Bay 2 tỷ trúng số vì… mua mì trúng thưởng
Ít ai nghĩ, tỷ phú Trần Kim Hùng lại rơi vào bi kịch thảm hại đến vậy. Đến tận bây giờ, nhiều người không thể lý giải được chuyện Hùng khi đã bỗng chốc giàu sụ lại có thú vui bỏ ra cả đống tiền ra chỉ để mua mì tôm về, tìm thẻ cào hy vọng trúng… chiếc xe máy khuyến mại.
Vùi mình trong thú vui và các cuộc ăn chơi vô bổ, khoản tiền trúng số bạc tỷ dần vơi. Để rồi sau khoảnh khắc “lên đời” ngắn ngủi, người đàn ông này lại trở về kiếp xe ôm, mướt mồ hôi chạy ăn từng bữa.
Bỗng chốc lên đời
Trong quá trình thực hiện loạt bài về những số phận sau khi trúng xổ số tiền tỷ, người viết được nghe rất nhiều câu chuyện đến Trần Kim Hùng (hay còn gọi Hùng “xe ôm”) ở Phường Tân Mai, TP.Biên Hòa. Dù chuyện của anh Hùng trôi qua đã gần chục năm, nhưng giai thoại và những lời đàm tiếu thì vẫn còn nguyên vẹn. Khi chúng tôi lặn lội tìm đến địa chỉ nhà gặp nhân vật thuộc diện “đặc biệt” này thì rất ít người biết. Phải nhờ đến sự chỉ dẫn của những người quen từng một thời rong ruổi xe ôm với Hùng, phóng viên mới tiếp cận được “tỷ phú” xổ số một thời có tính cách khác người này.
Ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy cà tàng, mắt đảo như rang lạc chờ đợi khách, người đàn ông khoác trên mình bộ quần áo cũ rích dường như chẳng có chút dáng vẻ gì của một… tỷ phú. Ngay ngã tư sầm uất giữa lòng thành phố Biên Hòa, sau cái bắt tay làm quen có phần gượng gạo, anh bảo: “Thời vàng son của đời tôi đã khép lại rồi. Giờ chạy ăn từng bữa mới thấy tiếc. Ngày ấy, tôi nông nổi quá, thích chơi trội nên giờ hối hận cũng đã muộn”. Cái ngày ấy, theo như lời người đàn ông tuổi gần 40 thì cũng cơ cực chẳng khác mấy so thời điểm hiện tại, có chăng chỉ là “một phút lóe sáng” trở thành tỷ phú rồi bỗng chốc vụt tắt.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh liên tục rít thuốc lá, đôi mắt mơ màng nhớ về kiếp đời chìm nổi: “Tôi quê gốc ở Bắc Giang, thất học từ bé nên lớn lên theo bạn bè vào đây sinh sống, lập nghiệp. Nói là lập thân cho oai chứ thực chất, thì tôi cũng chỉ biết mỗi việc làm thuê làm mướn cho người ta. Do có chút tay nghề làm thợ xây nên chỉ sau một thời gian ngắn đi phụ việc khuân vác nặng nhọc, tôi xin được vào một nhóm thợ hồ để làm tay thợ chính. Mỗi ngày lao động, tiền kiếm cũng được trăm ngàn bạc.
Nhưng cuộc sống chốn thành thị tốn kém, nhiều thứ chi tiêu, thành thử tôi làm mãi cũng chỉ vừa đủ ăn tiêu hàng tháng, không dư ra được đồng nào. Thậm chí, nhiều lúc tôi còn phải chạy ăn từng bữa, loay hoay đi mượn tiền để đóng phí thuê nhà. Về sau, tôi tích góp, vay mượn mua được chiếc xe máy nên chuyển sang hành nghề xe ôm.
Thời điểm những năm 2000, phương tiện xe buýt chưa thực sự hữu dụng như bây giờ nên cũng kiếm được kha khá. Khi có tiền, trong những lúc đứng chờ đợi khách, mấy người bạn xe ôm thường xuyên rủ tôi mua vé số tìm kiếm vận may. Và, tôi đúng là may thật…”.
