Bầu Kiên trước ngày ra tòa
Luật sư Bùi Quang Nghiêm miêu tả: Ông Kiên trông khoẻ mạnh, tầm chừng 60-65 ký. So với trước khi bị bắt ông giảm khoảng 15-20 ký.
“Trong gần một giờ gặp gỡ, ông Kiên (Nguyễn Đức Kiên, còn gọi là bầu Kiên) nói nhiều hơn tất cả chúng tôi cộng lại”, ông Bùi Quang Nghiêm, một trong bốn luật sư bào chữa cho bầu Kiên trong vụ án sắp được đưa ra xét xử tại Hà Nội ngày 17/4/2014 tới, kể.
Luật sư Nghiêm, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, người đã từng tham gia bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án như Tamexco, Minh Phụng – Epco, nói ông chưa từng gặp ai mà trong thời gian bị tạm giam, được tiếp xúc với luật sư trước khi ra tòa, nói nhiều như bầu Kiên. “Ông thậm chí còn phân công công việc cho chúng tôi”, luật sư Nghiêm nói và trích lời ông Kiên: “Ông Nam (luật sư Vũ Xuân Nam, Đoàn luật sư TP.HCM) đã từng làm việc với tôi trước khi tôi bị bắt, là trưởng nhóm và điều phối các anh”, ông Nghiêm nhớ lại cuộc gặp bầu Kiên ngày 6/3/2014 trong trại giam.
Đó là lần đầu tiên bầu Kiên gặp người bên ngoài kể từ ngày 20/8/2012. Từ khi bị bắt, ông không được gặp gia đình, theo lời luật sư, có thể do vợ, em gái ông là người có liên quan đến vụ án. Trong khi đó, một bị cáo khác là ông Lý Xuân Hải, đã được gặp người thân đôi lần. Gia đình ông Hải không có ai liên quan đến vụ án.
Ông Nguyễn Đức Kiên.
Luật sư Nghiêm miêu tả: ông Kiên trông khoẻ mạnh, tầm chừng 60 – 65 ký. So với trước khi bị bắt ông giảm khoảng 15-20 ký. Ông kể với các luật sư suốt thời gian trong trại ông gần như ăn hết khẩu phần, tập thể dục đều đặn. Ông có hai việc để làm hàng ngày: tập thể dục và tập trung suy nghĩ về những việc làm đã qua của bản thân. Có ngày ông hít đất hàng trăm cái, động tác thể dục mà cả đời trước đó ông ít khi làm.
Đầu tháng 8 năm ngoái, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có bản kết luận, với tập giấy trắng và cây bút, ông Kiên đã viết tay 26 trang xin phép được trình bày từng vụ việc cụ thể để gửi hai cấp đó. “Nét chữ của ông Kiên khá dễ đọc, trình bày mạch lạc, rõ ràng, chi tiết từng ngày tháng, dẫn chứng một số điều, một số luật. Trong câu chữ của ông ấy không hề có một lỗi chính tả”, luật sư Nghiêm hóm hỉnh nhận xét. Trong phần cuối của bản trình bày, ông Kiên đề nghị các cấp xem xét cho ông tại ngoại vì lý do bệnh tật.
Video đang HOT
Các luật sư cho biết, qua cách nói của bầu Kiên, ông ấy có trí nhớ rất tốt. Trong lần gặp thứ hai, kéo dài 45 phút vào ngày 11/4/2014, các luật sư và ông Kiên rà soát, thống nhất những nội dung sẽ trình bày ở tòa. Trước đó ông Kiên được các luật sư thông báo ông Long và ông Dương có tên trong danh sách các nhân chứng (Danh sách những người tham gia tố tụng vụ án đi kèm Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 26/3/2014).
Ông Long (Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát); ông Dương (Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát). Việc làm chứng tại tòa của hai ông có liên quan đến việc mua bán 20 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần Thép Hòa Phát trị giá 264 tỷ đồng giữa công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và tập đoàn Hòa Phát. Trong báo cáo tài chính năm 2013, tập đoàn Hòa Phát nêu rõ, đã nhận lại khoản tiền nói trên và đã hoàn nhập dự phòng tài chính.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại vào thứ sáu tuần trước, ông Trần Đình Long cho biết, Hội đồng Quản trị tập đoàn Hòa Phát chưa họp, nên chưa thể biết cá nhân ông sẽ làm chứng tại tòa hay Hòa Phát sẽ uỷ quyền cho người khác đại diện cho doanh nghiệp. Ngoài các bị cáo, đây là vụ án có sự tham gia của các luật sư, nguyên đơn dân dự, bị đơn dân sự, tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người giám định, người làm chứng, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự đông đảo nhất nhì từ trước đến nay.
