Bầu Đức đi ‘du học’ ở Anh là bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam
Bầu Đức đi sang tận Anh để “du học” đã tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam.
Sự đặc biệt của bầu Đức với bóng đá Việt Nam đến ngay từ lúc ông tiếp quản CLB HAGL. Dù chỉ là đội hạng Nhất của bóng đá Việt Nam nhưng HAGL của bầu Đức dám chiêu mộ Kiatisak – một bản hợp đồng có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, bởi “Zico Thái” là ngôi sao số 1 khu vực đã đến Việt Nam để đá hạng Nhất.
Sau khi chiêu mộ Kiatisak, HAGL có 2 năm liên tục vô địch V.League, đáng nói là HAGL vô địch ngay sau khi lên hạng. Sự thống trị V.League trong giai đoạn đầu tiên phản ánh đầy đủ tính cách và tham vọng của bầu Đức khi làm bóng đá. Và hình ảnh lột tả đầy đủ nhất là cảnh bầu Đức chạy dọc dài sân Pleiku ăn mừng trong ngày HAGL có trận thắng ở Cúp C1 châu Á.
Từ chuyện thống trị V.League, bầu Đức tiếp tục tìm cách nâng tầm CLB HAGL bằng việc muốn đưa cả đội sang Anh tập huấn vào năm 2007. Thật khó tưởng tượng nỗi về cách làm bóng đá của bầu Đức, chỉ vỏn vẹn có vài năm làm bóng đá chuyên nghiệp thì ông đã có tư tưởng vươn ra “biển lớn”, muốn hòa nhập vào dòng chảy của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Cũng nhờ cách nghĩ dị biệt của bầu Đức, bóng đá Việt Nam có thể nói sang một trang mới với sự ra đời của Học viện bóng đá HAGL – Arsenal – JMG. Nhắc lại, Học viện HAGL ra đời vào năm 2007 – tức thành lập sau 6 năm HAGL chơi chuyên nghiệp, còn V.League bước sang tuổi thứ 7.
Bầu Đức trò chuyện với HLV Wenger vào năm 2007 – một cuộc nói chuyện có thể đã “đả thông tư tưởng” để ông chủ CLB HAGL về xây Học viện bóng đá. Ảnh chụp từ tư liệu của phòng truyền thống CLB HAGL
Tất cả đến từ cuộc gặp gỡ tại nước Anh của bầu Đức và HLV Wenger – nhà cầm quân nổi tiếng của CLB Arsenal (thời điểm đội bóng Pháo thủ chơi thứ bóng đá đẹp và rất mạnh ở châu Âu). HLV Wenger nghe xong những lời bộc bạch của bầu Đức thì đưa ra lời khuyên rằng: “Ông hãy về xây dựng hệ thống đào tạo trẻ bài bản, trước khi trở lại đây tập huấn và học hỏi. Nếu muốn đầu tư bóng đá lâu dài chỉ 1 con đường duy nhất là đào tạo trẻ”.
Sau cuộc thọ giáo HLV Wenger, bầu Đức tham khảo mô hình đào tạo của Arsenal để nhận ra nhiều sự khác biệt quá lớn so với bóng đá Việt Nam. Bầu Đức nói đi đôi với làm, lập tức cho phá bỏ đến 5 ha cao su đang vào giai đoạn khai thác giá cao, qua đó xây Học viện bóng đá HAGL – Arsenal – JMG.
Sau cuộc nói chuyện với HLV Wenger, bầu Đức tham khảo kỹ lưỡng về mô hình phát triển của CLB Arsenal để bắt tay cùng đội bóng này mở Học viện bóng đá HAGL – Arsenal – JMG. Ảnh chụp từ tư liệu của phòng truyền thống CLB HAGL
Quyết định cho ra đời Học viện bóng đá HAGL cách đấy 13 năm thực sự là một bước ngoặt lịch sử của bầu Đức để thay đổi tư duy làm bóng đá ở Việt Nam. Đúng hơn, đó là viên gạch đầu tiên trong việc phát triển bóng đá trẻ, đào tạo cầu thủ theo con đường chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Để cảm nhận đầy đủ hơn về tầm quan trọng và giá trị lịch sử của Học viện bóng đá HAGL, độc giả có thể nhìn từ lăng kính Liên đoàn bóng đá Việt Nam ( VFF) vừa quyết định không gắn bó với GĐKT người Đức – Gede vì muốn phát triển bóng đá trẻ. 13 năm trước thì bầu Đức đã làm điều này, còn VFF bây giờ mới nhìn thấy được tầm quan trọng và quyết định đầu tập trung phát triển toàn diện bóng đá trẻ.
Bóng đá hay cuộc sống thì một trong những điều quan trọng và khó khăn nhất chính là “trồng người”. Chuyện đào tạo cầu thủ trẻ có thể nói là một hành trình đầy gian khó, từ việc tuyển chọn và sàng lọc khắp cả nước, sau đó nuôi dạy các cầu thủ từ lúc 9 – 11 tuổi. Nhưng không đồng nghĩa sẽ thu về được sự thành công ngay lập tức, dù tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Đào tạo trẻ trong bóng đá có thể nói là một sự đóng góp thầm lặng đầy lớn lao, nhất là tạo tiền đề để thay đổi cả một nền bóng đá như câu chuyện Học viện HAGL – Arsenal ra đời cách đây 13 năm.