Hàng ngày Hùng vẫn bám mặt đường chạy xe ôm kiếm sống
Buổi chiều được xem là “vận may lớn nhất trong cuộc đời” của Hùng là lúc trên đường chở khách đi từ TP. Biên Hòa xuống huyện Nhơn Trạch. Trên đường đi, Hùng mau mồm trò chuyện mua vui, đến nơi vị khách hào phóng “boa” thêm cho anh hơn trăm ngàn tiền công. Cả ngày bám mặt với đường, Hùng phấn khởi trở về nhà và quyết định chiều đó không chạy xe nữa mà dành sức nghỉ ngơi. Đang loay hoay đứng trước phòng trọ, có bà bán vé số đi ngang qua năn nỉ mời mua. Lúc đầu Hùng cố sức chối đẩy, nhưng thấy bà già đội áo mưa năn nỉ mãi, anh rút ví lấy 50.000 đồng tiền “lộc” khách cho mua mấy tờ vé số ủng hộ.
Video đang HOT
“Nghĩ thấy tội nghiệp bà lão nên cũng mua vậy thôi. Nào ngờ vài hôm sau lúc rỗi khách, đến điểm bán vé số dò kết quả, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa. “Trúng rồi (!)”. Tôi hét tướng lên khiến tất cả những người xung quanh tập trung dõi nhìn”, anh Hùng nhớ lại.
“Hơn 2 tỷ đồng”, anh bảo đó là số tiền cả đời làm xe ôm mình cũng chẳng dám mơ hay mảy may nghĩ đến, đã trở thành hiện thực. Chỉ trong thoáng chốc, anh tài xế ôm đã “lên đời”, thoát khỏi cảnh bầm giập cóp nhặt từng đồng tiền lẻ của nghề bám bụi mặt đường.
“Lên voi xuống chó”
Thói đời vốn dĩ cũng thật lắm trớ trêu, mà Hùng chính là trò đùa nghiệt ngã nhất của số phận may rủi. Ngày Hùng trúng số tiền tỷ, anh trở thành người nổi tiếng nhất khu vực này. Có ai ngờ mới ngày hôm trước, cánh xe ôm hành nghề còn thấy chàng trai 29 tuổi mặc cái quần xanh cũ mèm, khoác trên người chiếc áo sơ mi đầy bụi bặm, đầu lúc nào cũng đội nắng chang chang chạy ngoài đường. Vậy mà ngay sáng hôm sau, Hùng đã “lột xác” hoàn toàn với áo sơ mi phẳng phiu, quần ủi li thẳng tắp, giày da bóng lộn đến ngay chỗ hành nghề xe ôm mọi ngày của mình, giả vờ đứng đợi bạn, thực chất là để khoe mẽ với mọi người.
Sự đổi thay của Hùng từ lúc có tiền cũng khiến nhiều người cũng choáng ngợp. Lúc ấy, dãy trọ nơi chàng trai thuê ở trong một con hẻm ở P. Tân Mai là cảm nhận rõ nhất.
“Nói thật nha, lúc ấy mấy người công nhân cùng khu trọ cứ nhìn tôi giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Có người còn nghĩ, tôi đi ăn cướp tiền hay sao mà mua sắm hết cái này cái nọ, bỏ hẳn nghề xe ôm. Mãi về sau, khi tôi mua nhà, chuyển đi chỗ khác, họ mới biết được nguồn cơn sự việc”, anh Hùng kể.
Có tiền trong tay, Hùng cũng chứng minh cho bà con xung quanh nơi “làm việc” của mình rằng: “Tui cũng chơi được lắm à nha, chứ không phải là chỉ biết chạy xe ôm”. Việc chứng tỏ đầu tiên của chàng trai gốc Bắc là tậu ngay căn nhà khá khang trang nằm trên trục đường Nguyễn Ái Quốc (P. Tân Phong, TP. Biên Hòa). Tiếp đó, anh tìm đến gặp gỡ bạn bè thuở hàn vi. Đặc biệt hơn, khi nghĩ lại cảnh ngộ éo le của đám bạn cùng quê một thời vắt ráo mồ hôi cực lực mưu sinh, Hùng cứ nghe ai than nghèo kể khổ là rút ngay xấp tiền dúi vào tay bạn rồi rủ mọi người đi nhậu, đi hát hò, đàn đúm cho thỏa nỗi thèm khát hưởng thụ bấy lâu nay.
Tuy nhiên, đó chưa phải là cách vung tiền “dị” nhất của Hùng “xe ôm” một thời. Đến tận bây giờ, giai thoại được nhiều người kể nhất chính là cách tiêu tiền thuộc dạng “có một không hai” của một tỷ phú xổ số. Người ta đồn rằng, sau khi mua nhà, còn dư rất nhiều tiền, Hùng nghe tin một hãng mì tôm đang có chương trình khuyến mãi “ăn mì tôm trúng xe máy” nên rất hào hứng. Muốn sở hữu được xe máy thì phải bóc từng gói mì tôm ra rồi cào thẻ trúng thưởng tìm vận hên xui. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Hùng cũng tin răm rắp và mua cả đống mì tôm về chất đầy nhà rồi kỳ cạch ngồi bóc từng gói mì để hy vọng sẽ trúng thưởng.
