Bầu Đệ – Fabio Lopez: Cái sảy nảy cái ung
Vụ thắng kiện của HLV Fabio Lopez đối với CLB Thanh Hóa là nốt trầm trong một năm vượt sóng ấn tượng của V-League. Nó cho thấy nỗ lực lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam vẫn còn trúc trắc.
Quá đơn giản để cho rằng vụ việc của HLV Lopez xuất phát từ tính nghiệp dư của bóng đá Việt Nam. Nhưng đôi khi, tính nghiệp dư không phải là lý do quan trọng nhất. Năm 2005, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam từng thua kiện HLV Christian Letard, khi đó vẫn có thể xem là chưa nắm rõ “luật chơi”, chưa có tiền lệ và nền bóng đá còn nghiệp dư nên bất ngờ hoàn toàn. Trường hợp của Thanh Hóa thì khác. Theo cựu chủ tịch CLB Nguyễn Văn Đệ – tức bầu Đệ, việc sa thải HLV Lopez đã được chuẩn bị trước về mặt pháp lý nên Thanh Hóa thậm chí có thể sẽ kiện ngược lại nhà cầm quân người Italy. Như vậy, không thể nói Thanh Hóa nghiệp dư, vấn đề là họ vẫn… thua kiện.
HLV Lopez bị sa thải sau khi chỉ thắng một và thua bốn trong năm trận tại Thanh Hóa, dù hợp đồng có thời hạn hai năm. Ảnh: Đức Đồng.
Trong bóng đá, việc tuyển dụng và sa thải là bình thường. Trong làng cầu Việt Nam, Bình Dương hay HAGL thay HLV như thay áo, bao gồm cả các chuyên gia nước ngoài. Hoặc như Sài Gòn FC, có thể thanh lý phần lớn cầu thủ lẫn HLV chỉ trong một tuần lễ, nhưng thực tế họ không để cho mình vướng vào một vụ việc như tại Thanh Hóa. Bất kỳ vụ sa thải nào cũng tiềm tàng những rắc rối pháp lý. Chẳng ai muốn mình bị sa thải, và cũng chẳng ai muốn phải “thay ngựa giữa dòng”, vấn đề là đôi bên phải có những dàn xếp êm đẹp.
Tại sao vụ kiện Lopez không xảy ra ở các CLB khác mà lại là Thanh Hóa? Hỏi đã là trả lời. Lên hạng V-League từ năm 2007, cho đến lúc này, rất khó xác định cái “gốc” Thanh Hóa FC là… đội bóng nào. Đội lên hạng năm 2007 thực ra đã rớt hạng năm 2009 và giải thể. Nhưng đến mùa 2010 lại có một đội mang tên Lam Sơn Thanh Hóa đá ở V-League sau khi nhận chuyển giao suất của Thể Công Viettel. Theo thống kê, trong 13 năm qua, Thanh Hóa FC đã có tổng cộng bảy biểu tượng CLB (logo) khác nhau, thay đổi qua năm công ty quản lý cũng khác nhau, có đến sáu Chủ tịch bao gồm bầu Đệ hai lần điều hành.
Video đang HOT
Việc thay đổi bao nhiêu nhà tài trợ, sa thải bao nhiêu HLV hay cầu thủ đấy chỉ là vấn đề chuyên môn, không thể căn cứ vào đó để kết luận đội bóng này nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Nhưng việc một CLB chỉ trong thời gian ngắn mà biến động về mặt tổ chức quản lý, điều hành như vậy là một điều đáng phải suy nghĩ bởi nó liên quan đến hệ thống luật lệ và cách thức quản lý, giám sát của nền bóng đá. Thế mới có chuyện, khoản nộp phạt 200.000 USD trong vụ Lopez bây giờ phải do CLB Đông Á Thanh Hóa chịu trách nhiệm, nhưng Chủ tịch hiện nay khẳng định không liên quan do công ty mà ông đang quản lý không phải là công ty đã sa thải HLV Lopez. Tất nhiên, FIFA không quan tâm đến chuyện nội bộ, chỉ biết là CLB Thanh Hóa – một thành viên của VFF và đương nhiên cũng là của FIFA – phải là nơi trả tiền nếu không muốn bị phạt.
