Bầu cử Mỹ: 7 ứng viên tổng thống còn lại trước ngày Siêu thứ ba
Ngày 1.3 này, 2 ứng cử viên đảng Dân chủ và 5 ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ bước vào ngày Siêu thứ ba gay cấn trong cuộc đua tới Nhà Trắng.
Bà Hillary Clinton và tỉ phú Donald Trump vẫn đang là các ứng cử viên có lợi thế ở đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa – Ảnh: Reuters
Thứ ba 1.3 là một dấu mốc quan trọng đối với các ứng cử viên đang nuôi tham vọng trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ngày Siêu thứ ba sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại 12 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ.
Trải qua một hành trình với những khoản tiền vận động tranh cử lên đến gần một tỉ USD, theo thống kê của Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ, nhưng đến thời điểm này chỉ còn lại 2 ứng cử viên đảng Dân chủ và 5 ứng cử viên đảng Cộng hòa kiên trì với cuộc đua vào Nhà Trắng. Hôm 20.2, ứng cử viên đảng Cộng hoà Jeb Bush, con trai cựu tổng thống George H.W. Bush và em trai cựu tổng thống George W. Bush, đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử sau kết quả thất vọng tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Nam Carolina.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà Hillary Clinton đã thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ tại 3/4 bang – Ảnh: Reuters
Ngay từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã được xem là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ. Đến nay, bà Hillary có nhiều cơ hội để trở thành đại diện của đảng Dân chủ, nhất là sau khi bà giành ưu thế tại cuộc bầu cử sơ bộ ở 3 trên 4 bang, đặc biệt là lần thắng đậm tại bang Nam Carolina hôm 27.2.
Bà Hillary từng thua tổng thống Barack Obama và rồi sau đó trở thành ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama. Trong cuộc đua năm 2016, dù được đánh giá cao nhưng bà cũng phải đối diện với vụ bê bối dùng email cá nhân cho công vụ khi còn làm ngoại trưởng.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là đối thủ duy nhất của bà Hillary Clinton tại đảng Dân chủ – Ảnh: Reuters
Ông Bernie Sanders hiện là đối thủ duy nhất của bà Hillary Clinton tại đảng Dân chủ. Chính trị gia này cũng là ứng cử viên lớn tuổi nhất còn lại trong cuộc đua vào Nhà Trắng khi năm nay đã 74 tuổi. Sau cuộc bầu cử sơ bộ ở 4 bang, ông Sanders đang yếu thế so với bà Hillary khi chỉ chiến thắng ở một bang duy nhất là New Hampshire. Tuy vậy, thượng nghị sĩ bang Vermont vẫn lạc quan: “Chiến dịch này mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi đã có chiến thắng quyết định ở bang New Hampshire. Bà ấy (Hillary) thắng ở Nam Carolina. Bây giờ là ngày Siêu thứ ba”.
Thượng nghị sĩ Sanders thời gian gần đây bị chỉ trích là phân biệt giới tính và màu da trong các phát biểu của mình. Ngoài ra, ông Sanders còn “đánh” đối thủ của mình khi cho rằng bà Clinton không thể thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ và cáo buộc bà Hillary lợi dụng những cử tri gốc Phi ủng hộ Tổng thống Barack Obama.
Video đang HOT
Tỉ phú Donald Trump
Tỉ phú Trump vẫn là tâm điểm của dư luận – Ảnh: Reuters
Là người được giới truyền thông chú ý ngay từ khi tuyên bố tranh cử, tỉ phú Donald Trump đã trở thành tâm điểm của đảng Cộng hòa giữa 17 ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng này. Điều đáng nói là dù liên tục bị chỉ trích vì các phát ngôn gây sốc, thậm chí làm mất lòng những chính khách hàng đầu của Mỹ như Tổng thống Obama, tỉ phú này vẫn liên tục “thống trị” trên các phương tiện truyền thông và nhận được sự ủng hộ lớn trong các cuộc thăm dò dư luận.
