“Báu vật” quế cổ ở Nậm Đét, chỉ cần… rung cây là ra tiền triệu
Ít người biết, ở xã Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai) có những vườn quế được ví như “ rừng nguyên sinh” với hàng trăm cây quế khổng lồ, có tuổi đời lên đến nửa thế kỷ đang mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nơi đây.
Chả vậy mà có người ví von, ở đây chỉ cần “rung cây là có tết”.
Chuyện về rừng quế “nguyên sinh”
Chúng tôi đến Nậm Đét khi cái rét bủa vây khắp nơi, vậy mà những người đàn ông dân tộc Dao ở đây vẫn mướt mồ hôi vác từng bó vỏ quế xuống núi. Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng nét mặt ai cũng tươi vui, bởi năm nay quế được giá. Những cây quế cao hàng chục mét được người dân xã Nậm Đét chặt hạ để bán gỗ, vỏ và lá.
Một khu rừng quế cổ thụ ở Nậm Đét.
Thấy tôi tròn mắt, xuýt xoa vì lần đầu tiên được thấy những cây quế to như thế, anh Lý A Siếu ở thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét vỗ vai bảo: “Đây là những cây quế mới chỉ trồng được 10 – 15 năm, đường kính gốc khoảng 50 cm, độ cao hơn chục mét thôi. Nếu đem so với những cây quế cổ thụ ở vùng đất này thì chỉ là dạng… con cháu”.
Nói chưa đủ thuyết phục, anh Siếu dẫn tôi đi “mục sở thị” rừng quế cổ thụ được trồng trên đất Nậm Đét.
Ông Triệu Sèo Tòng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Đét năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Khi được hỏi về nguồn gốc những cây quế cổ thụ của gia đình, ông Tòng kể: Trước đây, bà con trong xã chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là đốt rừng để làm nương trồng ngô và lúa nương, năng suất rất thấp nên đói ăn triền miên. Những năm 60 của thế kỷ trước, nghe tin bà con người Dao ở Văn Yên (Yên Bái) nhờ trồng quế mà no cái bụng, cụ Triệu Mùi Pham lặn lội đường rừng, tìm đến tận nơi tìm hiểu. Sau khi thấy cụ Pham mang quế về trồng, thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, tôi cùng một số người dân trong xã đã mất gần một tuần vượt núi, băng rừng đến Văn Yên để mua giống về trồng.
Lần đầu tiên tôi mua được gần 100 cây quế giống về trồng, đến nay, số quế này vẫn còn gần một nửa. Tính ra, những cây quế cổ thụ trong vườn nhà tôi đã trồng được hơn nửa thế kỷ, cây vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt…
Tận mắt thưởng ngoạn những cây quế cổ thụ, gốc to vài người ôm, thân cao tới ba – bốn chục mét, tán rộng phủ kín mái nhà, tôi không khỏi trầm trồ. Nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi nghĩ đó là những cây gỗ nghiến, gỗ trai cổ thụ mọc tự nhiên trong rừng già.
Video đang HOT
Được biết, khi mua giống quế về, ông Tòng trồng ở góc vườn, ven đồi, chẳng cần bón phân chăm sóc. Thế nhưng, cây quế phù hợp với đồng đất nên phát triển rất nhanh, không bị sâu bệnh phá hoại.
Không trực tiếp trồng quế nhưng anh Triệu A Lù ở thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét lại may mắn được thừa kế vườn quế rộng gần 2 ha của ông nội để lại. Theo anh Lù, từ khi trồng đến nay, vườn quế của gia đình đã được hơn 50 năm tuổi, đã đủ thời gian để khai thác.
Anh Lù tâm sự: “Nghe bố tôi kể, đây là những cây quế ông nội tôi trồng đầu tiên, mặc dù chẳng chăm sóc nhiều nhưng cây cứ lớn và bây giờ trở thành tài sản lớn của gia đình”.
Rung cây là có… Tết
Thường thì khi cây quế có độ tuổi từ 7 đến 15 năm là người dân có thể thu hoạch để bán gỗ, vỏ và lá. Hiện tại, những cây quế có đường kính 30 – 40 cm sẽ được thương lái mua với giá 5 – 6 triệu đồng, tuy nhiên, so với giá trị kinh tế của những cây quế cổ thụ, con số này… quá nhỏ bé.
Ở Nậm Đét có những cây quế có những cây quế cổ thụ đường kính gốc lên tới hàng mét.
“Quế cổ thụ của gia đình tôi có người trả tới 30 triệu đồng/cây nhưng tôi vẫn không bán. Mặc dù đã trồng được hơn 50 năm nhưng những cây quế này vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, càng để lâu, cây càng có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, những cây quế cổ thụ thường ra quả rất nhiều, mỗi năm gia đình tôi thu hàng chục triệu đồng từ bán hạt quế” – ông Tòng nói.
Cũng giống ông Tòng, gia đình anh Lù mỗi năm thu 50 – 60 triệu đồng tiền từ bán hạt quế, vì thế, những cây quế cổ thụ được người dân coi như báu vật.