Trong số các tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có tên các tổ chức tín dụng: ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Phương Nam; ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín; ngân hàng TMCP Đại Á (đã sáp nhập với HDBank); ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank); ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank; ngân hàng TMCP Kiên Long; ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM; ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Ngoài những người tham gia tố tụng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mời đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tham dự phiên tòa. Các phương tiên truyền thông cử người đăng ký tham dự phiên tòa cũng đông không kém. Tuy nhiên, do diện tích phòng xử không đủ chỗ, nhiều báo sẽ phải tham dự bên phòng ngoài thông qua phát hình qua màn ảnh rộng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Trước vụ xử Bầu Kiên, vì sao các luật sư xin hoãn?
- Theo dự kiến, từ ngày mai 16/4 đến hết ngày 29/4/2014, phiên tòa sơ thẩm "Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ bắt đầu. Trước giờ "thăng đường", luật sư của cả Bầu Kiên và ông Trần Xuân Giá đều gửi đơn đến Tòa xin... hoãn. Vì sao?
Tại sao vụ "bầu" Kiên phải thay đổi cáo trạng 3 lần?
Luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư thuộc Công ty Luật TNHH YKVN, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá trong vụ án "Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" cho biết, sau khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 130/2014/HSST-QĐ về việc đưa vụ án nêu trên ra xét xử từ ngày 16/4 đến ngày 29/4/2014, tôi đã gửi đơn đến Tòa đề nghị một số việc:
Thứ nhất, đề nghị hoãn phiên tòa nêu trên cho đến khi có kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Hiện tại, bản án sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27/1/2014 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về xác định trách nhiệm hoàn trả 718,908 tỷ cho ACB đang xin kháng cáo. Như vậy, việc ACB có bị thiệt hại số tiền nêu trên hay không vẫn chưa được xác định. Do đó, chưa có cơ sở xem xét một trong những yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 718,908 tỷ đồng mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang truy tố ông Trần Xuân Giá.
Ông Trần Xuân Giá.
Lý do thứ hai, Luật sư Lưu Tiến Dũng đề nghị Tòa án kiểm tra trong bộ hồ sơ có hay không có văn bản số 350/NHNN-TTGSNH.m của Ngân hàng nhà nước ngày 17/5/2012 xác nhận việc Ngân hàng ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cá nhân, đại lý khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là sai quy định tại Điều 13 và Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Công văn 350 đã được Cơ quan cảnh sát điều tra sử dụng làm căn cứ xác định hành vi của Trường trực HĐQT Ngân hàng ACB phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong Bản kết luận điều tra số 05/C46-P10 ngày 1/8/2013.
Thứ ba, theo luật sư Lưu Tiến Dũng, trong vụ án "Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", có nhiều bị cáo bị truy tố về nhiều hành vi với nhiều tội danh khác nhau, và theo đó, chỉ có một số ngày nhất định Tòa tập trung xét xử tội danh "Cố ý làm trái" mà ông Trần Xuân Giá hiện đang bị truy tố. Do ông Trần Xuân Giá tuổi cao và đang điều trị bệnh ung thư, nên luật sư Lưu Tiến Dũng đề nghị tòa cho phép ông Trần Xuân Giá và luật sư vắng mặt tại tòa những ngày không xét xử tội danh &'Cố ý làm trái".
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương định hướng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB theo quy định của pháp luật, là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB và biết rõ các quy định của Nhà nước về kinh doanh tiền tệ, chứng khoán nhưng ông Trần Xuân Giá đã chủ trì việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 1.406 tỷ đồng. Hành vi của ông Trần Xuân Giá đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, xét bị can Trần Xuân Giá nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, nay tuổi cao, sức khỏe yếu nên đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
B) Có tổ chức;
C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Luật sư đề nghị hoãn xử vụ Nguyễn Đức Kiên Luật sư Vũ Ngọc Chi - Văn phòng Luật sư Tiến Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người sẽ bào chữa cho bị can Huỳnh Quang Tuấn, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng ACB tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tới đây cho biết, một số luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng...