‘Bẫy rồng’: Phim hành động Việt hơi hướm xã hội đen Hong Kong
Hai năm sau “ Dòng máu anh hùng”, hãng phim Chánh Phương tiếp tục thực hiện một bộ phim hành động võ thuật có tên “ Bẫy rồng”, một tác phẩm có hơi hướm phim xã hội đen Hong Kong.
Khác với thể loại hành động – dã sử lấy bối cảnh những năm Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp trong Dòng máu anh hùng, Bẫy rồnglà phim hành động có bối cảnh hiện đại, tập trung vào cuộc đối đầu, thanh trừng giữa các băng đảng tội phạm.
Chiếc ghế đạo diễn được giao cho Lê Thanh Sơn, một nhà làm phim trẻ vốn xuất thân là rocker chuyển sang làm phim. Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tiếp tục đóng chung và phần nào lặp lại motif nhân vật của họ trong Dòng máu anh hùng. Đó là từ đối đầu sang cùng phe, và mối quan hệ lãng mạn là chất xúc tác để họ gắn kết với nhau.
Sau Dòng máu anh hùng, Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tái hợp trong Bẫy rồng.
Bẫy rồng có hơi hướm của một bộ phim xã hội đen Hong Kong những năm 90. Trinh, còn có biệt danh là Phượng Hoàng (Ngô Thanh Vân đóng), là một “nữ quái” lạnh lùng, làm việc theo nguyên tắc và giỏi võ nghệ. Do một số ân oán trong quá khứ, Phượng Hoàng phải thực hiện một phi vụ quan trọng cuối cùng cho tên trùm tội phạm quyền lực Hắc Long ( Hoàng Phúc).
Nhanh, hấp dẫn
Phượng Hoàng tuyển một số lính đánh thuê tinh nhuệ, bao gồm Quân có biệt danh Hổ (Johnny Trí Nguyễn), Cang/Xà ( Lâm Minh Thắng), Tuấn/Diều hâu (Trần Thế Vinh), Phong/Ngu ( Hiếu Hiền) để thực hiện vụ cướp một chiếc máy laptop chứa đựng những bí mật quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Chiếc laptop đang nằm trong tay một băng nhóm tội phạm nước ngoài mới đặt chân đến Sài Gòn. Phi vụ đầu tiên của nhóm đổ bể. Quá khứ của Xà và tay trùm buôn bán vũ khí khiến họ không những không mua được vũ khí mà còn phải trải qua một trận chiến vô mục đích khiến Diều Hâu bị thương.
Phượng Hoàng phải nhận số vũ khí của Hắc Long để hoàn thành nhiệm vụ. Những cuộc đối đầu dữ dội giữa băng nhóm của Phượng Hoàng với nhóm tội phạm Pháp, sự phản bội của Xà, cái chết của Diều Hâu, mối quan hệ lãng mạn giữa Hổ và Phượng Hoàng, thế lực và sự tàn bạo của Hắc Long dần dần đẩy câu chuyện phim đi xa và những bí mật, âm mưu của mỗi nhân vật được đưa ra ánh sáng…
Trên nền một kịch bản phim hành động – lãng mạn với những motif quen thuộc, Bẫy rồng có một vài điểm sáng trong kể chuyện với nhịp điệu nhanh, cắt dựng nhịp nhàng. Các góc máy sáng tạo của DOP (giám đốc hình ảnh) người Mỹ Dominic Pereira khiến bộ phim hấp dẫn ngay từ đầu và lôi kéo người xem tới những cảnh cuối cùng.
Bộ phim có nhiều cảnh hành động võ thuật hấp dẫn.
Các cảnh hành động đối đầu giữa hai băng nhóm kết hợp giữa các pha võ thuật đấu tay đôi, cận chiến lẫn các pha đấu súng ngoạn mục khiến Bẫy rồng khá giống với những bộ phim xã hội đen của Hong Kong thập niên 90.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn có một vài sáng tạo trong xử lý kịch bản như việc mượn những quân cờ trong bàn cờ tướng làm ẩn dụ về mối quan hệ giữa các nhân vật, đặc biệt là giữa Phượng Hoàng và Hắc Long.
