Bầu Đức đưa ra phương án giảm lương cầu thủ
Ông chủ của HA Gia Lai đặt ra phép tính để thương thảo với cầu thủ về việc giảm lương 50% khi dịch COVID-19 kéo dài.
FIFA vừa có cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ thế giới (FIFPro) đưa ra những giải pháp ứng phó với tình hình ngưng trệ của làng bóng vì dịch COVID-19. Một trong những biện pháp đối phó để phòng ngừa nguy cơ phá sản của các CLB khi bóng không lăn là giảm lương các thành viên của đội bóng.
Thực chất FIFA cũng mới chỉ kêu gọi các cầu thủ tự nguyện giảm lương như rất nhiều CLB trên thế giới đã làm khi tất cả đều không có nguồn thu do bóng ngừng lăn ở thời điểm dịch bệnh. Nó như một nghĩa cử đẹp nhằm chia sẻ khó khăn của cầu thủ với CLB chủ quản để không gặp phải cơn khủng hoảng tài chính trong trường hợp bất khả kháng.
Làng bóng thế giới đình trệ vì dịch bệnh COVID-19 và bóng đá Việt Nam không ngoại lệ cùng với gánh nặng trả lương cho các thành viên CLB. Cá nhân bầu Đức nói về việc chia sẻ tổn thất với CLB rất nhẹ nhàng, bằng cách thương lượng với các cầu thủ giảm khoảng 50% lương tháng của mình.
Ông bầu phố núi đưa ra một bài toán ví dụ đơn giản, mỗi CLB trong một mùa bóng sẽ tiêu tốn khoảng 40 tỉ đồng nhưng hầu hết chỉ thu về khoảng 20 tỉ đồng. Phần hao hụt một nửa tổng chi chủ yếu rơi vào tiền lương, thưởng cho cầu thủ và nếu họ chấp nhận phương án giảm 50% thu nhập sẽ không quá ảnh hưởng đến giải pháp tài chính của CLB.
Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu thủ nên chấp nhận giảm lương để chia sẻ và giúp CLB tránh khỏi một cuộc khủng hoảng. Ảnh: NGỌC DUNG
Liên quan đến lời kêu gọi của FIFA về việc giảm gánh nặng tài chính cho các liên đoàn thành viên, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang cho biết sẽ tính toán cắt giảm nhân sự và tiền lương của FAT trong cơn đại dịch COVID-19 có nguy cơ khiến họ lâm vào khủng hoảng. HLV Akira Nishino cũng là một thành viên của FAT nên mỗi tháng sẽ mất 50% tiền lương trong bối cảnh chung ở làng bóng Thái Lan.
Cái hay của chủ tịch FAT là khi vẫn chưa thể biết khi nào hết dịch để bóng Thai-League lăn trở lại đã tìm cách hỗ trợ tài chính cho các CLB và không thu các khoản lệ phí tham gia giải cũng như những loại tiền phạt giống với V-League.
Hành động nhanh chóng và kịp thời của bóng đá Thái Lan khác hẳn với VFF còn rất dè dặt với xu hướng chung, sau lần chỉ đạo VPF lên phương thức cho V-League trở lại đá cách ly tập trung vào ngày 15-4 hoặc 1-5 trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch. Hiện có 8/14 đội bóng không ủng hộ ý tưởng của các nhà làm bóng đá Việt Nam qua hình thức phản đối, không có ý kiến hoặc từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu, dù VPF vẫn còn một buổi họp trực tuyến vào ngày 31-3.
Khó khăn của các CLB
Sau ba lần tạm hoãn và mới thi đấu V-League có hai vòng, các đội bóng đã trải qua gần nửa năm tập chay (tính từ tháng 11-2019 cuối mùa giải trước). Cũng vì không ai biết dịch COVID-19 sẽ làm gián đoạn giải đấu đến bao giờ, hầu hết CLB chỉ cho cầu thủ tập cầm chừng để duy trì sức khỏe là chính. Cái khó của CLB trong mùa dịch là vẫn phải trả lương đều đặn cho cầu thủ mà gần như không có nguồn thu. Hiện cũng chưa có đội bóng nào giảm lương cầu thủ khi còn có khả năng chu toàn cho họ. Tuy nhiên, nếu tình trạng bóng ngừng lăn nhiều, một số CLB đang tính đến khả năng sẽ thỏa thuận với cầu thủ giảm lương để giảm thâm hụt ngân quỹ.
CÔNG TUẤN
FIFA yêu cầu cầu thủ giảm lương, phản ứng các CLB ở V-League ra sao?
Nhiều CLB ở V-League đồng tình với phương án yêu cầu cầu thủ giảm lương 50% trong bối cảnh nghỉ thi đấu vì dịch Covid-19 của FIFA.
Hôm 27/3, lãnh đạo FIFA thực hiện cuộc họp qua video với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội cầu thủ thế giới (FIFPro). Mục tiêu của cuộc họp là nhằm định hình những thay đổi mà bóng đá cần thực hiện, để thích ứng với cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 gây ra.
