Bầu Đức “chơi ngông”, trả Kiatisak… 20 cây vàng/tháng!
Kiatisak Senamuang đến Pleiku cuối năm 2001 có thể nói là sự kiện “kinh khủng” của bóng đá Đông Nam Á ở thời điểm đó.
Trước trận khai mạc V.League 2015 giữa HAGL gặp Sana Khánh Hòa (4/1), cánh báo chí thể thao đã đổ dồn lên hết Pleiku để chờ đón sự ra mắt của lứa Công Phượng, Tuấn Anh.
Hình ảnh này gợi nhớ lại phần nào sự kiện bầu Đức rước Kiatisak tưng bừng đến phố núi Pleiku cuối năm 2001.
Kiatisak đến phố Núi năm 2001.
Kiatisak đến Pleiku cuối năm 2001 có thể nói là sự kiện “kinh khủng” của bóng đá Đông Nam Á ở thời điểm đó, bởi HAGL là một cái tên xa lạ khi vừa tiếp quản lại đội Gia Lai đang đá ở giải hạng Nhất từ Sở TDTT chuyển giao sang. Bầu Đức lúc đó như chính lời ông tự thuật là: “Chẳng ai biết Đoàn Nguyên Đức là thằng nào”.
Điều đó có nghĩa “Zico Thái” – ngôi sao số 1 Đông Nam Á, khắc tinh của ĐT Việt Nam lại đến đá cho một đội bóng tỉnh lẻ heo hút ở giải hạng Nhất Việt Nam. Vậy bầu Đức đã trả cho Kiatisak mức lương bao nhiêu để khiến Zico Thái xiêu lòng?
Chính xác thời điểm đó bầu Đức đã trả cho Kiatisak mức lương 7.000 USD/tháng. Bây giờ 7.000 USD là con số không lớn nhưng 14 năm về trước lại là con số khổng lồ, chưa cầu thủ nào ở Đông Nam Á đạt được. Con số 7.000 USD này được một người từng làm việc cho CLB HAGL thời đó tiết lộ.
Để dễ hình dung, cũng năm 2001, tiền đạo Lê Huỳnh Đức được CLB Lifan Chongquin (Trùng Khánh Lực Phàm) ở giải VĐQG Trung Quốc mượn về từ CA TPHCM và trả mức lương 1.500 USD/tháng.
Video đang HOT
Năm 2002, khi CA TPHCM chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á, Lê Huỳnh Đức nhận được mức lương kỷ lục Việt Nam là 25 triệu đồng/tháng – tương đương 1.600 USD vào thời điểm đó.
Bởi vậy mức lương 7.000 USD/tháng của Kiatisak của 19 năm trước nếu tính theo mức độ trượt giá phải tương đương hơn 600 triệu (30.000 USD) vào thời điểm hiện nay.
Một lượng vàng SJC cuối năm 2001 là 5,2 triệu đồng, 1 USD đổi được 15.400 VND (số liệu Vietcombank), nên mức lương của Kiatisak quy đổi vào khoảng 105 triệu đồng, tức … 20 cây vàng/tháng!
Bản thân Kiatisak khi đá ở Singapore cho Singapore Armed Force năm 2001-2002 đã nhận mức lương khủng 5.000 USD/tháng.
Bầu Đức gây sốc hơn nữa khi chuyển thẳng trước… 2 năm tiền lương vào tài khoản Kiatisak lúc sang Thái Lan thuyết phục danh thủ này về Pleiku. Vậy là Kiatisak “gục” hoàn toàn!
Cũng bằng chiêu thức này mà đầu năm 2009, bầu Đức lại đánh gục một ngôi sao khác là Lee Nguyễn khi mời tiền vệ của Randers FC đến Pleiku “để tham quan” rồi chìa ra một bản hợp đồng với số tiền mà sau này Lee Nguyễn kể với báo Mỹ là: “Tôi cứ nghĩ ông ta bị điên”.
6 năm sau (2007), bầu Đức thuê ngôi sao số 1 tuyển Thái Lan là Thonglao thì HAGL chỉ trả cho tiền vệ này mức lương 7.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số ban đầu để thuyết phục Kiatisak về phố Núi đá ở giải hạng Nhất, còn sau đó bầu Đức còn thưởng cho Zico Thái bao nhiêu nữa thì không ai rõ vì thời điểm 2001 bóng đá Việt Nam chưa có thuật ngữ tiền lót tay.
Kiatisak biến cái tên HAGL, Đoàn Nguyên Đức nổi như cồn không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp Đông Nam Á. Cũng nhờ tên tuổi của Kiatisak mà bầu Đức đã mạnh dạn mở rộng thị trường kinh doanh, ở thời điểm đó gỗ là sản phẩm của lực của HAGL sang cả Thái Lan.