Thế nên, vụ thắng kiện của HLV Lopez không hẳn xuất phát từ việc Thanh Hóa nghiệp dư về khía cạnh pháp lý, mà vì sự cẩu thả trong hoạt động đầu tư bóng đá ở Việt Nam. Sự hỗn loạn trên thượng tầng quản lý CLB Thanh Hóa dù vì lý do gì đi nữa cũng khiến những ai thực sự muốn đầu tư vào đội bóng này một cách nghiêm túc cũng phải e dè. Bầu Đệ tự cho bản thân rất nhiều quyền hành, can thiệp vào chuyên môn, đề ra những qui định kỳ lạ hoặc thậm chí là cởi giày gác chân lên ghế ban huấn luyện ngay trong trận đấu, đem điều cày vào phòng họp chuyên môn cầu thủ… là cũng vì tập đoàn Hợp Lực của ông hai lần được nhờ “giải cứu” đội bóng sau khi các ông chủ khác bỏ của chạy lấy người. Sự thiếu nghiêm túc ấy dẫn đến việc xem thường các qui tắc của bóng đá chuyên nghiệp, hoặc cho rằng mình đủ am hiểu và có hệ thống pháp lý để chống lại các phán quyết bất lợi. Thực tế, bóng đá có những qui định riêng, hành lang pháp lý có khi độc lập với hệ thống luật, thậm chí có thể dựa trên những cơ sở cảm tính, đạo lý chứ không đơn thuần là “bằng chứng trước tòa”.
Sự việc ở Thanh Hóa có thể chỉ là một bê bối riêng của một CLB, không vì thế mà cho rằng nền bóng đá Việt Nam nghiệp dư. Nhưng thực tế cũng cho thấy, nền tảng chuyên nghiệp của chúng ta quá dễ bị tổn thương khi thả nổi công tác quản lý ở cấp CLB. Các CLB thiếu hụt tài chính, thay vì bị VFF phạt nặng, đằng này quay ngược “dọa bỏ giải”. Một CLB như Thanh Hóa thay phiên hiệu như thay áo, đổi cơ cấu và kể cả loại hình kinh doanh công ty liên tục nhưng lại không nhận sự cảnh báo, chế tài hoặc giám sát tài chính nào từ các cơ quan quản lý. Một khi lỏng lẻo đến mức cẩu thả, việc xuất hiện sự coi thường, xem nhẹ các vụ việc như của HLV Lopez chắc chắn sẽ xảy đến.
Mà cứ thiếu nghiêm túc như thế, biết bao giờ mới đến chuyên nghiệp.
Đội bóng Thanh Hóa có nguy cơ mất tiền tỷ vì 'di sản' của bầu Đệ
CLB bóng đá Thanh Hóa đang đối diện các rắc rối pháp lý, đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng do các vụ kiện cáo của HLV, cầu thủ cũ. Nếu không tuân thủ các phán quyết FIFA, Thanh Hoá có thể chịu án phạt rất nặng.
Thanh Hoá dưới thời bầu Đệ từng gây nên nhiều ồn ào bên ngoài sân cỏ.
FIFA mới đây đã có phán quyết với cả hai vụ kiện của HLV Fabio Lopez và ngoại binh Idrissa Sega Cisse đối với CLB bóng đá Thanh Hoá. Theo đó, đội bóng xứ Thanh phải trả 200.000 USD cho HLV người Ý và trợ lý. Trường hợp Cisse, CLB Thanh Hoá phải trả 58.420 USD.
Ông Lopez sinh năm 1973, từng là HLV thủ môn lò đào tạo AS Roma trước khi dẫn dắt nhiều đội bóng ở Litva, Malaysia, Bangladesh hay cả Oman, Saudi Arabia. Tháng 9/2019, ông Lopez được bầu Đệ ký hợp đồng làm HLV trưởng CLB Thanh Hoá trong 2 năm. Nhưng chỉ sau 3 vòng đầu tiên ở V-League 2020, ông Lopez bị sa thải khi đội bóng không giành chiến thắng.
