Bầu không khí u ám trong Nhà Trắng khi tin tức xấu bủa vây
Nhiều tin xấu bủa vây, bao gồm việc ông Trump bị tố tiết lộ tin tình báo tuyệt mật cho các quan chức ngoại giao Nga, khiến không khí ở Nhà Trắng trở nên căng thẳng.
Quang cảnh Nhà Trắng vào tối 15/5. Ảnh: New York Times
Tin tức xấu nối đuôi nhau ập đến hôm 16/5 khiến các trợ lý ở Cánh Tây Nhà Trắng (văn phòng làm việc của tổng thống) phải liên tục dán mắt vào những chiếc tivi màn hình phẳng, theo New York Times.
Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tin tình báo mật cho các quan chức Nga tại cuộc gặp hồi tuần trước ở Phòng Bầu dục lại là một đòn giáng nữa vào tập thể nhân viên Nhà Trắng, vốn chưa giải quyết triệt để được những ồn ào xung quanh vụ sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey.
Thông tin chốt lại ngày 16/5 thậm chí còn chấn động hơn: Trump thúc giục Comey dừng cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael T. Flynn, người bị cáo buộc bí mật trao đổi thông tin về lệnh trừng phạt Washington áp đặt lên Moscow với đại sứ Nga tại Mỹ. Nó ngay lập tức khiến cánh phóng viên đua nhau chạy đến phòng báo chí Nhà Trắng, nơi các trợ lý, những người bảo vệ Tổng thống Trump, có rất ít câu trả lời nhưng phải gánh nhiều nỗi lo về chiếc ghế của họ.
U ám
Theo hai cố vấn cho Tổng thống Mỹ, tâm khí của ông Trump đang trở nên u ám và dễ cáu bẳn. Ông chống lại hầu hết các trợ lý, thậm chí cả chàng rể Jared Kushner và đã nổi giận la mắng họ là những kẻ “bất tài”.
Giữa lúc tình trạng rối loạn bao trùm Nhà Trắng, một số thông tin rộ lên nói rằng Tổng thống sắp tiến hành đợt chấn chỉnh lớn, có thể bắt đầu với quyết định sa thải hoặc điều chuyển thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer sang nhiệm vụ mới.
Các nhân viên Nhà Trắng sáng 15/5 sốt sắng theo dõi một cuộc họp giữa ông Trump, ông Spicer, thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders cùng giám đốc truyền thông Nhà Trắng Michael Dubke. Ông Trump thuyết giảng họ về việc cần thống nhất ý kiến với nhau.
Cuối ngày 16/5, Spicer dường như đã “tai qua nạn khỏi”. Những người thân cận với Tổng thống Mỹ cho biết ông Trump đang cân nhắc sa thải vài nhân viên cấp thấp hơn, đồng thời xem xét giao trách nhiệm tổ chức họp báo hàng ngày cho bà Sanders.
Trump hôm 15/5 bảo đảm với các cố vấn rằng chiếc ghế của họ vẫn an toàn, song ông lại tiết lộ với một số cố vấn khác về ý định tiến hành những thay đổi lớn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc từ người nào.
Căng thẳng
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, trung tướng H. R. McMaster họp báo ở Nhà Trắng hôm 16/5. Ảnh: CNBC
Nhà Trắng đang tập trung đối phó với một cuộc bủa vây của tin tức xấu đến dồn dập, khiến bầu không khí ở đây trở nên căng thẳng. Cuối ngày 15/5, cánh phóng viên có thể nghe thấy tiếng la hét, cãi vã giữa những trợ lý cấp cao của ông Trump từ bên trong các phòng họp kín. Họ đang thảo luận cách phản ứng sau khi Washington Post thông báo chuẩn bị đăng bài về việc Tổng thống tiết lộ tin tình báo mật cho các quan chức Nga.
Video đang HOT
Để hạn chế những tác động xấu lan rộng, Spicer và các trợ lý của Tổng thống Mỹ quyết định đưa Cố vấn An ninh Quốc gia, trung tướng H. R. McMaster, ra làm người phát ngôn cho ông Trump. Họ nhận thấy rằng việc chọn lựa một quan chức cấp cao như vậy sẽ phần nào làm tăng tính thuyết phục trong câu chuyện.
Văn phòng Luật sư Nhà Trắng đã làm việc với Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster về khung sườn của thông báo giải thích. Cuối cùng, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, McMaster khẳng định: “Câu chuyện báo chí đưa là sai sự thật”.
Khi đang soạn thảo thông báo, trung tướng McMaster, một cựu tư lệnh chiến trường, người xuất hiện với dáng bộ không thoải mái trong bộ đồ vest dân sự và chiếc kính gọng đen, gần như đâm sầm vào các phóng viên chờ đợi bên ngoài văn phòng của ông Spicer.
“Đây là nơi cuối cùng trên thế giới mà tôi muốn có mặt”, ông nói đùa.