Năm 2001, Kiatisak đã biến giải hạng Nhất của Việt Nam, nơi vốn là giải đấu ít người chú ý trở thành nơi hấp dẫn, sôi nổi hơn cả giải chuyên nghiệp V.League cũng vừa mới khai sinh. Song hành cùng Kiatisak ở giải hạng Nhất mùa 2001-2002 là Trịnh Duy Quang, Nguyễn Văn Đàn, thủ môn Trần Quốc Tuấn, tiền đạo Dương Minh Ninh, Chu Ngọc Cảnh… và đưa HAGL giành quyền lên V.League mùa 2002-2003.
Giải hạng Nhất mùa 2001-2002 có 12 CLB là ĐTLA, Đồng Tháp, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Quan, Quân khu 7, LG.Hà Nội.ACB, Tiền Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa và HAGL. Kết quả ĐTLA của HLV Calisto vô địch, Đồng Tháp hạng nhì và HAGL hạng ba là 3 đội bóng giành suất thăng hạng trực tiếp.
Sau khi giành quyền lên V.League, bầu Đức mở rộng hầu bao để đưa về phố Núi những danh thủ Thái khác là Chukiat, Dusit, Sakka và một loạt ngôi sao nội khác như Nguyễn Hữu Đang, Sỹ Hùng, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Mạnh Dũng, Phi Hùng, Phạm Minh Đức, Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng, Ngô Quang Trường, Hải Lâm, Nguyễn Quốc Vượng… để mở ra kỷ nguyên “Dream Team” với 2 chức vô địch V.League 2003, 2004.
Bàn Thành
Vì sao Kiatisak là 'hung thần' của đội tuyển Việt Nam?
9 trận có Kiatisak Senamuang tại các giải chính thức, tuyển Thái Lan không một lần chịu thua Việt Nam.
Kiatisak có lẽ là cầu thủ Thái Lan nhiều duyên nợ nhất với tuyển Việt Nam. Huyền thoại tuyển Thái không chỉ nhiều lần đối đầu tuyển Việt Nam mà còn là cầu thủ Thái đầu tiên tới V.League chơi bóng, từng làm HLV ở Việt Nam, có mối quan hệ thân thiết, nhiều bạn bè tại Việt Nam.
Kiatisak là huyền thoại bóng đá Thái Lan có mối quan hệ rất gần gũi với bầu Đức, HAGL và bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.
Sự nghiệp của Kiatisak Senamuang đã có 9 lần đối đầu đội tuyển Việt Nam tại các giải chính thức. Anh gặp tuyển Việt Nam lần đầu tại SEA Games 1995, lần cuối tại AFF Cup 2007.
Trong 9 trận ấy, Kiatisak đã ghi 3 bàn vào lưới tuyển Việt Nam. Bàn đầu tiên được ghi ở bán kết Tiger Cup 1996. Kiatisak mở tỷ số ngay ở phút thứ 3, giúp tuyển Thái hoàn tất hiệp một với cách biệt 4-0. Tuyển Việt Nam gỡ được 2 bàn nhờ công của Võ Hoàng Bửu và Nguyễn Hồng Sơn ở hiệp hai.
Hai bàn còn lại của Kiatisak vào lưới tuyển Việt Nam đều được ghi ở bán kết SEA Games 1997. Tuyển Thái thắng 2-1. Người ghi bàn cho Việt Nam là Lê Huỳnh Đức.
7 lần đối đầu còn lại, Kiatisak không ghi bàn. Tuy nhiên, anh vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho tuyển Thái áp đảo đối thủ Việt Nam suốt hơn một thập kỷ. 9 trận có "Sắc", tuyển Thái thắng 7, hòa 2, bất bại trước Việt Nam.
Tuyển Thái Lan của Kiatisak thắng Việt Nam 3-0 tại Mỹ Đình hồi năm 2015 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Ảnh: Minh Chiến.
Khi chuyển sang sự nghiệp huấn luyện, Kiatisak tiếp tục có thành tích đối đầu ấn tượng với Việt Nam. Hai lần gặp thầy trò HLV Toshiya Miura ở vòng loại World Cup 2018, đội tuyển của Kiatisak đều giành thắng lợi. Thái Lan thắng Việt Nam 1-0 tại Bangkok trước khi hủy diệt chủ nhà 3-0 ở Mỹ Đình. Thất bại ấy vẫn được xem là lý do lớn nhất dẫn tới cuộc chia tay của HLV Miura với bóng đá Việt Nam.
Tại cấp độ U23, Kiatisak không trực tiếp cầm quân nhưng các đội U22 do trợ lý của ông dẫn dắt đều thắng đậm Việt Nam của Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng ở SEA Games 2015 và 2017.
Từng ấy có đủ để kết luận Kiatisak là "hung thần" với bóng đá Việt Nam?
Thanh Hà
3 vụ chiêu mộ ngoại binh "khủng" nhất V.League: Denilson và những ai? Nhiều CLB ở V.League đã tạo nên những vụ áp phe khủng khi chiêu mộ một ngoại binh có tiếng. Những cầu thủ đó có thể khiến đội bóng trở nên hùng mạnh nhưng cũng có khi lại trở thành "quả bom" trong lòng đội bóng. Một trong những vụ chuyển nhượng ngoại binh tốn nhiều giấy mực đầu tiên phải kể đến...