Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải ‘chắp cánh’ giấc mơ cho Kiều Trinh
Từng đứng trước nguy cơ phá sản thì “cô gái vàng” Kiều Trinh bây giờ tiếp tục giấc mơ làm cô chủ nhỏ nhờ tấm lòng bóng đá của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải…
Tiếng thở dài của “cô gái vàng” Kiều Trinh
Một buổi chiều đầu tháng 3 năm nay, tôi ghé thăm quán cà phê của Đặng Thị Kiều Trinh. Quán khá rộng, có bày những danh hiệu của Trinh từng giành được cùng bóng đá nhưng khá lộn xộn. Và điều khiến tôi quan tâm nhất là quán rất vắng khách. Cả buổi chiều chỉ có vài người khách gọi nước, gần như chỉ là những khách quen biết Trinh.
Đặng Thị Kiều Trinh – một cái tên rất nổi tiếng nên có lẽ không cần phải khiến cho chúng ta mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Cựu thủ môn Kiều Trinh có đến 3 lần giành QBV Việt Nam, rất nhiều danh hiệu cao quý cùng tuyển Việt Nam ở SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á… Kiều Trinh xứng đáng là một huyền thoại của bóng đá nữ Việt Nam.
Sau khi giã từ bóng đá thì Kiều Trinh đau đáu nỗi lo mưu sinh, một câu chuyện quen thuộc khi nói về các cầu thủ nữ Việt Nam. Độc giả có thể nhìn qua lăng kính những câu chuyện như cầu thủ nữ đi bán rau, bánh mì… Và Kiều Trinh có nhiều năm thi đấu, có nhiều thành tích nên cũng tích góp được một số tiền, qua đó quyết định mở quán cà phê để mong cuộc sống ổn định, đỡ vất vả như các đồng đội khác.
Nhưng chỉ vài tháng mở quán cà phê thì Kiều Trinh đối diện với nguy cơ phá sản. Trong nỗi lo ấy, Kiều Trinh tâm sự với tôi rằng: “Ban đầu tôi mở quán cà phê với mong muốn ổn định cuộc sống. Thế nhưng chuyện kinh doanh thực sự không giống như… đá bóng. Bây giờ mỗi tháng phải mất vài chục triệu trả tiền mặt bằng. Không biết quán có tồn tại được qua nổi mùa COVID-19 hay không”.
Kiều Trinh nói xong thì thở dài, khuôn mặt buồn rũ rượi. Trinh lo lắng tiền bạc tích góp đem kinh doanh có thể hết sạch, dù từng phải tiết kiệm từng đồng trong nhiều năm tháng dành cả thanh xuân trong nghiệp cầu thủ đầy vất vả. Nỗi lo lớn hơn là Kiều Trinh có thể phải bắt đầu lại mọi thứ từ cảnh trắng tay nếu không có một giải pháp “cứu” quán cà phê.
Và cuộc đời mới từ tấm lòng bóng đá của các ông bầu
Kinh doanh ế ẩm, tiền mặt bằng mỗi tháng phải trả rất nhiều, tiền tích lũy sắp cạn túi, nhất là trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, Kiều Trinh đứng trước sự chọn lựa: Một là đóng quán, chấp nhận mất hàng trăm triệu đầu tư trong gần nửa năm qua. Hai là tiếp tục đánh cược những đồng tiền tích lũy cuối cùng để bám víu giấc mơ trở thành cô chủ nhỏ quán cà phê.
Kiều Trinh tiếp tục giấc mơ sau khi trò chuyện với bầu Hải.
Kiều Trinh quyết định chọn phương án hai nhưng giải pháp là tìm đến các ông bầu (bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải) để mong có “một chiếc phao cứu sinh”, vì tiếp tục với giấc mơ mưu sinh thì Trinh có thể trắng tay nếu tự kinh doanh.
