đến 740.000 USD.
Hồi tháng 9/2011, một cuộc biểu tình liên quan đến cưỡng chế đất ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, đã leo thang thành một cuộc nổi dậy kéo dài suốt ba tháng. Vụ việc chỉ khép lại khi các lãnh đạo tỉnh hứa phân phối lại số đất đã bị chính quyền tịch thu.
Anh Ngọc
Theo VNE
Trung Quốc nói tấn công Syria là 'hấp tấp' Truyền thông Trung Quốc hôm nay cảnh báo phương Tây về hành động quân sự nhằm vào Syria, trong khi Mỹ và các đồng minh rục rịch tấn công nhằm trừng phạt chính quyền Bashar al-Assad. Ảnh minh họa Trong một bài xã luận có tiêu đề "Không tha thứ cho các cuộc tấn công", báo China Daily cho rằng Mỹ và các...