BBC bồi thường cho nhà thiết kế đồ họa vạch trần vụ bê bối phỏng vấn Công nương Diana
Hãng tin BBC của Anh ngày 8/10 thông báo đạt thỏa thuận với nhà thiết kế đồ họa Matt Wiessler – người đã vạch trần vụ bê bối của phóng viên Marin Bashir, người đã nhờ ông làm sao kê ngân hàng giả để có thể tiến hành cuộc phỏng vấn gây chấn động với Công nương Diana 20/11/1995.
Trụ sở hãng BBC tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, hãng tin này sẽ trả khoản bồi thường lên tới 1 triệu bảng Anh (hơn 1,36 triệu USD) cho ông Wiesseler – vốn bị cho nghỉ việc sau khi vạch trần vụ bê bối trên.
Để có thể tiến hành cuộc phỏng vấn với Công nương Diana, Bashir đã lên kế hoạch thuyết phục Bá tước Earl Spencer, em trai của Công nương Diana, bịa đặt rằng mình có quyền truy cập các nguồn tin cấp cao để có thông tin về một âm mưu chống lại Công nương Diana.
Cuối tháng 8/1995, Martin Bashir đã yêu cầu ông Matt Wiessler – vốn không biết kế hoạch này, làm giả sao kê ngân hàng về các khoản thanh toán từ các cơ quan tình báo vào tài khoản của các thư ký riêng của Công nương Diana và Thái tử Charles. Sau đó, Bashir đã đưa các giấy tờ giả này cho Bá tước Spencer để có thể tiếp cận và tiến hành cuộc phỏng vấn với Công nương Diana.
Ngày 20/11/1995, cuộc phỏng vấn Toàn cảnh (Panorama) của Martin Bashir với Công nương xứ Wales Diana, được phát sóng ở Anh, thu hút gần 23 triệu người xem. Trong cuộc phỏng vấn dài 60 phút, Công nương Diana đã nói về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bà với Thái tử Charles, trong đó có việc Thái tử vẫn giữ mối quan hệ tình cảm với bà Camilla Parker-Bowles.
Theo BBC, ngay sau đó, Nữ hoàng Anh viết thư cho Thái tử Charles và Công nương Diana yêu cầu họ ly hôn. Năm 1996, Thái tử Charles và Công nương Diana ly hôn. BBC cũng cho biết cuộc phỏng vấn đã khiến Hoàng tử William và Harry – hai con trai của Công nương Diana – bị tổn thương.
Khi đó, ông Wiessler đã bày tỏ quan ngại với giới chức BBC, song ban lãnh đạo BBC đã ra quyết định sa thải ông sau khi hết hạn hợp đồng.
Trong tuyên bố ra ngày 8/10, BBC bày tỏ sự vui mừng khi đạt được thỏa thuận với ông Wiessler, đồng thời nhắc lại lời xin lỗi đầy đủ và vô điều kiện tới ông Wiessler vì các hành vi của BBC trong quá khứ. Tuyên bố nêu rõ ông Wiessler đã “hành động hoàn toàn chính trực, trong đó đã nêu lên những quan ngại vào thời điểm đó” và BBC phải xin lỗi vì đã không lắng nghe.
Mặc dù BBC không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận, song đầu năm nay có thông tin cho rằng ông Wiessler có thể được bồi thường tới 1 triệu bảng Anh (khoảng 1,36 triệu USD).
Do dư luận đặt ra nhiều nghi vấn sau cuộc phỏng vấn, ông Tony Hall – Giám đốc Tin tức, sau này là Tổng Giám đốc của BBC giai đoạn 2013-2020 – phải mở một cuộc điều tra. Tuy nhiên, cuộc điều tra này không đầy đủ vì không phỏng vấn được Bá tước Earl Spencer. BBC nhiều lần bác bỏ yêu cầu công khai tài liệu điều tra.