Trước câu chuyện đầy trăn trở của “cô gái vàng” bóng đá nữ Việt Nam, các ông bầu không cần đắn đo khi ngay lập tức giúp đỡ Kiều Trinh sửa lại toàn bộ quán cà phê, cũng như tạo mọi điều kiện để kinh doanh dưới thương hiệu cà phê ông bầu.
Bầu Hải (ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch NutiFood) nói: “Sau khi nghe Kiều Trinh tâm sự thì tôi và anh Đức, anh Thắng quyết định giúp đỡ cho em ấy. Chúng tôi biết bóng đá nữ từ nhiều năm qua rất khó khăn, các cầu thủ nữ có thu nhập không cao, nhiều em phải làm thêm nhiều nghề để mưu sinh. Đó cũng là một trong những mục đích của cà phê ông bầu, là có thể tạo điều kiện cho các cầu thủ, cựu cầu thủ, gia đình cầu thủ kinh doanh, qua đó cả thiện thu nhập trong cuộc sống.
Thông qua câu chuyện của Kiều Trinh thì tôi muốn nói thêm rằng: Không chỉ giúp đỡ cho riêng Kiều Trinh, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho nhiều cầu thủ khác nếu muốn đồng hành cùng thương hiệu cà phê ông bầu”.
Câu chuyện của Kiều Trinh có thể nói như “nắng hạn gặp mưa rào”. Và sau gần 1 tháng chuẩn bị mọi thứ thì Kiều Trinh đã khai trương quán cà phê ông bầu vào sáng nay (30/5). Kiều Trinh cũng không còn mang khuôn mặt buồn rũ rượi, thay vào đó là hình ảnh đầy sức sống với nụ cười luôn nở trên môi.
Ngày khai trương thì Kiều Trinh còn nhận được tấm lòng từ bóng đá là những Tuấn Anh, Văn Toàn đến tham dự. Tuấn Anh bộc bạch: “Bóng đá nữ chịu quá nhiều thiệt thòi so với nam. Tôi hy vọng chị Trinh sẽ kinh doanh thật tốt để sống trọn với niềm đam mê, hơn hết là có được cuộc sống ổn định. Tôi mong các fan hâm mộ hãy đến quán để ủng hộ cho chị Trinh và thưởng thức những ly cà phê ngon, sạch của cà phê ông bầu”.
Tuấn Anh và Văn Toàn đến ủng hộ Kiều Trinh với hy vọng cựu thủ môn tuyển Việt Nam sẽ kinh doanh thành công.
Ngày khai trương còn chứng kiến hàng trăm người hâm mộ đến ủng hộ cho Kiều Trinh. Một câu chuyện rất khác so với cách đây hai tháng là chỉ cả ngày chỉ có vài người khách ghé quán. Đó cũng chính là tấm lòng của bóng đá, những người yêu mến Kiều Trinh, yêu mến các ông bầu và thích uống cà phê thật, sạch.
Với tôi, nụ cười của Kiều Trinh trong ngày hôm nay là hình ảnh hiện hữu cho tấm lòng bóng đá, là giá trị lớn lao về niềm tin trong cuộc sống. Trinh đã từng đứng trước sự chọn lựa từ bỏ hoặc tiếp tục, và “cô gái vàng” đã bước tiếp trong sự giúp đỡ của các ông bầu.
Câu chuyện của Kiều Trinh có lẽ khiến nhiều người nghĩ đến Jamal Malik trong Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) – bộ phim nổi tiếng từng giành gần cả 100 giải thưởng, trong đó có 8 giải Oscar danh giá và 4 giải Quả cầu vàng vào năm 2009. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất là Jamal Malik – nhân vật chính trong phim đứng trước câu hỏi cuối cùng: Một trở thành triệu phú, hai là trắng tay. Cuối cùng, Jamal đã đúng với sự chọn lựa của chính mình.
Thông điệp đầy ý nghĩa của Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) là niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta nếu có đủ niềm tin để nghĩ về một ngày mai tươi sáng.
