BĐBP tham gia ứng phó môi trường biển
Hàng trăm đồn Biên phòng trú đóng tại vùng biển, hải đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển nên các công trình quân sự, doanh trại, kho tàng và các hoạt động luôn phải chịu tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường.
Thế nhưng, nhiều năm qua, các tỉnh, thành Biên phòng ven biển vẫn luôn kết hợp tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ môi trường biển và hải đảo, vận động, phối hợp với nhân dân và các sở, ban, ngành cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo…
Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau phối hợp với nhân dân dọn rác, góp phần làm sạch biển. Ảnh: Phương Vy
Bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo
Tính đến năm 2019, cả nước có trên 96.000 tàu đánh cá và hàng triệu ngư phủ. Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, ngư dân ta luôn có quyết tâm bám biển, vươn khơi làm chủ ngư trường truyền thống, nhưng ý thức bảo vệ môi trường biển chưa cao.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư Đặng Văn Trọng, Chính ủy BĐBP Hải Phòng: “Cư dân ven biển phải đối mặt hàng ngày với tính khốc liệt của biển cả, gắn liền với con thuyền, nên tư duy người dân chài hết sức giản đơn. Khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển dường như vẫn còn xa vời với họ. Hành vi và cách ứng xử của phần lớn ngư dân với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác”…
Những năm gần đây, trước sự cạn kiệt dần của nguồn thủy sản tự nhiên, trình độ khai thác, đánh bắt chưa được cải thiện nhiều, cùng với áp lực của cuộc sống đã khiến cho người dân sử dụng mọi biện pháp khai thác biển một cách triệt để, dẫn đến tài nguyên biển bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập. Trang thiết bị, năng lực quản lý và thực thi pháp luật, tuân thủ các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về “chống khai thác bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định” còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý khai thác thủy sản bền vững, cho nên tình trạng ngư dân nước ta đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài có xu hướng gia tăng.
Là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ở các vùng biển, đảo, công tác bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được BĐBP quan tâm, đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, không vi phạm quy chế vùng biển.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Video đang HOT
Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho ngư dân trong khai thác thủy, hải sản bền vững gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam đã được BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai rộng khắp, thường xuyên, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, từ việc xác định việc giảm thiểu tác động của các hoạt động quân sự, quốc phòng (tuần tra trên biển, huấn luyện, diễn tập, sinh hoạt…) tới môi trường biển là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trách nhiệm ứng xử với môi trường, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chú trọng đầu tư kinh phí, mua sắm vật tư, huy động cán bộ, chiến sĩ ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường trong các cơ quan đơn vị do hoạt động quân sự tạo ra.
Tiếp tục đầu tư đảm bảo điểm nước sạch cho các đồn, trạm, đơn vị Biên phòng tuyến biển, đảo theo kế hoạch năm. Đề xuất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng doanh trại, phòng chống ăn mòn do độ mặn của nước biển sinh ra đối với các đồn, trạm tuyến biển.
Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường
Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, ngoài làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thời gian qua, nhiều đơn vị, đồn, trạm Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tốt các hoạt động như: Hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, “ Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường biển, hải đảo Việt Nam”…
Đặc biệt, Chiến dịch “ Hãy làm sạch biển” do BĐBP chủ trì phối hợp với cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương phát động hàng năm đạt kết quả tốt, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Chiến dịch này đã thu hút được 42.337 đoàn viên thanh niên của 32 đơn vị BĐBP và 80.495 lượt đoàn viên thanh niên địa phương, các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn tham gia, thu gom gần 3.000 tấn rác thải các loại, làm sạch 4.918km bãi biển. Ngoài ra, BĐBP đã tổ chức lực lượng, phương tiện, huy động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản nhân dân.
Từ năm 2003 đến năm 2018, các đơn vị BĐBP đã điều động 31.811 lượt cán bộ, chiến sĩ/1.428 lượt phương tiện các loại (tàu, xuồng, ô tô) phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Tham gia vận chuyển hàng nghìn bao cát cùng nhân dân đắp kè chắn sóng, gia cố, sửa chữa các điểm đê bao, bờ kè ven biển bị sạt lở, triều cường. Vận động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ hơn 3.300 ngày công, tiền mặt và nhiều vật chất thiết thực khác như chăn bông, quần áo, gạo, mì tôm… để góp phần giúp nhân dân vùng thiên tai nhanh chóng ổn định cuộc sống.
BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tham gia làm sạch môi trường biển Cần Giờ. Ảnh: Phương Vy
Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết, các đơn vị Biên phòng trong tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm các hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 14 vụ/95 đối tượng, tạm giữ và xử lý 28 tàu giã cào xử dụng xung điện, chất nổ khai thác, đánh bắt hải sản trái phép. Thu giữ 1.853kg thuốc nổ; 1.138 kíp nổ; 23 dây cháy chậm. Tổ chức ra quân thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, thu gom hơn 120 tấn rác thải ven biển…
Còn theo Đại tá Đặng Văn Trọng, từ năm 2010 đến nay, BĐBP Hải Phòng đã bắt và xử lý 352 vụ/387 phương tiện sử dụng te kích điện, thuốc nổ; xua đuổi 1.043 lượt phương tiện nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta; lập biên bản cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển 297 lượt phương tiện/1.744 lao động. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP Hải Phòng còn cử trên 4.300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia 216 buổi theo Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, phối hợp với ngư dân thu gom rác thải.