Cáo buộc lại nổi lên vào mùa thu năm 2020 – tức 25 năm sau cuộc phỏng vấn. Bá tước Charles Spencer – em trai của Công nương Diana – liền có phản hồi về vấn đề này, đồng thời cho biết còn giữ các ghi chú lúc đó về các cuộc gặp với Bashir. Ông cho rằng Bashir đã sử dụng các bản sao kê ngân hàng giả mạo để thuyết phục Công nương Diana trả lời phỏng vấn.
Trước các cáo buộc lần này, năm 2020, BBC tiến hành một cuộc điều tra để lấy lại niềm tin của công chúng, đồng thời giao cho cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao John Dyson đứng đầu. Báo cáo điều tra đã liệt kê một loạt sai sót về đạo đức, chuyên môn và biên tập tại BBC trong những năm 90 của thế kỷ trước, trong khi BBC thừa nhận đáng lẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đi đến tận cùng những gì đã xảy ra vào thời điểm đó. Tháng 5/2021, BBC đã đăng tải loạt bài công bố về sai sót trong nghiệp vụ này cũng như công khai xin lỗi.
Nhờ vụ phỏng vấn gây chấn động này, mà Bashir từ chỗ là một phóng viên ít tên tuổi vào thời điểm đó, đã trở nên nổi tiếng trên các đài truyền hình của Mỹ và được phỏng vấn nhiều ngôi sao, trong đó có “ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson. Martin Bashir trở lại Vương quốc Anh vào năm 2016. Kể từ tháng 9/2016, Bashir làm biên tập viên phụ trách lĩnh vực tôn giáo tại BBC. Ngày 14/5 vừa qua, Bashir, 58 tuổi, xin từ nhiệm với lý do sức khỏe.
60 phút Công nương Diana tiết lộ chuyện đời gây bão Hoàng gia Anh
Trả lời phỏng vấn BBC năm 1995, Công nương Diana đã chia sẻ thẳng thắn về hôn nhân cũng như đời tư của mình, một hành động "phi chuẩn mực" Hoàng gia.
Ngày 20/11/1995, BBC đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đối với Hoàng gia Anh khi nhà báo kỳ cựu từ chương trình "Panorama" Martin Bashir thuyết phục được Công nương Diana chia sẻ nhiều câu chuyện gây bất ngờ trong cuộc phỏng vấn cá nhân đầu tiên của bà kể từ sau khi kết hôn với Thái tử Charles.
Mặc bộ vest đen quyền lực, Công nương Diana ngồi đối diện nhà báo Bashir suốt 60 phút, tạo ra một cuộc phỏng vấn bùng nổ nhất từng được thực hiện từ trước tới nay.
Công nương Diana trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Martin Bashir năm 1995. Ảnh: BBC .
Bà đã có những tiết lộ chấn động khi nói về cuộc sống của mình với tư cách thành viên Hoàng gia. Cuộc phỏng vấn thu hút 22,8 triệu lượt xem và đến nay vẫn là một trong những chương trình của BBC có lượt theo dõi cao nhất mọi thời đại.
Trong cuộc nói chuyện, Công nương Diana trao đổi cực kỳ thẳng thắn và cởi mở theo cách không được coi là phù hợp với quy chuẩn cư xử điển hình của Hoàng gia. Công nương nói "có ba người" trong cuộc hôn nhân của bà, gồm bà, Thái tử Charles và tình nhân lâu năm, hiện là vợ Thái tử, Camilla Parker-Bowles.
Giờ đây, cuộc phỏng vấn nổi tiếng năm nào lại tiếp tục gây tranh cãi khi một cuộc điều tra độc lập được tiến hành nhằm tìm hiểu bằng cách nào Bashir có thể tiếp cận và thực hiện cuộc phỏng vấn gây bão với Công nương Diana gần ba thập kỷ trước.
