Bầu cử Tổng thống Mỹ: Vì sao phải là ngày 8-11
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, nước Mỹ sẽ xác định được ai trở thành chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng. Người dân Mỹ sẽ đi bầu vị Tổng thống thứ 45 của mình vào thứ Ba ngày 8-11.
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Vì sao phải là ngày 8-11
Thứ Ba, ngày 8-11 không phải là một sự lựa chọn tình cờ. Ngày bầu cử Tổng thống của Mỹ, cứ bốn năm diễn ra một lần, luôn được tổ chức vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Ngày bầu cử năm nay là thứ Ba, ngày 8-11-2016.
Nguồn gốc từ chuyện đồng áng
Tại sao lại lựa chọn ngày cố định là một ngày thứ Ba của tháng 11? Câu trả lời bắt nguồn từ bối cảnh nông nghiệp và những người nông dân Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, phần lớn cư dân nước Mỹ đều là nông dân và sinh sống ở cách xa nơi tổ chức bầu cử.
Vì người dân thường phải đi lại ít nhất một ngày để bỏ phiếu, các nhà lập pháp thấy cần phải tạo một khoảng dao động hai ngày cho ngày bầu cử. Chọn lấy hai ngày cuối tuần là phi thực tế, vì phần lớn người dân dành ngày Chủ nhật để đi nhà thờ, còn thứ Tư là ngày nông dân họp chợ.
Sau khi cân nhắc điều này, thứ Ba đã được chọn.
Văn hóa nông nghiệp cũng là lý do giải thích vì sao ngày bầu cử của Mỹ luôn được tổ chức vào tháng 11. Người ta cho rằng tổ chức bầu cử vào mùa xuân và đầu mùa hè sẽ ảnh hưởng tới mùa gieo hạt, còn tổ chức vào cuối mùa hè và đầu mùa thu sẽ trùng với mùa thu hoạch.
Như vậy chỉ còn lại lựa chọn tốt nhất là tháng 11 – thời điểm cuối mùa thu sau khi việc thu hoạch đã hoàn tất và trước khi mùa đông khắc nghiệt tràn về.
Người Mỹ chính thức bắt đầu có thông lệ đi bầu cử vào một ngày làm việc trong tuần (chứ không phải ngày cuối tuần) từ năm 1845, khi Quốc hội thông qua một đạo luật liên bang chỉ định “ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên” của tháng 11 là Ngày Bầu cử. Do đó ngày bầu cử luôn rơi vào khoảng từ ngày 3 đến ngày 8-11.
Vì ràng buộc phải là “ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên”, nên như trường hợp của năm 2016 này, ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 rơi vào ngày 1-11 đã không được tính là hợp lệ.
Từ đêm 8-11 đã xác định người thắng cuộc
Tuy ngay vào đêm 8-11 tới đây, nước Mỹ đã xác định được chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng, nhưng ứng cử viên trúng cử còn phải chờ một thủ tục theo qui định của Hiến pháp Mỹ (tuy mang tính hình thức) là cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri diễn ra sau đó 41 ngày và đến lễ Nhậm chức mới chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Trong ngày bầu cử 8-11, các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ sẽ mở cửa từ 7g sáng đến 20g. Việc kiểm phiếu được tiến hành ngay một cách rất nhanh gọn vì thế tùy theo số dân của từng khu vực đã có thể sớm xác định được kết quả bầu cử.
Video đang HOT
Bà Hillary Clinton đi vận động tại TP Tampa, bang Florida, ngày 26-10 – Ảnh: Reuters
Thường chỉ cần kiểm được khoảng 60-70% số phiếu bầu, người ta đã có thể xác định được ứng cử viên giành được đa số phiếu tại từng bang, để từ đó tính ra số phiếu đại cử tri dành cho ứng cử viên nào.
Đến đêm 8-11 đã có thể công bố được số phiếu đại cử tri của từng ứng viên và xác định người chiến thắng. Ứng cử viên muốn trở thành Tổng thống Mỹ phải giành được 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu đại cử tri.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp của Mỹ, đó chỉ mới là kết thúc phần bầu phiếu phổ thông để làm cơ sở tính số phiếu đại cử tri dành cho từng ứng cử viên.
