BBC tiếp tục hứng chịu những cú sốc mới
Quyền Tổng giám đốc BBC Tim Davie hôm 12/11 đã cam kết sẽ khôi phục “sự trong sạch” của tổ hợp truyền thông này, sau những bê bối về sai lầm trong hoạt động đưa tin của hãng.
Các bình luận của ông Davie được đưa ra sau khi có thêm 2 quan chức cấp cao khác của BBC là giám đốc tin tức Helen Boaden và viên phó của bà, Stephen Mitchell, đã tạm từ nhiệm do có liên quan tới bê bối trên.
Bê bối từ thông tin thiếu kiểm chứng
Trong một lá thư gửi tới cho nhân viên, Davie nói rằng ông đã nhận vai trò tổng giám đốc tạm quyền để “mang tới cho BBC sự trong sạch và một sự lãnh đạo mà hãng xứng đáng được nhận” cho tới khi một người kế nhiệm lâu dài của Tổng giám đốc mới từ chức George Entwistle được chỉ định.
Davie xác nhận rằng Giám đốc tin tức sẽ tạm thời từ nhiệm khi ông triển khai “cơ chế quản lý đơn nhất để xử lý với toàn bộ bản tin của bộ phận Tin tức, các vấn đề liên quan tới Savile hoặc những chuyện khác”.
Trong dấu hiệu cho thấy Davie đã phải chịu sức ép lớn tới đâu, ông đã bực bội rời khỏi một cuộc phỏng vấn đang diễn ra trên đài truyền hình Sky News. Davie nói rằng ông không còn thì giờ để trò chuyện, bởi ông có nhiều việc phải làm.
Trung tâm cuộc khủng hoảng mà BBC đang đối mặt là vai trò của các nhân viên và quản lý tại chương trình Newsnight ăn khách của đài.
Video đang HOT
Tổng giám đốc tạm quyền Tim Davie đang đứng trước sức ép lớn (Nguồn: AFP)
Ngày 2/11, Newsnight đã phát một bản tin nói rằng cựu quan chức phụ trách tài chính của đảng Bảo thủ Alistair McAlpine lạm dụng các bé trai tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở xứ Wales trong những năm 1970, trước khi phải rút bỏ thông tin này.
Chương trình cũng đối diện với cáo buộc đã hủy bỏ một chương trình nhằm vào hoạt động lạm dụng tình dục của Savile hồi năm ngoái, bởi nó có thể khiến BBC mất mặt, khi đài đang định phát chương trình ca ngợi cố ngôi sao truyền hình của họ.
Cảnh sát cho biết Savile, người qua đời hồi tháng 10 năm ngoái ở tuổi 84, có thể đã lạm dụng tới 300 đứa trẻ trong 3 thập kỷ. Tổng biên tập Newsnight Peter Rippon đã tạm từ nhiệm hồi tháng trước liên quan việc cắt bỏ cuộc điều tra Savile và hôm thứ Hai, tới lượt Boaden cùng Mitchell cũng có hành động tương tự.
BBC nói rằng họ chưa bị sa thải và sẽ trở lại làm việc sau khi cuộc điều do cựu giám đốc Sky News Nick Pollard tiến hành hoàn tất, nhằm làm rõ xem vì sao chương trình của Newsnight nhằm vào Savile lại bị cắt bỏ.
Theo BBC, Boaden và Mitchell không có liên quan tới phóng sự về lạm dụng trẻ em đã phát trên chương trình Newsnight. Nhưng đài cảnh báo sẽ có thêm nhiều quan chức khác bị kỷ luật sau bê bối này.
Các bình luận viên cho rằng nguyên nhân để Newsnight tiếp tục phạm sai lầm và có thể bị McAlpine kiện vì tội bôi nhọ, là do BBC đã để Boaden và một số quan chức cao cấp khác trở lại nắm quyền điều hành show, trong khi vai trò của họ trong việc hủy bỏ cuộc điều tra nhằm vào Savile hồi năm ngoái vẫn đang được làm rõ.
Davie đã xác nhận điều này, nói rằng việc xem xét lại cách thức chương trình Newsnight được lên sóng đã cho thấy sự “thiếu rõ ràng trong hệ thống chỉ huy, kiểm soát biên tập ở BBC News và những kẻ vướng vào cuộc điều tra của Pollard đã không thực thi được quyền hành mà họ được giao”.
Fran Unsworth hiện đã được chỉ định làm giám đốc tạm quyền bộ phận tin tức và Ceri Thomas là phó giám đốc tạm quyền, trong khi Karen O’Connor được bổ nhiệm vào vị trí Tổng biên tập Newsnight.
