Bầu không khí hoang mang trong Bộ Ngoại giao Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là đang xuất hiện những mối chia rẽ, xuất phát từ sự ít tiếp xúc, trao đổi giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson và các nhân viên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 22/2 tới thành phố Mexico City, Mexico. Ảnh: Reuters
Để lên văn phòng trên tầng 7 tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson thường dùng thang máy riêng. Tại các tầng phía dưới, người ta hiếm khi nhìn thấy bóng dáng ông, theo Washington Post.
Trong rất nhiều ngày, Ngoại trưởng Tillerson lấp kín hàng tiếng lịch trình làm việc bằng một đề mục mang tên “giờ đọc tài liệu”. Ông “đóng đô” tại văn phòng để xem qua các bản ghi nhớ trước khi tham dự những cuộc họp quan trọng.
Ông hầu như chỉ tương tác với các trợ lý chính trị bên trong vòng tròn thân cận, đa phần đều là những người mới ở Bộ Ngoại giao. Một số nhà ngoại giao lão luyện thậm chí cho biết họ vẫn chưa gặp mặt ông Tillerson. Số khác nhận được chỉ thị không nói chuyện trực tiếp với ông, kể cả trao đổi bằng mắt.
Ở ba chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tillerson đã bỏ qua thăm viếng các nhân viên làm việc tại đại sứ quán cùng gia đình họ, một hành động mà những người đi trước ông thường làm để nâng cao tinh thần đoàn kết bên trong Bộ Ngoại giao.
Theo giới quan sát, 8 tuần trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil đang rơi vào thế bị cô lập, tách biệt với các quan chức Bộ Ngoại giao tại Washington cũng như trên toàn thế giới.
Xa cách
Tác phong điều hành xa cách của ông Tillerson khiến nhiều quan chức nước ngoài bối rối khi họ không thể hiểu Mỹ đang đứng ở đâu trước các vấn đề toàn cầu nhạy cảm. Nó cũng gieo rắc tâm lý ngờ vực cho một bộ phận nhân viên Bộ Ngoại giao lâu năm, đến mức họ còn truyền tai nhau những câu chuyện hoang đường về ông. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại đến quyền lực và sức ảnh hưởng của Bộ.
Video đang HOT
Một số người còn cho rằng Ngoại trưởng Tillerson không đấu tranh hết lòng cho cơ quan mà mình dẫn dắt. Hạ nghị sĩ Eliot L. Engel thuộc đảng Dân chủ, thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết Ngoại trưởng Tillerson từng gọi ông tới sau khi kế hoạch cắt giảm 30% ngân sách cho Bộ Ngoại giao được công bố. Ông Tillerson lúc bấy giờ dường như chia sẻ nỗi lo lắng với ông Engel rằng việc cắt giảm này “quá khắc nghiệt” và dễ phản tác dụng. Nhưng theo ông Engel, Ngoại trưởng Tillerson vẫn tỏ vẻ chấp thuận khi ông gọi đó là “con đường trượt tới những gì rồi cũng sẽ phải xảy ra”.
“Tôi cảm thấy thất vọng”, Engel chia sẻ. “Đánh giá toàn bộ sự việc, rõ ràng họ đang cố thu hẹp Bộ Ngoại giao và khiến nó trở nên không còn liên quan. Tôi không biết nói gì. Tại sao Tillerson lại nhận việc nếu không sẵn sàng bảo vệ cơ quan mình lãnh đạo”.
Một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho hay việc Tillerson hạn chế gây xáo động phản án mong muốn của ông xử lý công việc kín đáo, không phô trương. Khi còn làm giám đốc điều hành ExxonMobil, ông Tillerson đã đi khắp thế giới để thương thảo những hợp đồng khai thác, mua bán hoàn toàn bí mật. Các cố vấn thân cận tiết lộ Ngoại trưởng Mỹ hiện tại vẫn cho rằng phong cách này phù hợp với ông hơn cả.
