Bầu cử tổng thống và quốc hội tại CH Trung Phi
Ngày 27/12, tại CH Trung Phi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của nước này. Cuộc bầu cử này được coi là phép thử quan trọng về khả năng khôi phục sự ổn định của CH Trung Phi.
Lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ làm nhiệm vụ tại Bangui, CH Trung Phi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cuộc bầu cử diễn ra sau một tuần bất ổn với các cáo buộc âm mưu đảo chính khi lực lượng nổi dậy Liên minh Những người yêu nước vì sự thay đổi (CPC) bất ngờ chiếm giữ Bambari, thành phố lớn thứ 4 của nước này. Nga và Rwanda đã cử các cố vấn quân sự và binh sĩ tới CH Trung Phi theo đề nghị của chính phủ nước này, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 21/12 cũng đã có cuộc họp kín để trao đổi về bất ổn an ninh tại CH Trung Phi.
Trong tuần qua, CPC đã thông báo lệnh ngừng bắn đơn phương trong 72 giờ trước bầu cử và lệnh ngừng bắn này đã kết thúc vào ngày 25/12. Liên minh này tuyên bố sẽ nối lại các cuộc tuần hành tại thủ đô.
Ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống chính là Tổng thống đương nhiệm Faustin Archange Touadera. Ngoài ra, còn 15 ứng cử viên khác, trong đó đối thủ lớn nhất của ông Touadera là ông Anicet Georges Dologuele, cựu thủ tướng, đồng thời là một nhà kinh tế. Ông Dologuele nhận được sự hậu thuẫn của cựu Tổng thống Francois Bozize , người không thể ra tranh cử lần này do lệnh cấm của Tòa án tối cao CH Trung Phi vì ông này đang bị truy nã và nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ.
Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 14/2/2021 nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tại vòng một. Trong khi đó, khoảng 1.500 ứng cử viên sẽ cạnh tranh vào 140 ghế tại Quốc hội khóa mới.
CH Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo và bất ổn nhất thế giới. Nước này chỉ trải qua giai đoạn hòa bình hiếm hoi kể từ khi giành độc lập từ Pháp vào những năm 1960.
Liên hợp quốc quan ngại trước tình trạng bất ổn tại CH Trung Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/12, Liên hợp quốc (LHQ) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bất ổn tại CH Trung Phi, đồng thời cho rằng hiện trạng này sẽ đe doạ nghiêm trọng đến an ninh trật tự và các cuộc bầu cử sắp tới.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 26/2/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền LHQ Liz Throssell cho biết, bạo lực có vũ trang đe doạ nghiêm trọng đến an toàn của người dân và việc thực hiện quyền bầu cử. LHQ vô cùng lo ngại trước các báo cáo về tình trạng bạo lực leo thang, gây ra bởi sự bất đồng chính trị và những phát ngôn mang tính kích động, dẫn đến việc phải di dời thường dân. Văn phòng Nhân quyền kêu gọi tất cả các bên liên quan tại CH Trung Phi chấm dứt bạo lực, đồng thời cảnh báo rằng họ bị ràng buộc bởi luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Bà Throssell khẳng định việc bảo vệ thường dân là tối quan trọng. Các nước láng giềng, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Trung Phi giữ vài trò trung tâm trong đảm bảo giải quyết cuộc khủng hoảng tại CH Trung Phi một cách hoà bình, cũng như bảo vệ thường dân.
Cùng ngày, trong một thông báo Liên minh châu Phi (AU) cho biết đã quyết định triển khai các phái bộ quan sát bầu cử (AUEOM) ở CH Trung Phi. Theo thông báo, phái bộ tới CH Trung Phi do cựu Thủ tướng Mali Modibo Sidibe dẫn đầu. Việc triển khai AUEOM ở CH Trung Phi sẽ phải tuân theo các quy định và nguyên tắc của AU về quản lý bầu cử dân chủ ở châu Phi, hướng dẫn của AU đối với các phái bộ quan sát, giám sát bầu cử, cũng như hiến chương châu Phi về dân chủ, bầu cử và quản trị. Hoạt động này cũng phù hợp với một trong những mục tiêu của AU trong Chương trình nghị sự 2063, nhằm đảm bảo quản trị tốt, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và công lý ở các quốc gia châu Phi.
Hiện thị trấn lớn thứ 4 của CH Trung Phi là Bambari đã bị phiến quân chiếm giữ ngày 22/12, ngay trước thềm các cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống và quốc hội, dự kiến tổ chức ngày 27/12. Đến thời điểm hiện tại, phái bộ gìn giữ hoà bình của LHQ và lực lượng an ninh CH Trung Phi đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn này. CH Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo và bất ổn nhất thế giới. Nước này chỉ trải qua giai đoạn hoà bình hiếm hoi kể từ khi giành độc lập từ Pháp vào những năm 1960.
WHO lo ca nCoV châu Âu tăng Đại diện WHO tại châu Âu lo ngại về sự tái bùng phát nCoV trong khu vực, cảnh báo các nước nên siết hạn chế nếu cần. "Sự tăng trở lại các ca nhiễm nCoV ở một số quốc gia sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội gần đây gây lo ngại", phát ngôn viên của Tổ chức Y...