“Trên vườn nhà tôi có gần chục cây quế, đường kính gốc rộng khoảng 1 m, còn những loại nhỏ hơn, đường kính gốc từ 50 – 60 cm thì có hàng trăm cây. Nếu chặt cả vườn quế để bán, gia đình tôi sẽ thu được khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm vừa rồi, tôi chỉ tỉa cành và chặt những cây còi cọc để bán, còn cây quế cổ thụ phải giữ lại để lấy hạt. Trước khi mất, ông nội tôi đã dặn dò con cháu rằng lúc nào làm nhà to hay cần tiền để làm việc lớn mới được chặt cả đồi quế, còn không chỉ cần tỉa cành, lấy hạt cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi chỉ cần rung vài gốc quế lấy hạt bán là có tiền sắm một cái tết tươm tất” – anh Lù phấn khởi khoe.
Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét chia sẻ với chúng tôi: Xã Nậm Đét hiện có khoảng 1.870 ha quế, trong đó gần 1.200 ha đã đến thời kỳ cho thu hoạch, 20 ha quế cổ thụ có tuổi đời trên 50 năm tuổi. Ước tính trong năm 2019, thu nhập từ cây quế của người dân xã Nậm Đét đạt khoảng 67 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Bắc Hà cũng đã quy hoạch vườn quế cổ thụ của xã để lấy nguồn giống. Tại thời điểm này, giá hạt quế giống dao động từ 200 – 250 nghìn đồng/kg, vì thế có những cây quế cổ thụ mỗi năm mang lại thu nhập cho người dân từ 3 – 5 triệu đồng.
Xuân này đến Nậm Đét, đâu đâu cũng thấy phủ một màu xanh bạt ngàn của quế. Những cây quế đầu tiên “bén” vùng đất này đã trở thành “rừng quế cổ thụ”, là báu vật mang lại no ấm, hạnh phúc bền vững cho người dân nơi đây, đúng như lời người trồng quế nói : “Rung cây là có… Tết”.
Theo Tất Đạt (Báo Lào Cai)
Si Ma Cai, thơ mộng miền đất cổ
Nơi thượng nguồn sông Chảy, Si Ma Cai (Lào Cai) được mệnh danh là một trong những vùng đất cổ vào bậc nhất Việt Nam. Xứ sở xa xôi này từ lâu được du khách mọi miền dừng chân khám phá vẻ đẹp muôn màu và quyến rũ lòng người...
Ruộng bậc thang Si Ma Cai đẹp tựa một thiên đường nơi triền núi
Hoang sơ và bí ẩn
Theo tiếng Mông "Si Ma Cai" có nghĩa là "Chợ ngựa mới" hay "Chợ có con ngựa lạ", là vùng đất nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 100km, giáp huyện Bắc Hà và Mường Khương. Truyền thuyết kể rằng, vùng đất Si Ma Cai và Sa Pa vốn là hai chị em sinh đôi giữa núi rừng. Vì thế, Si Ma Cai sở hữu một vùng khí hậu vô cùng mát mẻ. Nằm ở nơi thượng nguồn con sông Chảy, từ lâu, Si Ma Cai được biết đến là một vùng đất cổ, nơi có nhiều dấu tích sinh sống của người Việt, còn khu phố cũ, ngôi đền cổ, chợ ngựa cổ và là nơi định cư lâu đời của người Mông, người Nùng.
Những địa danh của Si Ma Cai mới nghe qua đã cảm nhận được vẻ hoang sơ, bí ẩn và không kém phần thơ mộng như Bản Mế, Cán Cấu, Cán Hồ, Lử Thẩn, Lùng Sui, Mản Thẩn, Nàn Sán, Nàn Xín, Quan Thần Sán, Sán Chải, Sín Chéng, Thào Chư Phìn. Cư dân bản địa ở đây kể rằng, địa danh nào của Si Ma Cai cũng sở hữu một vẻ đẹp riêng đầy quyến rũ mà ít nơi nào có được. Bởi thế, nếu đến Si Ma Cai mà không đi hết những vùng đất này thì quả sẽ uổng phí một hành trình.
Thơ mộng bốn mùa
Con đường đi vào trung tâm huyện Si Ma Cai uốn lượn quanh những triền núi cao như chạm tới mây trời. Phía xa xa là những đám mây trắng tựa bông vương vất quanh triền núi tạo nên một vẻ đẹp bồng bềnh hư ảo. Phía dưới là dòng sông Chảy hiền hòa lồng bóng núi gợi lên không gian sơn thủy hữu tình đầy thơ mộng. Si Ma Cai là một thung lũng giữa những trùng trùng, điệp điệp của núi. Xung quanh, những rừng cây sa mộc vươn mình thẳng tắp, gợi lên thế đứng vững chãi và khỏe khoắn của Si Ma Cai.