Khi vị tướng này tiến đến các micrô đặt trên mặt đường phía trước Cánh Tây, một trong những cấp phó của ông xuất hiện đằng sau đám đông phóng viên để xem tuyên bố ông đưa ra được đón nhận như thế nào.
Phe Cộng hòa lo lắng
Thư kí báo chí Nhà Trắng Sean Spicer chăm chú theo dõi khi Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster họp báo hôm 16/5. Ảnh: New York Times
Tại Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, có dấu hiệu cho thấy nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người vẫn giữ vững lập trường sau khi ông Comey bị phế truất, đang cảm thấy lo lắng trước cách thức Nhà Trắng hoạt động và nôn nóng muốn thấy sự thay đổi.
“Cần phải tiến hành những thay đổi quan trọng ở Nhà Trắng ngay lập tức”, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick J. Toomey đến từ bang Pennsylvania, người muốn Trump bổ nhiệm một thành viên đảng Dân chủ làm giám đốc FBI, nói.
Hôm 16/5, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, cũng kêu gọi Trump điều hành Nhà Trắng theo cách “ít kịch tính hơn”.
Phát biểu với các phóng viên trước đó, thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên đảng Cộng hòa có mối quan hệ gần gũi với một số quan chức ở Nhà Trắng, bày tỏ thái độ thẳng thắn hơn.
“Rõ ràng, họ (Nhà Trắng) đang trong vòng xoáy ốc và cần phải tìm ra cách để ứng phó với tất cả những gì xảy ra”, ông nhấn mạnh.
Hàng chục trợ lý và bạn bè của Tổng thống Mỹ, dù ủng hộ thái độ thách thức ở Trump, cũng nhất trí với quan điểm của Corker. Họ trao đổi thẳng thắn về tổn hại uy tín mà Nhà Trắng gánh chịu những tuần gần đây và sự mệt mỏi đang bắt đầu xuất hiện sau nhiều tháng các nhân viên ở đây phải ra sức bảo vệ Tổng thống trước những sơ suất, các dòng tweet động chạm hay hành động khó đoán của ông.
Tuy nhiên, Trump dường như không sẵn sàng hoặc không thể làm những điều cần thiết để giữ mình tránh xa rắc rối và có lẽ chức danh tổng thống không thể chế ngự được phong cách ăn nói thẳng thừng đã in dấu trong cuộc vận động tranh cử của ông.
Một số cố vấn cao cấp thậm chí không dám để Trump một mình trong các cuộc gặp với những lãnh đạo nước ngoài vì lo ngại ông có thể nói ra những lời hớ hênh. Tướng McMaster phải cố gắng chèn các cảnh báo hoặc chấn chỉnh nhẹ nhàng vào các cuộc đối thoại trong những cuộc gặp như vậy khi ông nhận thấy Tổng thống đang đi chệch khỏi chủ đề hoặc sa đà vào các tranh cãi ngoại giao.
Việc này đôi khi khiến Tổng thống bực tức, theo hai quan chức Nha Trắng nắm rõ nội tình. Trump phàn nàn rằng tướng McMaster nói quá nhiều trong các cuộc họp.
Ba quan chức Nhà Trắng khác thừa nhận họ không thể đưa ra những lời lẽ bảo vệ Tổng thống theo cách thuyết phục nhất và thành thực nhất trước sự việc Trump bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo mật cho Nga vì ông đơn giản không hứng thú hoặc không hiểu về các chi tiết của việc thu thập thông tin tình báo.
McMaster gần như công khai nói điều này tại cuộc họp báo.
“Tổng thống thậm chí không nhận thức được thông tin này đến từ đâu. Ông ấy không được báo cáo về nguồn tin cũng như phương pháp thu thập thông tin tình báo”
Hồng Vân
Theo VNE
Trump khó bị luận tội dù chịu sức ép lớn
Các chuyên gia luật cho rằng những yêu cầu luận tội Tổng thống Trump hiện nay đều không có căn cứ pháp lý vững chắc.
Các chuyên gia về luật pháp cho rằng hiện tại không có căn cứ pháp lý cho việc luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: New York Times
Nghị sĩ đảng Dân chủ Al Green hôm qua trở thành chính trị gia Mỹ đầu tiên lên tiếng đòi luận tội Tổng thống Donald Trump với cáo buộc rằng ông Trump đã có hành vi cản trở hệ thống tư pháp khi sa thải Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey.
Trước đó, chiến dịch mang tên "Hãy luận tội Donald Trump" được khởi động ngay từ khi ông Trump nhậm chức đã thu hút hơn 885.000 người tham gia ký tên. Một khảo sát do hãng thăm dò dư luận PPP công bố hôm 15/5 cho thấy 48% người được hỏi đồng ý luận tội ông Trump. Những thực tế này có thể gia tăng đáng kể sức ép đối với ông Trump, nhưng chưa đủ căn cứ pháp lý để ông có thể bị luận tội trước Quốc hội, Telegraph dẫn nhận định của các chuyên gia luật.
