Bầu Đức: “Tôi không ngán TPP”
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) sẽ mang đến nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi Việt Nam, song mô hình nuôi bò của ông “miễn nhiễm” với khó khăn này.
Ngay khi TPP được ký kết, nhiều chuyên gia lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị tổn thương. Là doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư chăn nuôi lớn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xét tổng thể, ngành chăn nuôi Việt Nam đúng là sẽ phải chịu rất nhiều thách thức khi vào TPP bởi tiêu chuẩn sản phẩm của Hiệp định này rất cao. Hiện nay đa số nông dân trong nước vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, không có điều kiện áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Với cách sản xuất này, chất lượng không đồng nhất, giá lại cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các cường quốc trong nhóm 11 nước còn lại tham gia TPP. Đây chính là những điểm yếu điển hình của ngành chăn nuôi trong nước.
Đại bộ phận nông dân và những đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ không có điều kiện đầu tư bài bản sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn này. Còn những doanh nghiệp đủ sức chăn nuôi quy mô lớn, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì không cần lo ngại. Tôi tin những doanh nghiệp đầu tư bài bản như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vinamilk, TH True Milk, Hòa Phát… đều không ngán TPP.
- Ông có thể phân tích vì sao những doanh nghiệp này không ngán TPP?
- Nuôi bò công nghệ cao như chúng tôi không ngại TPP. HAGL đang phát triển mô hình chăn nuôi bò Australia theo hình thức đại công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại của Israel. Những nông trại này có quy mô lớn nhất nhì Đông Nam Á, đồng thời có cơ chế giám sát, vận hành bằng thiết bị kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, đầu ra theo tiêu chuẩn.
Dựa trên lợi thế về quỹ đất, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, đầu tư con giống tốt ngay từ ban đầu, hiện nay hơn 120.000 con bò Australia được nuôi theo hình thức cơ giới hóa gần như toàn bộ tại những trang trại ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Tại Gia Lai, doanh nghiệp chủ động trồng 3.000 hecta cỏ voi phục vụ đàn bò để tiết giảm chi phí thu mua, đó là chưa tính đến diện tích đất trồng cỏ tại Lào, Campuchia và các tỉnh thành khác trong nước. Với guồng quay hiện nay, mỗi ngày chúng tôi xuất chuồng 300 con bò ra thị trường cả nước, giá thành cạnh tranh được với bò ngoại nhập đang có mặt ở thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, HAGL tự tin không ngại những tác động xấu từ TPP, thậm chí đây còn là cơ hội lớn để phát triển.
Bầu Đức cho rằng nếu cải tổ ngành chăn nuôi triệt để, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có thể từng bước vượt qua những thách thức TPP mang lại và giúp ngành này trưởng thành hơn. Ảnh: V.L
Video đang HOT
- Vậy theo ông, cơ hội mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là gì?
- Tôi chỉ đánh giá ở khía cạnh thị trường trong nước vì muốn vươn ra bên ngoài thì việc đầu tiên là cần có nội lực mạnh mẽ. Thứ nhất, ngành chăn nuôi Việt Nam có lợi thế sân nhà, thấu hiểu thị trường nội địa hơn các đối thủ ngoại khác. Cũng cần lưu ý đây là thị trường lớn hơn 90 triệu người, dân số trẻ, đầy tiềm năng. Thứ hai, sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không tốn chi phí vận chuyển lớn, hoặc tốn ít chi phí hơn các đối thủ vì quãng đường di chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ ngắn hơn.
Ví dụ: đối với bò thương mại ngoại nhập, trung bình phí vận chuyển và những chi phí cho hệ thống phân phối có thể lên đến 30-35% giá thành. Ngoài ra, giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn so với các quốc gia tham gia TPP cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội lớn nhất mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là động lực to lớn để thay đổi, giúp ngành này trưởng thành hơn, điều mà bất lâu nay chúng ta vẫn chậm chạp, thậm chí giẫm chân tại chỗ. Ngành chăn nuôi trong nước buộc phải cải tổ để đương đầu với cuộc chiến sinh tử, lựa chọn giữa tiến lên hay là “chết”.
