Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng tiếp theo?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 59 dự kiến diễn ra vào ngày 3/11/2020. Đến nay, “cuộc đua” tới chiếc ghế ở Phòng Bầu dục vẫn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ, với 15 đại diện từ đảng Dân chủ và 3 đại diện đến từ đảng Cộng hòa.
Các ứng cử viên (từ trái qua phải) Bernie Sanders, Joe Biden và Elizabeth Warren. (Nguồn: Politico)
Chỉ còn hai tháng nữa là mùa bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ khởi động với các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang. Hai chính đảng lớn nhất của Mỹ đang có những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Đương kim Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ là gương mặt đại diện cho đảng Cộng hòa trong khi hai cái tên Joe Walsh và William F. Weld gần như không cản được đường tiến của ông Trump.
Bên kia chiến tuyến, cuộc nội chiến để trở thành cử tri đại diện cho đảng Dân chủ hiện đang diễn ra rất quyết liệt với 15 cái tên có xuất thân, độ tuổi khác nhau. Từ những gương mặt quen thuộc như Bernie Sanders, cựu phó Tổng thống Joe Biden… cho tới những cái tên khá bất ngờ như doanh nhân công nghệ Andrew Yang và cựu Thị trưởng New York, tỷ phú Michael Bloomberg.
Dưới đây là một số gương mặt nổi bật có thể tạo ra được sự bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Donald Trump
Trái ngược với các cuộc thăm dò ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đứng sau một số ứng cử viên Tổng thống 2020 của Đảng Dân chủ, thì nhiều nhà quan sát chính trị lại tin tưởng ông Trump nhiều khả năng sẽ thắng cử.
Theo kết quả cuộc thăm dò của New York Times, đại đa số cử tri tại các bang “chiến trường” (các bang thường có kết quả bầu cử sít sao và có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng), những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện giữa kỳ năm 2018 nhằm tạo thế “cân bằng quyền lực” giữa hai đảng. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, những cử tri này sẽ quay lại bỏ phiếu cho ông Trump.
Ngoài ra, tuy ông Trump được nhận xét là một người có tính cách “khó gần” do các phát biểu và hành động gây tranh cãi, nhưng ông lại được lòng rất nhiều cử tri bởi họ ấn tượng với cách ông thể hiện trong công việc là biến lời nói thành hành động, khác hẳn nhiều chính trị gia khác.
Lợi thế lớn nhất của ông Trump đến lúc này là kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển vững chắc. Các phát biểu, hành động cứng rắn của ông về việc “mang việc làm quay lại nước Mỹ” luôn có sức thu hút lớn với đại bộ phận cử tri Mỹ vốn thuộc tầng lớp lao động. Theo Business Insider, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng GDP trong khoảng 2-3%. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% – mức cao nhất trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp đang giảm, tiền lương và số lượng việc làm đang tăng lên.
Joe Biden
Video đang HOT
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden năm nay 77 tuổi, đã phục vụ trong Nhà Trắng suốt 8 năm và có 36 năm tại Thượng viện Mỹ. Hồi tháng Tư, ông chính thức tuyên bố tham gia tranh cử và mở đầu chiến dịch bằng một loạt chỉ trích nhắm vào Tổng thống Trump. Trong video thông báo tranh cử, ông nói nếu để ông Trump làm chủ Nhà Trắng trong tám năm, ông ấy sẽ thay đổi căn bản và vĩnh viễn đặc tính của Mỹ. Ông sẽ không đứng ngoài nhìn điều đó xảy ra.
Trong số các ứng viên của đảng Dân chủ, ông Biden là chính trị gia có nhiều kinh nghiệm nhất và luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri của đảng. Với lý lịch hoàn hảo, gương mặt nổi tiếng của nền chính trị Mỹ Biden từng hai lần tranh cử Tổng thống, nhưng không thành công. Việc ông ra tranh cử được một bộ phận lớn đảng Dân chủ chào đón. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng như cựu Tổng thống Obama đã lên tiếng ủng hộ ông.
Xuất thân từ gia đình lao động bình thường, trở thành Thượng nghị sĩ và Phó Tổng thống nhưng vẫn là một chính trị gia nghèo (thậm chí tính đến việc bán nhà để chữa bệnh cho con trai), ông Joe Biden đã tìm thấy sự đồng điệu với người dân bình thường trong xã hội.
