Bầu cử Mỹ 2020: Chi tiêu kỷ lục cho chiến dịch tranh cử
Các chiến dịch tranh cử ở Mỹ năm 2020 tiêu tốn khoảng 14 tỷ USD, một con số cao kỷ lục.
Người dân theo dõi kết quả trực tiếp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (phải) và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tại Washington DC., ngày 3/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung tâm Phản ứng chính trị (CPR- một nhóm nghiên cứu phi đảng phái chuyên theo dõi chi tiêu cho chính trị ở Mỹ) cho biết các khoản chi tiêu “khủng” cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay tăng gần gấp đôi so với cuộc tổng tuyển cử năm 2016, và hơn gấp ba cuộc bầu cử năm 2000.
Con số kỷ lục trên được cho là thể hiện các đảng ngày càng sẵn sàng chi lớn cho các cuộc chạy đua để chống lại đối thủ một cách cảm tính, dù cơ hội chiến thắng rất ít. Theo CPR, các thành viên đảng Dân chủ đã mất một số tiền đặt cược lớn trong năm nay. Thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Nam Carolina Lindsey Graham đã dễ dàng đánh bại đối thủ Jaime Harrison, người đã chi một khoản tiền kỷ lục 108 triệu USD quyên góp được từ những người theo đảng Dân chủ trên cả nước. Tuy nhiên, xét một cách công bằng, trong số tài trợ cho ông Graham có một số tỷ phú, và phần lớn quỹ của ông cũng đến từ ngoài bang Nam Carolina.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy McGrath bang Kentucky cũng chịu một “cú giáng” khi thua thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người giữ ghế thượng nghị sĩ từ năm 1985 mà phe Dân chủ rất muốn lật đổ. Chiến dịch của bà McGrath tiêu tốn 88 triệu USD, mức chi tiêu tốn kém thứ hai cho cuộc chạy đua vào Thượng viện trong lịch sử nước Mỹ.
Trong khi đó, phe Cộng hòa cũng mất một số khoản đầu tư không nhỏ: các nhà tài trợ trên cả nước đã quyên góp khoảng 10 triệu USD để ngăn cản ứng cử viên Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez của bang New York, nhưng bất thành.
Theo các chuyên gia về tài trợ cho tranh cử, thiệt hại lớn nêu trên cho thấy tiền không phải là nhân tố duy nhất để chiến thắng trong các cuộc bầu cử, và không thể thay đổi bức tranh chính trị chỉ trong 1 đêm.
Michael Bloomberg, một trong những người giàu nhất thế giới, đã rút ra bài học trong đảng Dân chủ, rằng chỉ tiền thì không thể mua cho ông một chỗ trong văn phòng. Cựu Thị trưởng New York này đã chi 550 triệu USD cho quảng cáo – một con số kỷ lục đối với một cuộc tranh cử – nhưng chỉ thu hút được rất ít cử tri.
Video đang HOT
Gây quỹ là chìa khóa cho việc quảng cáo các chiến dịch tranh cử và để tên tuổi của ứng cử viên được biết đến nhiều hơn, nhưng không giúp đảo ngược được tình cảm chính trị vốn rất khó thay đổi.
Theo ông Michael Malbin, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang New York, tình trạng phân cực mạnh trong những năm Tổng thống Donald Trump cầm quyền đóng vai trò lớn trong việc khuyến khích quyên góp. Theo đó, không ngạc nhiên khi những khoản tài trợ tranh cử lớn nhất đã tập trung cho các ứng cử viên như McConnell, Graham và Ocasio-Cortez, các chính khách có khả năng thu hút cử tri.
Việc quyên góp quỹ dễ dàng trên mạng cũng đã làm thay đổi cuộc chơi kể từ khi phe Dân chủ triển khai nền tảng ActBlue vào năm 2004 cho mục đích này.
