Bảy Nữa tiên phong làm món khô “mẫu hậu chân dài”
Anh Nguyễn Văn Nữa ( Bảy Nữa) là nông dân duy nhất ở miền Tây thu lãi tiền tỷ mỗi năm từ việc nuôi ếch sạch và sản xuất các sản phẩm “ngon hết sẩy” từ ếch. Nhiều người nói, anh Bảy Nữa là nông dân đầu tiên ở Đồng Tháp làm khô ếch. Nếu khô nhái ở miền Tây gọi là “vũ nữ chân dài” thì khô ếch của Bảy Nữa gọi là khô “mẫu hậu chân dài”.
Khởi nghiệp từ con ếch
Anh Nguyễn Văn Nữa (tên thường gọi Bảy Nữa) ngụ ở ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Anh Nữa kể, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ, anh trở về quê và làm việc như nhiều chàng trai miền Tây khác-đó là rong ruổi khắp các cánh đồng, hết vác lúa thuê đến lái máy gặt đập liên hợp.
Cũng từ những ngày vất vả làm thuê, anh Nữa thấm thía nỗi cơ cực của người làm ruộng, cuộc sống không có dư dật. Trong tâm trí của anh ấp ủ những kế hoạch làm ăn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Kế hoạch đó bắt đầu được thực hiện khi anh cưới vợ.
Anh Nữa bên sản phẩm của mình. ảnh: Huỳnh Xây
Nhận thấy con ếch là loại dễ nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và quê hương Đồng Tháp nói riêng, vốn đầu tư ban đầu cũng tương đối thấp nên từ năm 2008, anh Nữa quyết định tìm đến huyện Cái Bè (Tiền Giang) để mua 7 cặp ếch giống sinh sản và 1.000 con ếch thịt về nuôi thử.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu nhưng anh Nữa vẫn kiên nhẫn, cần cù, vừa làm theo hướng dẫn từ các tài liệu, sách báo vừa rút kinh nghiệm thực tiễn. Không phụ những cố gắng của anh, đàn ếch dần phát triển ổn định.
“Tôi đầu tư xây bể xi măng, sử dụng con giống sạch, thả nuôi với mật độ vừa phải, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp… Chỉ sau thời gian ngắn thả nuôi, tôi đã thu lãi vài triệu đồng mỗi tháng từ ếch thịt và ếch giống” – anh Nữa nói.
Video đang HOT
Không đợi thương lái tìm đến nhà, để giải quyết đầu ra, anh chủ động đi giới thiệu cho thị trường (bạn bè, quán ăn, quán nhậu) các tỉnh ĐBSCL và Đà Nẵng, Hà Nội. Tuy nhiên, vài năm gần đây, có khá nhiều người thực hiện mô hình này, giá ếch thịt thường xuyên lên xuống bấp bênh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên anh Nữa quyết định đầu tư 400 triệu đồng mua máy móc để sấy khô thịt ếch, làm chà bông ếch và đóng gói.
Anh Nữa chia sẻ: “Ếch thịt và con giống có quá nhiều nơi làm, cạnh tranh sẽ rất khó khăn. Lúc này tôi thấy ếch làm khô và chà bông cũng dễ, nguồn nguyên liệu lại có sẵn nên tôi quyết định sản xuất cung cấp ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với khô và chà bông thịt heo, thịt gà”.
Món ăn đầu tiên anh Nữa nghĩ đến là khô ếch. Lúc đó thị trường đã có món khô nhái được mệnh danh là “vũ nữ chân dài”, còn khô ếch chưa xuất hiện nên anh Nữa gọi sản phẩm này của mình là “mẫu hậu chân dài”.
Nhưng việc làm ăn đâu dễ dàng như anh và nhiều người nghĩ. Những mẻ khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại vì nếu phơi quá khô thì mất hết vị ngọt của ếch, còn phơi không khô thì không cách nào bảo quản được. Khó khăn chồng chất khó khăn vì mỗi lần ướp khô lại cho ra một mùi vị khác nhau. Thất bại, thất bại rồi thất bại đã khiến hơn trăm triệu đồng của Nữa “đội nón ra đi”.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Với những nỗ lực vượt khó làm giàu, anh Nữa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017. Trước đó, anh Nữa đã nhận được nhiều giấy khen từ UBND huyện Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp. Năm 2016, sản phẩm ếch sạch sấy khô và chà bông ếch của anh được chứng nhận là Top 100 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng của Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức bình chọn.
Với sự kiên trì, chịu khó, cuối cùng anh Nữa cũng hoàn thiện quy trình chế biến các món ăn từ ếch và hoàn thiện kỹ thuật bảo quản khô ếch thành phẩm.
Theo phóng viên tìm hiểu, từ 8 – 10kg thịt ếch tươi nguyên con sẽ cho ra 1kg khô. Còn làm chà bông thì chỉ sử dụng phần thịt đùi ếch, trung bình 4kg thịt đùi ếch sản xuất ra 1kg chà bông. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình anh Nữa cung ứng ra thị trường 100kg khô ếch và 200kg chà bông ếch. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình còn cung ứng từ 1 – 2 tấn trứng ếch giống và hơn 1 triệu con giống.
Theo anh Nữa, sản phẩm tập trung phát triển nhất của anh là chà bông sạch (nguyên liệu chính là ếch tươi, quy trình nuôi sạch, không chất kháng sinh), hiện anh đã chính thức đưa ra thị trường với thương hiệu “ Chà bông ếch Bảy Nữa” (sản phẩm đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ). Sản phẩm mới này cũng được xem là đặc sản của tỉnh Đồng Tháp.