“Thủ tục” đại cử tri
Đến ngày 18-12-2016, 538 đại cử tri – tương ứng với số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ trong toàn nước Mỹ cộng với ba đại biểu của Thủ đô Washington D.C – sẽ thay mặt cử tri của mình chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống.
Đây chỉ là một thủ tục mang tính hình thức. Về mặt lý thuyết, vẫn có thể xảy ra tình huống đảo ngược kết quả bầu cử nếu có sự kiện đột biến nào đó khiến các đại cử tri thay đổi phiếu bầu của mình làm thay đổi kết quả bầu Tổng thống đã được công bố ngày 8-11.
Tuy nhiên, qua lịch sử 58 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa từng xảy ra tình huống này.
Ứng viên Donald Trump trong sự kiện vận động tại TP Charlotte, bang North Carolina, ngày 26-10 – Ảnh: Reuters
Lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ diễn ra tại Washington D.C vào ngày 20-1-2017. Ngày nhậm chức cũng là một thời điểm được ấn định, luôn là ngày 20-1 và sẽ chuyển thành ngày 21-1 nếu ngày 20 rơi vào Chủ nhật.
Với những diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn nước rút như hiện nay, có lẽ ngày lễ Nhậm chức sắp tới, nước Mỹ sẽ được chứng kiến một bước ngoặt lịch sử nếu như bà Hillary Clinton trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng: lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một nữ Tổng thống.
Và nếu từ cựu Đệ nhất phu nhân trở thành tân Tổng thống, bà Hillary cũng sẽ giúp gia đình nhà Clinton ghi dấu ấn vào lịch sử nước Mỹ: trở thành cặp vợ chồng đầu tiên cùng đảm nhiệm cương vị Tổng thống.
Theo Tuổi Trẻ
Bỏ phiếu sớm ở bang 'chiến địa' Florida
Các điểm bỏ phiếu tại 50 hạt của bang Florida đã bắt đầu mở cửa đón cử tri đi bầu tổng thống Mỹ sớm trong ngày 24-10.
Cử tri chờ để bỏ phiếu sớm ở Florida ngày 24-10 - Ảnh: AFP
Hai ứng cử viên tổng thống là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump vẫn đang đua tranh quyết liệt tại Florida, một trong những bang được coi là sống còn trên con đường tới Nhà Trắng.
Bà Clinton tiếp tục dẫn điểm
Năm nay Florida ghi nhận con số kỷ lục 3,1 triệu cử tri đăng ký bầu cử sớm, trên tổng số 13 triệu cử tri đăng ký đi bầu, với số cử tri hai đảng gần ngang nhau.
Năm 2008 số cử tri Đảng Cộng hòa đăng ký chiếm 49% so với 32% của Đảng Dân chủ nhưng Tổng thống Obama vẫn giành chiến thắng tại bang này.
"Liệu chúng ta nghĩ rằng chính phủ là một điều nghiêm túc... hay đó là một chương trình truyền hình thực tế để chúng ta có thể nói hoặc làm bất cứ gì mà không màng đến sự thật. Tôi cho rằng chúng ta không nên có một chương trình truyền hình thực tế trong Phòng Bầu dục
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Các cuộc thăm dò tại các bang "ruột" của Đảng Cộng hòa như Arizona, Georgia và Utah cũng cho thấy đây là một cuộc đua sít sao.
Đài Fox News cho biết chỉ một số trong 37 bang cho phép bầu cử sớm công khai số lượng cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đi đăng ký bầu cử, do đó con số cuối cùng sẽ không được biết chính xác cho đến ngày bầu cử 8-11.
Các cuộc thăm dò mới nhất ngày 24-10 (giờ Mỹ) cho thấy cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang giành ưu thế áp đảo trước đối thủ Donald Trump tại nhiều bang.
Ngay tại Florida, theo kết quả thăm dò của ĐH Quinnipiac, bà Clinton dẫn trước ông Trump đến 4 điểm.
Còn tại những bang được coi là "thành trì" của phe Cộng hòa như Utah và Arizona, các cuộc thăm dò cũng hé lộ nhiều khả năng cử tri sẽ ủng hộ một nữ tổng thống Dân chủ lần đầu tiên trong lịch sử.
Cuộc thăm dò mới nhất của CNN/ORC cũng cho thấy bà Clinton đang dẫn trước nhà tỉ phú Mỹ 5 điểm với tỉ lệ ủng hộ 49% trên 44%. Kết quả cùng ngày của ABC News thậm chí thể hiện cách biệt lớn hơn 50% trên 38% nghiêng về cựu ngoại trưởng Mỹ.