Những hoạt động trên của BĐBP đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường, tài nguyên, giữ vững an ninh trật tự vùng biển, đảo.
Phương Vy
Theo Bienphong
Tiễn đưa hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào
Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 phối hợp với chính quyền 6 tỉnh Bắc Lào đã tổ chức Lễ tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trở về với đất mẹ.
Lễ bàn giao hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại khu vực 6 tỉnh miền Bắc Lào, tổ chức tại Udomxay hồi tháng 12/2018. (Ảnh: Tapchilaoviet)
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 18/6 tại tỉnh Udomxay, Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 phối hợp với chính quyền 6 tỉnh Bắc Lào, gồm Udomxay, Phongsaly, Xayabuli, Luangphrabang, Luangnamtha và Bokeo, đã tổ chức Lễ tiễn đưa 12 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại 6 tỉnh Bắc Lào về với đất mẹ Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 2; lãnh đạo tỉnh Udomxay; cán bộ chiến sĩ Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2; Hội người Việt Nam tại tỉnh Udomxay cùng đông đảo người dân địa phương.
Trong không khí trang nghiêm và thành kính, Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Đại diện lãnh đạo tỉnh Udomxay, cán bộ chiến sĩ Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 cùng Đại diện Hội người Việt Nam tại tỉnh Udomxay đã dâng hương làm lễ tiễn đưa các anh hùng liệt sỹ về Việt Nam.
Mặc dù thời tiết oi bức nhưng vẫn có rất đông cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và người dân địa phương tập trung đứng hai bên đường vẫy cờ Lào, Việt Nam chào từ biệt khi đoàn xe đưa hài cốt liệt sỹ rời đi.
Trong số 12 bộ hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại 6 tỉnh Bắc Lào được Đội quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 tìm thấy lần này, 11 bộ hài cốt được tìm thấy trong 2 ngôi mộ tập thể ở chân núi Samphan thuộc bản Huoisalat, huyện Nga, tỉnh Udomxay. Bộ hài cốt còn lại được tìm thấy ở bản Nale, huyện Ngoi, tỉnh Luangphrabang.
Đây là đợt hồi hương và tiễn đưa hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại 6 tỉnh Bắc Lào lần thứ hai trong mùa khô 2018-2019, với sự hỗ trợ tích cực về thông tin từ người dân địa phương và các cựu chiến binh Lào từng kề vai sát cánh với quân tình nguyện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Như vậy, kết thúc đợt tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong mùa khô 2018-2019, đã có 42 bộ hài cốt anh hùng liệt sỹ được phát hiện và đưa về nước.
Theo kế hoạch, ngày 19/6, 12 bộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy nói trên sẽ được đưa về Nghĩa trang Tông Khao, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên để làm lễ truy điệu và an táng.
Trước đó, ngày 17/6, Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập và hoạt động của Đội Quy tập mộ liệt sỹ tại địa bàn 6 tỉnh Bắc Lào (17/6/1994 - 17/6/2019) cũng được tổ chức tại tỉnh Udomxay.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 2; Đại diện Lãnh đạo 6 tỉnh Udomxay, Phongsaly, Xayabuli, Luangphrabang, Luangnamtha và tỉnh Bokeo; nguyên lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị qua các thời kỳ; cán bộ chiến sỹ Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2; Đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại tỉnh Udomxay.
Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 là đơn vị đặc biệt của Cục Chính trị Quân khu 2, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ tại 6 tỉnh Bắc Lào.
Qua 25 năm thực hiện nhiệm vụ, Đội đã xác minh thông tin về phần mộ tại 568 bản thuộc địa bàn 63 huyện; xử lý tìm kiếm tại gần 3.900 điểm có thông tin về phần mộ liệt sỹ trên địa bàn rộng lớn thuộc 6 tỉnh Bắc Lào. Đến nay, Đội đã cất bốc, quy tập và đưa về nước 1.731 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó đã bàn giao 123 bộ hài cốt liệt sỹ có đầy đủ họ tên, quê quán cho 24 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, Đội đã cất bốc và quy tập được 106 bộ hài cốt liệt sỹ, đồng thời tổ chức cho nhiều thân nhân các anh hùng liệt sỹ sang đất nước bạn Lào để hỏi thăm và xác minh, tìm kiếm thông tin về phần mộ.
Đánh giá cao những nỗ lực của Đội Quy tập mộ liệt sỹ, lãnh đạo Quân khu 2 và đại diện lãnh đạo 6 tỉnh Bắc Lào cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để giúp Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam-Lào giao phó, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Nhân dịp này, Lãnh đạo tỉnh Udomxay đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân là cán bộ chiến sỹ của Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 vì đã có những thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ./.
Theo Xuân Tú-Thu Phương (TTXVN/Vietnam )
Quảng Ngãi: 2.000 người tham gia chiến dịch "Hãy làm sạch biển" Lễ ra quân chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2019 với chủ đề "Tử tế với đại dương" diễn ra tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sáng 8-6, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức Lễ ra quân...