Bầu Đệ đưa ra quyết định trên sau khi tổ chức cuộc họp để các cầu thủ bỏ phiếu. Theo lời HLV Lopez, ông thậm chí không được thông báo và chỉ biết tin qua truyền thông. Bị sa thải mà không được nhận khoản tiền đề bù nào, HLV Lopez thông qua công ty luật SILA đã kiện CLB bóng đá Thanh Hoá tới FIFA và theo phán quyết của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh, Thanh Hoá phải đền 200.000 USD cho ông Lopez với trợ lý.
Trường hợp Cisse ký hợp đồng với Thanh Hoá hồi tháng 11/2019 với mức lương 8.500 USD/tháng cùng số tiền "lót tay" 85.000 USD. Đầu năm 2020, Cisse bị phát hiện rách cơ đùi, không kịp hồi phục và Thanh Hoá chấm dứt hợp đồng. Ngoại binh Senegal kiện lên FIFA và theo phán quyết, Thanh Hoá phải trả cho anh tổng cộng hơn 58.000 USD.
Bầu Đệ có lẽ đã không lường hết những rắc rối có thể gây nên khi sa thải HLV Fabio Lopez
Trả lời báo chí, bầu Đệ tuyên bố ông đã nghỉ. Tuy nhiên, Chủ tịch mới CLB bóng đá Thanh Hoá, ông Cao Tiến Đoan cho rằng ông Đệ phải chịu trách nhiệm. Phát biểu với báo chí, ông Cao Tiến Đoan cho biết việc đền bù cho HLV Lopez là chuyện của chủ tịch cũ đội bóng Thanh Hoá. Theo ông Đoan, đội bóng mới là của công ty mới, có tên mới và ông cũng có thoả thuận "mọi chuyện cũ đều thuộc trách nhiệm của công ty cũ".
Trao đổi với Tiền Phong vấn đề này, một chuyên gia pháp lý lâu năm khẳng định, trong mọi trường hợp FIFA sẽ buộc CLB bóng đá Thanh Hoá phải chịu trách nhiệm. "Về cơ bản vẫn là đội bóng đó. FIFA sẽ theo đội bóng để đảm bảo phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Ông chủ mới và ông chủ cũ phải có trách nhiệm thoả thuận với nhau về các nghĩa vụ phát sinh"-chuyên gia trên cho biết.
Theo tìm hiểu, Thanh Hoá hiện cũng đang tìm kiếm các hỗ trợ về pháp lý để thay đổi phán quyết của FIFA. Trong trường hợp không tuân thủ phán quyết do FIFA đưa ra, đội bóng xứ Thanh có thể đối diện án phạt rất nặng trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, đội bóng xứ Thanh không phải CLB đầu tiên ở V-League chịu án phạt từ FIFA do vi phạm các quy định trong bóng đá. Hồi tháng 7/2020, FIFA từng buộc CLB bóng đá Hải Phòng phải đền cho ngoại binh Stevens 200.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng) do những rắc rối về hợp đồng với cầu thủ này. Năm tỷ đồng là số tiền rất lớn với đội bóng đất cảng, vốn mỗi năm đều nhận được hàng chục tỷ đồng hoạt động từ UBND thành phố Hải Phòng. Mặc dù vậy tới nay hiện không rõ Hải Phòng đã thực hiện án phạt trên của FIFA ra sao, cũng như nguồn tiền để đền bù cho Stevens từ đâu.
Một cán bộ pháp lý Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đánh giá, các CLB Việt Nam chưa có đội ngũ nhân viên pháp lý chuyên nghiệp, am tường luật. "Cầu thủ Việt Nam khi gặp khó khăn thường chấp nhận chịu thiệt nhưng với trường hợp HLV, cầu thủ nước ngoài, họ có thể kiện ra các tổ chức quốc tế. Khi đó CLB sẽ gặp rắc rối"-vị này cho biết.
Bầu Đệ để lại rắc rối với FIFA cho CLB Thanh Hóa Dù đã chuyển giao lại đội bóng Thanh Hóa cho một đơn vị khác quản lý, ông Nguyễn Văn Đệ vẫn chưa thể giải quyết hết các rắc rối với FIFA. Hai vụ kiện gần đây liên quan đến CLB Thanh Hóa dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ cho thấy cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp của người từng đứng đầu...