Ông Trump đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bàng New Hampshire, Nam Carolina và Nevada, bỏ xa các đối thủ còn lại. Những kết quả này khiến nhiều người lo ngại tỉ phú này sẽ có nhiều cơ hội đại diện cho đảng Cộng hòa, và nếu ông ta lên làm tổng thống Mỹ thì nhiều chuyện sẽ thật khó lường.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio – Ảnh: Reuters
Là một trong 5 ứng cử viên còn lại của đảng Cộng hòa kiên trì với cuộc đua vào Nhà Trắng, thượng nghị sĩ bang Florida, ông Marco Rubio vẫn đang nỗ lực để giành tấm vé duy nhất đại diện cho đảng mình.
Ông Rubio từng bị tỉ phú Trump chế giễu, thậm chí nói rằng Rubio “giống như một chú chó con run rẩy và sợ hãi”. Hai ứng cử viên này cũng từng có cuộc đấu khẩu trên sóng truyền hình. Ông Rubio mới đây đã tạo ra một làn sóng trên Twitter để phản đối Trump với hashtag #NeverTrump, thu hút hơn 8.000 lượt thích và 5.100 lượt chia sẻ.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz
Thượng nghị sĩ bang Texas, ông Ted Cruz – Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ bang Texas, ông Ted Cruz cùng với thượng nghị sĩ Marco Rubio được coi là hai ứng cử viên có thể đối đầu với tỉ phú Trump. Là người đầu tiên chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Ted Cruz cũng là người tạo được dấu ấn khi vượt mặt tỉ phú Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa vào ngày 1.2.
Thượng nghị sĩ này cũng không tránh khỏi những lần lời qua tiếng lại với ông Trump trong các lần tranh luận. Tỉ phú Trump cho rằng ông Cruz không đủ điều kiện để trở thành tổng thống Mỹ vì sinh ra ở thành phố Calgary của Canada. Tuy nhiên các luật sư cho rằng ông Cruz không vi phạm bất cứ điều luật nào trong việc tham gia tranh cử tổng thống.
Bác sĩ Ben Carson
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Ben Carson – Ảnh: Reuters
Là một bác sĩ giải phẫu thần kinh sinh năm 1951, ông Ben Carson tham gia tranh cử tổng thống Mỹ nhưng không giành được nhiều sự quan tâm. Ông hiện vẫn chưa có được thắng lợi nào tại 4 bang đã bầu cử sơ bộ và giới quan sát cũng không đưa ra nhận định nào cho thấy bất ngờ sẽ tới trong ngày Siêu thứ ba đối với ông.
Phát ngôn đáng chú ý nhất của nhà giải phẫu thần kinh này là tư tưởng cứng rắn khi nói Mỹ nên lập một vùng cấm bay tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, và nếu đã cảnh báo mà máy bay Nga vẫn bay vào vùng này thì phải bắn hạ.
Ông John R. Kasich
Thống đốc bang Ohio, ông John Kasich vẫn kiên trì với cuộc đua vào Nhà Trắng – Ảnh: Reuters
Ứng cử viên cuối cùng vẫn kiên trì cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa là ông John Kasich, thống đốc thứ 69 của bang Ohio. Ông không gây được sự chú ý nhiều và cũng chưa giành được thắng lợi nào tại các bang đã bầu cử sơ bộ.
Về mặt lý thuyết, chính trị gia 63 tuổi này vẫn còn cơ hội đặc biệt là trong ngày Siêu thứ ba hôm nay. Nếu ai trong số các ứng cử viên này giành thắng lợi thì đó chắc chắn là ưu thế lớn trên hành trình tìm người đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Bang Iowa 'nóng' lên trước giờ khởi động bầu cử tổng thống Mỹ
Ngày 1.2 này cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 chính thức khởi đầu tại bang Iowa, hứa hẹn sẽ rất gay cấn vì khoảng cách trong tỉ lệ ủng hộ của các ứng viên rất sít sao.
Các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sắp đo lường được hiệu quả vận động tranh cử lâu nay của họ, vì bang Iowa thường có "duyên" dự đoán chính xác tổng thống tương lai, theo AFP.