Song Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã góp phần xóa tan nỗi lo lắng về tình trạng thiếu nhân sự, hỗn loạn hay kìm kẹp thông tin ở Bộ Ngoại giao khi khẳng định các cuộc đàm phán giữa giới chức Anh và chính quyền Trump diễn ra vô cùng suôn sẻ, bắt đầu bằng chuyến thăm của Thủ tướng Theresa May tới Nhà Trắng, chỉ vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức. “Chúng tôi hoàn toàn không gặp bất kỳ vấn đề nào về khả năng tiếp cận” Bộ Ngoại giao hay Nhà Trắng, ông Darroch nhấn mạnh.
Khởi đầu chậm chạp của Tillerson khiến các nhà ngoại giao nước ngoài cảm thấy rối loạn. Một số người phàn nàn rằng vì các vị trí quan trọng tại Bộ Ngoại giao mới chỉ do những người được ủy quyền tạm thời đảm nhận nên họ không biết nên liên lạc với ai có thẩm quyền thực sự. Ông Tillerson hiện là quan chức duy nhất do Tổng thống Trump chọn tại tòa nhà Bộ Ngoại giao mà Thượng viện phê chuẩn.
Vài quan chức giấu tên mới rời khỏi Bộ Ngoại giao cho hay ông Tillerson đang phải trả giá. Theo họ, các cố vấn chính trị cho Ngoại trưởng Mỹ có rất ít kinh nghiệm về chính sách ngoại giao cũng như lợi thế ở Nhà Trắng. Cách họ xử lý công việc với nhân viên đôi lúc gây bực mình, khó chịu.
“Phần nào là do mối hoài nghi sâu sắc bên trong bộ máy”, một quan chức cấp cao thuộc đảng Dân chủ ở Thượng viện nhận xét. “Nó tạo ra bầu không khí dễ làm nảy sinh tâm lý cảnh giác và hoang tưởng. Những người ở đây, với vai trò chính trị của mình, đẩy mọi thứ lên cực điểm. Tất cả những gì chúng tôi nghe thấy là việc thông tin đến và ra khỏi văn phòng Ngoại trưởng ít ỏi như thế nào. Đấy không phải công thức thành công”.
Ông Tillerson ngày 15/2 lên máy bay tới Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AFP
Trong ngày đầu tiên tại Bộ Ngoại giao, ông Tillerson đã thu hút các nhân viên bằng lời tuyên bố sẽ lắng nghe và học hỏi. Song những tuần ông điều hành Bộ sau đấy lại cho thấy một câu chuyện khác hẳn, giới phân tích nhận định.
Theo một cố vấn, những lời đồn đại nói rằng ông Tillerson không có kế hoạch lấp đầy các vị trí còn trống ở cấp trợ lý ngoại trưởng là sai sự thật. Tuy nhiên, việc ông không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể kể từ khi nhậm chức đang khiến các nhà ngoại giao kỳ cựu cảm thấy họ bị xem như chướng ngại vật cản trở thay đổi.
“Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi lãnh đạo của mình nhận ra và đang cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục ông ấy rằng chúng tôi phụng sự vì lợi ích chính quyền”, một quan chức Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Hôm 30/3, ông Tillerson có chuyến thăm các nhân viên Bộ Ngoại giao làm việc ở nước ngoài đầu tiên, tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ dường như thừa nhận vấn đề bất đồng quan điểm tồn tại bên trong hàng ngũ của ông khi kêu gọi mọi người “trung thực” đối đầu với những ý kiến khác nhau.
“Đó là cách chúng ta đưa ra một lựa chọn tốt hơn. Và chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể trung thực với tất cả các đối tác và đồng minh trên toàn thế giới. Chúng ta chắc chắn có những khác biệt nhưng ta phải rất trung thực và cởi mở về chúng để ít nhất ta hiểu rõ chúng”, ông Tillerson nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Ông trùm dầu khí nhận lời làm ngoại trưởng Mỹ vì vợ thuyết phục
Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông ban đầu không muốn trở thành lãnh đạo cao nhất của bộ Ngoại giao Mỹ và chỉ đồng ý nhận công việc này sau khi vợ ông thuyết phục.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)
"Tôi không muốn nhận công việc này. Tôi không tìm kiếm công việc như vậy. Vợ tôi bảo tôi nên nhận nó", Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Rex Tillerson nói trong cuộc phỏng vấn với trang tin Independent Journal Review trong chuyến công du tới 3 nước châu Á tuần trước.
