Bảy ‘nhân tài’ kháng cáo sau khi thua kiện Đà Nẵng
Mong muốn được giảm án phí ở tòa sơ thẩm, giảm lãi suất khoản tiền bồi thường cho thành phố Đà Nẵng, gia đình 7 nhân tài vi phạm hợp đồng đã làm đơn kháng cáo.
Ngày 8/11, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cho biết sắp tới sẽ là nguyên đơn phiên xử phúc thẩm “kiện nhân tài”, khi 7 trong số 9 người tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) thua kiện ở tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng có đơn kháng cáo.
“Các học viên vi phạm đề án 922 chưa hài lòng nên muốn xử phúc thẩm. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng ít ra họ cũng kéo dài thời gian hoàn trả tiền cho thành phố. Quan điểm của chúng tôi là tòa kết án thế nào thì chấp hành như thế”, ông Chiến nói.
Theo Giám đốc Trung tâm, có thể các học viên kháng cáo vì “bắt bẻ” câu chữ trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu xét về tình cảm, chuyện vay mượn phải trả là bình thường. “Quan trọng hơn là tổ chức hay cá nhân khi đã hứa hẹn thì phải thực hiện. Những người vi phạm hợp đồng dứt khoát phải trả lại tiền ngân sách, tiền thuế của dân”, ông Chiến nhấn mạnh.
Việc nhân tài không về Đà Nẵng làm việc như cam kết đã ảnh hưởng đến kế hoạch sắp xếp nhân lực chất lượng cao cho bộ máy hành chính thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long vi phạm hợp đồngkhông về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ ở Anh), cho biết lý do các bị đơn kháng cáo là hy vọng bản án ở tòa phúc thẩm được khách quan hơn. “Án phí tòa phúc thẩm chỉ có 200.000 đồng nên chúng tôi không muốn bỏ qua cơ hội”, ông nói.
Ở phiên sơ thẩm, gia đình ông Bửu bị buộc hoàn trả gần 2,7 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng. Tuy nhiên gia đình chưa đồng ý với thời hạn hoàn tiền, nếu trả chậm sẽ phải theo lãi suất cơ bản 9% mỗi năm. “Điều này không đúng với Nghị định 143/2013 của Chính phủ. Việc đền bù kinh phí không phải như án dân sự vay mượn ở bên ngoài”, ông nói.
Vẫn theo phụ huynh này, án phí của tòa sơ thẩm hơn 40 triệu đồng (đã giảm 50%) là cao quá, gia đình không chịu được. “Chúng tôi mong tòa phúc thẩm xem xét giảm bớt khoản án phí ở phiên tòa trước, vì khoản nợ gốc chưa có khả năng trả, giờ án phí cao quá thì tiền đâu mà trả”, ông Bửu nói và cho biết nguyện vọng của gia đình là được trả chậm số tiền theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Video đang HOT
Từ tháng 10/2014 đến 30/9/2015, tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng thụ lý 15 vụ kiện nhân tài, đã xử 9 vụ và sắp tới 6 vụ tiếp tục được xử. Số tiền nhân tài phải bồi hoàn cho thành phố Đà Nẵng lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Đề án 922 được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2004, nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Trong hợp đồng quy định, sau khi hoàn thành khóa đào tạo các học viên phải về làm việc cho thành phố tối thiểu 7 năm. Hơn 630 người tham gia đề án và khoảng một nửa học viên đã về thành phố làm việc.
Tuy nhiên 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được thành phố đồng ý; 15 người đi học nhưng không về làm việc; 4 người đã về thành phố làm việc chưa được 7 năm đã bỏ ra nước ngoài; một người không nhận việc theo sự phân công của tổ chức.
Những nhân tài bị kiện ra tòa là do không chịu bồi hoàn tiền cho ngân sách như quy định (60 ngày sau khi nhận thông báo vi phạm hợp đồng). Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chờ đợi hơn 6 tháng mới khởi kiện nhân tài và là việc cực chẳng đã.
“Thành phố đang cân đối giữa việc cho đi học và thu hút nhân tài. Việc thu hút những người đã có bằng cấp, kinh nghiệm công tác và thực tâm muốn gắn bó để góp sức cho sự phát triển của thành phố sẽ tránh được rủi ro hơn so với chỉ tập trung cho Đề án 922. Thêm vào đó, những ngành nghề lâu nay cử đi học nhưng học viên về khó phát huy hết năng lực thì chúng tôi sẽ giảm đào tạo”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu giải pháp về chính sách đào tạo nhân tài cho thành phố trong thời gian tới.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng điều chỉnh chính sách nhằm tránh 'chảy máu chất xám'
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng việc thu hút người có bằng cấp, kinh nghiệm công tác và muốn gắn bó, góp sức cho sự phát triển của Đà Nẵng sẽ tránh được rủi ro hơn so với chỉ tập trung cho đề án nhân tài.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về nhân tài của Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, đánh giá cái được lớn nhất của các dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đã bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam. Chính sách trọng dụng nhân tài trở thành một thương hiệu của thành phố trong 15 năm qua. Đà Nẵng cũng có được đội ngũ công chức phục vụ nhân dân hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thành phố và chính quyền cũng tạo ra thói quen biết quý giá nguồn nhân lực.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhưng cái mất của Đà Nẵng, theo ông Ngữ chính là những học viên vi phạm hợp đồng đề án, sau khi đi học đã không trở về làm việc cho thành phố hoặc chưa làm việc hết thời gian 7 năm theo cam kết trong hợp đồng đã bỏ ra nước ngoài. 10% trong số hơn 630 lượt học viên tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) vi phạm hợp đồng là một minh chứng. Thành phố mất tiền của, sự tin tưởng mà còn mất đi cơ hội sử dụng người tài theo kế hoạch. Nhìn ở góc độ tích cực hơn, dù những nhân tài này không về làm việc cho Đà Nẵng nhưng thành phố vẫn sẽ được hưởng lợi, từ nguồn tiền họ gửi về cho gia đình.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Ngữ cho rằng việc thu hút, đào tạo nhân tài phải liên tục điều chỉnh chính sách cho đúng với từng thời điểm. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng bây giờ không nhất thiết phải đưa hết vào bộ máy hành chính, dễ khiến học viên gò bó. Thay vào đó phải cho người tài "có đất dụng võ". "Nhiều người đi làm không hẳn đã về thu nhập, mà họ có nơi để thể hiện năng lực bản thân", ông nói thêm.