TPP đưa ra các chuẩn sản phẩm cao hơn, giá cả hợp lý hơn. Đây là cuộc chơi sòng phẳng ở đó không có chuyện bảo hộ hay độc quyền. Sản phẩm từ ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội được nâng lên một tiêu chuẩn cao hơn, đồng nhất hơn. Người tiêu dùng trong nước được mua hàng hóa giá cạnh tranh nhất, chất lượng tốt nhất.
- Theo ông, nông dân, các doanh nghiệp nhỏ phải làm thế nào để tận dụng cơ hội để trưởng thành và vượt qua thách thức của TPP?
- Giải pháp không phải là không có. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào chúng ta bắt tay làm. Đầu tiên cần có chiến lược quốc gia về việc cấp tốc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận những mô hình chăn nuôi tiên tiến. Phải bỏ cái cũ đi để tiếp thu cái mới. Giải mã bài toán quỹ đất để phục vụ chăn nuôi đại công nghiệp bằng cách cho họ liên kết với nhau. Cấp vốn và chuyển giao công nghệ một cách bài bản. Song song đó, cần đưa ra các chuẩn hàng hóa cao hơn, ngang bằng với các đối thủ ngay từ đầu vào (con giống, quy trình chăn nuôi, nguồn thức ăn), kiểm soát chặt đầu ra (sản phẩm).
Công nghệ tiên tiến trong ngành chăn nuôi không khó để tiếp cận. Hiện nay thị trường này bán mua cực kỳ sôi động, rất đa dạng. Khi đã mua công nghệ, chúng ta được hỗ trợ chuyển giao. Có vẻ như đây là bài toán khó nhưng không phải là không có lời giải.
Tất nhiên không thể nào thay đổi trong tích tắc, đây là việc không thể chuyển biến nhanh được. Cần bao nhiêu thời gian tùy thuộc vào việc chúng ta nỗ lực đến đâu. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị cho TPP. Nếu đó thật sự là khoảng thời gian chuẩn bị thì tôi tin chúng ta có thể khắc phục được. Bởi vì nếu quyết tâm cải tổ triệt để ngành chăn nuôi thì từ những năm thứ hai, thứ ba trở đi sẽ có thành quả bước đầu. Hãy nhìn câu chuyện của HAGL, chúng tôi cũng chỉ mới nuôi bò được hai năm thôi nhưng tất cả đã vào guồng. Do đó, thời gian bao lâu không quan trọng bằng quyết tâm vượt khó.
Theo Vũ Lê (Vnexpress)
Hết thời lương cao nhưng không hiệu quả
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vào TPP, DNNN sẽ chấm dứt cảnh than phiền lâu nay của dư luận về việc lãnh đạo được trả lương cao nhưng làm ăn không hiệu quả.
Hiệp định TPP tác động thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thưa ông?
TPP là hiệp định thương mại đa phương tiếp cận trên một diện rất rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một hiệp định đa phương công nhận có một chương về DNNN. Điều này cho thấy, những quan điểm về việc DNNN không có chỗ tồn tại trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh là chưa hoàn toàn phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Kiên.
Vậy TPP sẽ tạo ra những thay đổi gì đến hoạt động của các DNNN của Việt Nam tới đây? Theo tôi, thay đổi lớn nhất ở đây chính là công tác quản trị ở các DNNN. Trong đó, không thể đem tư duy công chức áp vào DNNN được nữa. Lương của cán bộ ở các tổng công ty cũng không còn theo bậc thang của Bộ LĐ,TB&XH. Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, Ủy viên hội đồng quản trị cũng không còn theo cách là phải qua Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới được bổ nhiệm. Tất cả những cái đó khi vào TPP sẽ khác đi.
Cụ thể, như việc trả lương cho tổng giám đốc, hội đồng quản trị, tới đây sẽ phải theo quy luật của thị trường, tức là phải thỏa thuận. Lương của người làm quản trị DNNN sẽ gắn liền với lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được, chứ không phải là lương phân theo quy mô DNNN loại 1, loại 2 hay là loại đặc biệt.