Thẩm phán về hưu John Dyson ngày 20/5 công bố báo cáo điều tra cho thấy Bashir đã làm giả các bản sao kê ngân hàng, rồi đưa chúng cho Bá tước Charles Spencer, em trai Công nương Diana, để đánh lừa ông nhằm chiếm lòng tin và khiến ông sắp xếp cuộc gặp với Công nương. Dyson cũng chỉ ra rằng một cuộc điều tra nội bộ trước đây của BBC đã che giấu hành vi sai trái của Bashir.
Bashir được cho là đã nói dối Bá tước Spencer rằng Công nương Diana đang bị các thành viên trong Hoàng gia giám sát và những người thân cận đang âm mưu chống lại bà, tất cả nhằm khiến bà cảm thấy bất an, hoảng sợ.
Theo lời Bá tước Spencer, những tài liệu giả mạo mà Bashir đưa ra cho thấy cơ quan an ninh đã trả tiền hai người thân cận của Công nương Diana để lấy thông tin về chị gái ông.
Khoảng 20 phút đầu cuộc phỏng vấn, Bashir đề cập đến một cuốn tiểu sử do Jonathan Dimbleby viết, tiết lộ việc Thái tử Charles đã nối lại quan hệ với người tình cũ Camilla Parker-Bowles.
Sau khi hỏi Công nương làm sao bà biết về mối quan hệ này, bà đáp: "Ồ, giác quan của phụ nữ thường rất nhạy bén". Công nương tiếp tục nói rằng bà được các nhân viên và "những người quan tâm đến cuộc hôn nhân của chúng tôi" kể mọi chuyện.
Bà sau đó thừa nhận những thông tin "khá đau đớn" này đã khiến bà mắc chứng "cuồng ăn mạnh". Công nương cũng nói rằng bà biết chồng mình đã yêu người khác vì "sự thay đổi trong cách cư xử... cùng hàng loạt lý do khác mà giác quan của phụ nữ cảm nhận được".
Câu nói gây sốc "có ba người" trong mối quan hệ được Công nương đưa ra khi Bashir đặt câu hỏi: "Bà có nghĩ Parker-Bowles là một nhân tố khiến hôn nhân của bà đổ vỡ hay không?"
Công nương Diana, lúc bấy giờ đang cúi mặt nhìn xuống đất, ngẩng lên và đáp: "Có ba người trong cuộc hôn nhân này. Đó là cuộc hôn nhân khá đông người".
Câu nói của bà lập tức trở thành tình tiết bùng nổ nhất trong cuộc phỏng vấn vốn đã đầy rẫy tranh cãi.
Công nương còn tiết lộ rằng có thời điểm, chính bà cũng "phải lòng" người khác, James Hewitt, một cựu sĩ quan kỵ binh trong quân đội Anh. Tuy nhiên, bà sau đó đã "rất thất vọng" về Hewitt khi ông nói về bà trong một cuốn sách.
Công nương Diana trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 1995.
Cuộc phỏng vấn của Panorama được phát sóng một năm trước khi Công nương Diana và Thái tử Charles ly hôn vào năm 1996, mặc dù hai người đã ly thân từ năm 1992. Bà qua đời ở tuổi 36 trong vụ tai nạn ô tô ở Paris, Pháp, khi bị các tay săn ảnh đuổi theo vào ngày 31/8/1997.
Ngoài những khó khăn trong hôn nhân, Công nương còn chia sẻ suy nghĩ về việc bà không muốn trở thành hoàng hậu vào một ngày nào đó nếu Thái tử Charles lên ngôi vua.
"Tôi muốn là hoàng hậu của người dân, trong trái tim người dân, nhưng tôi không thấy mình là hoàng hậu của đất nước này", bà nói trong cuộc phỏng vấn.
Công nương cũng cởi mở tiết lộ về tình trạng thể chất và tinh thần của bản thân, trong đó có việc bà mắc chứng trầm cảm sau khi sinh Hoàng tử William và đây thực sự là quãng thời gian rất khó khăn đối với bà.