Cách sử dụng nhạc cổ điển phương Tây theo kiểu leitmotif (lặp đi lặp lại) trong những cảnh có sự xuất hiện giữa hai nhân vật này khiến Bẫy rồng thoát khỏi cách dàn dựng mang tính rập khuôn, dễ dãi của thể loại phim hành động và tạo được sự mới mẻ để nhân vật bộc lộ nội tâm hay những nét tính cách khác biệt.
Chưa thoát được phim hành động hạng B
Tuy nhiên, kịch bản của Bẫy rồng lại bộc lộ những hạn chế khi xây dựng mối quan hệ giữa Phượng Hoàng và Hổ (gần như lặp lại mối quan hệ giữa hai nhân vật chính trong Dòng máu anh hùng từ xuất phát điểm, thân thế bí mật cho đến những cảnh lãng mạn của cả hai), nhân vật phản diện cứng nhắc hay sự minh họa hời hợt, dễ dãi trong các đoạn hồi tưởng.
Do đó, Bẫy rồng thiếu chiều sâu và không vượt thoát khỏi một bộ phim hành động hạng B. Trong khi đó, câu chuyện về tình mẫu tử giữa nhân vật Trinh/Phượng Hoàng và đứa con bị trùm giang hồ Hắc Long bắt giữ để thao túng cô cũng mới chỉ dừng ở bề mặt mà thiếu hẳn chiều sâu, không thể giúp khán giả đồng cảm với hành trình của nhân vật.
Ở phim hành động mới của Ngô Thanh Vân là Hai Phượng, yếu tố này phần nào được kế thừa và phát triển câu chuyện hợp lý hơn. Tất nhiên, Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt tạo ra một kịch bản đơn giản, phá bỏ những chi tiết đã quá trở thành khuôn mẫu trong dòng phim hành động để tập trung vào một câu chuyện đơn tuyến về hành trình đi tìm con của Hai Phượng.
Bẫy rồng cho thấy nhiều tiềm năng về chỉ đạo diễn xuất (với điểm sáng diễn xuất của Ngô Thanh Vân và Hoàng Phúc), dàn cảnh, nhịp điệu, sử dụng âm nhạc của Lê Thanh Sơn trong vai trò đạo diễn ở bộ phim đầu tay, nhưng cũng bộc lộ vài hạn chế về kịch bản và chưa thoát ra khỏi những khuôn mẫu của thể loại.
8 năm sau Bẫy rồng, Lê Thanh Sơn đạt thành công lớn với phim tình cảm hài Em chưa 18, giúp hot girl Kaity Nguyễn tỏa sáng.
Bẫy rồng cũng không thành công về doanh thu phòng vé vào thời điểm ra mắt vào năm 2009. Tuy nhiên, với bộ phim thứ 2 thuộc thể loại rom-com Em chưa 18, cũng với vai trò sản xuất của Charlie Nguyễn và hãng Chánh Phương, Lê Thanh Sơn đã trở thành đạo diễn giữ kỷ lục phòng vé phim nội địa ăn khách nhất trong hai năm, trước khi bị bộ phim Tết Cua lại vợ bầu của đạo diễn Nhất Trung soán ngôi.
Với vai trò đạo diễn võ thuật, đóng vai chính và lên ý tưởng kịch bản, Johnny Trí Nguyễn là một nhân tố quan trọng giúp Bẫy rồng trở thành một bộ phim hành động hấp dẫn, đặc biệt là việc anh sử dụng sáng tạo những thế võ cổ truyền Việt Nam (Vovinam) phối hợp với các môn võ nổi tiếng khác của thế giới như Taekwondo, Nhu thuật, Judo, Muay Thái…
Nhờ đó, các cảnh hành động dữ dội tạo được sức hút đáng kể về mặt thị giác và giúp Bẫy rồng trở thành bộ phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất được mua bản quyền chiếu trên kênh Star Movies châu Á.