Trả nhiều tiền cho Tổng giám đốc mới từ chức
Trong khi đó, BBC cũng vấp phải sức ép mới khi người ta biết rằng tổ hợp này đã phải trả 450.000 bảng (715.000 USD) cho cựu Tổng giám đốc George Entwistle, người mới từ chức hôm 10/11 sau có 54 ngày cầm quyền.
Dù chỉ nắm ghế Tổng giám đốc BBC chưa đầy 2 tháng, Entwistle đã được nhận tới 450.000 bảng tiền lương thưởng các loại và một khoản tiền hưu trị giá 877.000 bảng.
Thủ tướng David Cameron nói rằng khoản chi này “rất khó để thanh minh” dù ông vẫn bày tỏ tin tưởng vào Chris Patten, chủ tịch BBC Trust, cơ quan trực tiếp điều hành BBC. Cá nhân ông này đã không chấp nhận các kêu gọi từ chức.
Sự ra đi của Entwistle đã khiến BBC rơi vào khủng hoảng khi đài còn đang phải chiến đấu chống lại các cáo buộc rằng sao truyền hình quá cố Jimmy Savile là một kẻ lạm dụng tình dục tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh, chưa kể tới việc đài đã đưa tin ám chỉ một chính trị gia cao cấp lạm dụng tình dục trẻ em, dù không chứng minh được điều đó.
Theo 24h
Vụ GĐ CIA ngoại tình: Lộ diện phụ nữ thứ hai
Truyền thông Mỹ ngày hôm qua đưa tin, người phụ nữ thứ hai trong vụ bê bối tình ái khiến Giám đốc CIA David Petraeus phải từ chức đã lộ diện, đó chính là nhân viên liên lạc của Bộ ngoại giao Mỹ.
Thứ Sáu tuần trước, ông Petraeus đã phải từ chức khi thừa nhận có quan hệ ngoài hôn nhân với một phụ nữ sau đó được xác định là Paula Broadwell, cựu thiếu tá Lục quân, 40 tuổi. Broadwell được phép tiếp xúc với Giám đốc CIA do là đồng tác giả cuốn tiểu sử: "All In: The education of General David Petraeus".
Báo chí Mỹ hôm Chủ nhật tiết lộ, vụ bê bối tình ái đã bị phơi bày ra ánh sáng khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiến hành điều tra hình sự về việc người phụ nữ thứ hai phàn nàn rằng cô luôn nhận được các email ác ý từ Broadwell.
"Chúng tôi không chú ý điều tra Petraeus, nhưng khi tiến trình điều tra vụ việc lại dẫn tới ông", một quan chức Quốc hội Mỹ giấu tên phát biểu trên tờ New York Times.
Washington Post dẫn lời các quan chức thực thi luật nói rằng những email "đe dọa và quấy rối" từ Broadwell cho thấy bà này nghĩ rằng người phụ nữ kia là tình địch với mình trong mối quan hệ với Giám đốc CIA Petraeus.
Giám đốc CIA David Petraeus chụp ảnh với người viết tiểu sử Paula Broadwell khi còn chỉ huy Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế ở Afghanistan
Theo Washington Post, người phụ nữ nhận được các email quá đỗi sợ hãi nên vài tháng trước đây bà đã yêu cầu FBI bảo vệ và truy tìm ra danh tính người gửi. Sau đó, FBI đã sớm phát hiện ra mối quan hệ tình ái giữa Broadwell và Petraeus, buộc ông chủ CIA phải quyết định ra đi.
Hãng tin ABC News cho biết, người phụ nữ bí mật thứ hai trong vụ ngoại tình của Giám đốc CIA Petraeus đến từ Tampa, Florida và có "liên quan" đến quân đội Mỹ. Trong khi đó, hãng thông tấn AP thậm chí còn nói rõi hơn, đó chính là Jill Kelley, 37 tuổi, nhân viên liên lạc giữa Bộ ngoại giao Mỹ với Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt liên quân của Quân đội nước này.
Khi vụ việc vỡ lở, ông Petraeus đã quyết định từ chức Giám đốc CIA sau cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama chiều thứ Năm tuần trước (9/11). Trong thông báo gửi cho các đồng nghiệp, Petraeus viết: "Sau cuộc hôn nhân hơn 37 năm, dính líu đến ngoại tình là hành vi không thể chấp nhận được, cả trên cương vị người chồng và trên cương vị lãnh đạo một tổ chức như của chúng ta".
Theo 24h
Thừa nhận ngoại tình, Giám đốc CIA từ chức Hôm qua, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus đã thông báo quyết định từ chức sau khi tự thừa nhận dính líu tới một vụ bê bối tình ái. Theo một quan chức Mỹ, Cục điều tra liên bang (FBI) đã có thông tin cho thấy, ông Petraeus dính líu đến một phụ nữ và cơ quan này...