Bé 11 tháng co giật nguy kịch vì sai lầm của mẹ khi chăm con mắc tiêu chảy
Thay vì mua thuốc oresol để bù nước cho trẻ khi bị tiêu chảy, người mẹ này lại mua loại thực phẩm chức năng có ghi chữ oresol, khiến trẻ bù nước không đủ và phải nhập viện cấp cứu.
Trẻ nhập viện nguy kịch vì bù nước sai khi bị tiêu chảy
Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật do bị mất nước trầm trọng vì tiêu chảy.
Sau 1 tuần chăm con tại viện, tuy sức khoẻ bé trai đã ổn định và qua cơn nguy kịch, nhưng mẹ cháu bé vẫn chưa hết lo lắng. Theo chia sẻ của người mẹ, cách đây hơn 1 tuần, cháu bé bị đi ngoài nhiều lần, nghĩ con bị tiêu chảy nên người mẹ này đã ra quầy thuốc mua oresol về bù nước cho con.
Tại đây, mẹ cháu bé được quầy thuốc bán cho một gói bột có tác dụng bù nước điện giải và một chai nhựa 200ml có ghi chữ oresol.
Phụ huynh cần cẩn trọng khi mua oresol cho trẻ uống khi bị tiêu chảy.
Về nhà, người mẹ này pha nước oresol vào bình bú cho con uống liên tục trong 2 ngày, nhưng tình trạng không đỡ, cháu bé bị tiêu chảy, đi ngoài hơn 10 lần 1 ngày, kèm theo đó là sốt cao, mệt lả, da nhợt nhạt… Khi đó, gia đình mới đưa trẻ vào Bệnh viện Y học cổ truyền, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Cũng theo thông tin người mẹ cung cấp, khi con phải đi viện cấp cứu, chị mới biết chai nước oresol và gói bột mua trước đó có ghi dòng chữ thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung trên nhãn, chứ không phải thuốc.
PGS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là trường hợp thứ 3 ở trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1,5 tuổi bị tiêu chảy nhập viện gần đây do mất nước rất nặng. Trong số đó, đã có một trường hợp tử vong, một trường hợp nhập viện bị hôn mê, đáng nói là cả ba trẻ này đều uống thực phẩm chức năng oresol.
Riêng đối với trường hợp bé trai vừa nhập viện cấp cứu, PGS Dũng cho biết, khi vào viện trẻ sốt cao khó hạ, mất nước độ 3 và bị co giật. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ khả năng viêm não.
Kết quả cuối cùng cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.
Video đang HOT
PGS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo tình trạng trẻ nhập viện do uống TPCN oresol.
Cảnh giác với thực phẩm chức năng gắn mác oresol
Từ trường hợp trên PGS Dũng cảnh báo, hiện trên thị trường xuất hiện một số loại thực phẩm chức năng (TPCN) có tác dụng bù nước điện giải, được quảng cáo tốt hơn cả Oresol thông thường. Tuy nhiên, dùng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng tiêu chảy mất nước, mà còn gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ nhỏ.
“Oresol là một loại thuốc, là thành tựu khoa học của thế giới đã cứu sống hàng triệu trẻ em bị mất nước vì sốt cao hoặc tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có oresol để bù lại nước nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng.
Mỗi khi bị tiêu chảy, bệnh nhân phải uống hàng ngàn mililit oresol – theo chỉ định của bác sỹ để bù nước, điện giải. Trường hợp sử dụng TPCN để thay thế oresol rất nguy hiểm.
Với ống dung dịch bù nước được các chủ quầy thuốc giới thiệu thay thế oresol hiện nay, có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc thì không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh”, PGS Dũng chỉ rõ.
Theo PGS Dũng, các thành phần ghi trên ống dung dịch này giống với thành phần các thuốc hoặc dung dịch bù nước điện giải thông thường khác nên khiến nhiều người nhầm lẫn, tưởng uống 10ml là đã đủ liều điều trị thì rất nguy hại, có thể khiến trẻ tử vong vì mất nước.
PGS Dũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy mua thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cấp, đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng của thuốc oresol nếu không sẽ gây tác dụng ngược.
Cụ thể, nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha đủ 200ml nước mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Nếu pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối, khát thêm và nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, khát, tiểu ít…), cần đưa bé đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.
Theo Eva
Cô gái suy gan do uống thuốc hạ sốt paracetamol, chuyên gia cảnh báo cái chết đến dần
Đa phần những trường hợp ngộ độc paracetamol đều không được phát hiện sớm, chỉ đến khi thấy người mệt mỏi, vàng da, suy gan mới được đưa đến viện, khi đó đã quá muộn.