Thế nhưng, hết gói mì này đến gói mì khác bị bóc mà cơ duyên may mắn vẫn ngoảnh mặt. Bao nhiều tiền của đã đổ ra, nhưng nỗi thèm khát được sở hữu xe máy của Hùng thì vẫn xa vời. Hùng xác nhận: “Câu chuyện đó là có thật. Chẳng hiểu sao thời đó mình dại quá, số tiền mua mì tôm đủ để tui mua cả chục chiếc xe máy chứ đâu có ít, đến khi giật mình nhìn lại thì đã quá muộn”.
Khi số tiền dần vơi, Hùng lại tìm đến vé số, lô đề, bài bạc như một thứ bùa hộ mệnh nhằm cứu vớt lại những gì đã ném vào những sở thích vô bổ và các cuộc ăn chơi trác táng. Tuy nhiên, quy luật cuộc đời với câu nói: “Cờ bạc là bác thằng bần, lô đề ra đê mà ở” lại ứng nghiệm với Hùng. Sau khoảng thời gian “chói sáng” và ngập chìm trong những cuộc chơi vận mệnh đầy may rủi kia, Hùng trượt dốc thảm hại. Ngày qua ngày, anh lún sâu thêm vào mà không thể rút chân ra khỏi những cuộc chơi, bỏ tiền đầu tư thì nhiều mà những lần thu về thì rất ít.
Càng thua bài bạc, Hùng lại như con thiêu thân biết chết nhưng vẫn lao vào lửa, điên cuồng cố gắng tìm kiếm vận may nhằm hy vọng gỡ gạc và quay về những ngày sung sướng. Nhưng hy vọng ấy là quá xa vời, Hùng bán xe, nhà cửa, đồ đạc vung tiền vào những con số. Chỉ vỏn vẹn trong gần 2 năm, Hùng “tỷ phú” lại trở về cuộc sống túng bấn chưa hẹn ngày kết thúc…
Theo Hữu Huấn (Đời sống & Hôn nhân)
Trúng vé số, người ở đợ bỗng thành tỉ phú
Khi nhìn vào bảng thông báo kết quả sổ xố, cầm tờ vé số trên tay, anh Bạch không tin vào mắt mình. Anh đã sở hữu số tiền khổng lồ 1,5 tỉ đồng nhờ tấm vé số. Đó là điều ngay cả trong giấc ngủ anh cũng chưa từng mơ tới.
Cuộc đời Bạch có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được dãy số 606093 định mệnh trên tấm vé ấy. Nó là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời, đưa anh từ thân phận quanh năm đi làm mướn kiếm cơm trở thành một ông chủ thực thụ.
Ở hiền gặp lành
Anh Bạch không thể quên buổi chiều 10/8/2012, một ông lão bán vé số nghèo nặng nề lê bước chân về nhà khi xấp vé số trên tay vẫn gần như còn nguyên vẹn. Mong kiếm được đồng bạc lẻ để ăn bữa tối, ông cụ liền đạp xe thẳng vào xã Tân Phú (huyện Châu Thành, An Giang) nài nỉ khách mua. Thấy ông lão tóc bạc người ướt át đang run run cầm tờ vé số, nhiều người thương xót xúm lại mua giúp.
Mặc dù quanh năm an phận với nghề gánh lúa và đi phun thuốc sâu mướn cho những nhà giàu ở trong ấp, không có nhiều tiền nhưng thấy hoàn cảnh của ông lão còn đáng thương hơn mình nên anh Hồ Văn Bạch cũng mua giúp một tờ vé số. Chẳng ai có thể ngờ xấp vé số của ông lão nghèo khổ bị ế chiều hôm đó có đến bảy tờ trúng độc đắc giá trị tiền tỷ và hàng chục tờ khuyến khích với giải thưởng hàng trăm triệu.
Sau một năm sự kiện "đại lộc trời" đó, huyện Châu Thành có rất nhiều người đổi đời. Họ ăn chơi phung phí, kết cục là "của thiên trả địa". Thế nhưng riêng chàng trai Hồ Văn Bạch thì hoàn toàn ngược lại. Anh sử dụng những đồng vốn may mắn ấy vào làm kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường trải dài dọc kênh Cầu Đúc để vào sâu trong ấp Tân Lợi, nơi được biết đến là chốn "ngụ cư" của những người tha hương. Không mấy khó khăn để tìm ra địa chỉ của chủ nhân tờ vé số độc đắc cách đây một năm. Khi chúng tôi hỏi về Hồ Văn Bạch, người dân nơi đây dù già hay trẻ đều chỉ đường rành rọt. Họ có thể kể lại hoàn cảnh nghèo túng trước đây và thể hiện sự thán phục về nghị lực làm ăn sau ngày trúng số của anh Bạch.
