Bé 3 tuổi ở Thái Nguyên tử vong vì chữa ung thư bằng thực dưỡng
Thay vì đưa con đến viện, người mẹ quyết định cho con ở nhà ăn gạo sống, gạo lứt và nhai lá chè chữa ung thư.
Bé gái 3 tuổi đến khám ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên do có các nốt xuất huyết dưới da. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị “theo dõi Lơ xê mi cấp” – ung thư máu dạng cấp.
Bệnh viện đề nghị chuyển bệnh nhi đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một người bán hàng thực dưỡng trên mạng để “điều trị”.
Người bán hàng quả quyết, ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với Tây y còn với thực dưỡng, không có khó khăn gì. Người này cũng khẳng định, nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa có sự can thiệp của Tây y, cháu bé gần như chắc chắn có thể được cứu sống.
Nhiều bệnh nhân ung thư tin theo các phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học
Mẹ của bệnh nhi lập tức áp dụng phương pháp trên bằng cách cho con nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước), ăn tương sắn dây… Nếu làm theo hướng dẫn, bé sẽ khỏi bệnh khi các vết bầm trên da biến mất vì bầm đen là máu độc.
Mẹ bé cũng phải áp dụng ăn theo công thức thực dưỡng số 7, chỉ ăn cơm lứt và muối vừng rồi cho con bú.
Sau một thời gian áp dụng phương pháp trên, cháu bé chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương và ân hận của bố mẹ.
TS.BS Đỗ Huyền Nga, phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết – Bệnh viện K chia sẻ, trường hợp của bệnh nhi trên rất đáng tiếc. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh ung thư, không nên mù quáng tin vào các phương pháp không có cơ sở khoa học.
“Là bác sĩ điều trị ung thư, chúng tôi rất buồn, rất tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc nam hay thực dưỡng. Chúng tôi luôn cảnh báo bệnh nhân nhưng vẫn có nhiều người không tin”, TS Nga thông tin.
TS.BS Đỗ Huyền Nga
Theo bác sĩ Nga, ung thư nói chung, ung thư máu nói riêng, hoàn toàn có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ.
Ở trẻ em, ung thư máu là một trong những ung thư phổ biến nhất, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đây là một căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu trong máu.
Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả điều trị của bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh.
Điều trị bệnh ung thư máu cần kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp hóa trị, phẫu thuật… Tùy theo thể trạng, dạng bệnh, tuổi của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc phác đồ phù hợp.
Video đang HOT
“Điều quan trọng nhất là tâm lý của trẻ và gia đình. Phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình chữa bệnh của con. Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến”, TS Nga nhấn mạnh.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh ung thư máu có thể lên tới 80%, trong khi trước đây chỉ 50-60%.
“Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là đã có gia đình riêng và sinh con”, TS Nga chia sẻ.
Thêm một nạn nhân của 'thánh thực dưỡng' tự phong: Cái chết tức tưởi của bé gái hơn 30 tháng tuổi
Nghe theo các lời khuyên vô căn cứ về thực dưỡng chữa ung thư hay các phương pháp theo trường phái "thuận tự nhiên", đã có những nạn nhân bị cướp mất cơ hội tốt nhất để điều trị bệnh, dẫn đến tử vong.
Mới đây nhất là trường hợp một bé gái hơn 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên. Em bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là "theo dõi Leukemia cấp" - ung thư máu dạng cấp. Sau đó, nơi này đề nghị chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp.
Hơn 30 tháng tuổi, được cho nhai gạo lứt sống để... chữa ung thư máu
Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng tai tiếng trên mạng là N.B tại Đăk Nông để ở và "điều trị" một thời gian.
Đáng nói là, theo những gì nhân vật này viết trên Facebook thì ung thư máu ở trẻ em chỉ là thách thức đối với Tây y chứ với thực dưỡng thì chẳng khó khăn gì. Nhân vật chưa một ngày đi học y này còn nhiều lần khẳng định: nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị tây y can thiệp gì cả thì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn.
