Bày biện vàng mã, cúng rình rang trước cổng công sở trong giờ hành chính
Ngay trong giờ làm việc buổi sáng, một đơn vị nhà nước tại TT-Huế đã bày biện bàn thờ, vàng mã tổ chức cúng bái rình rang tại trước cổng chính vào cơ quan, tạo nên hình ảnh phản cảm và có dấu hiệu vi phạm kỷ cương kỷ luật hành chính.
Trường Cao đẳng Nghề số 23 (tỉnh TT-Huế) tổ chức lễ cúng trong giờ hành chính.
Sáng 12/3, nhiều người đi trên Quốc lộ 1 (nhánh tránh thành phố Huế) qua địa bàn thị xã Hương Thủy hết sức bất ngờ trước việc Trường Cao đẳng Nghề số 23 (tỉnh TT-Huế) tổ chức bày biện ban thờ, vàng mã tổ chức cúng kiến trong giờ hành chính, ngay trên cổng chính dẫn vào đơn vị này.
Ghi nhận của PV ngay sau đó, việc tổ chức lễ cúng diễn ra ngay trong giờ làm việc của nhà trường. Thời điểm đơn vị đào tạo nghề bày biện lễ vật, ban thờ cúng bái vào khoảng 10h sáng 12/3, ngay trước cổng chính dẫn vào trường nghề này.
Để tổ chức lễ cúng, nhà trường đã huy động nhiều cán bộ, giáo viên thực hiện “nhiệm vụ” này, thay vì họ phải đảm đương, thực thi công tác chuyên môn của đơn vị trong giờ hành chính.
Được biết, theo phong tục tập quán của người Huế, vào tháng Hai và tháng Tám âm lịch hàng năm, dân địa phương thường tổ chức lễ “ cúng đất” để cầu mong nhà cửa yên vui, bình an, cả nhà sức khỏe, thuận lợi trong làm ăn, công việc.
Video đang HOT
Lê cúng tổ chức ngay trước cổng trường trong giờ học.
Hiện nay, tục cúng đất còn được các doanh nghiệp (tư nhân) tại Huế tổ chức, thậm chí có cả cơ quan công lập, cũng nhằm mục đích như đã nêu. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ cúng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của tập thể đơn vị doanh nghiệp thường diễn ra ngoài giờ hành chính, vào ngày nghỉ cuối tuần vì những lý do tế nhị.
Nhiều người cho rằng, nhu cầu tâm linh như tục cúng đất là điều tế nhị cần cảm thông. Tuy nhiên, một đơn vị công lập như Trường Cao đẳng Nghề số 23 lại tổ chức cúng kiến thiếu “tế nhị” ngay trong giờ hành chính, giữa thanh thiên bạch nhật, trước cổng vào trường sát Quốc lộ 1 có nhiều người, “tai mắt” qua lại… là một việc làm phản cảm, thiếu tính linh hoạt trong ứng xử về nhu cầu tâm linh.
Nhiều người được huy động tham gia lễ cúng này trong giờ hành chính.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Thạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 23, cho biết, do bận đi theo đoàn kiểm tra, chuẩn bị công tác ứng phó dịch Covid-19 của tỉnh TT-Huế trong sáng 12/3, nên ông không biết sự việc do “cấp dưới” làm này. Ông Thạnh sau khi kiểm tra đã gọi điện thoại cho PV, xác nhận có sự việc tổ chức lễ cúng trước cổng trường trong giờ hành chính “là do anh em sơ suất”, ông đã chấn chỉnh và xin được rút kinh nghiệm.
NG.VĂN
Theo Tiền phong
Thừa Thiên Huế: giáo viên tổng vệ sinh trường lớp
Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học từ ngày 4 đến 16-2. Trong những ngày này, hàng nghìn giáo viên trên toàn tỉnh đã được huy động đến trường để làm tổng vệ sinh, tạo môi trường an toàn, trong lành, sẵn sàng đón các em học sinh quay trở lại trường học.
Giáo viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được huy động làm tổng vệ sinh, tạo môi trường thông thoáng trong những ngày nghỉ tránh dịch bệnh.
Hàng chục giáo viên của Trường mầm non Thủy Thanh 2, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế dùng vội bữa trưa trong phòng ăn tập thể. Ngoài sân, những con thú bông và hàng trăm mẫu đồ chơi bằng nhựa của học sinh vẫn ngỗn ngang. Chăn màn, rèm cửa phòng học đã được ngâm xà phòng diệt khuẩn ở bể nước. Trong phòng học cạnh đó, những đứa trẻ đang ngủ ngon lành. Đây đã là ngày thứ ba các em theo mẹ đến trường trong những ngày học sinh cả nước được nghỉ học để tránh lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
Sợ hiểu nhầm, cô Phạm Trần Lệ Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường giải thích, do ở nhà không có người trông giữ nên các bé phải theo mẹ chứ không phải là trường vẫn mở cửa nhận học sinh. Trong số các cô, có người vừa qua kỳ nghỉ thai sản, nhưng cũng hăng hái đến trường để tổng vệ sinh trường lớp.
