Bảy cuộc điện đàm bí ẩn giữa chủ phà Sewol và thủy thủ khi phà chìm
Thủy thủ đoàn phà Sewol đã liên tục gọi điện cho hãng vận tải Chonghaejin, chủ sở hữu chiếc phà xấu số, đến 7 lần khi Sewol bắt đầu chìm.
Thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon-seok (giữa) bị các nhân viên điều tra Hàn Quốc đưa đi thẩm tra – Ảnh: Reuters
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 30.4 dẫn báo cáo từ cơ quan điều tra cho biết cuộc gọi đầu tiên được thực hiện vào lúc 9 giờ 1 phút sáng 16.4 (giờ địa phương).
Một thủy thủ tên Kang, 32 tuổi, đã liên lạc với chi nhánh tại thành phố Incheon của hãng vận tải Chonghaejin, các điều tra viên cho biết.
Khoảng 2 phút sau, một nhân viên tại trụ sở của Chonghaejin ở đảo Jeju gọi điện cho Thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon-seok và họ đã trao đổi trong khoảng 35 giây.
Đến 9 giờ 40 phút, có thêm 5 cuộc điện đàm khác giữa một nhân viên Chonghaejin và thuyền phó thứ nhất.
Vị thuyền phó 42 tuổi này, cũng tên Kang, được cho là có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hành khách và an ninh trên phà, theo các nhân viên điều tra Hàn Quốc.
Hiện các nhà điều tra đang thẩm vấn thủy thủ đoàn và nhân viên nói trên của Chonghaejin để tìm hiểu xem họ có nói gì về việc giải cứu hay sơ tán hành khách hay không.
Video đang HOT
“Nếu các nhân viên Chonghaejin chỉ ra lệnh cho thủy thủ đoàn chạy khỏi chiếc phà mà không yêu cầu họ có những biện pháp giải cứu hành khách, thì các nhân viên này cũng sẽ bị truy tố về tội rời bỏ nhiệm vụ và đồng lõa với hành động giết người”, Chosun Ilbo dẫn lời một điều tra viên.
Một thủy thủ trên phà Sewol còn làm chứng rằng thuyền trưởng Lee đang chơi game trên điện thoại di động khi rời khỏi buồng lái ngay trước thời điểm xảy ra sự cố.
Theo VNE
Chủ phà Sewol nhiều lần phớt lờ cảnh báo
Những cảnh báo về sự mất thăng bằng của phà Sewol đã bị chủ phà phớt lờ.
Ngày 30/4, các công tố viên điều tra thảm họa chìm phà Sewol cho biết công ty sở hữu chiếc phà này từng phớt lờ nhiều cảnh báo về tình trạng của nó.
Thông tin trên được đưa ra sau khi các công tố viên thẩm vấn viên thuyền trưởng chính của chiếc phà 6/825 tấn này, người đang nghỉ phép khi tai nạn xảy ra khiến gần 300 người thiệt mạng và mất tích.
Công tố viên cao cấp Yang Yong-jin cho biết thuyền trưởng Shin nói rằng ông đã cảnh báo Công ty Hàng hải Chonghaejin về những vấn đề mất thăng bằng nghiêm trọng của phà Sewol.
Phà Sewol bị nghiêng nghiêm trọng trước khi lật úp và chìm hẳn
Công ty Chonghaejin đã mua chiếc phà 18 năm tuổi này từ Nhật Bản vào năm 2012 và sau đó tiến hành cải hoán, đóng thêm nhiều khoang hành khách ở cả 3 tầng trên cùng của phà.
Thuyền trưởng Shin nói rằng việc cải hoán này đã làm thay đổi trọng tâm của phà, khiến nó trở nên dễ bị lật hơn bao giờ hết. Tuy nhiên dù ông đã nhiều lần cảnh báo, công ty vẫn phớt lờ những ý kiến đó.
Nguyên nhân chính xác gây ra vụ đắm phà hiện vẫn đang được điều tra, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng một hành động chuyển hướng đột ngột đã khiến hàng hóa trên phà bị dịch chuyển, và chiếc phà đã nghiêng một cách không thể kiểm soát được sang một bên trước khi lật úp và chìm hẳn.
Hiện các điều tra viên đang xác minh thông tin cho rằng phà Sewol đã chở theo số hàng hóa gấp 3 lần trọng tải cho phép.
Hôm qua, ông Kim Han-sik, tổng giám đốc của Chonghaejin đã bị các công tố viên triệu tập tại thành phố cảng Incheon, nơi chiếc phà xấu số xuất phất để lên đường tới đảo Jeju.
Ông Kim đã đưa ra lời xin lỗi đầy nước mắt về "thảm họa khủng khiếp" trong ngày xảy ra tai nạn, và nói rằng ông ta cùng các quan chức công ty sẽ chịu trách nhiệm với "tội lỗi ghê gớm" trong tai nạn đó.
Vì thuyền trưởng Shin nghỉ phép nên công ty Chonghaejin đã cử thuyền trưởng dự bị Lee Joon-seok điều khiển chiếc phà này. Thuyền trưởng Lee là một trong những người đầu tiên rời khỏi phà, và hình ảnh ông này mặc quần đùi cuống quít nhảy xuống tàu cứu hộ đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc.
Hình ảnh thuyền trưởng Lee mặc quần đùi cuống quít rời phà
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã xin lỗi người dân vì chính phủ đã không chống lại được những "sai sót" mang tính hệ thống góp phần gây ra vụ tai nạn và những "phản ứng đầu tiên không phù hợp" sau khi tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên nhiều gia đình nạn nhân đã không chấp nhận lời xin lỗi của bà Park vốn được đưa ra trong một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình. Một đại diện cho khoảng 100 gia đình nạn nhân nói: "Lời xin lỗi đưa ra trước mặt vài bộ trưởng nội các trong phòng họp không thể được coi là lời xin lỗi."
Khi bà Park tới khu tưởng niệm các học sinh gặp nạn trong thảm họa đắm phà ở thành phố Ansan, bà đã bị một số gia đình nạn nhân chất vấn, và họ thậm chí còn từ chối vòng hoa viếng của tổng thống và các quan chức cấp cao khác.
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã xác nhận đã có sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chính phủ trong phản ứng ban đầu sau khi vụ đắm phà xảy ra.
Bộ Quốc phòng cho biết các thợ lặn tinh nhuệ của hải quân đã bị ngăn cản tiếp cận chiếc phà ngay sau khi nó bị đắm vì lực lượng cảnh sát biển muốn các thợ lặn của một công ty tư nhân xuống trước.
Thợ lặn hải quân từng bị ngăn cản tiếp cận phà Sewol trong giờ phút đầu tiên
Thông báo của Bộ Quốc phòng nói: "Quân đội đã tuân thủ yêu cầu của phía cảnh sát biển để tránh việc cản trở lẫn nhau."
Gia đình các nạn nhân cho rằng việc trì hoãn tiếp cận chiếc phà đắm đã khiến thợ lặn không thể cứu được những người vẫn còn sống sót bên trong phà vào những giờ phút đầu tiên nhờ vào túi khí.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm cách tìm kiếm 92 người đang mất tích. Số người thiệt mạng được xác nhận trong vụ tai nạn này đã lên tới 210 người, và các thợ lặn đang tìm cách tiếp cận sâu hơn vào bên trong phà.
Theo VNE
70 học sinh sống sót trong vụ chìm phà sững sờ trước hàng trăm di ảnh bạn bè Trở về sau chuyến đi kinh hoàng, 70 học sinh sống sót trong vụ chìm phà Sewol sững sờ, nức nở khi ngước nhìn hàng trăm di ảnh bạn bè. Ngày 16/4, hơn 300 học sinh cùng các thầy cô giáo trường Trung học Danwon (thành phố Ansan, ngoại ô Seoul) háo hức đặt chân lên chuyến phà Sewol để hòa mình vào...