Anh Nữa cho biết: “Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi thường đăng ký tham gia các hội chợ nông nghiệp ở các tỉnh, thành trong vùng và TP.HCM. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, mở rộng trang trại nuôi ếch sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm làm từ ếch”.
Hiện nay, anh Nữa đang có kế hoạch bao tiêu sản phẩm ếch (nuôi theo quy trình sạch do anh hướng dẫn) cho người dân ở địa phương và thuê khoảng 20 lao động để phụ giúp. Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, khô ếch, chà bông ếch của anh Nữa là sản phẩm đặc trưng của địa phương, rất có tiềm năng phát triển bởi nó phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Được biết, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch, anh Nữa tận dụng làm thức ăn để nuôi hơn 2.000 con ba ba, lươn, với tổng diện tích của trang trại là 3.500m2. Lợi nhuận mỗi năm của anh Nữa đối với tất cả các sản phẩm là hơn 2,2 tỷ đồng.
Theo Danviet
Nuôi 16.000 gà đẻ, 1ha ao cá điêu hồng, 3.000 ba ba gai, lãi 900 triệu đồng
Anh Vũ Văn Yên (46 tuổi) ở thôn Nội, xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương hiện đang phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Anh nuôi 16.000 gà đẻ trứng, 1ha diện tích ao nuôi cá điêu hồng, 3.000 con ba ba gai, bình quân mỗi năm lãi ròng 900 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Yên không chỉ giỏi phát triển kinh tế gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho địa phương. Nhiều năm qua, gia đình anh Yên đều đạt danh hiệu "Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi" từ cấp tỉnh trở lên. Năm nay, anh Yên là 1 trong 2 hội viên nông dân được Hội Nông dân tỉnh Hải Duw3owng đề cử với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017".
Trừ chi phí, bình quân mỗi năm anh Yên (giữa) thu lãi trên 900 triệu đồng từ trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Năng động
Trước đây, anh Yên từng làm thủy thủ, công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, hay phải xa nhà. Sau nhiều lần tính toán, năm 1998, anh quyết định về quê hương phát triển kinh tế với ước mơ xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.Với số vốn tích góp ít ỏi ban đầu, anh Yên nhận đấu thầu 2 ha đất ruộng trũng phía đồng ngoài để đào ao thả cá truyền thống và nuôi lợn thịt. Việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Không bằng lòng với kết quả đó, anh Yên tiếp tục nghiên cứu sách, báo, tìm hiểu cách làm mới, học tập kinh nghiệm sản xuất ở trong và ngoài tỉnh.
Năm 2003, sau khi tham quan mô hình nuôi ba ba ở huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hưng Yên, anh đầu tư cải tạo một phần diện tích để nuôi 500 con ba ba thương phẩm. Vụ thu hoạch đầu tiên đã mang lại hiệu quả rõ ràng. Thương lái ở các nơi về đặt hàng. Từ lợi nhuận tích lũy được, anh Yên tái đầu tư, tu bổ diện tích ao hồ, chuồng trại của mình.
Anh Yên cho biết: "Tôi luôn tâm niệm muốn chăn nuôi hiệu quả thì ngoài việc yêu nghề, yêu lao động còn phải thật năng động và quyết đoán. Có như vậy mới nắm bắt được nhu cầu của thị trường, từ đó cung cấp các sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Năm 2010, anh Yên tiếp tục đầu tư khu chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm với quy mô 7.000 con; chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá điêu hồng, từ nuôi ba ba trơn sang ba ba gai.
Hiện anh Yên có một trang trại nuôi 16.000 con gà đẻ trứng cho 3,8 triệu quả trứng/năm; 10.000 m2 mặt nước để nuôi cá điêu hồng với sản lượng khoảng 12 tấn/năm; 3.000 con ba ba gai thương phẩm... Trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 900 triệu đồng.
Trách nhiệm với cộng đồng
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Yên còn nhiệt tình tham gia đóng góp cho các hoạt động ở địa phương và quan tâm đến vấn đề môi trường.
Anh áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất cho hệ thống trang trại. Hệ thống chuồng trại nuôi gà khép kín, có thiết bị làm mát, cho ăn tự động, sử dụng đệm lót sinh học để tránh gây ô nhiễm môi trường. Anh Yên tạo việc làm thường xuyên cho từ 15-20 lao động với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Là Chi hội trưởng Chi hội Nuôi thủy sản của xã, anh Yên luôn đi đầu vận động hội viên nông dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, anh đứng ra cung ứng vật tư và thi công tuyến đường nội đồng dài hơn 5 km từ thôn Tư Đa đến thôn Ngoại với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng theo hình thức trả dần và không tính lãi.
Ông Vũ Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa cho biết: "Anh Yên là hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương. Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh còn sẵn sàng giúp đỡ hội viên khác để cùng phát triển. Hiện nay, anh đang cung ứng phân bón trả chậm cho khoảng 40 gia đình hội viên khó khăn. Hằng năm, gia đình anh cũng đóng góp kinh phí cho xã để tặng quà những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".
Theo Đức Tâm (Báo Hải Dương)
Gặp ông "trùm" nuôi 400 tấn ngao ở xứ Thanh Với sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 400 tấn ngao các loại, doanh thu gần 5 tỷ đồng, tiếng tăm của ông Bùi Văn Thực đang nổi cả một vùng biển Hậu Lộc của xứ Thanh và được nhiều gọi là "trùm nuôi ngao". Đó là chân dung ông Bùi Văn Thực-1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước được...