Bầu cử tại Argentina và Uruguay : Đi tìm sự thay đổi
Bầu cử tại hai quốc gia Mỹ Latin này cho thấy cử tri tìm kiếm chính trị gia có tâm và có tầm để giải quyết vấn đề cấp bách của đất nước. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống đắc cử Alberto Fernandez và Phó Tổng thống đắc cử Cristina Kirchner. (Nguồn: AP)
Ngày 28/10, kết quả bầu cử tại Uruguay và Argentina đã được công bố. Theo đó, không bất ngờ diễn ra tại Montevideo khi liên minh cầm quyền Frente Amplio (FA) của ông Daniel Martinez giành được 40,7% số phiếu, con của cựu Tổng thống Luis Alberto Lacallme, luật sư Luis Lacalle Pou của đảng bảo thủ Quốc gia (PN) được 29,9%, theo sau là ứng cử viên Ernesto Talvi của đảng Colorado (11,8%) và Guido Manini Rios của đảng Cabildo Abierto (9,6%).
Như vậy, theo Luật pháp Uruguay, ông Martinez và ông Lacalle sẽ tham gia bầu cử vòng 2 để xác định người chiến thắng. Dự kiến, đây sẽ là một cuộc đua song mã gắt gao: Xuất thân từ chính đảng truyền thống cầm quyền trong 14 năm cùng tỷ lệ ủng hộ nhỉnh hơn là lợi thế của ông Martinez, song ông Lacalle cũng chẳng vừa khi nhận được cam kết ủng hộ của hai đảng là Colorado và Cabildo Mở cửa, đủ số phiếu cần thiết để chiến thắng bầu cử lần 2. Kẻ thắng người thua sẽ do cử tri định đoạt vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, kết quả tại Buenos Aires lại rõ ràng hơn nhiều. Đương kim Tổng thống Mauricio Macri đã thất bại khi chỉ giành được 40,8% số phiếu và người đánh bại ông là ứng cử viên Alberto Fernandez của đảng Frente de Todos chưa đầy ba tháng tuổi với 48%.
Tuy nhiên, giới truyền thông lại dành nhiều sự chú ý cho ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Fernandez, cựu Tổng thống Cristina Fernandez Kirchner. Bà Kirchner là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Argentina thời gian qua, dù là trên cương vị Đệ nhất Phu nhân, Tổng thống trong hai nhiệm kỳ hay ứng cử viên Phó Tổng thống. Chính sách cứng rắn của bà trong nhiều vấn đề, từ quốc hữu hóa quỹ trợ cấp và công ty năng lượng YPF, sa thải giám đốc Ngân hàng Trung ương, tăng cường ngân sách cho nghiên cứu khoa học cơ bản và cải thiện quyền con người đã mang lại kết quả rõ rệt, mở rộng tầng trung lưu. Sự hiện diện của bà đã đóng vai trò không nhỏ trong chiến thắng của ông Fernandez tại cuộc bầu cử vừa qua.
Video đang HOT
Điểm chung ở hai cuộc bầu cử này là ước vọng của cử tri nhằm tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nghiêm trọng đang chi phối đất nước.
Với Montevideo, đó là tăng trưởng trì trệ và tình trạng tội phạm ngày một gia tăng. Tỷ lệ phạm tội lần đầu chạm mức 2 con số (11,8 vụ giết người/100.000 dân) năm 2018 đã kéo tốc độ phát triển kinh tế xuống còn 0,6%. Đây là vấn đề trọng tâm được các chính đảng tham gia tranh cử quan tâm, cho dù đó có là FA, PN, Colorado hay Cabildo Abierto.
Với Buenos Aires, đó là tình trạng “giật lùi” của nền kinh tế. Bước vào nhiệm kỳ với cam kết giảm nghèo đói xuống mức zero, song ông Macri sẽ rời nhiệm sở khi đồng Argentina peso trượt giá, tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức kỷ lục 56% và số người sống dưới mức nghèo khó tăng từ 29 lên 35%. Việc bầu cho ông Fernandez cho thấy cử tri đã đặt hy vọng vào khả năng quản lý của ông như thời còn đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Nội các (tương đương Thủ tướng) Argentina trong giai đoạn “hoàng kim” những năm 2000. Phát biểu sau chiến thắng, ông Fernandez khẳng định sẽ tôn trọng quyết định vay nợ 57 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của ông Macri, song với nhiều thay đổi như tăng lương, cải thiện trợ cấp và hưu trí cho lao động.