Cách "điều trị" N.B sử dụng trên cháu bé là cho nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do N.B tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây. Với người mẹ, N.B cũng buộc phải ăn theo "số 7" (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng) trong khi cho cháu bú.
Cũng theo N.B, ngày đầu tiên đến "cốc", trên người cháu bé có các "vết bầm tím đen, cứng ngắc". Người này nhận xét: đến khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, vì những chỗ bầm tím là dấu hiệu cho biết tình trạng máu độc hay sạch (bầm đen là máu độc, hết bầm là máu sạch).
N.B thậm chí còn cập nhật tình hình "điều trị" ung thư máu của cháu bé trên trang bán hàng của mình.
Lời quảng cáo trên Facebook về việc "điều trị" cho bé gái bị ung thư máu.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6 vừa qua, cháu bé đã qua đời trước sự thương tiếc của gia đình và người thân. Một hậu quả không thể tránh khỏi khi từ chối điều trị để đi theo lời khuyên vô căn cứ về thực dưỡng.
Thực hư về thực dưỡng chữa ung thư
Thực dưỡng là một chế độ ăn nghiêm ngặt, chủ yếu là ngũ cốc do một triết gia người Nhật là George Ohsawa sáng tạo vào khoảng những năm 1920. Nhưng vào những năm gần đây, một số người đã dùng thực dưỡng để chữa ung thư. Điều này khiến các bác sĩ rất đau đầu.
Vào tháng 3/1999, tập san của Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ đăng một nghiên cứu trên gần 39.000 phụ nữ từ 55 đến 69 tuổi, sống ở Iowa. Kết quả cho thấy những phụ nữ ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có tỷ lệ bị những căn bệnh như ung thư, tăng huyết áp, và đái tháo đường thấp hơn những phụ nữ ăn các loại ngũ cốc đã qua chế biến(1).
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở những người ngoài ăn ngũ cốc nguyên hạt còn giảm lượng rượu, thịt đỏ, thuốc lá, và chất béo bão hòa.
Như vậy, các loại ngũ cốc nguyên hạt có trong chế độ thực dưỡng của Ohsawa chỉ đóng góp một phần nào đó trong việc giảm nguy cơ mắc các loại bệnh kể trên.
Cũng cần nói thêm, ý nghĩa của nghiên cứu chỉ có giá trị trên một cộng đồng, có nghĩa là tỷ lệ các căn bệnh kể trên trong một tập thể người nhất định sẽ giảm nếu như tập thể đó ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày. Chứ nó không có giá trị khẳng định trên một cá nhân cụ thể, như nhiều người khẳng định "nếu bạn ăn gạo lứt mỗi ngày sẽ khó bị hoặc không bị ung thư".
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Ngược lại, trong y văn thế giới không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định thực dưỡng có thể chữa được ung thư. Cho đến bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên lý hay cơ chế nào có thể giải thích được tác dụng trị dứt điểm ung thư của chế độ ăn thực dưỡng cả. Do đó, việc thực hiện các nghiên cứu lớn để chứng minh điều này là tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích.
Có một nghiên cứu tốt nghiệp đã được peer-review (tức đã được những chuyên gia cùng lĩnh vực xem xét kỹ lưỡng) của Gordon Sax ở Đại học Tulane dưới sự hướng dẫn của James Carter. Họ so sánh 23 người bị ung thư tụy theo chế độ thực dưỡng và nhận ra là thời gian sống trung bình của họ kéo dài đến 13 tháng sau khi được chẩn đoán, trong khi đó những bệnh nhân ung thư tụy trong chương trình SEER của Viện Ung thư quốc gia chỉ có thời gian sống trung bình khoảng 3 tháng (2).
Tuy nhiên, nghiên cứu này có định kiến nghiêng về hướng có lợi cho thực dưỡng. Tiêu chuẩn để được đưa vào nghiên cứu của hai mươi ba bệnh nhân nói trên là phải sống được quá ba tháng sau khi chẩn đoán (so sánh với việc lấy 50% số bệnh nhân bị ung thư tụy của SEER tử vong trong vòng 3 tháng). Trong nghiên cứu cũng không nói đến các yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống ở cả hai nhóm được nghiên cứu.