Đây là tỉ lệ ủng hộ lớn nhất mà bà Clinton có được kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng. Kết quả thăm dò của Reuters cũng đặt cược lớn vào bà Clinton sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Ứng viên không ngớt công kích nhau
Cùng với sức nóng của cuộc bầu cử sớm ở Florida và các cuộc thăm dò liên tục gây sức ép, ứng viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục công kích đối thủ không nương tay khi chiến dịch tranh cử bước vào hai tuần cuối cùng.
Đáp trả tuyên bố của ông Trump rằng nỗ lực chiếm lại thành phố Mosul (Iraq) từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày một thảm hại, bà Clinton khẳng định: "Ông ta tuyên bố thất bại ngay cả trước khi cuộc chiến bắt đầu. Ông ta đang chứng minh cho thế giới thấy việc có một tổng chỉ huy kém cỏi là như thế nào".
Bà Clinton cũng có thêm một đồng minh là thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một nhân vật công kích mạnh mẽ ông Trump về các cáo buộc sàm sỡ phụ nữ.
"Nhớ lấy, Donald, những phụ nữ xấu xa rất khó chơi. Phụ nữ xấu xa thông minh và phụ nữ xấu xa cũng đi bầu. Và ngày 8-11 tới, những phụ nữ xấu xa sẽ đi bỏ phiếu và khiến ông biến khỏi cuộc đời họ mãi mãi" - bà Warren hùng hồn chỉ trích ông Trump trên Reuters, sử dụng cụm từ "người phụ nữ xấu xa" mà ông gọi bà Clinton trong cuộc tranh luận tuần trước đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tự tin khẳng định chiến dịch tranh cử của mình đang thắng và bác bỏ những "thăm dò gian dối" từ truyền thông.
Ông cho rằng các thư điện tử bị rò rỉ của giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton là ông John Podesta cho thấy chiến dịch này đã "gian lận cả các cuộc thăm dò với phần thắng nghiêng về Đảng Dân chủ".
"Đó là những thăm dò gian dối. Tôi tin rằng chúng ta thực sự đang chiến thắng và truyền thông không muốn đưa tin đó. Đừng để họ lừa chúng ta" - ông tuyên bố trước những người ủng hộ tại Florida và dẫn ra các thăm dò của Investors Daily, Rasmussen cho thấy ông đang dẫn trước bà Clinton.
Nhưng nhà quản lý vận động của ông Trump, Kellyanne Conway, có lẽ không còn tự tin như vậy. Phát biểu hôm 23-10, bà Conway thừa nhận: "Chúng tôi đang tụt lại phía sau. Bà ấy (Clinton) đang có các lợi thế.
Bà ấy có một cựu tổng thống, cũng là chồng bà, một đương kim tổng thống và đệ nhất phu nhân, phó tổng thống vận động giúp".
Trong hai tuần cuối cùng của cuộc vận động, ông Trump và bà Clinton sẽ phải cật lực vận động trên toàn quốc để thuyết phục các cử tri còn đang lưỡng lự. Những bang nóng nhất trong giai đoạn cuối cùng sẽ là Ohio, North Carolina, Florida và Pennsylvania.
Florida là chiến địa quan trọng của cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ bởi người chiến thắng sẽ có trong tay 29 phiếu đại cử tri, nhiều hơn hẳn các bang khác (chẳng hạn bang New Hampshire chỉ có 4 phiếu). Đối với ông Trump, bang này cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp tỉ phú Mỹ giành đủ 270 phiếu đại cử tri để thắng cuộc tranh cử. California là bang có số phiếu đại cử tri nhiều nhất (55 phiếu).
Theo Tuổi Trẻ
Cuộc tranh luận 'bẩn thỉu' chưa từng có trong lịch sử tranh cử Mỹ Vòng đối đầu lần 2 giữa ông Trump và bà Clinton tiếp tục là những màn tấn công cá nhân, xoay quanh các bê bối mới của ông Trump và rất ít thông tin về chính sách mỗi bên. Từ "bẩn thỉu" được nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như CNN, BBC, Guardian, South China Morning Post... dùng để miêu tả...