Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Cuộc chạy đua sít sao giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ
Nhiều điểm bỏ phiếu ở một số bang của Mỹ đã bắt đầu đóng cửa và kiểm phiếu bầu cử giữa kỳ ngày 6/11. Kết quả cho thấy một cuộc chạy đua sít sao giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa ở cả Thượng và Hạ viện.
Cử tri Mỹ ngày 6/11 đã đi bầu cử giữa kỳ. (Ảnh: Reuters)
Reuters cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các điểm bỏ phiếu ở 11 bang của Mỹ đã đóng cửa để chuyển sang giai đoạn kiểm phiếu và công bố kết quả. Kết quả sơ bộ đã được tiết lộ ở một số bang như Indiana, bang quan trọng trong cuộc chạy đua vào Thượng viện, hay bang Kentucky – bang quan trọng với cuộc đua ở Hạ viện. Tuy nhiên có thể phải mất vài giờ nữa mới biết chính xác ai là người chiến thắng.
Đảng Dân chủ được dự đoán sẽ giành lại quyền kiểm soát ở Hạ viện. Trong khi đó, đảng Cộng hòa có thể vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện.
Theo kết quả cập nhật của CNN, tại cuộc chạy đua ở Hạ viện bầu lại 435 ghế, đảng Dân chủ hiện giành 35 ghế, trong khi đảng Cộng hòa giành 31 ghế. Để giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ phải giành tối thiếu 218 ghế.
Tại Thượng viện, cuộc bầu cử giữa kỳ nhằm sắp xếp lại 35 ghế. Hiện đảng Dân chủ nắm 31 ghế, tăng so với 23 ghế trước đó, trong khi đảng Cộng hòa hiện giữ 42 ghế.
Nghị sĩ Bernie Sanders tái đắc cử Thượng nghị sĩ bang Vermont
Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, cựu ứng viên tổng thống năm 2016, đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Điều này sẽ mở đường cho ông tranh cử tổng thống lần hai vào năm 2020.
Trong khi đó, tại bang Virginia, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine được dự đoán sẽ tái đắc cử, chiến thắng đối thủ Cộng hòa Corey Stewart. Ông Kaine cũng từng là ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử cùng bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Minh Phương
Video đang HOT
Tổng hợp
Theo Dantri
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc đua định hình sắc màu chủ đạo của 'xứ cờ hoa'
Trong ngày 6/11, hàng chục triệu cử tri Mỹ đã bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu ra một Quốc hội mới.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Fairfax, bang Virginia ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Thức dậy vào một buổi sáng mùa Thu mát mẻ, Clara Swallows cố gượng dậy khỏi chiếc giường ấm áp dù chứng đau lưng như muốn thôi thúc bà nằm thêm một chút nữa. Ngày hôm nay, có một nơi nữ cử tri 74 tuổi sinh sống tại bang Indiana này phải đến để thực hiện quyền công dân của mình: điểm bầu cử.
Ở một nơi khác tại bang Florida, bà Stephanie Kent, 54 tuổi, tạm gác công việc sửa chữa ngôi nhà còn dang dở vốn bị hư hỏng trong cơn bão Michael để vượt quãng đường chừng 30 km để tới điểm bầu cử.
Giống như bà Swallows và Kent, trong ngày 6/11, hàng chục triệu cử tri Mỹ đã bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu ra một Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều tới chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của "xứ cờ hoa" trong hai năm tới.
Với tổng chi tiêu cho các chiến dịch vận động tranh cử lần đầu tiên vượt mốc 5,2 tỷ USD, mùa bầu cử Quốc hội năm nay phản ánh tính chất cam go của cuộc đua định hình sắc màu chủ đạo của nền chính trị Mỹ trong những năm tới.
Trong cuộc bầu cử quan trọng này, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 36 vị trí thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.
Theo một cách nhìn, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay là cuộc vận động mang tính quyết định của Tổng thống Donald Trump nhằm mục tiêu hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Nó được ví như một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, đánh giá mức độ tín nhiệm của người dân đối với cá nhân Tổng thống Trump và chính quyền Cộng hòa, cũng như đối với định hướng của nước Mỹ, quan hệ chủng tộc, xã hội và uy tín của nước Mỹ trên thế giới.