Cáo buộc cản trở công lý khi sa thải giám đốc FBI
"Việc tổng thống yêu cầu FBI chấm dứt một cuộc điều tra có thể dẫn tới truy tố hình sự là hành động cản trở quá trình tư pháp", Erwin Chereminsky, giáo sư về luật Hiến pháp tại đại học California, cho biết. "Chính vì hành động này mà mà Tổng thống Nixon phải từ chức".
Tuy nhiên, giáo sư Chereminsky cho rằng cáo buộc ông Trump cản trở quá trình tư pháp bằng quyết định sa thải Comey lại không có căn cứ thuyết phục. Chính Comey cũng thừa nhận Trump hoàn toàn có quyền sa thải ông vào bất cứ lúc nào, với bất cứ lý do nào.
Cựu giám đốc FBI James B. Comey tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump đã dùng từ "mong muốn" chứ không thẳng thừng ra lệnh cho ông Comey dừng điều tra về mối liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Nga, Christopher Slobogin, giáo sư luật hình sự giảng dạy tại trường đại học Vanderbilt, nói với Reuters.
Chính điều này khiến việc cáo buộc Tổng thống Trump cố ý can thiệp vào cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và FBI về mối liên hệ giữa cấp dưới của ông với Nga trở nên khó khăn hơn, theo giáo sư Slobogin.
Một số người đòi luận tội Trump cho rằng ông Comey đang giữ những bản ghi chép về các cuộc đối thoại với Trump tại Nhà Trắng, trong đó thể hiện chi tiết ông Trump nói "Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua chuyện này" nhằm thuyết phục cựu giám đốc FBI ngừng điều tra.
Tuy nhiên, Comey đến nay chưa đưa ra bất cứ bản ghi chép nào và nếu có, đó có thể là đầu mối cho một cuộc điều tra do một công tố viên đặc biệt phụ trách, trước khi kết luận cuối cùng được đưa ra.
Xung đột lợi ích chính trị và kinh doanh
Nhiều ý kiến cho rằng khả năng lớn nhất Tổng thống Mỹ bị luận tội là vì những xung đột lợi ích giữa chính trị và công việc kinh doanh của gia đình.
Hiến pháp Mỹ quy định các quan chức liên bang, trừ khi có sự chấp thuận của Quốc hội, không được phép nhận "bất cứ quà tặng, thù lao, tước vị... dưới bất cứ hình thức nào từ nước ngoài". Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo các quan chức Mỹ chỉ phục vụ lợi ích của quốc gia và không bị tác động bởi các thế lực nước ngoài.
Cựu tổng thống Barack Obama đã rất cẩn thận hỏi ý kiến Bộ Tư pháp liệu ông có vi phạm hiến pháp khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009.
Nhưng Tổng thống Trump lại có cách nghĩ khác người tiền nhiệm. Ông Trump đã không rạch ròi giữa việc kinh doanh cá nhân với ngoại giao chính thức trong nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại với các quan chức nước ngoài. Ông cũng không chịu chuyển giao quyền sở hữu tập đoàn Trump Organization cho các con, dù đã nhường lại quyền quản lý.
Tuy nhiên, việc đòi luận tội ông Trump dựa vào cáo buộc xung đột lợi ích này là không có cơ sở, bởi các quy định về xung đột lợi ích không áp dụng đối với tổng thống và phó tổng thống Mỹ. "Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi", ông Trump tự tin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.
Theo các quan sát viên, những sự kiện xảy ra trong lịch sử cho thấy khả năng ông Trump sẽ bị luận tội là rất thấp với những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây.
Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội tổng thống, còn Thượng viện có quyền xem xét tất cả những vụ luận tội mà Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua. Tổng thống sẽ bị phế truất sau khi luận tội nếu bị kết án là phản quốc, nhận hối lộ hay các tội trạng khác.
Trong lịch sử Mỹ, có ba tổng thổng từng bị xem xét luận tội là Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. Cả ba đều gặp bất lợi vì vào thời điểm thủ tục luận tội diễn ra, các nghị sĩ đảng đối lập đang nắm quyền chi phối Hạ viện. Trong đó, Tổng thống Nixon đã phải từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu quyết định.
Hiện các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nên rất khó có khả năng các chính trị gia cùng đảng quay ra chống lại ông Trump, nhà nghiên cứu chính trị học Julia Azari nhận định.
An Hồng
Theo VNE
Hơn một tuần rung chuyển của chính quyền Trump Nhà Trắng liên tục trở thành tâm điểm tranh cãi với quyết định sa thải giám đốc FBI và việc Trump bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters Tuần vừa qua lẽ ra phải là một tuần yên bình khi Nhà Trắng vừa giành được chiến thắng lập pháp đầu tiên với việc...