Bầu cử Mỹ 2024: Nhiều bang đưa quyền phá thai vào lá phiếu
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, vấn đề quyền phá thai sẽ xuất hiện trên lá phiếu tại ít nhất 9 bang của Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới, trong đó có những bang chiến trường đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng viện.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, ngày 19/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Đảng Dân chủ đã nỗ lực vận động cho quyền phá thai với hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các cử tri thiên tả và độc lập. Trong số các bang mà cử tri sẽ quyết định có đảm bảo quyền phá thai hay không có Arizona và Nevada – những bang không chỉ có khả năng quyết định kết quả bầu cử tổng thống, mà còn cả các cuộc đua vào Thượng viện.
Quyền phá thai là vấn đề đã khiến đảng Cộng hòa đau đầu kể từ quyết định năm 2022 của Tòa án Tối cao Mỹ về việc xóa bỏ quyền phá thai trên toàn quốc. Việc dư luận phản ứng gay gắt đối với phán quyết này được cho là đã làm giảm lợi thế của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, cũng như thúc đẩy thành tích của đảng Dân chủ trong các cuộc đua cấp bang ở Kentucky và Virginia vào năm ngoái.
Những bang sẽ bỏ phiếu về việc đưa quyền phá thai vào hiến pháp của bang trong kỳ bầu cử tháng 11 tới bao gồm Arizona, Florida, Nevada, Missouri, South Dakota, Nebraska, Arkansas, Montana, Colorado, New York và Maryland.
Các quan chức bầu cử của bang Arizona đã phê duyệt đề xuất bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp bang nhằm cho phép tiến hành phá thai đối với thai nhi dưới 23-24 tuần tuổi. Các cuộc thăm dò cho thấy sẽ có cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump tại bang này trong kỳ bầu cử tháng 11 tới. Cuộc đua giành ghế Thượng viện giữa đảng viên Dân chủ Ruben Gallego và đảng viên Cộng hòa Kari Lake của bang là một trong số ít cuộc đua được kỳ vọng sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Tại bang Florida, Tòa án Tối cao của bang đã cho phép bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp bang nhằm bảo vệ quyền phá thai. Trong khi đó, bang chiến trường Nevada đã phê duyệt tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 11 để sửa đổi hiến pháp bang về bảo vệ quyền phá thai. Cử tri ở Missouri và South Dakota – những bang nổi tiếng về sự bảo thủ – cũng sẽ quyết định xem có nên bổ sung quyền phá thai vào hiến pháp bang hay không trong cuộc bầu cử tới. Còn bang Nebraska có thể phải đối mặt 2 cuộc bỏ phiếu nhằm lựa chọn bổ sung quyền phá thai hay đưa lệnh cấm hiện tại của bang – ngoại trừ các trường hợp hiếp dâm, loạn luân và đe dọa tính mạng của người mẹ – vào hiến pháp.
Ngoài ra, các bang Montana và Colorado cũng sẽ bỏ phiếu để bổ sung các biện pháp bảo vệ quyền phá thai vào hiến pháp của tiểu bang. Các nhà lập pháp ở hai tiểu bang khác đã chấp thuận các sửa đổi liên quan đến phá thai trong kỳ bầu cử vào tháng 11 tới là New York và Maryland. Hai bang này sẽ trưng cầu ý dân để sửa đổi hiến pháp bang, nhằm bổ sung nhiều biện pháp bảo vệ quyền phá thai hơn.
Iran yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng khi bị cáo buộc can thiệp bầu cử
Trong một tuyên bố, phái đoàn thường trực Iran tại Liên Hợp quốc nói rằng, Mỹ cần cung cấp cho chính quyền Iran bằng chứng sau khi cáo buộc nước này can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 12/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo hãng thông tấn TASS ngày 20/8, tuyên bố có đoạn: "Các cáo buộc này là vô căn cứ và không có cơ sở... Nếu chính phủ Mỹ thực sự tin vào cáo buộc này, họ cần cung cấp cho chúng tôi các tài liệu để chúng tôi có thể đưa ra phản hồi".
Trước đó, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) đã đưa ra tuyên bố chung, kết luận rằng Iran tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào trụ sở chiến dịch của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris.
Tình báo Mỹ nói rằng, thông qua các nỗ lực kỹ thuật trên mạng xã hội và các biện pháp khác, Iran đã tìm cách tiếp cận những cá nhân có quyền tiếp cận trực tiếp các chiến dịch tranh cử của cả hai đảng chính trị này.
Vào tháng 8, FBI đã xác nhận với TASS rằng họ đang điều tra một cuộc tấn công mạng được cho là do Iran thực hiện nhằm vào trụ sở chiến dịch của ông Trump. Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc nói với TASS rằng Iran không có ý định hoặc kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công mạng, nhấn mạnh rằng chính quyền Iran không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Thấy gì từ kết quả thăm dò mới nhất tại 7 bang dao động then chốt của Mỹ? Trong chiến dịch tranh cử, các ứng viên đều đặt cược vào việc giành được số phiếu tại các bang dao động then chốt, bên cạnh những bang vốn dĩ có truyền thống trung thành với đảng của mình. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters/TTXVN Tại Mỹ, không phải bất kỳ ứng viên nào...