Bầu Kiên và những thương vụ đầu tư đa ngành bí ẩn
Không phải ai cũng biết Nguyễn Đức Kiên từng là Chủ tịch liên doanh KFC Việt Nam hay nhựa đường Caltex. Không ghi danh cổ đông lớn ở ngân hàng nào, nhưng ông tuyên bố có thể trảm tướng bất cứ lúc nào nếu muốn.
Cho tới khi ông Kiên bị bắt giữ để điều tra sai phạm kinh tế, người ta mới biết rõ hơn “khẩu vị” của nhà đầu tư cỡ bự này. Ngoài 2 lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn tham gia vào ngành du lịch, dệt may, dịch vụ… Tại các doanh nghiệp này, hầu như không bao giờ ông ra mặt chính thức.
Tài chính – ngân hàng là lĩnh vực đặt nền móng cho sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Kiên. Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên tham gia góp vốn và nhanh chóng trở thành Phó chủ tịch Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB). Tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông Kiên vượt xa sở hữu của 2 sáng lập viên Trần Mộng Hùng và Phạm Trung Cang. Còn nếu tính cả gia đình, nhà ông Kiên vào sau nhưng chỉ kém gia đình ông Hùng đôi chút. Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,7% cổ phần của ACB.
Trước khi bị bắt, ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 công ty là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngân hàng ACB từng đầu tư vào nhiều ngân hàng khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các nhân vật chủ chốt của ACB như ông Kiên có thể nắm cổ phần tại các ngân hàng này. Đến sáng 21/8 (sau khi có thông tin ông Kiên bị bắt), các ngân hàng trên đã đồng loạt phủ nhận sự ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Kiên.
Trong lĩnh vực bóng đá, ông Kiên để lại nhiều dấu ấn và đặc biệt gây sốc với bài phát biểu công kích VFF năm ngoái. Ảnh: MH.
Video đang HOT
Về phần mình, Eximbank cho biết, ông Kiên chỉ là cổ đông thường tham gia mua cổ phiếu và nắm trên dưới 1% cổ phần tại Eximbank. Báo cáo thường niên năm 2011 của Eximbank cũng không hề nhắc đến ông Nguyễn Đức Kiên như một cổ đông lớn và chủ chốt. Thế nhưng, tại buổi lễ tổng kết mùa giải năm 2011 của VFF, chính bầu Kiên đã khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của mình tại ngân hàng này. Ông Kiên phát biểu: “Tôi đề nghị Eximbank yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam xem xét, chấn chỉnh giải bóng đá vô địch quốc gia”. Eximbank khi đó là nhà tài trợ chính cho mùa giải của V-League.
Nguyễn Đức Kiên được biết đến như doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá. Đây là lĩnh vực mà ông Kiên rót tiền đầu tư mạnh tay và cho thấy rõ nhất sự tham gia danh chính ngôn thuận của mình. Ông Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội ACB và là Phó chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá VPF. Trong làng bóng đá, ông Kiên được biết đến như một ông bầu dám nói, dám làm. Điển hình là màn công kích Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong buổi lễ tổng kết mùa giải năm 2011 của ông đã gây sốc trong dư luận.
Dưới thời ông Kiên, Hà Nội ACB đã ký được một trong những bản hợp đồng được xem là đắt giá nhất thị trường thời điểm với ngôi sao Lê Công Vinh. Có những thông tin cho rằng bầu Kiên đã bỏ ra khoảng chục tỷ đồng để có được chữ ký của cầu thủ xứ Nghệ.
Trong khi các ông bầu trên sân cỏ khác đều sở hữu danh chính ngôn thuận một doanh nghiệp – tập đoàn lớn (Bầu Đức làm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bầu Hiển làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Bầu Thụy làm Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành) ông Kiên không thực sự đứng tên điều hành một doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, vị tỷ phú đầu bạc này được cho là đang nắm nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Hầu hết ngân hàng phủ nhận vai trò của ông Kiên, còn giới bóng đá đều thấy rõ sự có mặt của những cái tên ngân hàng có dính dáng tới bầu Kiên ngay trên sân cỏ. Tại những trận CLB Hòa Phát Hà Nội thi đấu trên sân nhà, hình ảnh quen thuộc được nhìn thấy vẫn là những băng rôn mang tên các nhà tài trợ ngân hàng như: ACB, Eximbank, Techcombank, DaiA Bank và VietBank. Hay chính ông Kiên đã khẳng định là “cổ đông chính” của Eximbank trong buổi lễ tổng kết của VFF năm 2011.