Hãng phim Chánh Phương
Thời lượng: 97 phút
Đạo diễn: Lê Thanh Sơn
Kịch bản: Johnny Trí Nguyễn, Lê Thanh Sơn, Hồ Quang Hưng
Quay phim: Dominic Pereira
Âm nhạc: Christopher Wong
Diễn viên: Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Hoàng Phúc, Lâm Minh Thắng, Hiếu Hiền
Theo zing.vn
'Hai Phượng': Thiếu chút nữa là tròn trịa!
'Hai Phượng' vẫn là tác phẩm quá nổi bật so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại.
Ngay khi công bố dự án Hai Phượng, khán giả đã có phen xôn xao vì đây là bộ phim hành động cuối cùng của Ngô Thanh Vân. Và không khiến người hâm mộ phải thất vọng, ở tác phẩm khép lại hành trình đưa nàng Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam qua ảnh trở thành đả nữ số một nước nhà, Ngô Thanh Vân đã cống hiến những pha võ thuật đẹp mắt, lồng ghép trong một cốt truyện không mới song giàu tính nhân văn.
Đừng bao giờ chọc vào hổ cái đang nuôi con
Tất cả những bà mẹ đều là nữ anh hùng, điều này chưa bao giờ sai, và Hai Phượng cũng vậy. Hai Phượng làm cái nghề xưa nay chỉ cánh đàn ông mới dám: đòi nợ thuê. Cô đòi không chừa một ai, từ gã chủ trại heo cho tới tay buôn cát, đòi một cách ngang tàn, từ dùng gạch đập vào đầu đối phương cho tới vùng lên dưới lưỡi dao, rựa. Bỏ ngoài tai sự chỉ trỏ của mọi người, lượm những đồng tiền bị bà chủ ném xuống đất, tất cả những gì Hai Phượng làm chỉ vì một mục đích: kiếm tiền nuôi cô con gái tên Mai ăn học.
Hai Phượng hiện lên với hình ảnh của một bà mẹ không hề chuẩn mực: chân đấm tay đá, hút thuốc lá, nấu nướng vụng về, nhưng cô vẫn thương Mai chẳng kém người đàn bà có con nào khác. Cô nấu cho Mai món bé thích ăn nhất, kiên nhẫn lắng nghe từng câu chuyện của con, thậm chí còn đi cầm cả đôi bông tai do cha tặng ngày bé để 'công chúa' nhà mình được nuôi 'ké' bè cá.
Tuy nhiên, bè cá chưa thấy đâu mà Mai đã mất tích. Cô bé bị bọn buôn người bắt cóc khi đang ngồi bên bờ sông. Từ đây, hành trình tìm con dài 14 tiếng của Hai Phượng bắt đầu.
Để miêu tả chính xác tâm trạng cũng như sự quyết liệt của Phượng, Trực - tay xã hội đen hoàn lương từng tham gia đoàn buôn trẻ con đã dùng câu chuyện của con hổ cái. Trước đây, hắn từng quen một vị lão làng săn hổ, lão kể hắn nghe rất nhiều điều hay, đặc biệt nhấn mạnh rằng đừng bao giờ chọc vào hổ mẹ đang nuôi con, ai bắt con nó, nó nhớ mặt, tìm tới tận nhà xé xác.
Hai Phượng như con hổ cái phát điên vì tìm con, cô đuổi từ Cần Thơ lên tới Tp. Hồ Chí Minh, nằm thùng xe tải, cơm chưa ăn được bữa nào đã lãnh no đòn, uống no nước sông. Nhưng Hai Phượng không từ bỏ, cô tự mình điều tra, lao vào hang ổ của đám xã hội đen, bởi chỉ cần 'lơi' ra một phút, Hai Phượng có thể sẽ khó bao giờ còn được gặp con gái mình nữa.
Cách Hai Phượng hành động cũng hệt như sự trả thù của loài hổ - mạnh mẽ, can đảm, dứt khoát và phải tiêu diệt bằng được kẻ cầm đầu. Ai khiến con cô đau, cô sẽ bắt chúng trả giá gấp mười lần.
