Bầu trời mù mịt khói khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria vào top ảnh tuần
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria, biểu tình ở Ecuador phản đối chính sách của chính phủ và đại bàng quay phim ở Pháp là những hình ảnh ấn tượng trong tuần qua.
Khói đen mù trời do người biểu tình ở Port-au-Prince, thủ đô của Haiti, đốt lốp xe. Cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã bước sang tuần thứ 4 để yêu cầu Tổng thống Jovenel Mose từ chức. Ảnh: AP.
Một bé gái đi ngang qua hồ nước được dùng làm nhà vệ sinh của người dân ở quận Cite Soleil của thành phố Port-au-Prince. Người dân Haiti cho biết quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, công việc và an ninh của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: AP.
Khói bốc lên từ thị trấn Tal Abyad của Syria vào ngày thứ hai trong cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria. Ảnh: Getty.
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria bắt đầu từ ngày 9/10 đã gây ra thương vong cho cả hai phía, trong đó có nhiều dân thường và cả trẻ em. Hàng nghìn người đã phải sơ tán. Người dân bỏ chạy với đồ đạc chất đầy ôtô, xe bán tải và xe kéo, trong khi nhiều người khác chạy bộ. Ảnh: Reuters.
Một người biểu tình đập phá xe cảnh sát trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Quito, Ecuador. Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Lenin Moreno về cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu. Ảnh: Getty.
Video đang HOT
Khiên của cảnh sát nhuốm màu sơn do các sinh viên biểu tình ném vào ở Bogota, Colombia. Ảnh: AP.
Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của các nhà hoạt động bị bỏ lại trên cầu Lambeth ở London trong cuộc biểu tình Extinction Rebellion (Nổi loạn chống tuyệt chủng). Ảnh: Reuters.
Người biểu tình Extinction Rebellion (Nổi loạn chống tuyệt chủng) bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters.
Áo phao và thuyền cao su bị người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lại trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Chính quyền Hy Lạp đã bắt đầu di dời người tị nạn vào đất liền để giảm bớt áp lực trên đảo. Ảnh: Getty.
Một bệnh nhân nằm chờ phẫu thuật trong bệnh viện tạm thời ở một trại gần Zemio, Congo. Ảnh: Getty.
Các chị em họ của Alaa Hamdan, 28 tuổi, người thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh sĩ Israel tại khu vực biên giới Gaza-Israel, khóc thương trong tang lễ của anh ở Beit Hanoun. Ảnh: Getty.
Một ngư dân đi thuyền trên vùng nước bị tràn dầu của hồ Maracaibo – hậu quả ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela gây ra cho môi trường. Ảnh: AP.
Victor, con đại bàng đuôi trắng 9 tuổi được trang bị máy quay 360 độ, bay qua sông băng và núi ở Chamonix, Pháp. Ảnh: Reuters.
Theo Zing.vn
Mỹ viện trợ 50 triệu USD cho Syria
Trump thông báo cung cấp 50 triệu USD cho các tổ chức nhân đạo tại Syria, sau khi bị chỉ trích vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Các tổng thống khác không làm điều này, họ chỉ chi nhiều hơn cho những thứ không mang lại hạnh phúc", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu khi thông báo về gói viện trợ cho Syria trong buổi tiệc tối 12/10 tại Washington D.C.
Nhà Trắng sau đó ra thông báo cho biết số tiền 50 triệu USD là khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự và các nỗ lực hỗ trợ nạn nhân thiểu số hoặc nạn nhân tôn giáo của cuộc đột tại Syria.
Gói viện trợ cho Syria được Trump thông báo trong bối cảnh Tổng thống Mỹ hứng chịu nhiều chỉ trích vì quyết định không ngăn cản chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào đồng minh dân quân người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 phát động chiến dịch quân sự tấn công YPG, lực lượng bị nước này coi là khủng bố. YPG từng là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức IS trong nhiều năm. Trump vài ngày trước đó đã ra lệnh cho các binh sĩ Mỹ đang hỗ trợ YPG rút về tuyến sau, khiến ông bị nhiều người lên án đã bỏ rơi đồng minh.
Tổng thống Donald Trump phát biểu phát biểu trong buổi tiệc tối 12/11 ở Washington. Ảnh: AP.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria khiến gần 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều quan chức lo ngại IS có thể lợi dụng tình thế hỗn loạn để trỗi dậy trở lại sau khi bị đánh bại ở Syria hồi đầu năm.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ chiếm được thị trấn quan trọng Ras al-Ayn nằm ở sát biên giới hôm 12/11. Nhiều ngôi làng ở miền bắc Syria đang trong tầm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) được Ankara hậu thuẫn.
"Đừng quên rằng người Kurd chiến đấu vì đất đai của họ. Họ không giúp chúng ta chiến đấu vì đất đai của chúng ta. Họ muốn có biên giới, song tôi không cho rằng binh sĩ Mỹ sẽ ở đó thêm 15 năm nữa để bảo vệ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chúng ta không thể bảo vệ biên giới của chính mình", Trump nói tại buổi tiệc.
Trump cho rằng việc Mỹ chi hàng tỷ USD tại Iraq là sai lầm tồi tệ nhất, khẳng định phải rút quân về sau khi hoàn thành mục tiêu đánh bại IS, bất chấp áp lực rất lớn đến từ các tập đoàn công nghiệp quốc phòng trong nước.
Nhiều nước phản đối chiến dịch quân sự tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại chúng được dùng trong chiến dịch quân sự tại Syria. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo nước này cũng ngừng cấp mới giấy phép bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết sẽ không dừng chiến dịch quân sự cho tới khi lực lượng người Kurd lùi về phía sau biên giới 30 km.
Đại diện Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với YPG là nòng cốt đã kêu gọi Mỹ "thực hiện trách nhiệm đạo đức" của mình, đồng thời phong tỏa không phận phía bắc Syria để ngăn máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích. Tuy nhiên, SDF không muốn Mỹ "đưa binh sĩ ra tiền tuyến và khiến họ đối mặt với nguy hiểm".
Theo VNE
Pháp dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ Pháp đã quyết định đình chỉ xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ các loại vũ khí có thể được sử dụng trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh tấn công người Kurd tại Syria. Theo hãng tin TASS, quyết định của Pháp được công bố trong tuyên bố chung của các bộ ngoại...