Tuy nhiên, ước vọng là một chuyện, thực hiện ra sao lại là chuyện khác. Ý chí, tài năng, nhạy cảm chính trị đôi khi vẫn chưa đủ nếu thiếu một chút may mắn. Khi ấy, chỉ thời gian mới có thể trả lời cho những nỗ lực của lãnh đạo Uruguay và Argentina nhằm tìm lại hào quang năm nào.
Lưu Huỳnh
Theo baoquocte
Lá phiếu vì tương lai đất nước
Theo thông báo của Cơ quan Bầu cử quốc gia Argentina (DINE) sau khi đã kiểm 99% số phiếu bầu, ứng cử viên Alberto Fernandez đã giành thắng lợi với hơn 48 % số phiếu ủng hộ.
Trong một ngày lịch sử được đánh giá là có tính quyết định tới tương lai của đất nước, nhân dân Argentina đã đặt niềm tin vào sự trở lại của lực lượng cánh tả từng đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử năm 2001, thông qua việc bầu chọn ứng cử viên đại diện cho liên minh trung tả Frente de Todos (Mặt trận của tất cả mọi người), ông Alberto Fernandez trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia Nam Mỹ trong 4 năm tới.
Theo thông báo của Cơ quan Bầu cử quốc gia Argentina (DINE) sau khi đã kiểm 99% số phiếu bầu, ứng cử viên Alberto Fernandez đã giành thắng lợi với hơn 48 % số phiếu ủng hộ, trong khi đương kim Tổng thống Mauricio Macri, đại diện cho liên minh trung hữu Juntos por el Cambio (Đoàn kết vì sự thay đổi) nhận được 40,44% phiếu bầu.
Ứng viên đối lập Argentina Alberto Fernandez phát biểu trước những người ủng hộ sau khi đắc cử Tổng thống Argentina, tại Buenos Aires ngày 27/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiến thắng của liên minh Frente de Todos cho thấy sự khát khao thay đổi của một bộ phận lớn người dân Argentina khi đời sống của tầng lớp trung lưu và người nghèo đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong hơn 1 năm qua, trong bối cảnh đồng peso nội tệ liên tục lao dốc (đã mất giá tới 70%), giá cả của hầu hết các dịch vụ công cộng và các mặt hàng cơ bản đều tăng chóng mặt, trong khi mức lương cơ bản và các khoản trợ cấp xã hội không được cải thiện nhiều khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình dường như bị "bóp nghẹt".
Đây cũng là minh chứng cho sự thất bại của mô hình phát triển kinh tế theo đường lối tự do mới mà chính phủ cánh hữu của Tổng thống Macri theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền. Sai lầm trong việc đưa vào thực thi các chính sách thiếu kiểm soát khiến cho nền kinh tế Argentina trong những năm qua liên tục rơi vào suy thoái không lối thoát.
Những cam kết "đưa tỷ lệ người nghèo về 0", cũng như cải thiện đời sống của người dân mà Tổng thống Macri đã đưa ra khi lên nắm quyền không những không thể thực hiện được, mà tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi số người nghèo đã tăng thêm hơn 4 triệu người trong 4 năm qua, chiếm tới hơn 32% dân số, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới trên 10%.
Thậm chí, sau nhiều năm dưới thời các chính phủ cánh tả, Argentina không phải phụ thuộc vào các tổ chức tài chính quốc tế trong quá trình thúc đẩy phát triển đất nước kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2001, thì tới năm 2018, chính phủ của ông Macri đã phải viện tới sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với khoản vay lên tới 56 tỷ USD để tìm cách đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi khủng hoảng, song kèm với đó là những điều kiện ngặt nghèo khiến chính phủ phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu công, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Và thực tế là chính phủ của Tổng thống Macri sẽ để lại một "di sản" không mấy sáng sủa với mức nợ công lên tới gần 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ lạm phát lên tới trên 50% và đó sẽ là những thách thức vô cùng lớn đối với chính phủ kế nhiệm.