Ngoài tài chính – ngân hàng và bóng đá, ông Kiên đầu tư vào các lĩnh vực rất khác xa nhau như du lịch, may mặc, dầu khí, dịch vụ… Ông Kiên là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Chợ Lớn và được cho là cũng có ghế trong HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh. Chưa hết, ông Kiên từng là Chủ tịch của Liên doanh nhựa đường Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam.
Bầu Kiên đứng ở vị trí trung tâm trong buổi lễ ký kết hợp tác mặc dù “chỉ nắm trên 1% cổ phần Eximbank”. Ông Kiên đứng giữa Tổng giám đốc Eximbank và Chủ tịch Air Mekong hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: P.V.
Với giả định ông Kiên là “cổ đông chính của Eximbank” như bản thân đã thừa nhận, vị tỷ phú tóc bạc này còn đang nhảy sang lĩnh vực hàng không. Trao đổi vớiVnExpress.net, một nguồn tin từ Air Mekong cho hay, không biết ông Kiên có nắm cổ phần của hãng hàng không trên hay không nhưng vị này khẳng định Eximbank góp 11% vốn điều lệ của Air Mekong.
Vai trò của ông Kiên ở Eximbank lại được thấy rõ trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược của ngân hàng này và Air Mekong. Trong bức ảnh chụp tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Kiên đứng ở chính giữa, hai bên là Tổng giám đốc Eximbank cùng Chủ tịch HĐQT Air Mekong.
Bức ảnh này đã cho thấy, tại Eximbank nói chung và trong phi vụ của lĩnh vực hàng không nói riêng, ông Nguyễn Đức Kiên có vai trò không hề nhỏ bởi nếu chỉ nắm chưa đến 1% cổ phần như Eximbank nói, ông Kiên không cần thiết xuất hiện với vai trò “dày đặc” như thế. Trước đó, Eximbank vừa ký hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines vay 100 triệu USD mua 4 máy bay Airbus A321.
Một thương vụ cũng khá bất ngờ là đầu tư vào Liên doanh KFC Việt Nam – thương hiệu đồ ăn nhanh đến từ Mỹ và được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Theo cáo bạch Ngân hàng ACB, trong giai đoạn 1994-8/2006, ông Kiên lần lượt là Phó chủ tịch, rồi lên làm Chủ tịch liên doanh này. Sau 2006, nhiều nhân viên công ty vẫn được nghe nói Chủ tịch của mình là Nguyễn Đức Kiên. Đến nay, ông Kiên không còn là Chủ tịch KFC nữa và nhân viên công ty chưa biết Chủ tịch mới là ai.
Theo VNE
Hàng xóm e dè "bầu" Kiên - ông "trùm" phát ngôn gây sốc
Từng được coi là nhân vật khá quyền lực của V-League, ông Nguyễn Đức Kiên cũng nổi danh là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong giới ngân hàng. Thậm chí ngay cả trong đời sống, tại nơi cư trú, người dân, hàng xóm cũng khá e dè, thận trọng và tránh va chạm với ông "trùm" phát ngôn gây sốc của làng thể thao Việt Nam.
Mặt tiền căn biệt thự của "bầu" Kiên
"Ngậm bồ hòn làm ngọt"
Dù rất thành công trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhưng "bầu" Kiên chỉ thực sự được dư luận biết tới khi tham gia làm bóng đá. Từng có nhiều phát ngôn được người hâm mộ đặc biệt thích thú khi dám chỉ rõ những bất cập đang tồn tại trong bóng đá, ông Kiên cũng được xem như một mẫu người thẳng tính, dám nghĩ dám làm khi đứng ra thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF. Chính vì thế, thông tin về việc "bầu" Kiên bị pháp luật "sờ gáy" không chỉ khiến dư luận "sốt xình xịch mà ở ngay nơi ông ở, người ta cũng bàn tán như thể việc đó liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ vậy.
Ngôi biệt thự của "bầu" Kiên nằm cuối con ngõ 27, đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Với người dân ở đây, chủ nhân của ngôi biệt thự ấy là người thuộc tầng lớp "tai to mặt lớn". Chẳng thế mà khu đất rộng cả nghìn mét vuông có 3 mặt tiền lúc nào cũng có một đội ngũ bảo vệ trang phục chỉnh tề giám sát 24/24. Người ta nể ông, thậm chí sợ ông cho dù tất thảy những người được chúng tôi hỏi đều cho biết chưa bao giờ thấy ông "lên giọng" với bất kỳ bà con xóm giềng nào. Tuy thế, nhưng hàng xóm cũng không phải không có người ấm ức. Chuyện ấm ức cũng đơn giản thôi, và hẳn nếu một người "trực tính" như "bầu" Kiên biết thì sẽ lấy làm phiền lòng. Ấy là chuyện cái vỉa hè. Số là cư dân ở đây ai cũng coi vỉa hè là của chung, nhưng tốp bảo vệ nhà ông không nghĩ vậy. Nghiễm nhiên họ biến vỉa hè xung quanh nhà "bầu" Kiên thành của riêng khi xua đuổi, cấm cửa tất cả những ai có ý định dừng đỗ xe tại đó. Có thể họ làm vậy vì lý do bảo vệ an ninh cho ông chủ, nhưng dù sao chuyện này cũng khá vô lý, nhất là người dân xưa nay ai cũng có thói quen không để xe máy dưới lòng đường.