Năm nay bang Iowa vẫn tiến hành bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) để bầu chọn ứng viên tranh cử tổng thống dự đại hội đảng. Do vậy các ứng viên tranh cử của hai đảng vẫn tiếp tục các bài diễn thuyết trước cử tri và đưa ra số tiền vận động được nhằm chứng tỏ khả năng theo đuổi chiến dịch tranh cử tổng thống lâu dài.
Các ứng viên được chọn từ cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa, cũng như các cuộc bầu cử ở những bang khác sau đó, sẽ được chọn làm đại diện đi dự đại hội đảng, nơi tiếp tục diễn ra cuộc bỏ phiếu để chọn duy nhất một người của mỗi đảng tham gia tranh cử tổng thống Mỹ.
Cho đến trước buổi họp kín ở Iowa, bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders đang dẫn đầu các cuộc khảo sát về tỉ lệ ủng hộ, theo thăm dò của Bloomberg. Cả hai người này cũng đã phát biểu trước đám đông tại thành phố Des Moines của Iowa ngay trước giờ bầu cử, theo The Guardian.
Ông Sanders cho biết đã vận động được tới 20 triệu USD trong tháng 1.2016, gấp đôi tốc độ gây quỹ trước đó. Bà Clinton không công bố số tiền tới nay, nhưng hôm 31.1 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nhận được "món quà" 6 triệu USD từ một quỹ độc lập ủng hộ bà Clinton của tỉ phú George Soros, AFP dẫn thông tin từ báo The Hill.
Trong khi đó ở đảng Cộng hòa, tỉ phú Donald Trump cũng tạo ra cách biệt với hai đối thủ xếp sau là Marco Rubio và Ted Cruz theo cuộc khảo sát tương tự của Bloomberg.
Tổng cộng có 3 ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và 12 ứng viên của đảng Cộng hòa đã tổ chức các sự kiện họp mặt cử tri vào cuối tuần để tranh thủ vận động vào giờ chót, AFP cho biết.
Thực tế Iowa với số lượng cử tri ít ỏi so với các bang khác, sẽ không đóng góp quá nhiều vào kết quả chính thức của cuộc bầu cử Mỹ. Tuy vậy ít nhất từ "cái duyên" như đã nêu, Iowa vẫn có thể là điểm xuất phát đáng quan tâm, sáng tỏ một vài thực tế từ vị thế của các ứng viên tranh cử tổng thống.
Iowa sôi động trong đêm 31.1 với nhiều sự kiện họp mặt cử tri của các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ 2016 - Ảnh: Twitter
Cuộc họp kín tại Iowa sẽ giải đáp một số câu hỏi như liệu Donald Trump có thực sự được ủng hộ từ cử tri, hay đơn thuần họ chỉ "thích" các phát biểu của ông và trả lời qua loa cho các cuộc khảo sát. Tương tự, ông Bernie Sanders được cho nắm lợi thế từ các cử tri trẻ, nhưng liệu khi chính thức họp kín, những người trẻ có đi bầu hay không, theo CNN.
Ngoài ra, nếu đảng Cộng hòa gần như chắc chắn điền tên ông Trump và Cruz trong cuộc khảo sát qua, vị trí thứ ba sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Marco Rubio, Chris Christie và John Kasich, người được báo The New York Times đánh giá khá cao bất chấp tần suất xuất hiện trên báo đài khá ít ỏi.
Sau cuộc họp kín tại Iowa, các ứng viên tranh cử tổng thống sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu (theo cách truyền thống) ở bang New Hampshire vào ngày 9.2. Trong tháng này cũng sẽ có các cuộc bầu cử ở Nevada và Nam Carolina, lần lượt họp kín và bỏ phiếu ở hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở các ngày 20, 23 và 27.2.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Donald Trump lại thắng trong vòng bầu cử sơ bộ Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) của đảng Cộng hòa ở bang Nevada ngày 23.2, chiến thắng lần thứ ba liên tiếp của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ứng viên tổng thống Mỹ, tỉ phú Donald Trump tại trường trung học Palo Verde, ở thành...