Đây là cái thay đổi rất căn bản. Như thế, lương cao hay thấp do người sử dụng lao động quyết định căn cứ vào lợi nhuận mà người ta đạt được. Đơn cử như nhà nước giao cho doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng, thì ít nhất một năm doanh nghiệp phải đem lại lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng. Nếu không làm được điều đó thì Nhà nước sẽ giao cho người khác làm ngay.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm được thì Nhà nước sẽ cho phép hưởng 10% tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được để trả lương. Căn cứ vào đó, doanh nghiệp tính toán để trả lương cho phù hợp trên cơ sở quy chế nội bộ của công ty, Chính phủ sẽ không can thiệp. Như thế, sẽ chấm dứt cảnh than phiền lâu nay của dư luận về việc lãnh đạo được trả lương cao nhưng làm ăn không hiệu quả. Tất cả những điều đó sẽ được thực hiện một cách minh bạch, công khai.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, TPP sẽ làm thay đổi hẳn công tác quản trị ở các DNNN. Trong ảnh là cảnh xếp dỡ container của Vinalines. Ảnh: Ngọc Châu.
TPP đặt ra quy định là phải ưu tiên sử dụng thương mại trong nội khối. Nhưng như chúng ta thấy, công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Vậy chúng ta phải làm gì để tận dụng được quy định trên?
Không vào TPP thì chúng ta cũng có đầy rẫy khó khăn, thách thức. Còn vào TPP thì bên cạnh khó khăn cũng có nhiều thuận lợi. Ví dụ, TPP có một chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định phải ưu tiên sử dụng thương mại trong nội khối. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp của Việt Nam tận dụng và phát triển.
Chúng ta nhìn lại bài học từ Samsung thì thấy, trong 4 năm vào Việt Nam, xuất khẩu của Samsung đã đạt 24 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp được bao nhiêu phần trăm vào 24 tỷ USD đó, quá ít? Thiết bị của Samsung vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc về. Nay với TPP thì Samsung sẽ buộc phải mua 70% giá trị xuất xứ từ Việt Nam mới được hưởng ưu đãi trong nội khối. Nếu nhập từ Trung Quốc thì DN sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Đây chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Samsung tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này hay không? Muốn tận dụng thì doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Đây là những thách thức rất lớn buộc các doanh nghiệp phải vượt qua, nếu không sẽ bị tụt lùi, mất đi cơ hội mà TPP đã tạo ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, với TPP các doanh nghiệp sẽ phải từ bỏ cách làm "ăn xổi" để chú trọng tới việc phát triển bền vững?
TPP đưa ra những tiêu chí rất cao về môi trường sống, điều kiện làm việc và về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài mạnh mẽ hơn nếu vi phạm các quy định về môi trường. Ví dụ như việc xả thải, đánh bắt cá ở đại dương, chặt phá rừng... nếu doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn mà TPP đề ra thì có thể sẽ bị cấm xuất khẩu sản phẩm. Cũng là đôi giày do doanh nghiệp sản xuất ra, nhưng nếu anh sản xuất bằng máy móc hiện đại, không gây ô nhiễm thì mức thuế đánh vào sẽ thấp. Nhưng nếu sử dụng máy móc cũ, gây ô nhiễm cao thì mức thuế sẽ cao... Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp tới đây phải đổi mới tư duy chấp nhận phát triển bền vững, chứ không thể ăn xổi được.
Cảm ơn ông!
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
Ổi "Lệ Rơi" và TPP Ổi có tên gọi "Lệ Rơi" là vì chủ hàng cho rằng đã "nhập" sản phẩm từ vườn nhà của "ca sĩ" Lệ Rơi ở Hải Dương. Do gắn mác ăn theo "thương hiệu" của một "hot boy" từng làm "cháy" các trang mạng xã hội cũng như vài tờ báo chính thống nên hàng ổi của chủ nhân tên Tuấn đắt như...