Bầu Kiên kêu oan cho đồng phạm để… gỡ tội cho mình
Việc bị cáo Kiên kêu oan cho đồng phạm cũng là một cách để biện minh cho hành vi phạm tội của mình. Đồng phạm của Kiên không phạm tội thì sao Kiên có thể phạm tội(?).
Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được sáu ngày. Trong số sáu bị cáo làm đơn kháng cáo thì năm bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo Kiên kháng cáo kêu oan về cả bốn tội danh, trong đó Kiên kêu oan cho đồng phạm về tội cố ý làm trái… Những người tham dự phiên tòa đều hiểu rõ ràng, việc bị cáo Kiên kêu oan cho đồng phạm cũng là một cách để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.
Theo dõi suốt quá trình xét xử vụ án này từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm, những người dự khán đều có chung nhận định là Kiên có tài hùng biện và trí nhớ khá tốt. Mỗi khi cần biện minh với HĐXX cho hành vi phạm tội nào mà bị Viện kiểm sát cáo buộc, Kiên đều đọc rất nhanh những “điều”, “khoản”, “mục” của Luật A, Nghị định B hoặc Thông tư C mà không cần nhìn giấy. Điều đó chứng tỏ rằng, Kiên đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản pháp luật liên quan. Nhưng Kiên “quên” một điều quan trọng là những điều luật mà Kiên “không nhớ” hoặc “không trích dẫn” trước HĐXX thì lại là minh chứng chứng minh hành vi phạm tội của Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Đối với hành vi trốn thuế từ việc nhận ủy thác đầu tư tài chính trái pháp luật mà Kiên bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam. Trong phiên tòa phúc thẩm, Kiên trình bày nội dung kháng cáo: “Công ty B&B do tôi làm Chủ tịch HĐQT đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề. Quá trình kinh doanh, Công ty B&B đã nhận ủy thác đầu tư tài chính từ em gái tôi thì không có gì vi phạm”. Để làm rõ hành vi trốn thuế, HĐXX hỏi bị cáo Kiên “Công ty B&B không được cơ quan chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh ngành nghề ủy thác đầu tư tài chính, nhưng Công ty B&B vẫn nhận ủy thác đầu tư tài chính để trốn thuế là sai phạm hay không sai phạm?”. Kiên tiếp tục biện minh “Công ty B&B không đăng ký kinh doanh ngành nghề này, nhưng theo tôi được biết, pháp luật không quy định nên việc Công ty B&B nhận ủy thác đầu tư tài chính cũng không có gì sai”. Trước lập luận bừa của Kiên, HĐXX đã giải thích “Pháp luật luôn giám sát và điều chỉnh mọi hoạt động về kinh tế- xã hội… đã được các Luật, Nghị định và Thông tư quy định. Vậy nên mới cần vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Nhà nước tạo mọi điều kiện, nhưng vẫn quản lý doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định đó là cách để duy trì sự ổn định và lành mạnh của môi trường kinh doanh”.
Về hành vi chuyển nhượng trái phép 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng, trong phiên xử phúc thẩm, Kiên cho rằng, việc này đã thống nhất với ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thì không thể quy kết là lừa đảo. Tuy nhiên, khi HĐXX cả hai phiên xử cho đối chất, ông Trần Đình Long đều khẳng định, không biết việc công ty của Kiên chuyển nhượng số cổ phiếu này. Việc chuyển nhượng này là do Kiên tự chỉ đạo cấp dưới thực hiện chứ không có văn bản thống nhất với Tập đoàn Hòa Phát. Bị người trong cuộc vạch trần hành vi vi phạm trước tòa, Kiên tiếp tục phân trần “Quá trình chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Kiên làm Chủ tịch HĐQT- PV) đã xảy ra sai sót. Vì thế, tôi đã có những hành động để khắc phục sai sót này nhưng do Ngân hàng ACB chậm thủ tục liên quan nên việc khắc phục sai sót chưa diễn ra như ý muốn của tôi. Khi xảy ra vụ án này, công ty của tôi chưa kết thúc thực hiện trách nhiệm nên không thể quy kết, tôi đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kháng cáo về hành vi cố ý làm trái quy định liên quan đến việc HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên dưới quyền mang số tiền gần 720 tỷ đồng của Ngân hàng ACB đi gửi tại Vietinbank, sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng để chiếm đoạt toàn bộ, bị cáo Kiên một mực phủ nhận trách nhiệm của mình về việc này. Không những thế, Kiên còn liên tục kêu oan cho đồng phạm. Thế nhưng đồng phạm của Kiên lại thừa nhận sai phạm và xin HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Để chứng minh việc Tòa sơ thẩm quy kết Kiên và đồng phạm về hành vi này là có cơ sở, HĐXX phúc thẩm đã công bố nhiều văn bản Luật liên quan đến hành vi này là trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.