Không những vậy, ông Biden đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội do Đảng Dân chủ dẫn đầu hướng tới ông Trump, vì nghi ngờ vị Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Ukraine điều tra về con trai của ông là Hunter Biden.
Elizabeth Warren
Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, 70 tuổi, công bố quyết định tranh cử Tổng thống tại bang nhà Massachusetts vào ngày 9/2 với thông điệp chủ đạo là phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế hiện nay. Như những nghị sĩ đảng Dân chủ khác, bà Warren chỉ trích Tổng thống Trump kịch liệt nhất trên chính trường.
Những tháng gần đây, sự ủng hộ cho chiến dịch của bà Warren tăng mạnh, thậm chí còn ngang bằng với ông Biden trong một số cuộc thăm dò. Bà Warren tập trung chiến dịch để chiến đấu với những gì bà cho đó là một hệ thống gian lận ủng hộ những người giàu có và khẳng định mong muốn làm mới nước Mỹ.
Bà đưa ra một loạt đề xuất chính sách ở mọi khía cạnh của xã hội, từ chương trình chăm sóc sức khỏe dành cho người dân, đến phá vỡ sự thống trị của các công ty công nghệ lớn và đánh thuế tài sàn đối với những người giàu nhất nước Mỹ. Bà Warren đã tuyên bố không góp mặt tại các sự kiện gây quỹ chính trị để ủng hộ chiến dịch của mình.
Bernie Sanders
Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders từng thất bại trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ năm 2016, nhưng ở cuộc bầu cử năm tới, ông sẽ lại một lần nữa thử sức. Ở tuổi 78, ông Sanders dự định sẽ sử dụng những lý luận từng đưa ra hồi ba năm trước, kêu gọi xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đề xuất mức lương tối thiểu 15 USD và miễn học phí các trường đại học công lập.
Cùng với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ông Sanders cũng được coi là một trong ứng viên hàng đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, thách thức nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng Mười vừa qua, ông đã phải hủy bỏ một sự kiện trong chiến dịch tranh cử ở Nevada bởi vấn đề về tim mạch. May mắn, bệnh tật không gây ảnh hưởng gì tới sự ủng hộ của cử tri dành cho ông.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của ông Sanders có thể đặt ra câu hỏi về vấn đề tuổi tác trong cuộc đua của đảng Dân chủ bởi khoảng cách thế hệ khi so sánh những ứng viên lão làng như ông Sanders, 78 tuổi và ông Joe Biden, 77 tuổi với những ứng viên trẻ hơn như Pete Buttigieg, 37 tuổi, thị trưởng South Bend, bang Indiana hay Andrew Yang, doanh nhân công nghệ 44 tuổi.
Michael Bloomberg
Tỷ phú Bloomberg có giá trị tài sản ước tính khoảng 53,4 tỷ USD, hơn hẳn ông Trump.
Bước vào chiến dịch tranh cử khá muộn, khi cuối tháng 11, vị tỷ phú truyền thông mới tuyên bố chính thức tranh cử Tổng thống với tư cách ứng viên đảng Dân chủ. Hồi đầu năm, ông từng từ chối chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng đến nay thay đổi quyết định vì không nghĩ rằng các ứng viên đảng Dân chủ hiện tại có thể đánh bại Tổng thống Donald Trump.
Ở tuổi 77, tỷ phú Bloomberg được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 8 ở Mỹ, với giá trị tài sản ước tính khoảng 53,4 tỷ USD, hơn hẳn ông Trump. Ông có lợi thế rất lớn như tự tài trợ cho chiến dịch của mình và rót hàng triệu USD dành cho quảng cáo và thuê nhân viên. Để khởi động, Bloomberg đã chi ít nhất 37 triệu USD quảng cáo về chiến dịch tranh cử của mình trên truyền hình.
Ông tự nhận mình là một ứng viên bất ngờ, “một lựa chọn mới cho đảng Dân chủ”. Bắt đầu cuộc đua muộn, ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều để bắt kịp các ứng viên khác trong việc xây dựng hồ sơ quốc gia và thành lập một tổ chức vận động tranh cử quy mô lớn. Ông quan tâm tới các vấn đề như kiểm soát súng đạn, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Vào tháng 10 vừa qua, Moody’s Analytics dự báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ tái cử trong cuộc bầu cử năm 2020. Trừ phi có điều bất thường xảy ra, ông Trump có thể dễ dàng giành chênh lệch phiếu đại cử tri lớn hơn nhiều so với chiến thắng mà ông có được trước ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016.
Từ năm 1980 đến nay, mô hình của Moody’s chỉ có một lần duy nhất dự báo sai về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là vào năm 2016, khi mô hình này cho rằng bà Clinton sẽ thắng ông Trump với chênh lệch phiếu ở mức thấp.
Theo baoquocte.vn
Ứng viên Dân chủ phản pháo cựu tổng thống Obama
Ứng viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2020 lên tiếng phản pháo sau khi khi cựu tổng thống Obama cảnh báo các đồng nghiệp không quá sa đà vào lập trường cánh tả.
Thông điệp được cựu tổng thống Barack Obama đưa ra vào ngày 15/11, tại một sự kiện có sự tham gia của nhiều mạnh thường quân đảng Dân chủ.
Chính khách 58 tuổi không trực tiếp nhắc đến bất kỳ ứng viên nào. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ông Obama ám chỉ hai ứng viên hàng đầu của đảng là Elizabeth Warren và Bernie Sanders.
Hai thượng nghị sĩ Warren và Sanders đều giữ lập trường nước Mỹ cần những thay đổi lớn về mặt cấu trúc lẫn chính sách. Chương trình hành động của họ có thể tái định hình mạnh mẽ vai trò của chính phủ trong đời sống người dân Mỹ, theo Guardian.
Cựu tổng thống Barack Obama trong một buổi diễn thuyết ở Đại học Illinois. Ảnh: Getty.
Nhiều nhân vật trong đảng Dân chủ lo ngại lập trường quá "thiên tả" có thể đánh mất nhóm cử tri Cộng hòa đang lung lay, cũng như những cử tri trung lập trong cuộc bầu cử năm 2020.
"Người Mỹ bình dân không nghĩ chúng ta cần kéo đổ hệ thống hiện tại và xây dựng lại. Theo tôi, chúng ta không được quên mất điều này", ông Obama ngày 15/11 nhấn mạnh.
Đáp trả cảnh báo của cựu tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders khẳng định tại một sự kiện ở Long Beach, bang California, ngày 16/11 rằng ông không có ý định phá vỡ hệ thống. Nhà lập pháp bang Vermont cho rằng cải cách hệ thống chăm sóc y tế là điều nước Mỹ cần làm từ 30 năm trước.
Cory Booker, thượng nghị sĩ bang New Jersey và là ứng viên bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ, cũng kêu gọi chấm dứt chia rẽ nội bộ đảng. Ông cho rằng đảng Dân chủ chỉ có một cơ hội duy nhất để ngăn Tổng thống Donald Trump không có nhiệm kỳ thứ hai, vì vậy các thành viên đảng Dân chủ nên cẩn thận không "tự vẽ ra những lằn ranh tưởng tượng".
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng viên bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ với lập trường cấp tiến. Ảnh: AP.
Cựu tổng thống Obama khá hạn chế bình luận công khai về bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Chia rẽ giữa các ứng viên cấp tiến mới nổi và nhóm trung lập như cựu phó tổng thống Joe Biden đang xuất hiện ngày một rõ.
Ông Obama cho rằng phát biểu của mình ngày 15/11 là cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh những tiếng nói mạnh mẽ nhất trên mạng xã hội lại không mang tính đại diện cho lập trường của phần lớn thành viên đảng Dân chủ.
Hai vấn đề người nhập cư và chăm sóc sức khỏe được ông mượn làm ví dụ cho thấy ứng viên đảng Dân chủ đang lạc nhịp với tâm lý đại chúng.
"Nhiều cử tri có tiềm năng thuyết phục và cử tri đảng Dân chủ chỉ muốn nhìn thấy những điều hợp lý. Họ không muốn chứng kiến những thứ điên rồ. Họ muốn thấy mọi việc công bằng hơn một chút, có lý hơn một chút. Cách chúng ta tiếp cận sẽ vô cùng quan trọng", ông nhấn mạnh.
Theo news.zing.vn
Bầu cử Mỹ 2020: Xuất hiện ứng viên 'nặng ký' của phe Dân chủ Ngày 7/11, truyền thông Mỹ đưa tin cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg đang chuẩn bị tham gia cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ti phu Mỹ Michael Bloomberg phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Singapore ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tờ The New York...