Sau 2 tháng ngồi vào vị trí cao nhất của ngành ngoại giao Mỹ, ông Tillerson đã tiết lộ sự miễn cưỡng ban đầu của ông khi đồng ý nhận công việc ngoại trưởng theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump. Ông Tillerson cho biết ông chưa từng gặp tỷ phú Trump trước khi được mời đến Tháp Trump ở New York vào thời điểm ứng viên đảng Cộng hòa vừa đắc cử tổng thống. Trong cuộc gặp này, ông đã trao đổi với tổng thống tân cử "về tình hình thế giới" cũng như những kinh nghiệm của ông trong vai trò giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới ExxonMobil.
"Vào cuối buổi trò chuyện, khi ông ấy (Donald Trump) đề nghị tôi làm ngoại trưởng, tôi thấy rất sửng sốt", ông Tillerson nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng ở độ tuổi 65, sau 40 năm cống hiến cho ExxonMobil, ông đã tính đến chuyện nghỉ hưu. "Tôi đã định sẽ về nông trại để chơi với các cháu của mình", ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, khi Rex Tillerson trở về quê nhà ở bang Texas sau cuộc gặp với tỷ phú Trump, chính vợ ông, bà Renda St Clair, là người đã thuyết phục ông nhận công việc ngoại trưởng do tổng thống tân cử giao phó. "Em đã nói với anh là Chúa chưa cho anh nghỉ đâu", bà Clair nói với chồng.
Ông Tillerson cho biết đến bây giờ, ông cảm thấy rằng vợ ông đã nói đúng: "Tôi nên nhận công việc này".
Tuy nhiên, ông Tillerson đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu đảm nhận công việc mới. Tân ngoại trưởng đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, liên quan đến những chính sách đối ngoại gây tranh cãi của chính quyền mới, trong đó điển hình là lệnh cấm nhập cư đối với công dân của các quốc gia Hồi giáo. Ngoài ra, ông cũng bị phê phán vì đã không góp tiếng nói đủ mạnh để bảo vệ bộ Ngoại giao trước đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho bộ này do Nhà Trắng đưa ra.
Ngoại trưởng Mỹ cũng gần như tránh mặt báo chí trong những tuần đầu làm việc tại bộ Ngoại giao. Ông Tillerson không dẫn theo bất kỳ cơ quan báo chí ngoại giao nào trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới châu Á, phá vỡ thông lệ hàng chục năm qua trong ngành ngoại giao Mỹ. Thay vào đó, chuyến đi này của Ngoại trưởng Tillerson chỉ có duy nhất một nhà báo của Independent Journal Review, một trang tin ít tiếng tăm, tháp tùng.
Theo giải thích của bộ Ngoại giao Mỹ, lý do khiến Ngoại trưởng Tillerson hạn chế đưa nhiều cơ quan truyền thông đi cùng là vì ông muốn đi một máy bay nhỏ hơn so với thông thường và tiết kiệm tiền cho chính phủ. Ông Tillerson cũng từng nhiều lần nhắc đến lý do này, đồng thời cho biết chính sách của ông là tránh gặp mặt cũng như chia sẻ thông tin với báo chí trừ khi ông có thông điệp muốn nhờ báo chí truyền tải.
Thành Đạt
Theo Guardian
Bộ Ngoại giao Mỹ họp báo lần đầu từ ngày Trump nhậm chức Sau 45 ngày im lặng, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu họp báo trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner. Ảnh: Reuters Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 7/3 đã trở lại phòng họp báo chật kín phóng viên để trả lời các câu hỏi về lệnh cấm nhập...