Các cảnh hành động mãn nhãn
Không phải vô cớ mà người ta luôn chờ mong những bộ phim võ thuật có Ngô Thanh Vân đóng chính. Từ Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng cho tới Lửa Phật, cô luôn khiến cho khán giả phải 'ồ', 'òa' bằng những ngón đòn lợi hại, chuyên nghiệp.
Và trong Hai Phượng, tất cả những pha hành động đều được nâng lên tầm cao mới. Các thế đánh chắc, nhanh, dứt khoát, chú trọng vào lực mang tới cho người xem cảm giác chân thật. Với dáng người mảnh mai, cân đối, nữ diễn viên họ Ngô tiếp tục tận dụng lợi thế linh hoạt của mình. Cô di chuyển tốc độ, có những pha khiến đối phương không kịp trở tay.
Đặc biệt trong cảnh cuối phim, nhiều người không kịp chớp mắt với màn 'liên hoàn cước' hạ gục thủ lĩnh đường dây buôn trẻ em của Hai Phượng.
Một phần không thể thiếu trong các cảnh hành động chính là vũ khí. Nhờ Hai Phượng, người xem như được mở rộng tầm mắt vì bất cứ thứ gì trong tầm với cũng có thể trở thành vật gây thương tích: ống bô xe máy, dây lục bình, trái cây, bình hoa, hay cả cây nhang (hương). Súng ống 'hạng nặng' chỉ xuất hiện ở cuối phim.
Để có được những cảnh quay 'ăn tiền' này, đoàn làm phim Hai Phượng đã tới 'gõ cửa' ekip chỉ đạo võ thuật của Hollywood. Riêng với Ngô Thanh Vân, cô từng dính chấn thương khi tự thực hiện cảnh hành động 'nặng đô' trong phim.
Vẫn có những phút lắng lòng
Ngoài những cảnh đánh đấm nảy lửa, Hai Phượng còn làm không ít khán giả rơi nước mắt qua các cao trào tình cảm. Đây không phải lần đầu tiên vào vai người mẹ, nhưng Ngô Thanh Vân trong Hai Phượng đằm hơn, dày dạn phong sương hơn và cũng tình cảm hơn.
Lúc con bị bắt đi, Hai Phượng không rơi nước mắt. Lúc kể chuyện cho người y tá nghe, cô cũng không chảy một giọt lệ nào. Nhưng lúc bị anh trai ruồng rẫy, lúc cô bất lực vì không có một cánh tay nào giơ ra để giúp cô cứu con, rồi lúc gặp lại con gái trong cũi gỗ, cô đã khóc như vỡ òa. Nước mắt dồn nén bấy lâu tuôn ra theo lẽ tự nhiên như tình thương Hai Phượng dành cho Mai lay động nhiều trái tim.
Trailer Hai Phượng
Không chỉ vậy, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Trực, mẹ Trực và Hai Phượng cũng tạo được điểm nhấn nhất định với ánh mắt thương xót mà Trực dành cho mẹ khi bị Hai Phượng xiết cổ.
Phim của Ngô Thanh Vân không thể thiếu 'hồn cốt' Việt
Không khó để nhận ra bên trong con người của đả nữ phim Việt luôn đau đáu nỗi niềm về văn hóa nước nhà trong phim điện ảnh. Khi phần đông cộng đồng còn xem chuyện cổ tích chỉ là thứ dành cho trẻ còn, thì Ngô Thanh Vân đã dốc tiền của để quay Tấm Cám: Chuyện chưa kể, khi phong cách retro lên ngôi, thì Ngô Thanh Vân cho khán giả một vé quay về Sài Thành năm 1969 bằng Cô Ba Sài Gòn.
Ở Hai Phượng, bộ quần áo bà ba theo cô suốt từ đầu tới cuối phim, tiếng địa phương với âm ngọng 'r' - 'g' cũng là điểm nhấn tinh tế. Bên cạnh đó, những thứ được xem như đặc trưng nhất của miền sông nước phía Nam đều được đưa vào phim theo cách hết sức tự nhiên: nhà nổi, ghe thuyền, đường đất, bụi tre,...