Trong cuộc họp, các bên đều nhận thức được sự cần thiết phải thích nghi với kịch bản mới. Các đề xuất của FIFA có khả năng sẽ được thi hành từ tuần tới. Biện pháp có tác động lớn nhất là yêu cầu các cầu thủ giảm lương trong khi Covid-19 làm tê liệt thế giới bóng đá để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực môn thể thao vua.
Ban lãnh đạo HAGL chưa nắm rõ thông tin FIFA yêu cầu cầu thủ giảm lương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: Bảo Long).
Ở V-League, mùa giải 2020 mới diễn ra 2 vòng đấu trên sân không khán giả cũng đã phải ngừng lại ít nhất tới cuối tháng 4 vì diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Đã gần nửa tháng trôi qua, các đội bóng vẫn yêu cầu các cầu thủ "tập chay" cũng như tăng cường ý thức phòng, chống dịch.
Trong khi đó, về quyết định yêu cầu cầu thủ các CLB trên toàn thế giới giảm lương trong bối cánh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp của FIFA, Trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh chia sẻ với VOV.VN việc đội bóng phố Núi vẫn chưa nắm được thông tin yêu cầu triển khai việc này.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch CLB TPHCM - đương kim Á quân của V-League cho biết, toàn đội sẽ tổ chức buổi họp trực tuyến trong sáng nay (30/3), trước khi đưa ra phương án cuối cùng về yêu cầu giảm lương các cầu thủ 50% của FIFA.
"Ban lãnh đạo đội bóng cũng có kế hoạch họp với ban huấn luyện và các cầu thủ để bàn về vấn đề này. Các cầu thủ của TPHCM đã có ý kiến từ đầu mùa dịch, nếu tình hình dịch mà kéo dài thì họ cũng sẽ đồng hành cùng câu lạc bộ", ông Nguyễn Hữu Thắng nói.
CLB Nam Định vẫn đang tập luyện hàng ngày và dự kiến cầu thủ sẽ ngồi lại cùng BHL để có phương án giảm lương hợp lý nhất. (Ảnh: Dương Thuật).
Ở Nam Định, HLV Nguyễn Văn Sỹ cho biết, toàn đội vẫn đang tập luyện đều hàng ngày nên chưa có phương án giảm lương các cầu thủ. "Trong thời gian tới, nếu tình hình đại dịch vẫn căng thẳng, Ban lãnh đạo và các cầu thủ sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc phương án hợp lý nhất", ông Sỹ cho biết.
Tại đất cảng, trong bối cảnh vừa có thay đổi lớn về nhân sự từ BHL cho tới cầu thủ, Hải Phòng vẫn đang chờ đợi thông tin chính thức cuối cùng từ quyết định của FIFA về việc giảm lương. "Trong tình hình khó khăn hiện nay, ai cũng khó khăn cả, nếu các cầu thủ đồng ý chia sẻ gánh nặng với CLB thì điều này là quá tốt", đại diện Ban huấn luyện CLB Hải Phòng chia sẻ với VOV.VN.
Trong khi đó, ở đội bóng láng giềng của Hải Phòng là Than Quảng Ninh, HLV Phan Thanh Hùng cho biết ưu tiên hàng đầu của đội bóng đất Mỏ là phòng, chống dịch Covid-19 chứ chưa nghĩ tới chuyện lương bổng. Tinh thần tập luyện và chung tay chống dịch của các cầu thủ Than Quảng Ninh đang lên cao sau thắng lợi 3-1 trước ĐKVĐ V-League, Hà Nội FC ở vòng 2.
Chủ tịch Đỗ Vinh Quang cho biết Hà Nội FC sẽ sử dụng quỹ dự phòng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để không phải giảm lương các cầu thủ theo yêu cầu của FIFA. (Ảnh: Vy Vũ).
Ở diễn biến khác, Hà Nội FC là đội bóng duy nhất nói không với việc giảm lương các cầu thủ dù đang gồng mình chống dịch. Chủ tịch Đỗ Vinh Quang cho biết: " Việc kéo dài V-League là điều ko ai mong muốn, tuy nhiên là điều phải làm để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các thành viên đội bóng trong mùa dịch COVID-19. Chi phí phát sinh rõ ràng là một con số không nhỏ, cũng khiến ban lãnh đạo CLB phải cân đối. Chúng tôi có quỹ dự phòng cho những vấn đề ngoài dự kiến nên mọi việc không quá quan trọng. Như tôi đã nói, Hà Nội FC rất mong ngày V-League 2020 trở lại trên khắp các sân cỏ cả nước nhưng chiến thắng quan trọng nhất lúc này, theo tôi, là chiến thắng của Chính phủ và nhân dân trong trận đấu với đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo trật tự xã hội và phát triển kinh tế"./.
Minh An
Bầu Đức, Công Phượng và bài toán cầu thủ Việt xuất ngoại Tiền đạo của HA Gia Lai đã phải trở về lại V-League vì không thể tìm ra chỗ đứng ở giải vô địch quốc gia Bỉ, sau hai lần xuất ngoại chơi giải Nhật, Hàn đều im hơi lặng tiếng. Bầu Đức luôn tự hào Công Phượng là chân sút khó thay thế trên đội tuyển quốc gia ở thời điểm này nhưng...