‘Bẫy’ mua bán nhà đất
Vụ luật sư làm chứng mua bán nhà đất bằng giấy tay, gây ra chuyện một thửa đất bị bán cho nhiều người, Công an tỉnh Đồng Nai và Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị xử lý luật sư.
MỘT CÔNG TY LUẬT BỊ SỞ TƯ PHÁP TP.HCM XỬ PHẠT
Giữa tháng 7.2024, Báo Thanh Niên đăng loạt bài Luật sư làm chứng mua nhà đất phản ánh tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai có tình trạng luật sư (LS) và các tổ chức làm chứng trong các giao dịch mua bán nhà đất để nhận thù lao từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng. Với hình thức làm chứng này, người dân nếu hạn chế về kiến thức pháp luật hoặc nếu không chú ý thì dễ bị ngộ nhận giao dịch mua bán nhà đất có LS làm chứng cũng có giá trị pháp lý như hợp đồng mua bán công chứng của công chứng viên. Vì thế đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lấy một thửa đất bán giấy tay cho hai người khác nhau.
Văn phòng chứng nhận giao dịch S.G luật (TP.HCM) làm một cuốn hồ sơ có hợp đồng chuyển nhượng và lập văn bản giao nhận tiền. ẢNH: CTV
Thực tế, khi PV Thanh Niên thâm nhập tìm hiểu xác minh thì ghi nhận ở TP.HCM có một tổ chức dù không phải là văn phòng công chứng nhưng lại đặt tên là “Văn phòng chứng nhận giao dịch”, lập hợp đồng chuyển nhượng gần giống với văn phòng công chứng và ghi nhận giao nhận tiền giống như thừa phát lại. Trong đó, có đại diện của Công ty luật TNHH hãng luật quốc tế T.C (Q.Gò Vấp) và Công ty TNHH MTV chứng nhận S.G luật (ở H.Hóc Môn) đứng ra làm chứng giao dịch mua bán đất.
Sau khi loạt bài Luật sư làm chứng mua nhà đất khởi đăng, Sở Tư pháp TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và xác định trong 2 công ty nói trên có 1 công ty không phải là tổ chức hành nghề LS.
Cụ thể, quá trình kiểm tra việc thực hiện và ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý ngày 20.5, Sở Tư pháp phát hiện Công ty luật TNHH hãng luật quốc tế T.C và LS L.B.T đã chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản không đúng thẩm quyền và làm chứng, chứng nhận chữ ký có nội dung trái quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản khi chưa có giấy chứng nhận.
Sở này cho rằng, theo quy định, người có thẩm quyền chứng thực chữ ký sẽ từ chối chứng thực chữ ký trong trường hợp trên. Thế nhưng Công ty luật TNHH hãng luật quốc tế T.C và LS L.B.T đã làm chứng về việc ký biên bản, hợp đồng giao dịch giữa các bên có khả năng gây nhầm lẫn cho người tham gia giao dịch, chuyển nhượng về giá trị pháp lý của các văn bản. Vì thế, Sở Tư pháp đã yêu cầu Công ty luật TNHH hãng luật quốc tế T.C và LS L.B.T chấm dứt ngay hành vi vi phạm nói trên.
Đồng thời, ngày 16.10, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị Đoàn LS TP.HCM xem xét, xử lý đối với hành vi vi phạm của LS L.B.T do có dấu hiệu vi phạm quy tắc 11 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS VN.
Video đang HOT
Ngoài ra, liên quan đến công ty này, Chánh thanh tra Sở Tư pháp ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng do “thực hiện báo cáo không đúng thời hạn, không chính xác về tình hình tổ chức, hoạt động cho Sở Tư pháp theo quy định” và “công bố không đúng thời hạn nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của công ty”…
Đối với Công ty TNHH MTV chứng nhận S.G luật, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ Báo Thanh Niên, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND H.Hóc Môn rà soát, kiểm tra thông tin. Công ty TNHH MTV chứng nhận S.G luật thuê mặt bằng hoạt động từ năm 2019; đến tháng 9.2023 thì trả lại mặt bằng và không còn hoạt động tại địa chỉ này.
“Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH MTV chứng nhận S.G luật đã trả mặt bằng, tháo biển hiệu và không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nên Sở Tư pháp TP.HCM chưa đủ căn cứ để xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định”, Sở Tư pháp thông tin.
Cũng theo Sở Tư pháp TP.HCM, công ty này do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp phép hoạt động, không phải là tổ chức hành nghề thuộc các tổ chức bổ trợ tư pháp do Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động. Vì vậy, ngày 16.10, Sở Tư pháp đã có văn bản kiến nghị Sở KH-ĐT xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH MTV chứng nhận S.G luật.
CÔNG AN ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ 2 VĂN PHÒNG LUẬT SƯ
Hôm 13.8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Sở Tư pháp và Đoàn LS tỉnh này về kiến nghị xử lý cán bộ sai phạm.
Công ty luật TNHH hãng luật quốc tế T.C làm chứng hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. ẢNH: CTV
Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại H.Trảng Bom, Đồng Nai.