Vẫn nghiên cứu trên cho thấy 9 bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến theo chế độ thực dưỡng có thời gian sống trung bình 228 tháng, trong khi thời gian sống trung bình ở nhóm đối chứng là 72 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không nêu rõ các tiêu chuẩn để được nhận vào làm nhóm đối chứng và nhóm bệnh.
Mặc khác, bệnh nhân ung thư thường bị suy nhược và sụt cân. Do đó, bất kỳ nguy cơ nào gây thiếu dưỡng chất đều cần giảm đến mức tối đa. Một chế độ ăn khắc nghiệt như thực dưỡng sẽ rất dễ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Thứ được xem là đỉnh cao của giới thực dưỡng và cũng là mối lo ngại lớn nhất của các bác sĩ cho các bệnh nhân ung thư là chế độ ăn số 7 hà khắc, chỉ bao gồm gạo lứt muối mè. Và phải ăn mỗi lần một muỗng, nhai liên tục 500 lần mới được nuốt.
Các bằng chứng ủng hộ chữa ung thư bằng thực dưỡng thật ra chủ yếu qua những câu chuyện kể truyền miệng của những người bán hàng và các tín đồ của thực dưỡng. Do đó, nếu chọn thực dưỡng để điều trị ung thư, người bệnh chẳng những không nhận được kết quả nào đáng kể mà còn bỏ lỡ đi cơ hội điều trị quý báu của mình.
Tuy vậy, vẫn có một số bệnh nhân ung thư nhẹ dạ cả tin nên đã nghe theo lời dụ dỗ của những người bán hàng thực dưỡng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là cái chết.
BS.TS chuyên khoa Ung thư Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản): Ung thư máu ở trẻ em thường đáp ứng tốt với Tây y
Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn, có vẻ "ác liệt" hơn ung thư ở người lớn nhưng lại thường đáp ứng tốt với Tây y. Thế nhưng có những phụ huynh lại nghe những tin đồn không kiểm chứng được trên mạng xã hội, hoặc nghe lời khuyên của "bà hàng xóm" hơn là tin vào bác sĩ. Mặc dù không có cơ sở nào nhưng họ tin rằng "ung thư là trị không được", hoặc "theo Tây y sẽ chết nhanh hơn", "Hóa trị là truyền chất độc", theo các lời rỉ tai về thực dưỡng hay "thuận tự nhiên", cuối cùng bỏ bê điều trị dẫn tới kết cục thảm hại.
Đây là những con số thống kê cụ thể cho thấy ung thư máu ở trẻ em có tiên lượng tốt nếu theo đúng hướng điều trị bằng Tây y: Tỉ lệ sống qua 5 năm vào thập niên 70 của thế kỷ trước vào khoảng tầm 50%-60%, nhưng hiện nay nhờ các tiến bộ y học đã cải thiện thành 75%-80%. Có dạng ung thư hạch bạch huyết còn đạt chỉ số khích lệ là 90-95%!
Tôi đã gặp nhiều trẻ em ở Nhật Bản và Việt Nam hoàn thành quy trình điều trị, trở lại đi học và sinh hoạt bình thường.
Là bác sĩ chuyên về hóa trị, tôi luôn nhấn mạnh Hóa trị là "Dùng độc trị độc"; và bác sĩ-bệnh nhân cần hiểu cách xử trí tác dụng phụ của thuốc cũng như ứng phó với những biến cố xảy ra trong quá trình chữa bệnh để hóa chất phát huy tác dụng diệt ung thư tốt nhất. Điều trị ung thư không phải là chở các bé đi chơi dạo phố mà là "ra chiến trận" cùng với các bé, phải giúp các bé nhắm đúng mục tiêu, sử dụng vũ khí tối tân để diệt ung thư và chiếm lấy cơ hội chữa lành cao nhất.