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng hiện lên với các mảng sáng tối đối lập: các tòa nhà cao tầng với khu ổ chuột, Hai Phượng đầu bù tóc rối đi ngược với đám đông, những con đường lớn sáng đèn với hẻm hốc tối đen,...
Hình ảnh Hai Phượng trong phim cũng được xây dựng dựa trên những tính cách 'vàng' của phụ nữ Việt: tần tảo, giàu đức hy sinh, thương người và toàn tâm toàn ý vun vén cho gia đình nhỏ.
Sự trở lại của Lê Văn Kiệt
Nhắc tới Lê Văn Kiệt, người ta nghĩ ngay tới những tác phẩm mang hơi hướng kinh dị, tăm tối, u uất và nghẹt thở như Ngôi nhà trong hẻm hay Dịu dàng. Trước đó, anh từng 'ghim' tên vào lòng khán giả bằng một Bẫy cấp ba bị cấm chiều vì có quá nhiều cảnh bạo lực, quan hệ tình dục, nhất là khi các nhân vật chính còn đang là học sinh cấp ba.
Đến với Hai Phượng, Lê Văn Kiệt tiếp tục mang tới bầu không khí nặng và căng như dây đàn. Cùng với đó, cách xử lý màu phim trầm, thiên về tông lạnh ở nửa sau, âm thanh dồn dập, đẩy cao trào liên tục khiến người xem không thể nào không nhớ tới những bộ phim 'lạnh xương sống'.
Nhưng so với những tựa phim trước, dễ nhận thấy vị đạo diễn trở về từ nước ngoài này đã tiết chế hơn trong việc sử dụng hình ảnh máu me, không để tính kinh dị lấn át chất hành động, những cảnh quay cần tình cảm trông rất đỗi dịu dàng. Tuy có để dán nhãn C18 nhưng Hai Phượng không có quá nhiều cảnh ghê rợn đến mức nhắm mắt.
Hai Phượng: Hay, đẹp, nhưng chưa thực sự tròn trịa
So với mặt bằng chung của phim điện ảnh Việt đương thời, Hai Phượng dường như đã đạt tới một 'cảnh giới' hoàn toàn khác: diễn biến rất nhanh, chuyển cảnh rất 'Tây', diễn viên đóng rất có hồn. Nhưng không phải vì thế mà khán giả không nhìn thấy 'sạn' từ phim.
Tác phẩm do Ngô Thanh Vân đóng chính và tham gia sản xuất có cốt truyện khá đơn giản và cách giải quyết tình tiết cũng đơn giản không kém. Khó ai tin được rằng rất nhiều giấy tờ quan trọng liên quan đến chuyên án mà Lương - vị cảnh sát tài ba đã dày công nghiên cứu, lại nằm 'tơ hơ' ngay trên bàn, hay việc anh cảnh sát đi lấy thuốc đau bụng cho Hai Phượng dù không biết cô đau ở đâu, như thế nào và tại sao thuốc có sẵn cũng khiến khán giả 'nhíu mày'.
Về phần thoại, phim không được đánh giá quá cao bởi ngôn từ trong phim sử dụng khá đơn điệu, nghèo nàn, lặp đi lặp lại nhiều lần, đôi chỗ bị 'màu mè', cường điệu và cố đưa tới những triết lý hơi xa vời. Bên cạnh đó, khán giả vẫn mong nhân vật Trực của Phạm Anh Khoa được góp vai trò quan trọng hơn trong phim.
Sau hai buổi chiếu sớm vào ngày 20 và 21, Hai Phượng sẽ chính thức ra rạp từ ngày 22/02/2019.
Theo tiin.vn
REVIEW Hai Phượng (Furie) Sau một mùa phim Tết đầy biến động thì Hai Phượng (Furie) chính là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm nay và là tác phẩm mang đến cho khán giả niềm tin vào nền điện ảnh nước nhà. Hai Phượng là một bộ phim có đề tài không mới. Ngay từ khi công bố dự án khán giả đã so sánh...