Cơ quan CSĐT đã ra kết luận điều tra vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Đồng Nai để đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thành Luân về 2 tội danh trên theo điều 174 và điều 341 bộ luật Hình sự. Đồng thời, cơ quan này còn đề nghị truy tố Nguyễn Hoàng Bảo Văn về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 bộ luật Hình sự.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, kết quả điều tra vụ án không đủ căn cứ xác định các cá nhân thuộc Văn phòng LS H.Đ.B và Văn phòng LS L.C.C đồng phạm với các bị can trong vụ án.
“Việc Văn phòng LS H.Đ.B và Văn phòng LS L.C.C đã xác nhận nhiều hợp đồng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật là vi phạm khoản 1 điều 9 luật Luật sư, vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS VN”, Công an tỉnh Đồng Nai nêu.
Do đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm văn phòng LS trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, Công an tỉnh Đồng Nai kiến nghị Sở Tư pháp và Đoàn LS tỉnh xem xét, xử lý theo quy định; đồng thời thông báo cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai biết kết quả xử lý.
ĐẶT TÊN GÂY NHẦM LẪN CHO KHÁCH HÀNG
Từ kiến nghị trên, ngày 11.9, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai có công văn đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn LS xác minh làm rõ nội dung phản ánh, từ đó căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của từng cá nhân để xử lý thành viên của Đoàn LS theo quy định.
Ngoài ra, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai còn đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn LS cần quan tâm hơn trong việc quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm của LS và văn phòng, công ty LS nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo hành nghề LS đúng quy định pháp luật.
Ngày 20.9, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Sở KH-ĐT vì cho rằng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực LS. Lý do, Sở Tư pháp nhận được phản ánh về việc các “công ty TNHH luật” được thành lập theo luật Doanh nghiệp (do Sở KH-ĐT cấp giấy đăng ký hoạt động) treo biển hiệu gây nhầm lẫn với tổ chức hành nghề LS là “công ty luật TNHH” (do Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động).
Thực hiện công văn của Bộ Tư pháp và của Bộ KH-ĐT năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở KH-ĐT tỉnh này thông tin về kết quả kiểm tra các doanh nghiệp, cũng như thông tin giải thể, tạm dừng hoạt động, phản ánh về vi phạm hành chính liên quan đến các “công ty TNHH luật”.
Sở Tư pháp cũng đề nghị Sở KH-ĐT tuyên truyền đến người dân về chức năng của công ty TNHH luật được thành lập theo luật Doanh nghiệp để người dân biết, liên hệ các giao dịch cho phù hợp…
Đòi lại tài sản thì không được tính lãi suất chậm trả
Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp đòi lại tài sản nhưng lại buộc bị đơn trả khoản tiền lãi chậm trả là không phù hợp.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa nguyên đơn là bà NKN (ngụ TP.HCM) và bị đơn là ông NĐT (Việt kiều Mỹ). Bà N kiện ông T đòi lại số tiền đã chuyển, cùng với khoản tiền lãi chậm trả.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, một phần kháng nghị của VKSND TP.HCM, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn liên quan đến khoản tiền lãi chậm trả.
Đại diện phía bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm (bên trái). Ảnh: TL
Theo nội dung vụ kiện, bà N đòi ông T trả lại khoản tiền (cả gốc và lãi) mà bà đã chuyển cho ông T để hùn hạp mua bán nhà đất. Trước đó, bà N đã nhiều lần chuyển tiền tại Việt Nam cho ông T, tổng cộng 21,5 tỉ đồng. Ông T cam kết trong trường hợp không đầu tư được thì hoàn trả số tiền gốc cùng với lãi suất ngân hàng.
Quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn thừa nhận các khoản tiền phía nguyên đơn chuyển tại Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, bị đơn cho rằng bản chất các khoản tiền này không phải để hùn hạp mua bán nhà đất, mà là để góp vốn đầu tư kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Cụ thể, góp vốn mua cổ phần Công ty sữa US. Milk Nutrition; góp vốn liên doanh mua bất động sản Warehouse. Các hoạt động kinh doanh đang diễn ra bình thường thì bà N có yêu cầu rút lại số tiền đã mua cổ phần...
Xét xử sơ thẩm tháng 1-2024, tòa tuyên buộc ông T trả cho bà N số tiền gốc là 21,5 tỉ đồng và lãi chậm trả là 8,3 tỉ đồng.
Sau đó, VKSND TP.HCM kháng nghị theo hướng sửa án sơ thẩm, tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi số tiền mà bà N chuyển cho ông T đúng là để thành lập công ty tại Hoa Kỳ và góp vốn kinh doanh bất động sản. Thực tế thì bà N đã trở thành một chủ thể trực tiếp đầu tư, được sở hữu cố phần và thực hiện quyền của một cổ đông...
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy về lãi chậm trả, nguyên đơn cho rằng các bên có thỏa thuận nhưng nguyên đơn không đưa ra được tài liệu chứng minh; còn bị đơn không thừa nhận có việc hai bên thỏa thuận về tiền lãi. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả tiền lãi theo lãi suất cơ bản 9%/năm cho đến ngày xét xử sơ thẩm là không có căn cứ chấp nhận.
Mặt khác, cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp đòi lại tài sản nhưng lại buộc bị đơn trả khoản tiền lãi chậm trả là không phù hợp.
"Cò đất" thế chấp nhà của khách rồi chiếm đoạt tiền Ngày 16/5, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thị Vinh (SN 1980, ngụ xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, Vinh và bà Trịnh Thị Oanh có mối quan hệ trong việc môi giới, mua bán...