Các nhà phân tích khẳng định chi tiêu cho tranh cử sẽ không sớm giảm bớt ở một đất nước đặt ra rất ít giới hạn cho việc tài trợ cho các cuộc bầu cử. Và nếu tình trạng phân cực vẫn tiếp diễn ở Mỹ, tiền chi cho vận động tranh cử có thể càng nhiều.
Đảng Dân chủ vỡ mộng về 'làn sóng xanh'
Đảng Dân chủ bước vào bầu cử với hy vọng tạo được "làn sóng xanh" áp đảo cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện quốc hội, nhưng cuộc đua lại vô cùng sít sao.
Hơn 12 giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước tại một số bang chiến trường quan trọng và được đánh giá đang "rộng cửa" vào Nhà Trắng. Ông còn trở thành ứng viên tổng thống giành được nhiều phiếu phổ thông nhất lịch sử Mỹ, ngay cả khi số lượng phiếu lớn còn chưa được kiểm, vượt xa đối thủ Donald Trump.
Kết quả này dường như phản ánh khá sát các thăm dò được thực hiện trước bầu cử. Không chỉ Biden, các ứng viên Dân chủ khác trên lá phiếu, những người đang chạy đua vào các vị trí trong quốc hội và chính quyền, cũng được dự đoán sẽ gặp thuận lợi. Do đó, phe Dân chủ đã kỳ vọng về một "làn sóng xanh" càn quét từ Nhà Trắng đến thượng viện và hạ viện, tạo ra thắng lợi áp đảo Trump và đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, tình hình sau ngày bầu cử không diễn ra như họ mong đợi. Trong cuộc đua ghế tổng thống, bất chấp thế dẫn trước của Biden, khoảng cách giữa ông với Trump khá sít sao.
Trong cuộc đua vào quốc hội, phe Cộng hòa vẫn nắm giữ những ghế Thượng viện mà đảng Dân chủ từng hy vọng lật đổ. Một số ứng viên Dân chủ đầy hứa hẹn, được quỹ quốc gia của đảng hỗ trợ hết mình để giành ghế thượng nghị sĩ, đã thất bại, như Jaime Harrison ở Nam Carolina, Amy McGrath ở Kentucky và MJ Hegar ở Texas.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà Quốc hội ở Washington hôm 3/11. Ảnh: Reuters.
Không dừng lại ở đó, đảng Cộng hòa còn được dự đoán có thể thu hẹp thế đa số của phe Dân chủ tại Hạ viện, khi những nghị sĩ "tân binh" từng giúp đảng Dân chủ kiểm soát cơ quan này trong bầu cử giữa kỳ năm 2018 đã thất bại, trước màn thể hiện mạnh mẽ hơn mong đợi từ nhiều đối thủ phe Cộng hòa.
Lợi thế của đảng Dân chủ ở các thành phố lớn và vùng ngoại ô cũng không còn mang lại cho họ "thế thượng phong" tại nhiều bang chiến trường, với sự cân bằng được thiết lập nhờ cú bứt phá của phe Cộng hòa ở những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Tình hình ngày càng nan giải khi Trump chứng minh được sự ủng hộ tăng vọt dành cho ông trong cộng đồng người gốc Latinh và da màu.
"Chắc chắn rất nhiều người gốc Mỹ Latinh ở phía nam Texas đã bỏ phiếu cho Trump, cũng như những đảng viên Cộng hòa khác trong phiếu bầu", Chủ tịch đảng Dân chủ tại Texas Gilberto Hinojosa, cho biết. "Thật khó hiểu. Làm thế nào lại có sự khác biệt lớn đến vậy giữa các cuộc thăm dò và kết quả cuối cùng chứ. Điều này còn hơn cả bất ngờ".