Video đang HOT
Phiên tòa phúc thẩm đã đi được nửa chặng đường. Những người tham dự phiên tòa đều nhận thấy rõ, những lý lẽ biện minh Kiên đưa ra là để chối tội nhưng lý lẽ ấy lại không đủ thuyết phục. HĐXX phúc thẩm cũng chưa đưa ra phán quyết nào về hành vi của bị cáo Kiên và đồng phạm. Nhưng phải thừa nhận rằng, HĐXX phúc thẩm vụ án này đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến lập luận của các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng để chứng minh cho quy kết của Tòa sơ thẩm mà họ thấy chưa thuyết phục. Căn cứ theo lời khai nhận của các bị cáo đồng phạm với bị cáo Kiên có thể thấy rõ, các tài liệu thể hiện trong quá trình điều tra vụ án này đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm đúng thủ tục tố tụng, thể hiện đúng bản chất của vụ án.
Chính những tài liệu chính xác của Cơ quan điều tra đã kịp thời vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật của Kiên và đồng phạm. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này một cách khách quan đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Công An Nhân Dân
Cần bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung
rao đổi với phóng viên sau phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên kết thúc trưa 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo trong vụ án cho thấy sự quyết tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt với vụ án kinh tế, chức vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ gỡ tội khác nhau song cơ quan bảo vệ pháp luật đã củng cố chứng cứ, lập luận chặt chẽ, đủ sức thuyết phục, do đó các tội danh cáo buộc là khách quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Nguyễn Đức Kiên cần phải có bản án nghiêm khắc hơn.
Việc tuyên mức án 20 năm tù về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (lừa đảo 264 tỉ đồng) là còn nhẹ bởi theo Điều 139 - BLHS, hành vi lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội bị phạt 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nguyễn Đức Kiên không chỉ gây hậu quả vật chất khi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng nói trên mà với các thủ đoạn tinh vi, gian xảo, bị cáo còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực này.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) lĩnh mức án cao nhất - tổng cộng 30 năm tù giam cho 4 tội danh truy tố.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, việc tuyên các bản án không chỉ trừng phạt đối tượng phạm tội mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức cam go, phức tạp.
- Theo dõi vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi "bầu Kiên"), ông có nhận xét gì về tiến trình tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án?
Đây là vụ án trọng điểm năm nay. Vụ án Nguyễn Đức Kiên rất nghiêm trọng, hoạt động, hành vi phạm tội tinh vi, liên quan đến chính sách pháp luật quản lý tài chính, tiền tệ, trong đó có nhiều quy định luật và văn bản dưới luật. Khi xem xét, định tội trong xét xử hình sự, đối với loại án kinh tế không chỉ đơn thuần các quy định trong BLHS mà còn liên quan quy định trong các văn bản pháp luật khác nữa. Trong quá trình theo dõi, tôi thấy các luật sư bào chữa cho bị cáo, họ tìm mọi cách gỡ tội, lật lại vấn đề. Nhưng cơ quan tố tụng đã dựa vào bằng chứng xác thực do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra, đủ cơ sở để buộc tội. Kết quả như đã tuyên, các tội danh truy tố, xét xử là đúng pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay, nhân dân cả nước rất quan tâm việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nếu vụ việc này không được làm rõ, không xử lý nghiêm minh sẽ làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân về nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Quá trình xét xử, các luật sư đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong khi Nguyễn Đức Kiên và nhiều bị cáo quanh co không nhận tội. Trong dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Với tính chất phức tạp như vậy, ông đánh giá gì về chứng cứ kết tội của của cơ quan tiến hành tố tụng?