Trường mầm non Thủy Thanh 2 nằm gần điểm du lịch cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng. Hằng ngày điểm du lịch này thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm quan. Nhà trường đã quán triệt giáo viên làm vệ sinh thật kỹ để ngăn ngừa nguồn bệnh có thể lây lan từ khách du lịch. Cô Văn Thị Hiền, người vừa qua kỳ nghỉ thai sản nói: "Là giáo viên trường này, nhưng lại là phụ huynh ở nơi khác, tôi rất hiểu nỗi lo của phụ huynh trong mùa dịch. Vì vậy tôi muốn tự mình tham gia làm tổng vệ sinh, và cũng mong đồng nghiệp của mình làm thật cẩn thận để giảm nguy cơ, tạo môi trường an toàn cho học sinh và con cái của mình".
Bữa trưa của giáo viên ở xa trong những ngày tổng vệ sinh.
Tổng vệ sinh ở các trường học thì giáo viên mầm non vẫn vất vả hơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Hương Thủy Ngô Thị Ái Hương chia sẻ: Đặc thù mầm non là giáo viên nữ, nhưng các cô vẫn phải làm các phần việc như giáo viên ở các bậc học khác. Như vẫn phải phát quang cây cối cạnh trường, hoặc vẫn phải trèo cây để tỉa tán, lấy ánh nắng mặt trời xuống sân và phòng học. Các trường ở phố có thể hợp đồng công nhân vệ sinh, nhưng ở trường huyện, thị xã, giáo viên vẫn phải làm tất cả.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT thị xã đã triển khai tổng vệ sinh. Sang ngày thứ tư của kỳ nghỉ, về cơ bản, các trường đều đã hoàn tất. Cô Ngô Thị Ái Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Hương Thủy nói: "Những ngày tới, Phòng tiếp tục triển khai các công việc còn lại, như đốc thúc các trường duy trì sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ thông tin chính xác về dịch bệnh để giáo viên các bậc học chia sẻ với phụ huynh học sinh, giúp hạn chế những tin đồn tiêu cực trong cộng đồng. Ngoài ra phòng cũng chỉ đạo, kiểm tra chế độ trực, duy trì vệ sinh trường lớp, mở cửa tất cả phòng học để tạo thông thoáng, tránh ẩm mốc".
Thừa Thiên - Huế có chín huyện, thị xã, thành phố. Trong kỳ nghỉ phòng tránh sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, về cơ bản, các phòng GD-ĐT trên địa bàn đã thực hiện rất tốt các chỉ đạo của ngành và địa phương các cấp. Điều này không chỉ giúp mang lại sự an toàn, sạch sẽ tại các cơ sở giáo dục, mà trên hết, là các thầy cô đã được góp sức, được thể hiện trách nhiệm nhà giáo trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe cho học sinh của mình.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết "Ngành đã rất chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Cụ thể, Thừa Thiên Huế là địa phương cho học sinh nghỉ học chậm hơn những nơi khác một ngày để giáo viên có thêm thời gian hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân đề phòng lây nhiễm dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Sau khi các em nắm chắc kỹ năng, chúng tôi mới cho học sinh nghỉ. Từ ngày đầu của kỳ nghỉ, giáo viên toàn ngành đã ra quân tổng vệ sinh trường lớp, duy trì mô trường sạch, đẹp, an toàn, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại. Để học sinh không có cảm giác uể oải khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, Sở cũng đã tổ chức một số cuộc thi trực tuyến để các em tham gia".
Và có một điều ít được nhắc đến, đó là từ ngày học sinh trên toàn tỉnh được nghỉ học đến nay, các lãnh đạo của Sở GD-ĐT tỉnh đã chia làm hai đoàn, liên tục đi về cơ sở để kiểm tra, nhưng không báo trước với các phòng. Qua đó đã phát hiện, xử lý một số bất cập trong việc phòng tránh dịch bệnh, bao gồm yêu cầu địa phương kiểm điểm một hiệu trưởng trường cấp 2 vì lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở trường học.
DƯƠNG QUANG TIẾN
Theo nhandan
Quân khu 4 chuẩn bị đón người Việt từ Trung Quốc về Bộ đội Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh dọn vệ sinh, kê thêm giường, phun thuốc khử trùng trường quân sự, chuẩn bị đón công dân Việt Nam từ Trung Quốc về. Đối phó với dịch nCoV, Quân khu 4 yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận và cách ly 400 người Việt Nam từ Trung Quốc trở...