Một trong những lập luận quan trọng Biden đưa ra tại vòng bầu cử sơ bộ là ông có thể mở rộng liên minh của đảng, thu hút thêm các cử tri cao tuổi, độc lập, thậm chí cả những đảng viên Cộng hòa theo xu hướng ôn hòa. Tuy nhiên, dường như ông đã thể hiện kém hơn trong những nhóm nhân khẩu học chủ chốt khác, hoặc ít nhất là không mở rộng được liên minh đủ để lật đổ nền móng ủng hộ của Trump và "phủ xanh" Đồi Capitol.
Biden rõ ràng đã thể hiện tốt hơn Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Dân chủ năm 2016, tại các bang như Iowa, Ohio và Texas, nhưng vẫn không thể thắng bất cứ bang nào trong số đó. Phe Dân chủ có lẽ vẫn hy vọng ông đủ sức giành chiến thắng mong manh ở các bang chiến trường Bắc Carolina và Georgia.
Giới quan sát nhận định ngay cả khi Trump thất cử, cuộc bám đuổi gay cấn giữa hai ứng viên báo hiệu một nhiệm kỳ khó khăn dành cho Biden, với các vấn đề như xem xét những đề xuất cấp tiến trong nội bộ đảng Dân chủ vốn gây tranh cãi, hay nhanh chóng hàn gắn rạn nứt về văn hóa và đảng phái dưới thời Trump.
"Liên minh của Trump có lẽ cứng rắn, kiên quyết và có tiềm lực hơn những gì chúng ta dự đoán. Đất nước đang có nguy cơ thậm chí phân cực và chia rẽ hơn", nghị sĩ Dân chủ bang Virginia Gerald Connolly thừa nhận.
Giữa nỗi thất vọng vì không thể hiện thực hóa "làn sóng xanh" trong phe Dân chủ, các đồng minh của Biden bày tỏ mong muốn giới chính trị lùi lại để nhìn được bức tranh bao quát hơn. "Biden đang thắng, hãy hành động phù hợp", Dan Pfeiffer, cựu trợ lý của Barack Obama, gửi thông điệp tới đảng Dân chủ.
"Phe Cộng hòa đang cố gắng xóa bỏ khả năng điều hành của Biden, bằng cách gieo rắc hoang mang về cách ông ấy giành chiến thắng. Chúng ta không thể để họ làm như vậy", Pfeiffer kêu gọi.
Trên thực tế, nếu Trump thất bại, bất kể chênh lệch giữa hai ứng viên ra sao, Biden cũng sẽ trở thành người đầu tiên chiến thắng một tổng thống đương nhiệm kể từ năm 1992.
Jesse Ferguson, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ, cũng cho rằng việc đánh giá thấp màn thể hiện của đảng này là thiển cận, bởi họ đang trên đường hồi sinh "bức tường xanh", bao gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, những bang từng là thành trì của phe Dân chủ nhưng 4 năm trước đảo chiều ủng hộ Trump.
Trong cuộc bầu cử năm nay, Biden đã thắng ở Michigan và Wisconsin, giành được những phiếu đại cử tri rất quan trọng, giúp ông gia tăng cơ hội đắc cử.
Thêm vào đó, Biden đã chiến thắng ở Arizona và có cơ hội lớn thắng tại Georgia, hai bang không đứng về phía ứng viên tổng thống đảng Dân chủ kể từ cuộc bầu cử những năm 1990. Ferguson còn đánh giá chương trình nghị sự Biden đề xuất là "cấp tiến nhất so với bất cứ ứng viên Dân chủ nào" thời hiện đại.
"Mấu chốt của các cuộc bầu cử là kết quả bỏ phiếu cuối cùng, không phải nhận xét của mọi người khi quá trình kiểm đếm vẫn diễn ra", chiến lược gia nêu ý kiến.
Cuộc chiến Trump - Biden tại 8 bang chiến trường Biden đang dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc về bầu cử tổng thống, song điều đó không đảm bảo ứng viên đảng Dân chủ chiến thắng. Hillary Clinton cũng dẫn trước đương kim tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc năm 2016, nhưng cuối cùng thất bại vì thua số phiếu đại cử tri. Hệ...