Ngộ độc, suy gan vì lạm dụng thuốc
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế liên tục tiếp nhận các trường hợp phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc Paracetamol, thậm chí có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, không thể cứu được.
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), tiếp nhân bệnh nhân H.T.G (20 tuổi, ở Hà Giang) nhập viện trong tình trạng vàng da, mệt mỏi, ăn hay nôn, thể trạng yếu.
Khi vào viện, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị suy gan do ngộ độc Paracetamol. Người nhà bệnh nhân G. cho biết, trước khi vào viện 10 ngày, do bị đau đầu nên G. đã đi mua thuốc panadol với lượng uống 2 viên Panadol/ ngày trong 2 ngày.
Tuy nhiên sau đó, G. xuất hiện tình trạng nôn nhiều lần trong 2 ngày, kèm theo triệu chứng vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn kém. Khi đi khám xét nghiệm ở bệnh viện phát hiện men gan tăng nhưng không điều trị về nhà tự uống thuốc. Do tình trạng càng nặng gia đình đưa đến viện điều trị.
Một trường hợp ngộ độc paracetamol được điều trị tại BV Bạch Mai.
Tại BV Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân G. được điều trị tích cực bằng phác đồ điều trị giải độc tại khoa Hồi sức cấp cứu. Hiện tại sau 6 ngày điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, men gan hạ thấp về mức an toàn, ăn uống tốt, giảm vàng da, vàng mắt có thể xuất viện trong thời gian tới.
Không chỉ có trường hợp của bệnh nhân G., trước đó khoa Chống độc (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân (22 tuổi ở Sơn La) trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan. Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó, người bệnh đã uống 19 viên paracetamol loại 500mg để hạ sốt chỉ trong 2 ngày.
BS Nguyễn Trung Nguyên (Phụ trách Trung tâm chống độc) cho biết, nam bệnh nhân này đã dùng quá liều thuốc, dẫn đến ngộ độc; cộng thêm tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh. Sau thời một thời gian điều trị, do tiên lượng quá nặng, nam bệnh nhân này đã được gia đình xin về nhà.
Dấu hiệu khi ngộ độc paracetamol
Từ các ca ngộ độc paracetamol, BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, chỉ cần người dân không để ý, uống thuốc không theo đúng chỉ định rất có thât bị ngộ độc ngay lập tức. Theo BS Nguyễn, khi ngộ độc paracetamol, đa phần người dân không để ý, không nghĩ mình ngộ độc. Chỉ đến khi cơ thể mệt mỏi, vàng da, viêm gan mới đến viện thì đã quá muộn.
Đa số những trường hợp phát hiện ngộ độc Paracetamol khi đã quá muộn.
Hiện trên thị trường có hàng trăm loại thuốc chỉ chứa hoạt chất này hoặc phối hợp thêm với một hoặc vài dược chất khác. Loại thuốc này còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... với hàm lượng khác nhau, từ 80mg, 150mg, 250mg... đến 500mg.
"Có rất nhiều nguy cơ ngộ độc paracetamol khi tự ý dùng thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt chỉ khác nhau về tên thuốc, còn hoạt chất là giống nhau. Một số người không để ý, vừa uống hạ sốt lại uống giảm đau sẽ làm tăng liều nạp vào cơ thể. Ngoài ra hay gặp nhất là do sốt cao tái diễn liên tiếp, dùng thuốc hạ sốt liên tục", BS Nguyên cảnh báo.
Theo BS Nguyên, ngộ độc paracetamol rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu.
Khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, sẽ làm chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến bệnh nhân bị hôn mê...
Sử dụng paracetamol thế nào mới đúng?
Về liều dùng BS Nguyễn cho rằng, liều paracetamol được khuyến cáo sử dụng là 10-15mg/kg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần dùng mỗi ngày.
Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng nhỏ hơn 11kg nên dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg/kg/ngày và không được quá 4g một ngày.
Đối với người có tiền sử viêm gan, thể trạng yếu, nghiện rượu thì cần cẩn trọng khi sử dụng paracetamol. Khi sử dụng paracetamol thấy có dấu hiệu ngộ độc cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Theo Eva
Bé 13 tháng tuổi "bục" dạ dày vì mẹ cho ăn ngô: 5 người "cấm" ăn không chỉ trẻ nhỏ Ngô là một loại lương thực phụ, có vị thơm thơm ngọt được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên có những người không thích hợp ăn ngô, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hai tháng trước, có một bé gái tên Kỳ Kỳ, đến từ Ôn Châu, Chiết Giang (TQ) mới hơn một tuổi, sau khi ăn ngô khoảng 2 ngày, bụng của...