Nhờ trúng số, đôi vợ chồng trẻ thoát nghèo và có cuộc sống hạnh phúc
Được biết, vợ chồng anh Bạch đã sinh được hai cháu và vợ anh đang mang bầu đứa thứ ba. Kinh tế gia đình đã khá hơn rất nhiều. Họ chẳng nặng lo toan tiền bạc như trước nữa. Nói chuyện với chúng tôi, anh Bạch mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười tươi: "Sau khi trúng số, thấy cuộc sống gia đình chúng tôi đầm ấm, có thêm đất đai, hai bên nội ngoại và người dân đến chúc mừng và động viên. Thấy cuộc sống đã ổn định, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm cháu nữa. Mai này tôi phân ra chúng mỗi đứa một cánh ruộng tha hồ cày cấy".
Chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan đang hiển hiện trên khuôn mặt mộc mạc của anh Bạch. Việc sinh thêm đứa nữa có nghĩa là anh đã ý thức được rằng với cuộc sống hiện tại và tương lai vợ chồng anh hoàn toàn có thể nuôi dưỡng cho chúng ăn học nên người chứ không phải thất học và vất vả như vợ chồng anh.
Triết lí sống khác người
Đề cập đến câu chuyện vé số đổi đời, anh Bạch giọng khiêm tốn: "Thì cũng nhờ ơn trời nhà báo ạ. Nhờ sự may mắn đó mà tôi có nhà mới, được làm chủ những đám ruộng mà bao năm mình phải đổ mồ hôi đi làm mướn. Được ăn hạt lúa dẻo thơm do chính mình chăm bón, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu không ai chửi bới và bớt xén như trước. Nhiều năm đi làm thuê cho người ta, tôi hiểu như thế nào là giá trị của người được làm chủ mà".
Trò chuyện với tôi, chàng thanh niên tưởng như chỉ biết đến những công việc ruộng đồng lại tỏ ra khá triết lý. Anh bảo: "Người ta vẫn nói "chơi số đề thì ra đê mà ở". Tôi luôn ý thức được điều đó. Nó là con dao hai lưỡi. Nhưng anh biết đấy, người biết cầm dao thì không gây đứt tay mà ngược lại còn phục vụ hữu ích cho mình rất nhiều. Quê tôi có nhiều người đã "đứt tay" rồi. Tức là họ sống trong nghèo đói sau khi trúng số, ôm tiền trăm, bạc tỷ trong tay tưởng thế đã giàu nên thỏa chí ăn chơi, bỏ bê ruộng đồng. Khi họ sực tỉnh thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Khổ nhất là mang theo cái thói ăn chơi sa đọa. Lúc có tiền thì coi thường người khác, ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Thậm chí bán cả ruộng đồng để ăn chơi vì nghĩ mình đã đủ tiền sống đến già. Khi sa cơ, không còn ruộng nữa, họ chẳng biết làm gì để sinh nhai. Đó là bi kịch của người thiếu suy nghĩ".
Nói về việc tấm vé số đã thay đổi cuộc đời mình, anh Hồ Văn Bạch thẳng thắn cho biết, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực, từ sinh hoạt đến cả tư duy làm kinh tế. Như để minh chứng cho điều mình nói, anh dẫn chúng tôi ra hiên nhà chỉ tay ra đám ruộng màu vàng óng, rộng mênh mông tự hào: "Đám ruộng chạy dài từ đầu con kênh đến cuối căn nhà mờ mờ kia giờ là của tôi đấy. Toàn bộ giấy tờ chứng nhận đều do vợ chồng tôi đứng tên. Tất cả công đất tôi đều sử dụng vào việc trồng lúa giống mới cho năng suất cao. Tất cả là nhờ số tiền của tờ vé số mà tôi trúng hồi tháng tám năm ngoái".