Cái sự nể và ngại ông còn thể hiện ở chỗ, hàng xóm để xe thì bảo vệ nhà ông cấm. Nhưng khi bảo vệ bê chậu hoa, cây cảnh bày kín ra đó, chiếm dụng chẳng khác gì một bức tường rào bảo vệ vòng 1 thì tuyệt nhiên chẳng ai dám nói gì. Đã thế, đội ngũ nhân viên này còn dựng hẳn lên một bốt gác hoành tráng trên hè để bao quát khắp tư gia cho ông thì dù rất chướng mắt, bà con vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Người biết ông thì bảo, ông là nhân vật VIP, có góp ý cũng chẳng ăn thua. Thôi kệ!
Nổi tiếng trên báo chí, bí ẩn ở địa phương
Cây cảnh được đặt khắp vỉa hè như một hàng rào
Khi "bầu" Kiên bị bắt đã được 1 ngày, chúng tôi tìm tới nhà ông để tìm hiểu. Một anh bảo vệ chừng khoảng 40 tuổi, cắt tóc cua tiến lại gần. Anh này hất hàm hỏi nhóm phóng viên với vẻ đầy khiêu khích và trịch thượng: "Chúng mày cần gì? Chụp xong chưa? Chụp chán chưa?". Chỉ đến khi bị cánh phóng viên "vặc" và một đồng nghiệp khác ra góp ý, anh ta mới chịu bước vào phía trong ngôi biệt thự.
Bà Nguyễn Thị H, hàng xóm của "bầu" Kiên kể lại, tối qua, đúng lúc mưa to, rất nhiều cảnh sát ập đến và đọc lệnh khám xét nhà ông Kiên. "Ban đầu, chúng tôi tưởng do chiếc xe cẩu mà ông Kiên thuê cẩu cây cảnh lấn chiếm đường đi nên bị chính quyền phường đến nhắc nhở vi phạm hành chính. Nhưng khi thấy xôn xao thì bà con mới hay, hóa ra ông ấy bị bắt vì vi phạm pháp luật và cơ quan công an đang khám nhà".
Cũng theo lời kể của bà Nguyễn Thị H, bà sống ở đây đã được hơn 20 năm. Lô đất nhà ông Kiên vốn là 3-4 lô đất nhỏ gộp lại và tới năm 2004, gia đình ông Kiên đã xây biệt thự. Hàng ngày, gia đình "bầu" Kiên đi làm, chỉ còn 4 nhân viên bảo vệ canh gác nên rất ít giao tiếp với những nhà xung quanh. Thỉnh thoảng thứ bảy, chủ nhật, ông Kiên đưa con ra bãi cỏ sát ven hồ chơi một lúc rồi về. "Ngay sau khi lực lượng công an đến khám nhà ông Kiên rồi rút đi, có tới cả trăm chiếc xe con nườm nượp kéo đến nhà ông Kiên" - bà H cho biết thêm.
Là người chứng kiến việc Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đọc lệnh khám nhà, bà Ngô Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ dân phố số 25, phường Quảng An cho biết, thực ra, gia đình ông Kiên sống thuộc khu 1,3ha nhưng bên đó chưa có tổ trưởng tổ dân phố. "Khoảng 19h ngày 20-8, khi cơ quan điều tra đến làm thủ tục, đọc lệnh khám nhà ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép, họ đã mời tôi sang chứng kiến theo đúng thủ tục tố tụng hình sự. Lúc này có cô L. (vợ ông Kiên) và cậu con trai nhỏ cũng có mặt. Thái độ của cô L. khá hốt hoảng và phải gọi cốc trà gừng để uống. Mọi thủ tục khám và niêm phong tài sản liên quan được cơ quan điều tra thực hiện trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ".
Cùng nhận định với bà Nguyễn Thị H, bà Ngô Thị Bạch Yến cũng cho biết, ở đây mọi người cũng chỉ nghe đến tên ông Kiên chứ chẳng thấy ai giao tiếp trò chuyện bao giờ.
Theo VNE
Con bầu Kiên tập xe đạp phải có vệ sĩ đi kèm? Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vì những vi phạm của 3 công ty do ông này làm chủ tịch HĐQT. Theo đó, Bộ Công an đã nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm...