Bầu cử Tổng thống Argentina: “Người sói” thất bại
Cuộc bầu cử Tổng thống Argentina hôm 22/10 vừa qua đã cho kết quả hoàn toàn ngược với các chỉ dấu gây ồn ào trước ngày bỏ phiếu: Người dẫn đầu trong tất cả các thăm dò dư luận đã bị đánh bại một cách thuyết phục bởi đối thủ cánh tả mà ông ta từng “coi thường” là không có khả năng cạnh tranh.
“ Người sói” đang bay cao bỗng rớt đài một cách đáng thất vọng.
27 triệu người Argentina đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 22/10 vừa qua để chọn ra vị tổng thống mới của đất nước. Kết quả kiểm đếm hơn 99% phiếu bầu đã khiến tất cả “ngã ngửa” khi người đang gần như nắm chắc phần thắng lại là người chiến bại: Bộ trưởng Tài chính Sergio Massa dẫn đầu với 36,6% phiếu bầu so với 29,9% của “người sói” Javier Milei. Về thứ ba là cựu Bộ trưởng An ninh Patricia Bullrich của đảng United for Change giành được 23,8% phiếu, còn lại là các ứng cử viên khác. Theo luật Argentina, để giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc bầu cử, một ứng cử viên đòi hỏi phải giành hơn 45% số phiếu bầu hoặc chỉ cần hơn 40% nếu dẫn trước đối thủ gần nhất hơn 10 điểm phần trăm. Rất tiếc, cả 2 ứng cử viên dẫn đầu đều không vượt qua tỉ lệ 40% phiếu, do vậy hai ông Massa (51 tuổi) và Milei (53 tuổi) sẽ phải đối đầu nhau ở vòng 2 vào ngày 19/11 tới.
Cánh tả trong khu vực Mỹ Latinh đã bày tỏ sự vui mừng ngay khi nghe tin về kết quả bầu cử ở Argentina. Tổng thống Gustavo Petro của Colombia đã chủ trì lễ ăn mừng sự thất bại bất ngờ của ông Milei. Điều này đã giáng một đòn cay đắng vào các thành viên của phe cực hữu toàn cầu vốn đã nuôi hy vọng chiến thắng của ông Milei sẽ cho phép họ thể hiện sức mạnh mới. Còn Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil cũng tán dương một kết quả mà hầu hết các cuộc thăm dò đều không lường trước được. Ông đã viết trong một tin nhắn riêng cho ông Massa: “Thật tuyệt vời, bạn của tôi”. Celso Amorim, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Lula Da Silva, gọi kết quả này là “sự nhẹ nhõm và hy vọng mới”, mặc dù ông cảnh báo rằng “cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc”. Paulo Pimenta, Bộ trưởng Truyền thông của Brazil, đã viết trên mạng xã hội X: “Nền dân chủ muôn năm!”.
Phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ đầy phấn khích tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, ông Massa cam kết sẽ lãnh đạo một chính phủ đoàn kết dân tộc, sẽ khởi động “một giai đoạn mới trong lịch sử chính trị của
Argentina”. “Hãy biết rằng, với tư cách là tổng thống, tôi sẽ không làm bạn thất vọng”, ông nói, đồng thời hứa hẹn “một đất nước không có bất ổn”. “Argentina là một gia đình lớn và điều họ cần là ai đó làm việc 24/7 để bảo vệ họ”.
Đối với ông Milei, thất bại ở vòng 1 không làm ông thất vọng, mà ngược lại ông tiếp tục nuôi hy vọng “làm nên chuyện” và thực hiện lời hứa “đô la hóa” nền kinh tế Argentina và hủy bỏ việc sử dụng đồng nội tệ của đất nước. Một chủ trương hết sức táo bạo và bị đánh giá là “điên rồ”.
Milei là một nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do, người chỉ bước chân vào thế giới chính trị khi ông được bầu vào quốc hội năm 2021. Rõ ràng ông ta là một người “ngoại đạo” với giới chính trị, nhưng trước ngày bầu cử diễn ra đã liên tục tạo nên một hiện tượng chính trị kỳ lạ, liên tục dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò cử tri và thậm chí là đã có thể giành chiến thắng một cách ngoạn mục nếu cuộc bầu cử được tổ chức sớm hơn vài tháng.
Với sự thăng hoa trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Milei từng được nhiều người coi là vị tổng thống “không có gì phải bàn cãi”, đặc biệt hấp dẫn đối với những nam thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã giành được 30% phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi đầu tháng 8 vừa qua, so với 28% dành cho Patricia Bullrich của United for Change và 27% dành cho ứng cử viên Peronist Massa. Sự trỗi dậy của ông Milei không có gì đáng mê hoặc. Là nhà kinh tế học lâu năm của tỷ phú người Argentina Eduardo Eurnekian, ông ta đã trở thành ngôi sao truyền hình cách đây 5 năm với tư cách là một nhà kinh tế học có mái tóc hoang dã và huấn luyện viên tình dục, người đã khoe khoang trên truyền hình về khả năng quan hệ tình dục “dẻo dai” và sở thích quan hệ tình dục kỳ quái của mình.
Ông bị cánh tả và các thành phần xã hội khác, đặc biệt là những con chiên ngoan đạo Thiên Chúa giáo chỉ trích là báng bổ tôn giáo và “đầu óc có vấn đề” khi ông có những lời lẽ xúc phạm nặng nề đối với đức Giáo hoàng Francis (người gốc Argentina). Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Milei đã có nhiều cử chỉ, hành động và tuyên bố chủ trương mang tính chất kỳ quái và được nhiều người gọi với biệt danh “người sói” (một phần do bộ râu quai nón khiến ông trong giống người sói thật), đồng thời ví von với ông Trump hay cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Kết quả bầu cử ngày 22/10 khiến Argentina sẽ phải đối mặt thêm gần một tháng bất ổn sâu sắc, hỗn loạn kinh tế và tin giả trước cuộc đọ sức giữa hai ông Massa và Milei. Chiến thắng của ông Massa ở vòng 2 không được đảm bảo vì nhiều cử tri cánh hữu của ứng cử viên Bullrich có thể sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho ông Milei. Trong phát biểu chấp nhận thất bại vào tối 22/10, bà Bullrich đã gợi ý rằng bà sẽ “ủng hộ” ông Milei, thề sẽ không bao giờ trở thành “đồng minh” với những người theo chủ nghĩa dân túy Peronist mà bà cáo buộc là đã làm nghèo Argentina.
Video đang HOT
Phe cực hữu trong khu vực cũng đang “phản công” mạnh mẽ sau đòn thất bại của ông Milei. Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, đã bay tới Buenos Aires, thủ đô Argentina, với hy vọng ăn mừng “chiến thắng của phe cực hữu”, theo cách tương tự như cuộc bầu cử năm 2018 của cha mình ở Brazil. Thế nhưng, do ông Milei thất bại, Eduardo cũng nổi cáu và tuyên bố vòng 2 sẽ chứng kiến một “Milei trở lại ngoạn mục” để “đánh bại phe cánh tả” của ông Massa.
Bầu cử Argentina: Ứng cử viên cực hữu trỗi dậy và đồng peso chìm xuống
Trong khi ứng viên Javier Milei đang nhận thêm nhiều sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Argentina năm nay với hứa hẹn "đô la hóa" nền kinh tế thì ở chiều ngược lại, đồng peso của quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục giảm mạnh.
Cuộc tấn công vào đồng peso
Javier Milei vẫn chỉ là ứng cử viên cho chức Tổng thống Argentina. Nhưng, chính trị gia 52 tuổi này đã một tay gây ra cú sốc tài chính đối với một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh.
Những người tham dự buổi vận động tranh cử của ông Milei giơ cao bức ảnh ghép ứng cử viên cực hữu này với tờ USD. Ảnh: France 24
Giá trị của đồng tiền Argentina đang giảm mạnh dưới sự chỉ trích từ Milei, một chính trị gia theo chủ nghĩa tự do cực hữu, người đã trở thành ứng cử viên tổng thống hàng đầu khi hứa sẽ thay thế đồng peso của Argentina bằng đồng đô la Mỹ (USD).
Ngày 9/10, Milei tiếp tục tấn công đồng peso bằng cách khuyên can người Argentina đừng tiết kiệm bằng loại tiền này. Ông Milei nói trên một chương trình phát thanh nổi tiếng: "Peso là tiền tệ do chính trị gia Argentina phát hành và do đó không có giá trị gì cả".
Ông Javier Milei (cầm xẻng) tuyên bố sẽ xóa bỏ Ngân hàng Trung ương Argentina và "đô la hóa" nền kinh tế nếu đắc cử Tổng thống. Ảnh: Buenos Aires Times
Chỉ riêng trong ngày hôm đó, tỷ giá hối đoái peso không chính thức, phản ánh định giá tiền tệ của thị trường ở Argentina, đã giảm 7% và sau đó giảm thêm 10% vào chiều 10/10.
Với tỷ giá hối đoái không chính thức đó, 1 USD có thể đổi được tới 1.035 peso, lần đầu tiên đồng tiền Argentina vượt qua cột mốc 1.000 peso đổi 1 USD. Trước khi Milei giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 14/8 vừa qua, 1 USD đổi được 660 peso. Trong khi hồi tháng 4/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch tại Argentina, tỷ giá này là 80 peso ăn 1 USD.
Sự leo thang của cuộc khủng hoảng tiền tệ đã khiến Ngân hàng Trung ương Argentina, cơ quan mà Milei đã hứa sẽ đóng cửa nếu đắc cử, đưa ra một tuyên bố đặc biệt: "Argentina duy trì một hệ thống tài chính có tính thanh khoản và khả năng thanh toán". Cơ quan này cũng khẳng định rằng đồng peso sẽ được giữ ở mức 350 ăn 1 USD cho đến cuộc bầu cử tháng 10. Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Argentina cũng phải phát đi lời kêu gọi các ứng cử viên "thể hiện trách nhiệm trong các chiến dịch và tuyên bố công khai của họ".
Khi khó khăn kinh tế vẫn là nỗi ám ảnh
Ông Javier Milei đã gây sốc cho Argentina - và cả thế giới - sau khi giành được nhiều phiếu bầu nhất so với bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống vào ngày 14/8 vừa qua.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Argentina còn lại, bà Patricia Bullrich và ông Sergio Massa đều cáo buộc ông Javier Milei phá hoại nền kinh tế. Ảnh: Buenos Aires Times
Thử thách lớn tiếp theo của ông Milei sẽ diễn ra vào cuối tháng này với cuộc tổng tuyển cử, mặc dù những thăm dò dư luận gần đây cho thấy, nhiều khả năng phải có cuộc bầu cử vòng 2 vào tháng 11 mới tìm ra người chiến thắng. Nhưng, sự nổi tiếng bất ngờ của ông Milei đã khiến cộng đồng chính sách tài chính của Argentina cảnh giác và tạo ra những tác động tới nền kinh tế.
Alejandro Werner - Giám đốc Viện Georgetown Americas và đồng tác giả của "Argentina at the Fund", một cuốn sách về nền kinh tế Argentina, cho biết: "Mọi người đang tìm kiếm một giải pháp thay thế khác. Bởi Argentina là một nền kinh tế trì trệ nhất trong 2 thập kỷ qua".
Ông Milei là nhà lập pháp ở Hạ viện Argentina kể từ năm 2021 và trở nên nổi tiếng với những quan điểm cực đoan như phủ nhận vai trò của con người trong vấn đề biến đổi khí hậu, tư nhân hóa các ngành công nghiệp trụ cột của đất nước, tự do hóa các quy tắc liên quan đến quyền sở hữu súng và loại bỏ các lớp giáo dục giới tính trong trường học...
Chính trị gia 52 tuổi này cũng thích được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Jair Bolsonaro, cựu tổng thống cực hữu của Brazil thường xuyên có những phát biểu công kích chính phủ, đồng thời cho biết ông có một kế hoạch chấn hưng Argentina trong vòng... 35 năm, với hơn 60 cải cách trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và chính sách, cùng những lĩnh vực khác.
Theo giới quan sát, sự thăng tiến của ông Milei có được là nhờ bối cảnh Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ Latinh, chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây. Cùng với gánh nặng nợ nần thì lạm phát, vốn là điểm đau đầu nhất của Argentina, dự kiến sẽ tăng hơn 140% trong năm nay.
Với giá cả quá cao, người Argentina phải đi du lịch với rất nhiều tờ tiền có giá trị ngày càng giảm đi. Chính phủ Argentina đã phát hành tờ 2.000 peso nhưng nó hiện có giá trị chưa đến 2 USD. Để mua những món đồ đắt tiền, chẳng hạn như bất động sản hoặc ô tô, người Argentina phải trả bằng tờ 100 USD.
Và, để có được những tờ tiền đó, họ thường phải mua chúng từ những người đổi tiền bất hợp pháp, những người chào bán USD ở trung tâm thủ đô Buenos Aires giống như những kẻ buôn bán ma túy, bởi vì chính phủ liên bang thiếu USD đã áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt về số lượng tiền mà mọi người có thể mua một tuần.
Ông Javier Milei và "phó tướng" Victoria Villarruel, người cũng là một chính trị gia cực hữu nổi tiếng.
Theo các chuyên gia, một số vấn đề của Argentina đến từ các yếu tố kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng phần lớn, đến từ việc chính phủ quốc gia Nam Mỹ này đã chi nhiều hơn mức cần thiết để chi trả cho các trường đại học, y tế, năng lượng và phương tiện giao thông công cộng miễn phí hoặc được trợ giá cao. Để có đủ tiền cho tất cả những điều này, Argentina thường in thêm đồng peso.
Kết quả là sự thiếu tin tưởng vào đồng tiền ngày càng tăng, buộc chính phủ phải tạo ra hơn chục tỷ giá hối đoái khác nhau cho đồng peso, vì tỷ giá hối đoái chính thức của chính họ không còn phản ánh giá trị thị trường. Tỷ giá mới bao gồm một tỷ giá dành cho khách du lịch, tỷ giá khác dành cho các nhà xuất khẩu đậu nành và một tỷ giá khác dành cho những người Argentina đến Qatar để xem đội tuyển bóng đá của họ vô địch World Cup 2022.
Cái gọi là "Đô la xanh" - tỷ giá song song quan trọng nhất, được đặt ra bởi một nhóm các công ty tài chính và xuất hiện trực tiếp trên các bản tin truyền hình - là cách mà hầu hết người Argentina chuyển đồng peso của họ sang USD trên thị trường bí mật. Mới đây, nhằm xoa dịu một số lo ngại trên thị trường, Chính phủ Argentina đã hợp nhất một số tỷ giá đó thành một tỷ giá mới mà người dân nước này gọi là "Đồng đô la bầu cử".
Phía trước nhiều diễn biến khó lường
Trong bối cảnh ấy, những phát biểu của ông Milei càng làm bức tranh tiền tệ tại Argentina thêm thê thảm. Marina Dal Poggetto, một nhà kinh tế người Argentina và là cựu chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Trung ương nước này, cho biết những bình luận của ông Milei đang tạo ra "sự gia tăng lạm phát hoặc tạo ra vấn đề nghiêm trọng với hệ thống ngân hàng và đó là điều mà ông ấy đang khuyến khích".
Lạm phát phi mã khiến người dân Argentina phải nát óc suy nghĩ mỗi khi mua sắm các nhu yếu phẩm. Ảnh: BBC
Ứng cử viên đảng Mặt trận Đổi mới, Sergio Massa - Bộ trưởng Kinh tế Argentina và cũng là đối thủ chính của ông Javier Milei, đã cáo buộc ứng cử viên này cố tình gây bất ổn cho đồng tiền Argentina để tạo khủng hoảng trước cuộc bỏ phiếu.
Sau đó đến lượt Patricia Bullrich, một ứng cử viên tổng thống trung hữu, lên tiếng. Bà này đổ lỗi cho cả ông Milei và chính phủ hiện tại trong một cuộc phỏng vấn trong cuộc vận động tranh cử, với lập luận rằng chính phủ đang cố gắng giảm thuế mà không cắt giảm chi tiêu, trong khi ông Milei thì bằng những phát biểu "đổ thêm dầu vào lửa" đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Về phần mình, ông Milei thản nhiên đáp lại những lời chỉ trích bằng một tuyên bố trrong sự kiện với các doanh nhân được tổ chức vào tuần trước, rằng giá trị của đồng peso càng thấp thì Argentina càng dễ "đô la hóa".
Theo các nhà phân tích chính trị, nếu được bầu làm tổng thống, ông Javier Milei có thể sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện đề xuất của mình. Ông có thể sẽ cần bơm 40 tỷ USD để đổi tiền tệ chính thức của Argentina, mặc dù không rõ ông có thể nhận được số tiền đó hay không. Argentina hiện đang gặp khó khăn trong việc trả khoản nợ 44 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Milei cũng nói rằng Quốc hội Argentina sẽ phải thông qua nhiều đề xuất của ông, bao gồm cắt giảm sâu chi tiêu công, loại bỏ nhiều loại thuế và tư nhân hóa tất cả các công ty nhà nước của đất nước. Nhưng, đảng chính trị non trẻ của Milei, La Libertad Avanza, nhiều khả năng chỉ kiểm soát một phần nhỏ số ghế trong quốc hội, buộc ông phải liên minh với các đảng khác mà ông đã mạnh miệng gọi là "tội phạm".
Cuối cùng, một thách thức lớn cũng vừa đến với ông Milei. Một công tố viên hôm 14/10 đã khởi tố vụ án hình sự chống lại ông với cáo buộc ứng cử viên này cố tình khiến đồng tiền Argentina rớt giá mạnh khi khuyến khích người dân không tiết kiệm bằng đồng peso. Đích thân Tổng thống Argentina, ông Alberto Fernández đã kêu gọi điều tra trong một đơn khiếu nại, nói rằng ông Javier Milei đang cố gắng hù dọa công chúng và hành động của ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu này là "sự xúc phạm nghiêm trọng đối với hệ thống dân chủ".
Nếu bị kết tội kích động sự sợ hãi của công chúng, ông Javier Milei có thể phải chịu án tù lên đến 6 năm. Theo báo Buenos Aires Times, Thẩm phán Tòa án Liên bang Argentina, María Servini hiện vẫn đang xem có đủ bằng chứng để truy tố ông Javier Milei hay không.
Argentina: Sự cuồng tín của "kẻ ngoại đạo" cực hữu Cuộc bầu cử Tổng thống Argentina vào tháng 10/2023 đang có một hiện tượng lạ: Chỉ duy nhất một ứng cử viên ra tranh cử và người đó lại là một "kẻ ngoại đạo" với cả chính trị và tôn giáo, mang tư tưởng cực hữu, khiến cho nhiều người lo ngại, kể cả Giáo hoàng Francis... Javier Milei tự nhận mình là...