Anh Bạch cho biết, sau khi trúng số, vợ chồng anh vừa có cảm giác vui sướng vừa hồi hộp, lo lắng. Hồi hộp là vì chưa bao giờ cầm tiền chục triệu đồng chứ đừng nói đến chuyện sở hữu tiền tỷ. Đó là con số ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng càng vui bao nhiêu thì nỗi lo lại càng dồn nén. Sẽ sử dụng những đồng tiền đó như thế nào để có hiệu quả, không phung phí mà còn sinh lợi bền lâu. Phải mất nhiều đêm vợ chồng anh thức trắng vạch ra kế hoạch làm ăn. Cuối cùng được sự góp ý của cha mẹ và kinh nghiệm những năm tháng đi làm mướn, Bạch và vợ quyết định "ăn chắc mặc bền" bằng cách dùng tất cả số tiền đó vào việc mua đất ruộng. Chỉ có đất mới sinh lợi vô hạn mà mai này dù cuộc sống khó khăn con cháu cũng chẳng phải lo toan gì nhiều đến chuyện cơm gạo.
Tận dụng vận may
Thế là đôi vợ chồng trẻ ôm tiền tỷ đi mua đất. "Lúc đó tôi nộp thuế cho Nhà nước, trả nợ trước đó, mua gạo chia lộc cho một số bà con nghèo trong xã, cho cha mẹ, anh em mình ở quê mỗi người một ít tiền thì chỉ còn một tỷ đồng. Thế nhưng số đất 16.500 m2 lại giá trị đến 1,1 tỷ đồng nên quay ra thiếu nợ. Tôi phải vay thêm 100 triệu đồng từ ngân hàng để bù vào. Đến nay, vợ chồng tôi đã trả được nửa số đó nhờ tiền bán lúa. Tôi dự tính hết vụ lúa năm nay sẽ xóa sạch nợ ngân hàng", Bạch vui vẻ nói.
Thấy anh Bạch ôm tiền tỷ đi mua ruộng, nhiều người trong xã lúc đó còn châm biếm bảo anh rằng, anh muốn mình là địa chủ. Đó là hướng suy nghĩ của thằng nông quèn. Vì rằng, theo họ, cuộc đời thuần nông đã khổ, có tiền thì phải xây nhà lớn, nếu không mua ô tô thì xe máy xịn, gửi ngân hàng để ăn tiền lãi chứ dại gì phải bỏ tiền ra mua ruộng. Thế nhưng, vợ chồng anh Bạch suy nghĩ hoàn toàn ngược lại. Việc mua xe, xây nhà đẹp chỉ là phù du tức thời, đó là tiêu sản, không sinh ra tiền được. Trong khi đó, những đám ruộng của anh mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn lúa, nếu quy ra tiền thì ít người có thể sánh bằng.
Với những gì người chồng làm được, chị Hồ Thị Hạnh (24 tuổi, vợ anh Bạch) không giấu nổi niềm tự hào: "Người nào cũng bảo anh ấy khôn biết dùng tiền vé số để làm kinh tế nên tôi thực sự rất vui. Hiện tại tiền bán lúa chưa có dư nhiều nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ đạt kết quả như chúng tôi dự tính". Từ thân phận nghèo mạt với nghề làm mướn nay trở thành ông chủ với những đám ruộng đầy hứa hẹn, đó chính là trái ngọt cho những ai biết sử dụng những đồng tiền vốn được xem là "lộc của trời".
Tờ vé số thay đổi cuộc đời Anh Hồ Văn Bạch cho biết, hoàn cảnh gia đình vốn nghèo, lại đông anh em, anh không được học hành và sớm phải đi làm thuê kiếm sống. Khi đặt chân đến huyện Châu Thành, anh cũng chỉ có hai bàn tay trắng, quanh năm đi ở đợ rồi làm mướn lấy công cho những chủ ruộng giàu. Tủi khổ, nhục nhã anh chịu được nhưng mong ước lớn nhất của anh là một ngày nào đó được sở hữu chính những đám ruộng tự do cày cấy để vợ bớt khổ, con cái sau này không theo phận làm mướn như cha mẹ. Và ông trời như thấu được nguyện vọng của anh nên chiều ngày 10/8/2012, tờ vé số anh mua trúng độc đắc với số tiền 1,5 tỉ đã hoàn toàn thay đổi số phận và cuộc đời anh.
Theo K.A (Đời sống & Hôn nhân)
Lĩnh án tù vì hối lộ công an Hai vợ chồng bán rượu giả không bị tội về việc bán hàng giả lại bị tù về việc hối lộ cho công an để chạy tội. Điều tra viên bị tố nhận 40 triệu đồng vô tội vì không có bằng chứng, dù có liên lạc với người môi giới hối lộ 9 cuộc gọi và 7 tin nhắn. Bị cáo Trần...