"Bạn thức dậy vào buổi sáng và không muốn rời khỏi giường. Bạn cảm thấy bị hiểu lầm và rất rất tự ti về bản thân mình. Tôi trước đây chưa bao giờ bị trầm cảm trong đời", Công nương cho hay.
Khi được hỏi chứng trầm cảm ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân giữa bà với Thái tử Charles như thế nào, Công nương cho biết thời điểm đó, bà nhận được rất ít sự cảm thông.
"Nó khiến mọi người gán cho tôi cái mác hoàn toàn mới, Diana bất ổn hay Diana bấn loạn. Và thật không may, tôi dường như bị mắc kẹt với nó suốt những năm qua", bà nói.
Khi Bashir hỏi vì sao bà đồng ý lên tiếng, Diana nói rằng vì bà và Thái tử Charles đã ly thân được gần ba năm và trong thời gian "đầy nhiễu loạn" đó, đã rất nhiều người bày tỏ sự hoài nghi với bà. "Tôi muốn đảm bảo với tất cả những người đã yêu quý, ủng hộ tôi suốt 15 năm qua rằng tôi sẽ không bao giờ làm họ thất vọng", Diana nói. "Đó là một ưu tiên với tôi, ngoài các con".
"Một số người có thể suy diễn rằng bà chỉ đang tận dụng cơ hội này để quay lưng với chồng", Bashir hỏi lại.
"Tôi không ngồi đây với sự phẫn nộ. Tôi ngồi đây với nỗi buồn, vì hôn nhân đã không như những gì nó lẽ ra phải có", bà trả lời. "Tôi ngồi đây với niềm hy vọng, vì tin rằng phía trước là tương lai cho chồng tôi, cho bản thân tôi và cho cả Hoàng gia".
Bức thư tay do Công nương Diana viết, trong đó bà nói "không hối tiếc" khi tham gia cuộc phỏng vấn với BBC. Ảnh: PA Media.
Cuộc phỏng vấn đã giúp sự nghiệp của Bashir lên như diều gặp gió, nhưng cũng đặt dấu chấm hết cho sự sùng kính của BBC với Hoàng gia, theo hồi ký của John Birt, cựu tổng giám đốc BBC. Hãng này sau đó mất độc quyền phát hành Thông điệp Giáng sinh của Nữ hoàng, trong khi Birt bày tỏ "nỗi hối tiếc vì đã làm tổn thương những người tốt".
Nhà sử học Anh Simon Heffer cho rằng bằng cách công khai những rắc rối trong cuộc hôn nhân của mình, mục đích duy nhất của Công nương Diana là "thao túng dư luận để gây thiệt hại nhiều nhất có thể cho chồng và gia đình chồng".
Tuy nhiên, Jennie Bond, cựu phóng viên Hoàng gia của BBC, cho hay trong cuộc trao đổi cuối năm 1996, Diana cho biết bà không hề hối tiếc vì đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Bashir. "Đột nhiên cuộc phỏng vấn đó trở nên đúng đắn, đặc biệt là khi khả năng ly hôn ngày càng hiển hiện. Tôi nghĩ sẽ có điều khoản cấm tiết lộ thông tin, và đó là vấn đề bây giờ hoặc không bao giờ", Diana nói.
BBC xin lỗi vì cuộc phỏng vấn Công nương Diana William, Harry cáo buộc BBC liên quan cái chết Công nương Diana 14
BBC xin lỗi vì cuộc phỏng vấn Công nương Diana BBC "xin lỗi vô điều kiện" sau khi nhà báo Bashir bị phát hiện dùng "mánh khóe" để có cuộc phỏng vấn gây chấn động với Công nương Diana năm 1995. "Mục tiêu gián tiếp và thực sự trong những mánh khóe của Martin Bashir là Công nương Diana", thẩm phán về hưu John Dyson viết trong báo cáo độc lập được công...