Nếu bình tĩnh, ta sẽ thấy bài toán ở đây giống như chuyện đi thi đại học:
- Chịu khó học tập, cùng con vượt khó để đỗ kỳ thi với tỉ lệ đỗ cao/rất cao
- Cùng con về vườn hái rau khỏi đi thi, và kết cục là trượt đại học.
Ngoài ra, nếu cha mẹ (và bệnh nhân) không hiểu biết để hợp tác trong quá trình điều trị thì dù có theo phác đồ hiện đại cũng sẽ khổ sở vì không biết xử trí khi gặp tác dụng phụ của thuốc. Truyền hóa chất cực tốt không đảm bảo là bệnh sẽ khỏi, mà yêu cầu người bệnh phải hiểu biết ở một mức cơ bản nữa. Tôi cũng từng nghe nhiều ca bố mẹ còn không biết đánh răng cho con đúng cách, trong khi chăm sóc răng miệng tốt là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo an toàn trong khi hóa trị.
Cái chết tức tưởi của bé gái 32 tháng tuổi đặt ra nhiều vấn đề cho nhân viên y tế, cho các phụ huynh và cho xã hội.
Với nhân viên y tế, chẳng ai truy cứu trách nhiệm được vì văn bản đã ghi rõ nhân viên y tế đã giải thích khá cặn kẽ rồi. Việc chuyển lên tuyến trên để điều trị tốt hơn cho bệnh nhân cũng đã được chuẩn bị. Nhưng như thế đã đủ chưa? Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa không trong việc khuyên bà mẹ này không bỏ trị và theo sát điều trị?
Mấu chốt của ca này là phụ huynh có nghe giải thích kỹ nhưng không hiểu hết hoặc cố tình không hiểu. Rất tiếc đó là hiện tượng hay gặp ở Việt Nam, khi mặt bằng chung về dân trí chưa cao và chênh lệch rất lớn giữa các tầng lớp người dân.
Bài học cho nhân viên y tế chúng ta, ngoài chuyện cố gắng hướng dẫn người dân tốt hơn, tư vấn thấu đáo để phụ huynh hợp tác tích cực, còn là việc quản lý thông tin mạng.
Không thể để những người không phải là bác sĩ, không được đào tạo chuyên môn bài bản về chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn tự xưng là "thầy thuốc" và lu loa trên mạng, trên facebook về việc nên bỏ tây y, chuyển sang uống lá lẩu linh tinh, gián tiếp hoặc trực tiếp làm lung lạc tinh thần bệnh nhân và người thân. Đó chính là mầm mống làm bệnh nhân mất cơ hội điều trị dẫn đến tử vong mà không hề bị xử lý về pháp luật.
Rất tiếc, mặc dù hậu quả đáng tiếc đã xảy ra không chỉ một lần nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào bị truy tố vì tự xưng là bác sĩ ở Việt Nam cả. Hy vọng trường hợp thương tâm này sẽ là tín hiệu cảnh báo về hậu quả tai hại của việc quản lý lỏng lẻo.
Với các phụ huynh, tính mạng của con cháu phụ thuộc vào bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Do vậy trước khi giao phó tính mạng cho các "thần y" thánh mạng chữa chạy, quý vị cần tìm hiểu kỹ càng về tính xác thực của nó.
Với xã hội và các cơ quan có trách nhiệm về thông tin trên mạng, cần kiểm soát chặt chẽ những thông tin liên quan đến sức khỏe trên mạng, đặc biệt những nhân vật đã rất tai tiếng và từng bị phạt trong lĩnh vực này như Nguyễn Bình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1508593/
2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6220645/
Sự thật về phương pháp trị ung thư bằng thực dưỡng Sau khi đã trải qua các liệu trình điều trị Tây y, anh N.T.B. quyết định thực dưỡng với hy vọng vượt qua căn bệnh ung thư đầu tụy. Hàng ngày chỉ ăn cháo trắng kết hợp với uống nước xạ đen, vừa uống vừa nhai. Đó là phương pháp thực dưỡng bệnh nhân N.T.B. (52, tuổi, ngụ tại TP.HCM) mắc ung thư...