Sự quay trở lại của liên minh trung tả tại Argentina sau 4 năm cũng mang một ý nghĩa lớn lao đối với phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này đang trải qua nhiều biến động và bị chia rẽ sâu sắc. Một loạt những sáng kiến hội nhập khu vực ra đời trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã bị "phớt lờ" hoặc xóa bỏ khi các chính phủ cánh hữu lên nắm quyền tại Argentina, Brazil, Chile và Ecuador, trong khi những nước theo đường lối cánh tả còn lại ở khu vực như Venezuela và Bolivia đang chịu nhiều sức ép từ bên ngoài.
Chính vì vậy, dư luận tiến bộ ở Mỹ Latinh hy vọng việc liên minh trung tả Frente de Todos quay trở lại nắm quyền sẽ tạo ra được sự cân bằng hơn trong mối quan hệ giữa các nước Mỹ Latinh. Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero khẳng định ông Alberto Fernandez có thể sẽ trở thành một nhân tố quan trọng giúp khôi phục và thúc đẩy tình đoàn kết ở khu vực Mỹ Latinh.
Ông Fernandez từng giữ chức Chánh văn phòng nội các trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Nestor Kirchner và một thời gian dưới quyền của cựu Tổng thống Cristina Fernandez với những cống hiến hiệu quả cho những thành công của chính phủ Argentina thời đó. Tháng 5 vừa qua, ông được chính cựu Tổng thống Cristina Fernandez đề nghị ra tranh cử tổng thống. Ngay lập tức, chính trị gia này đã thể hiện được sức hút đối với công chúng bằng sự quyết đoán, song cũng hết sức hài hòa, đặc biệt là khả năng đối thoại giúp ông Alberto Fernandez tạo được sự liên kết giữa các đảng phái tham gia vào liên minh Frente de Todos.
Có thể nói, chiến thắng của liên minh Frente de Todos với đại diện là ông Alberto Fernandez cũng là một "món quà" xứng đáng đối với cựu Tổng thống Cristina Fernandez, người sẽ trở lại với vai trò là Phó Tổng thống trong chính quyền sắp tới. Mặc dù vẫn là một người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường Argentina và nhận được sự ủng hộ rất lớn của quần chúng nhân dân, song bà Cristina Fernandez đã có một quyết định chiến lược khi đặt niềm tin vào ông Alberto Fernandez để tạo ra một cặp ứng cử viên vừa có sự mềm mại, ôn hòa với các chính đảng khác nhưng vẫn giữ được sức ảnh hưởng trong nhân dân. Việc bà kết hợp với ông Alberto Fernandez đã tạo ra một liên danh đủ sức hút để quy tụ các thành phần chính trị và xã hội rộng rãi nhất nhằm đưa đất nước theo con đường phát triển vì tất cả mọi người, chính sách mà bà đã theo đuổi trong 2 nhiệm kỳ nắm quyền trước đây.
Phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Alberto Fernandez đã cảm ơn sự tin tưởng của cá nhân bà Cristina, cũng như tất cả những người đã ủng hộ ông trong suốt thời gian vừa qua, đồng thời khẳng định đất nước Argentina đã bước sang trang sử mới với những hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc để có thể đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn hiện nay và xây dựng một đất nước hùng mạnh mà người dân Argentina xứng đáng được hưởng cho dù những thách thức trước mặt không hề nhỏ.
Thắng lợi trong cuộc bầu cử cũng thể hiện sự tin tưởng mà nhân dân Argentina đã gửi tới liên minh trung tả Frente de Todos trong giai đoạn mới của đất nước, song trên thực tế đây mới chỉ là sự khởi đầu của giai đoạn vô cùng khó khăn trước mắt để đưa đất nước Argentina trở lại con đường phát triển. Tổng thống đắc cử Alberto Fernandez và liên minh Frente de Todos, sẽ còn nhiều việc cần làm để đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của hơn 40 triệu người dân quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Hoài Nam (Pv TTXVN tại Argentina)
Cử tri Argentina bầu Tổng thống, ứng cử viên đối lập chiếm ưu thế 34 triệu cử tri Argentina hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này. Các điểm bỏ phiếu trên cả nước bắt đầu mở cửa lúc 8h giờ địa phương (tức 18h giờ Việt Nam) và dự kiến kết thúc lúc 18h cùng ngày. Kết quả sơ bộ sẽ bắt đầu được công bố sau đó 3 tiếng....