Càng đi sâu bên trong các bản làng, bạn sẽ càng có cơ hội khám phá vẻ đẹp của vùng đất Si Ma Cai. Tuy là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông nhưng bốn mùa ở đây hoa trái đua nở, cây cỏ xanh tốt. Vì thế, Si Ma Cai quanh năm khoác trên mình chiếc áo nhiều màu sắc. Vào mùa xuân, những cánh rừng ở Quan Thần Sán, Sán Chải rực rỡ, tinh khiết hoa đào, hoa mận, hoa ban trắng. Còn vào mùa hạ và mùa thu, trên khắp các triền núi, hoa tam giác mạch bung nở tạo nên một tấm thảm khổng lồ choàng lên những ngọn núi nhấp nhô.
Nếu đứng từ xa mà quan sát thì bạn sẽ cảm nhận được sự rực rỡ, mềm mịn của hoa tam giác mạch, lại gần sẽ cảm nhận thêm được hương vị, sức quyến rũ của nó. Cư dân bản địa nơi đây trồng tam giác mạch để làm ngũ cốc, nấu rượu, làm bánh. Mỗi độ chớm thu, du khách mọi miền đổ về đây rất đông để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của những triền hoa đang nở rộ.
Vào mùa hoa tam giác mạch nở rộ, du khách mọi miền đổ về để thưởng thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây
Rừng cấm và ruộng bậc thang
Tại xã Lùng Sui có khu rừng cấm rất hùng vĩ và bí ẩn. Đồng bào Mông nơi đây quan niệm, trong khu rừng có "Thần rừng" cai quản, ban cho con người gỗ, muông thú, cho nên họ rất kính trọng và coi đó là khu rừng thiêng. Rừng cấm sở hữu hàng trăm cây gỗ to sừng sững tựa như rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh vậy. Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến và chiêm ngưỡng một nghi lễ vô cùng thiêng liêng của đồng bào Mông, đó là nghi lễ cúng rừng thiêng được tổ chức ngay tại rừng cấm.
Si Ma Cai cũng được mệnh danh là vùng đất có ruộng bậc thang đẹp vào bậc nhất của xứ sở Tây Bắc. Nếu dừng chân ở vùng đất này vào mùa thu thì đó là cơ hội lý tưởng để bạn chiêm ngưỡng sắc vàng ruộng bậc thang vào thời điểm lúa chín. Điều kỳ diệu ở đây chính là bằng sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của đồng bào các dân tộc ở Si Ma Cai đã chinh phục thiên nhiên để biến những triền dốc thành những công trình ruộng bậc thang kỳ vĩ. Đứng trên cao để quan sát, bạn phải thốt lên trước vẻ đẹp đến nao lòng của những sóng lúa đang uốn lượn quanh những triền núi, quanh những bản làng. Vào ngày mùa ở Si Ma Cai, du khách sẽ được hòa mình vào các phong tục như ăn cơm mới, hội giã cốm, lễ cúng tổ tiên của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Độc đáo phiên chợ trâu
Chợ trâu Cán Cấu, phiên chợ độc đáo của vùng đất Si Ma Cai
Có một phiên chợ độc đáo vào bậc nhất Việt Nam được cư dân bản địa Si Ma Cai tổ chức vào thứ Bảy hằng tuần. Đó là phiên chợ trâu Cán Cấu, "sàn giao dịch" trâu lớn nhất cả nước. Cứ thứ Bảy hàng tuần, khi màn sương còn dày đặc trên lối đi, mặt trời lấp ló nơi đầu non, một âm thanh đặc trưng vốn đã trở nên quen thuộc ở vùng đất này đó là tiếng lọc cọc của chân trâu, tiếng kêu của những chú nghé và tiếng rống của những con trâu mộng. Đồng bào từ trên các bản xa tấp nập dắt những con trâu với cặp sừng to, vai u thịt bắp xuống chợ để bán.
Đậm đà ẩm thực
Ẩm thực Si Ma Cai độc đáo và đậm đà khi thưởng thức. Dừng chân ở phố núi hay những bản làng, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món ngon của cư dân bản địa chế biến như bánh và rượu làm từ hạt tam giác mạch, gà đen nướng mật ong, gà đen hầm thuốc bắc, bánh đúc, phở chua. Dịch vụ homestay ở Si Ma Cai luôn sẵn sàng phục vụ du khách.
Si Ma Cai, miền đất cổ nơi thượng nguồn sông Chảy, nơi đang cất lên lời gọi mời những tâm hồn đam mê khám phá những miền đất lạ.
Nguyễn Thế Lượng
Theo giaoducthoidai.vn
Bắt được trăn khổng lồ rình rập trong vườn cây ăn quả Một con trăn khổng lồ dài 4,2m, nặng 50kg đã bị bắt tại vườn cây ăn quả của một hộ dân tại Phàn Chi Hoa, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tại một vườn cây ăn quả phía Tây Nam thị trấn Phàn Chi Hoa, Tứ Xuyên, Trung Quốc, một con trăn khổng lồ bị bắt sống sau khi săn giết gia cầm của chủ...