Trong vụ án này dù rất phức tạp, dư luận có những ý kiến khác nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra được các căn cứ pháp lý thuyết phục, đó là sự cố gắng lớn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Tôi thấy rằng, các căn cứ kết tội là rất khách quan. Trong thời gian vừa rồi, có nhiều vụ án phức tạp như vụ Dương Chí Dũng, vụ Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên..., thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã thể hiện năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh trước các ý kiến, dư luận đa chiều.
- Không ít luật sư phủ nhận cáo buộc của Viện, Tòa, cho rằng bị cáo vô tội?
Kể cả luật sư, họ có hiểu biết pháp luật nhưng vì họ là người bảo vệ cho thân chủ nên họ tìm mọi lý lẽ để bảo vệ, vì thế nhiều khi lập luận của họ thiếu khách quan, họ tìm cách gỡ tội chứ đâu tìm chứng cứ buộc tội. Trước các lý lẽ gỡ tội của luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có lập luận của mình, đảm bảo chắc chắn, dựa trên kết luận điều tra, cáo trạng của VKS cũng như quá trình xét xử tại tòa, đảm bảo khách quan.
- Đảm bảo yêu cầu pháp luật là nền tảng trong xét xử các vụ án, đặc biệt với vụ án có ảnh hưởng lớn tới dư luận như vụ Nguyễn Đức Kiên?
Đúng như vậy. Việc xem xét mức án cao nhất hay thấp nhất của khung hình phạt dựa vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, rồi về bối cảnh xã hội, khi loại tội phạm đó được xác định nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì khung hình phạt phải càng nghiêm khắc. Yêu cầu mấu chốt là yêu cầu pháp luật, phải đảm bảo chứng lý cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng, việc truy tố, xét xử Nguyễn Đức Kiên với 4 tội danh là chặt chẽ về pháp lý nhưng mức án chưa đảm bảo nghiêm khắc. Chẳng hạn, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng và gây ảnh hưởng lớn về an ninh tài chính ngân hàng, cần phải có mức án nghiêm khắc hơn (tòa sơ thẩm chỉ tuyên 20 năm tù về tội danh này)?
Để đánh giá sát thực, như với số tiền chiếm đoạt đặc biệt nghiêm trọng thì phải cân nhắc để xử lý mức hình phạt cao, không những đảm bảo tính nghiêm khắc trong vụ án đó mà còn nhằm phòng ngừa, răn đe tội phạm nói chung. Sau này, khi mà Luật Tổ chức tòa án sửa đổi có hiệu lực theo tinh thần Hiến pháp mới, có vấn đề tổng kết kinh nghiệm xét xử với án lệ thì những hành vi, loại tội như thế này sẽ là mẫu, tiền lệ để cho các vụ án sau áp dụng khi có đủ cơ sở.
- Trong trường hợp này, VKSND tối cao có thể kháng nghị xét xử nghiêm minh hơn theo trình tự phúc thẩm?
Đúng rồi, đó là thẩm quyền của Viện Kiểm sát. VKS khi thấy mức án chưa thỏa đáng thì VKS có quyền kháng nghị tăng nặng hình phạt.
- Cùng việc điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, ông có đánh giá gì về vai trò cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương?
Theo quan sát của tôi, chúng ta đang tập trung xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, liên quan chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã có sự nỗ lực rất lớn. Khi pháp luật chúng ta quy định việc bồi thường Nhà nước, đương nhiên các cơ quan khi thi hành pháp luật đều phải thận trọng. Những vụ án lớn như thế này càng phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, thận trọng, bởi nếu như để xảy ra oan, sai sẽ gây hậu quả lớn, từ trách nhiệm bồi thường Nhà nước đến các hậu quả khác. Cho nên, tôi thấy các vụ án phức tạp, nghiêm trọng như thế này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xét xử, đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, điều đó thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn. Chúng ta mong muốn trong thời gian tới tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm ở các vụ án khác, điều đó sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Công An Nhân Dân
Một tuần phúc thẩm vụ bầu Kiên: Khi bị cáo "vạch áo cho người xem lưng" Trong đơn kháng cáo, một số bị cáo trong vụ bầu Kiên kêu oan nhưng tại phiên toà phúc thẩm, họ lại không chứng minh được mình oan thế nào. Nụ cười của bầu kiện khi bước vào phòng xét xử Cán bộ ngân hàng không am hiểu... luật tài chính ngân hàng Trong 4 nhóm tội danh được đưa ra xét xử...