Mong rằng Kiều Trinh luôn nở nụ cười rạng ngời khi bắt đầu một cuộc đời mới từ hôm nay với tấm lòng và sự tử tế từ các ông bầu! Và một niềm tin lớn là vào một ngày không xa trong tương lai thì bóng đá Việt Nam có một triệu phú mang tên Đặng Thị Kiều Trinh, cô gái từng đứng nguy cơ trắng tay, sau đó làm lại mọi thứ từ thương hiệu cà phê ông bầu và gặt hái thành công rực rỡ.
Giáo dục cầu thủ bằng sự tử tế quan trọng như thế nào?
Nhân rộng những điều tốt đẹp, giáo dục cầu thủ trong bóng đá luôn rất quan trọng để tạo nên một phông văn hóa về "bóng đá thật - sạch".
"Các con phải nhớ kỹ không được đá xấu, đá láo trên sân, không được thiếu ý thức và hành xử thiếu văn hóa với người hâm mộ...", bầu Đức dặn dò các cầu thủ Học viện HAGL - JMG vào tháng 3 năm ngoái.
Nói chính xác, bầu Đức đào tạo cầu thủ theo tiêu chí riêng. Các cầu thủ HAGL chỉ chơi bóng sau khi đến trường, còn ban đêm học thêm ngoại ngữ. Ở Học viện HAGL còn có trường học, nơi đọc sách... để dạy dỗ các cầu thủ. Mục đích của bầu Đức là những cầu thủ HAGL phải tốt nghiệp Đại học, biết tiếng Anh và ý thức về chính mình trong khía cạnh làm người, chứ không thể đá bóng giỏi rồi sinh ra thói xấu...
Văn hóa bóng đá thực sự cực kỳ quan trọng với bóng đá Việt Nam khi đang trên con đường chuyên nghiệp. Trách nhiệm đó phải đến từ "những người cầm lái", các ông bầu, HLV, thậm chí là các cầu thủ lớn dạy dỗ các đàn em. Câu chuyện kể trên về bầu Đức dạy các cầu thủ là một ví dụ điển hình, qua đó hiểu vì sao CLB HAGL nhận được sự yêu mến rất lớn của người hâm mộ cả nước.
Bầu Đức đích thân dạy dỗ các cầu thủ trẻ của Học viện HAGL - JMG.
Một ông chủ khác nổi tiếng của bóng đá Việt Nam là bầu Thắng cũng đề cao sự giáo dục cầu thủ. Bầu Thắng từng tâm sự rằng: "Tôi luôn nói với các cầu thủ phải ý thức được bản thân. Các em đá bóng trên sân thì phải hết mình vì người hâm mộ, chơi trung thực và cống hiến. Mỗi ngày cuối tuần, khán giả đến xem các em thi đấu bao gồm rất nhiều người trong xã hội, trong đó có cả những người bán vé số, chạy xe ôm - thu nhập của họ không nhiều. Thế nhưng, họ bỏ vài chục nghìn để mua vé vào sân thì các em phải hết sức trân trọng, đừng để họ phải buồn".
Cũng từ quan điểm răn dạy các cầu thủ của bầu Thắng, Tài Em đã trở thành cầu thủ để lại câu chuyện rất đẹp trong lòng người hâm mộ. Tài Em đã dũng cảm đứng ra tố vụ bán độ ở SEA Games năm 2005.
Sau này, Tài Em cảm ơn sự dạy dỗ của bầu Thắng: "Ba mẹ tôi làm ruộng, và nhà tôi đúng là nông dân. Ba mẹ luôn dạy tôi phải sống thật thà, và điều ấy tác động lớn tới phong cách sống, phong cách ứng xử của tôi. Nhưng đấy mới chỉ là sự khởi đầu thôi. Tôi nghĩ rằng mình may mắn khi được sống và gắn bó với CLB Long An trong phần lớn thời gian thi đấu. Đó là một tập thể sạch sẽ, luôn đá bóng với tư tưởng có thể xuống hạng, chứ nhất định không chịu bắt tay tiêu cực với đội nọ đội kia. Tôi nhớ là anh Thắng (bầu Thắng) ngay từ đầu đã nêu cao tôn chỉ đó".
Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải có cùng quan điểm về bóng đá sạch nên cho ra đời giải sinh viên.
Cũng trên quan điểm làm bóng đá kể trên, bầu Đức, bầu Thắng, ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch NutiFood) cho ra đời thương hiệu Cà phê Ông Bầu với slogan: "Sống thật, cà phê thật". Tức mọi thứ đều sạch sẽ, từ bóng đá đến chuyện kinh doanh cà phê cũng phải thật như chính tính cách của những ông bầu dạy dỗ các cầu thủ.
Bầu Hải cũng là một người làm bóng đá đầy đam mê, trong đó xác định văn hóa bóng đá cực kỳ quan trọng. Thế nên, Học viện bóng đá NutiFood tuyển sinh rất nhiều cầu thủ trẻ xuất thân từ bóng đá học đường. Nhiều em ở trường năng khiếu Nguyễn Thị Định (TPHCM) đang là học viên của Học viện bóng đá NutiFood.
Gần nhất, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 doanh nhân khác cho ra đời giải bóng đá sinh viên. Ngay tại buổi họp báo, chủ đề được bàn luận nhiều nhất chính là sự trong sạch, chơi thật và chơi có ý thức. Họ nghiêm cấm chuyện đá gian lận tuổi, chạy theo thành tích này nọ.
Bàn xa hơn câu chuyện đá thật và bóng đá sạch, bóng đá học đường có một vai trò quan trọng với mọi nền bóng đá trên thế giới. Giá trị cốt lõi chính là văn hóa bóng đá. Nếu như sân chơi sinh viên tạo ra được ý thức về bóng đá sạch thì bóng đá chuyên nghiệp sẽ thay đổi, qua đó tạo nên chỉ số niềm tin lớn cho người hâm mộ. Đó còn là sức bật lâu dài cho một nền bóng đá.
Ví dụ sự thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Nhưng có một điều cực kỳ quan trọng chính là văn hóa và ý thức các cầu thủ thay đổi rất lớn. Người hâm mộ có niềm tin tuyệt đối với các cầu thủ, vì họ nhìn thấy được những giá trị tốt đẹp. Đó là Xuân Trường ôm áo ấm ra cho các đồng đội mặc, nhiều cầu thủ chung tay cào tuyết cho Quang Hải đá phạt... Tất cả là những hình ảnh rất đẹp để nói về tinh thần đoàn kết, ý thức của cầu thủ Việt Nam rất cao so với những câu chuyện buồn trong quá khứ.
Nhìn lại những câu chuyện đẹp kể trên để thấy rằng, bóng đá Việt Nam đang thực sự đáng lo khi xuất hiện chuyện U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định vừa bị Ban kỷ luật VFF ra án phạt, hay các cầu thủ trẻ của Đồng Tháp tham gia cá cược. VFF phải mạnh tay xử lý để răn đe ngay từ lúc này nhằm dẹp bỏ ngay sự tiêu cực và xấu xí làm ảnh hưởng bóng đá Việt Nam.
Bàn về thật - sạch thì không chỉ riêng bóng đá, bởi trên sân bóng hay mọi điều trong cuộc sống thì giá trị tốt đẹp, sống chân chính và sự tử tế mới bền vững.
Văn Nhân
Quyết tâm chống tiêu cực, Trẻ Long An chấp nhận điều cay đắng Quyết tâm chống tiêu cực, đội bóng trẻ của bầu Thắng chấp nhận loại một loạt cầu thủ có dấu hiệu bất minh, xuống hạng và làm lại từ đầu. Bóng ma tiêu cực liên tục theo đuổi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành trình thi đấu, rèn luyện của đội bóng đá Trẻ Long An. Được thành lập với mục...