Dù Đà Nẵng là một trong số ít địa phương ở Việt Nam đưa ra hàng loạt chính sách "chiêu hiền" và "đãi sĩ", nhưng theo ông Ngữ việc giữ chân người tài vẫn đang còn là vấn đề đáng bàn. Khi thành phố bố trí công việc, đãi ngộ tốt thì những nhân tài cũng suy nghĩ về việc gắn bó. Nhưng với người tài, chỉ trọng tín, trọng đãi và trọng tình chưa đủ, mà quan trọng nhất là trọng dụng họ.
"Trọng dụng không phải là quý mến hay ưu ái, mà phải bố trí việc đúng khả năng, đúng môi trường để họ phát huy trí tuệ, năng lực, giúp họ luôn có cảm hứng để gắn bó. Hiện tại mình mới sử dụng người tài chứ chưa thực sự trọng dụng. Phải làm cho họ thăng hoa, tin dùng họ thì đó mới là trọng dụng", ông Ngữ nêu quan điểm.
Việc nhân tài "bội tín" khiến Đà Nẵng mất cơ hội bố trí nguồn nhân lực trẻ. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết số tiền thành phố chi cho các học viên tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mỗi năm tốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng học viên sang nước ngoài có công ty trả lương cao hơn, hay lập gia đình rồi vịn lý do không về, lại tính chuyện "xù" tiền thuế của nhân dân là "không được".
"Con số học viên vi phạm là không nhiều so với một đề án. Nhưng có học viên cá biệt còn vi phạm pháp luật, qua nước ngoài chơi cờ bạc, không học hành đến nơi đến chốn nên phải kiện. Thành phố cực chẳng đã mới phải đi kiện nhân tài để họ bồi hoàn lại tiền ngân sách. Còn đã là nhân tài thì càng phải tuân thủ luật chơi", ông Anh nói.
Để khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám", ông Nguyễn Xuân Anh cho biết Đà Nẵng đã có những điều chỉnh. Theo đó, việc đưa học sinh đi du học phải theo ngành nghề trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phải là những ngành thực sự cần để dễ bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc xét duyệt cấp học bổng cũng chặt chẽ hơn trước, không tham về số lượng.
"Thành phố đang cân đối giữa việc cho đi học và thu hút nhân tài. Việc thu hút những người đã có bằng cấp, kinh nghiệm công tác và thực tâm muốn gắn bó để góp sức cho sự phát triển của thành phố sẽ tránh được rủi ro hơn so với chỉ tập trung cho Đề án 922. Thêm vào đó, những ngành nghề lâu nay cử đi học nhưng học viên về khó phát huy hết năng lực thì chúng tôi cũng giảm đào tạo", ông Anh nêu giải pháp.
Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định, nhiều học viên của Đề án 922 dù hết thời gian làm việc 7 năm như cam kết nhưng vẫn tiếp tục ở lại công tác là điều thành phố thành công khi thực hiện Đề án 922 cũng như những chính sách "chiêu hiền, đãi sĩ".
Từ năm 1998, Đà Nẵng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng chính sách đãi ngộ ban đầu với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài cho thành phố. Kết quả là đến nay thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho hơn 1.000 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên và từ đó trẻ hóa cũng như chuyển biến về chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2004, thành phố bắt đầu triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cấp học bổng ngay từ bậc đại học. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Đà Nẵng đầu tư để tìm kiếm học sinh gỏi, xuất sắc để cấp học bổng. Đến tháng 4/2014, đã có 340 học sinh trường này tham gia đào tạo bậc đại học ở nước ngoài theo Đề án 922 (thống nhất từ Đề án 47 và Đề án 393 - Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài).
Theo đánh giá của Thành ủy Đà Nẵng, sau khi về nhận công tác, nhiều người thích ứng ngay với công việc; tự tin tham mưu, đề xuất với cấp trên các giải pháp, sử dụng ngoại ngữ tốt... Hàng chục người đã được bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp phòng, cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương tương. Tuy nhiên mới đây, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải kiện 7 nhân tài ra tòa để bồi hoàn số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Nhân tài không về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ Tốt nghiệp loại giỏi và được Đại học Nottingham (Anh) cấp học bổng 3 năm học tiến sĩ, hai học viên Long và Luận xin gia hạn để theo đuổi việc học nhưng bị Đà Nẵng kiện ra tòa với số tiền hoàn trả hơn 5,4 tỷ đồng. Những ngày qua, ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long) đứng ngồi...