Nếu cuộc bầu cử giữa kỳ lần này phơi bày sự bất tín nhiệm của cử tri đối với ông Trump, có thể nói triển vọng về một nhiệm kỳ thứ 2 đối với ông Trump sẽ phai nhạt. Ngược lại, nếu đảng của ông Trump giành chiến thắng, điều đó cho thấy tất cả những gì ông đã thực hiện trong 2 năm đầu tiên trên cương vị tổng thống đã phát huy tác dụng.
Swallows và Kent là hai trong số hàng triệu cử tri có quan điểm và mối quan tâm trái ngược nhau đối với cách điều hành của vị Tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa.
Trong cuộc bầu cử lần này, bà Swallows tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân chủ với hy vọng những người theo đường lối tự do sẽ giành được thế đa số tại Quốc hội để có thể ngăn chặn chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, bà Kent lại hướng lá phiếu của mình đến những ứng cử viên đảng Cộng hòa như một cách thể hiện sự ủng hộ đối với những chính sách hiện tại của vị Tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, cả hai nữ cử tri này đều cùng chung nhận thức rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 là một trong những sự kiến quan trọng nhất trong cuộc đời của họ.
Chính ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ năm nay đã tạo động lực thôi thúc người dân Mỹ đi bỏ phiếu để "chọn mặt gửi vàng" những ứng cử viên mà họ kỳ vọng. Nếu như lịch sử các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ trước đây cho thấy cử tri nước này thường không mấy mặn mà với những kỳ bầu cử không trùng với bầu cử tổng thống, thì cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 dường như đang phản ánh điều ngược lại.
Tại điểm bỏ phiếu ở các bang Maine, Vermont, New Hampshire, New Jersey hay New York, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đoàn người đi bỏ phiếu xếp hàng dài để chờ tới lượt.
Trên thực tế, chẳng cần đợi đến ngày bầu cử chính thức, từ cuối tháng 10 đã có rất nhiều cử tri đi bỏ phiếu sớm trên cả nước.
Theo thống kê mới nhất, số cử tri đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay đã đạt mức đáng kinh ngạc - 36 triệu người, tăng mạnh so với con số 27 triệu người trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.
Con số này dự kiến sẽ khiến số phiếu bầu giữa nhiệm kì 2018 tăng mạnh so với các năm trước đó, và tạo nên bất ngờ lớn về kết quả vào tối 6/11.
Bà Kat Calvin, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Spread the Vote, nhận định số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng cao kỷ lục cho thấy sự quan tâm về cuộc bầu cử đang ở mức cao và đây cũng là cách họ thể hiện quan điểm của mình đối với những chính sách của Tổng thống Trump và bộ máy của ông. Số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng cao kỷ lục cho thấy sự quan tâm về cuộc bầu cử đang ở mức cao.
Trong khi đó, ông Michael McDonald, Giáo sư Đại học Florida, nhận định sự phân cực mạnh mẽ của các cử tri Mỹ đối với đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ trong năm nay đã khiến số người đi bỏ phiếu sớm tăng mạnh. Ông McDonald và nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu truyền thông Edison dự đoán sẽ có 105,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu trong năm nay, tương đương 45% số dân đủ điều kiện tham gia bầu cử tại Mỹ và đây là con số cao nhất trong vòng 50 năm.
Cũng như các cuộc chạy đua vào Quốc hội trong những năm trước, cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay ghi nhận mức độ quan tâm cao của cử tri Mỹ đối với các vấn đề đối nội nhiều hơn là đối ngoại. Ba chủ đề nổi cộm được phần lớn cử tri Mỹ quan tâm trong mùa bầu cử giữa kỳ năm 2018 là chăm sóc sức khỏe, kinh tế và nhập cư - những yếu tố sẽ quyết định tới kết quả của cuộc bầu cử năm nay.
Tương tự cuộc bầu cử tổng thống 2016, nhập cư và chính sách nhập cư được cử tri Cộng hòa đặc biệt lưu tâm và nhiều khả năng sẽ trở thành "lá bài quyết định" trong các cuộc đua.
Trong khi đó, cử tri của đảng Dân chủ lại quan tâm nhiều hơn tới chính sách chăm sóc sức khỏe, trong bối cảnh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump loại bỏ Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) thời cựu Tổng thống Barack Obama đang vấp phải rào cản tại Quốc hội Mỹ.
Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử báo hiệu cuộc chạy đua vào Quốc hội của đảng con Voi (biệt danh của đảng Cộng hòa) và đảng con Lừa (biệt danh của đảng Dân chủ) sẽ diễn ra quyết liệt và đầy cam go. Tại Quốc hội khóa 115, đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện với 51/100 ghế tại Thượng viện và 236/435 ghế tại Hạ viện.
Theo Giáo sư lịch sử chính trị Mỹ Vincent Michelot thuộc Đại học Chính trị Lyon (Pháp), tình hình kinh tế khởi sắc hiện nay cho phép phe Cộng hòa chinh phục được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ, nhất là thành phần cử tri ủng hộ vô điều kiện Tổng thống Trump. Tuy nhiên, một số biến cố vừa xảy ra như bom thư, xả súng tại giáo đường Do Thái... có thể làm một bộ phận cử tri bất bình và dồn phiếu cho đảng Dân chủ.
Bên cạnh đó, chính sách nhập cư cứng rắn mà Tổng thống Trump đưa ra ngay trước thềm cuộc bầu cử như triển khai quân đội tới biên giới dù là một "chiêu bài" để thu hút thêm cử tri và tiếp thêm sinh lực cho đảng Cộng hoà song cũng đang gây tranh cãi trong dư luận.
Trong khi đó, các ứng cử viên đảng Dân chủ bước vào cuộc bầu cử với tâm thế tự tin khi các cuộc khảo sát đều cho thấy các ứng viên đảng này đang giành được sự ủng lộ lớn hơn từ công chúng so với các đồng nghiệp của đảng đối thủ dù cách biệt rất sít sao.
Hiện đa phần các dự đoán đều nghiêng về kịch bản đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện, song đảng Dân chủ sẽ giành thêm được 23 ghế cần thiết để giành ưu thế đa số tại Hạ viện từ tay đảng Cộng hòa. Nếu điều này xảy ra, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không khỏi phiền lòng bởi các các dự luật mà ông muốn thông qua buộc phải có sự đồng thuận từ các "kẻ thù chính trị" của mình.
Tuy nhiên, dù Dân chủ có thắng ở Hạ viện, các chính sách kinh tế đã được thông qua sẽ khó đảo ngược. Chính sách cải cách thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đã dẫn đến một sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Thực tế cho thấy nhiều người dân Mỹ không thể phủ nhận cuộc sống của họ đã tốt lên khi cơ hội việc làm được mở rộng trong khi tiền lương cũng được cải thiện nhờ chính sách kinh tế và siết chặt nhập cư của ông Trump.
Bên cạnh đó, một sự thay đổi đối với ưu thế đa số của đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ không có tác động đáng kể đến việc thông qua các nghị quyết về ngân sách của chính phủ và trần nợ công vì đây là quan tâm chung của cả hai đảng.
Thế nhưng, thăm dò vẫn chỉ là thăm dò. Đáp án cho câu hỏi liệu Quốc hội lưỡng viện Mỹ sẽ được phủ sắc xanh truyền thống của đảng Dân chủ hay sắc đỏ của đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì vị thế chủ đạo, hay hai đảng chia nhau kiểm soát hai viện sẽ chỉ ngã ngũ vào cuối ngày 6/11.
Tuy nhiên, điều mà các cử tri của cả hai đảng kỳ vọng nhất có lẽ tựu chung lại là việc hàn gắn một đất nước hiện còn quá nhiều phân cực, trong bối cảnh môi trường chính trị ở Mỹ đang trong trạng thái chia rẽ nhất kể từ cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865) như nhận định của nhà phân tích chính trị Bill Schneider thuộc Đại học George Mason.
Do vậy, một tổng thống và quốc hội đoàn kết thay vì xung đột vì những lợi ích của mỗi bên chính là điều mà bất cứ cử tri nào cũng mong muốn.
Theo Phương Oanh (TTXVN)
Khi lá phiếu không có tên ông Donald Trump... Trong những ngày căng thẳng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, người ta nhìn thấy ông Michael Gregoire đi bộ dọc một con đường ở TP Louisville, bang Kentucky, tay giơ tấm biển ghi dòng chữ "Đánh bại các ứng viên đảng Cộng hòa 2018" mỗi khi có xe cộ chạy qua. "Sự tồn vong của đất nước sẽ...