Bầu Đức quyết định chơi lớn sau khi gặp HLV Wenger là một bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam. Ảnh chụp từ tư liệu của phòng truyền thống CLB HAGL
Cụ thể, bầu Đức có thể chọn cách làm dễ hơn là dùng tiền đào tạo cầu thủ trẻ (một hành trình rất dài trong nhiều năm) để mua những ngôi sao theo cách ông từng “tậu” Kiatisak để gặt hái sự thành công. Nhưng bầu Đức không làm như thế, ông chấp nhận để HAGL không có thành tích trong nhiều năm liền nhưng tạo ra giá trị lớn lao cho cả nền bóng đá. Hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ, nhiều CLB bắt đầu quan tâm đến chuyện đào tạo cầu thủ, tất cả là minh chứng cho thấy được sự thay đổi rất lớn kể từ khi bầu Đức quyết định xây dựng Học viện bóng đá HAGL. Ví dụ rõ nhất là CLB Bình Dương từng một thời được ví như “Chelsea Việt Nam”, với việc tiêu rất nhiều tiền trong mua cầu thủ để vô địch nhưng sau đó thay đổi cách làm, họ cũng chấp nhận không có thành tích để cho ra đời những tài năng trẻ như Tiến Linh. Chính xác là CLB Bình Dương học tập CLB HAGL để thay đổi cách làm bóng đá.
Sự đổi đời của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo cũng là thước đo quan trọng để thấy được giá trị của chuyện đầu tư bóng đá trẻ, trong đó sự ra đời của Học viện HAGL có một vị trí hết sức lớn lao để tạo tiền đề cho những thành công trong hơn 2 năm qua.
Bóng đá Việt Nam có thể nói không còn xây nhà từ nóc, mọi thứ đang dịch chuyển theo hướng tích cực ở khía cạnh ươm mầm tài năng, trong đó đáng nói nhất là VFF đang có chủ trương phát triển bóng đá trẻ. Và tất cả đến từ câu chuyện bầu Đức gặp HLV Wenger cách đây 13 năm – một cuộc gặp gỡ có thể nói là bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Đông Triều: 'Gặp HLV Arsene Wenger ở tuổi 17 mới thấy thế giới rộng lớn'
Khóa 1 Học viện HAGL JMG từng tập huấn ngắn ngày tại CLB Arsenal và một số cầu thủ đã gây ấn tượng với HLV Arsene Wenger, trong đó có Trần Hữu Đông Triều.
Năm 2013, khóa 1 Học viện HAGL JMG có chuyến tập huấn ngắn ngày tại CLB Arsenal. Trong đó có 4 cầu thủ được phía đội bóng nước Anh gọi thử việc là Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường.
Đông Triều nói: "Khi bạn 17 tuổi và đứng trước mặt Arsene Wenger, bạn sẽ hiểu thế giới rộng lớn thế nào. Trước chuyến đi đó, Học viện HAGL JMG được sang Arsenal tập huấn mấy tuần. Cả đội đi Bỉ, Pháp rồi sang Anh tập tại lò Arsenal. Trong những buổi tập ấy, thỉnh thoảng lại có vài HLV của Arsenal, HLV đội trẻ thôi, ra quan sát. U17 HAGL JMG thắng U18 Arsenal 1-0 trong một trận đấu tập, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm.
Cả hội lúc ấy còn nhóc lắm, chỉ biết đá thôi chứ chưa để ý gì. Khi về nước, báo chí trong nước nói nhiều về trận này. Rồi một hôm, thầy Guillaume Graechen kêu tôi lên phòng nói chuyện. Lúc ấy, tôi mới biết mình được Arsenal để ý. Tôi không biết người ta nhận xét thế nào về mình. Cái đó chỉ có thầy "Giôm" nắm được. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình có một tố chất gì đó mà Arsenal nhìn thấy" - theo Zing.
Đến năm 2015, Đông Triều cùng các cầu thủ khóa 1 HAGL được bầu Đức đôn lên đội 1 thi đấu tại V-League. Chỉ sở hữu chiều cao 1m70 lại thi đấu ở vị trí trung vệ nên Đông Triều gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở những pha tranh chấp với các ngoại binh.
Cuối năm 2018, Đông Triều quyết định rời HAGL sau 12 năm gắn bó để gia nhập Becamex Bình Dương với bản hợp đồng cho mượn. Tại đây, cầu thủ sinh năm 1995 được trả lại vị trí tiền vệ sở trường. Tuy phong độ của Đông Triều chưa thật sự ổn định nhưng cầu thủ này đang nỗ lực cố gắng từng ngày. Trong 1 năm còn lại của bản hợp đồng, Đông Triều mong muốn đóng góp được 1 điều gì đó lớn lao cho CLB Becamex Bình Dương.
Đông Triều cũng chia sẻ thêm ở thời điểm hiện tại, tiền vệ 25 tuổi đặt mục tiêu ra sân thường xuyên và tỏa sáng tại V-League chứ chưa mơ về ĐTQG. Tuy nhiên anh cũng khẳng định: "Một ngày nào đó, bạn sẽ lại thấy Đông Triều ở đội tuyển Việt Nam".
Bóng đá Việt Nam và những cuộc 'cách mạng' về chiến thuật Cùng với sự phát triển của bóng đá thế giới, bóng đá Việt Nam nói chung và ĐTQG cũng có con đường thay đổi, "tiến hóa" mô hình, sơ đồ chiến thuật tương đối rõ nét dù có thể chậm hơn ở từng thời điểm. Tuy nhiên, với 3-4-3 và bản biến thể của nó, HLV Park Hang-seo đang giúp chúng ta có...