Bầu cử giữa kỳ Mỹ 2014: Obama sẽ mất Thượng viện?
Người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu vào 4/11 để bầu một Quốc hội mới. Kết quả sẽ ảnh hưởng quan trọng tới 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
Theo một cách nhìn, cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 là cuộc vận động mang tính quyết định của ông Barack Obama, cũng như đảng Dân chủ nhằm mục tiêu hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đây cũng là cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ với tổng chi phí đầu tư lên đến gần 4 tỷ USD.
Bầu cử giữa kỳ và bầu cử Tổng thống
Cứ hai năm một lần, Mỹ tổ chức một “cuộc bầu cử toàn quốc”. Khi cuộc bầu cử xảy ra ở giữa nhiệm kỳ của một vị Tổng thống thì được gọi là “bầu cử giữa kỳ”. Cuộc bầu cử trùng với cuộc bầu cử Tổng thống, thì gọi là “bầu cử thưòng kỳ 4 năm”.
Tổng thống Obama dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử giữa kỳ
Vì nhiệm kỳ cuả một dân biểu Hạ viện là 2 năm, cho nên tất cả 435 ghế Hạ viện sẽ được bầu lại. Về phần Thượng viện, nhiệm kỳ của một Thượng nghị sĩ là 6 năm, nghĩa là mỗi 2 năm người ta bầu lại 1/3 Thượng viện, tức là 33 ghế. Song song với việc bầu cử ở cấp liên bang, ở cấp tiểu bang cũng sẽ có bầu cử 36 Thống đốc bang và 3 vùng lãnh thổ. Cuộc bầu cử này không mang tính quyết định đối với cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016, nhưng là cuộc đua “sống còn” với chính sách của các đảng, từ vấn đề nạo phá thai cho đến dự thảo luật đóng cửa nhà tù Guantanamo hay hợp thức hóa dân nhập cư…
Đối với tất cả các vị Tổng thống, giữa nhiệm kỳ thứ hai thường là thời gian khó khăn, khi hóa ra là những lời hứa không được thực hiện đến 1/4. Theo dữ liệu khảo sát gần đây, mức độ tín nhiệm Tổng thống Obama đã giảm xuống còn 41,5%. Thấp hơn thế, trước đó chỉ có ông George W. Bush với 39%.
Video đang HOT
Cho dù không mang tính quyết định song kết quả bầu cử giữa kỳ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bởi đảng thắng cử sẽ bồi dưỡng những ứng viên nuôi mộng làm ông chủ Nhà Trắng. Đây cũng là cơ hội cho đảng thắng cuộc xét duyệt lại lập trường, quan điểm chính trị của mình, điều chỉnh đường lối hoạt động, kế hoạch tranh cử.
“Cuộc thi lại” của ông Obama
Ở cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, vị Tổng Thống đương nhiệm Barack Obama đang có uy tín chính trị khá thấp, chỉ có hơn 40% cử tri tán thành đường lối hoạt động của ông. Người ta sẽ bầu chọn Quốc hội, nhưng đánh giá thực chất lại là dành cho ông Obama. Đây không phải chuyện tốt lành, mà giống như “cuộc thi lại”.
Những nỗi lo về thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tạm thời được gác, nhưng thay vào đó, dịch Ebola và chiến dịch không kích chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria lại nổi lên là 2 vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm. Bài viết “Nỗi lo bầu cử giữa kỳ 2014″ của tác giả David Catenist trên US.News đã nhận định 2 vấn đề đang nổi lên này là sự thất bại của ông Obama, khiến người ta hoài nghi về năng lực của Tổng thống. Thăm dò online của US.News hôm 31/10, cho thấy 51,2% trong số 600 người tham gia, bày tỏ lo ngại khủng bố có khả năng đến Mỹ; còn 41% hoài nghi về cách đối phó của chính phủ với Ebola.
7 tiểu bang ảnh hưởng lớn đến kết quả
Telegraph nhận định Kentucky, Alaska, Iowa, Lousiana, Colorado, Bắc Carolina, Kansas… là các tiểu bang có tỷ lệ ủng hộ biến động khó lường. Dự báo nếu như ứng viên đảng Cộng hòa tại bang Kentucky giành chiến thắng trước ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng Cộng hòa nhiều khả năng giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi họ đang có 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ. Tại Thượng viện, đảng nào chiếm được 51 ghế sẽ nắm quyền chi phối. Hiện đảng Dân chủ nắm giữ 53 ghế, đảng Cộng hòa 45 ghế cộng với 2 ghế độc lập.
Theo khảo sát của Gallup, trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, đảng Cộng hòa có tới 68% cơ hội “lấy” Thượng viện. Dự báo khả năng đảng Cộng hòa sẽ nắm 52 ghế trong cuộc bầu cử. Tại Hạ viện, sẽ có một nhóm gồm 6-8 các Hạ nghị sĩ của đảng Trà khả năng được bầu vào Hạ viện lần này, sẽ là thách thức đối với chính sách của ông Obama.
Ngoài các ghế tại lưỡng viện Quốc hội còn có 36/50 ghế Thống đốc bang phải bầu lại. Đảng Cộng hòa hiện nắm 29 ghế Thống đốc bang so với 21 ghế của đảng Dân chủ. Đảng nào giành được nhiều ghế Thống đốc bang trong ngày 4/11 sẽ nắm quyền “điều binh khiển tướng” trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 bầu chọn tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, hiện tại, đảng Cộng hòa hầu như chắc chắn 4 ghế đại diện bang Arkansas, Montana, Nam Dakota, Tây Virginia. Còn đảng Dân chủ chỉ phần nào an tâm với sự ủng hộ tại các bang Georgia, Illinois, Colorado – các bang có 39% cử tri Dân chủ so với chưa đầy 30% cử tri Cộng hòa, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm năm 2014 lại đông hơn và những người đi bỏ phiếu sớm thường là cử tri của đảng Dân chủ.
Trong một dự báo khác, không loại trừ khả năng một số ghế sẽ phải bỏ phiếu vòng hai mới phân được thắng bại. Do cuộc đua tại một số bang khá quyết liệt và sự cách biệt giữa các ứng cử viên của hai đảng không lớn, nên hiện vẫn tồn tại khả năng kết quả bầu cử Thượng viện phải tới đầu năm 2015 mới được phân định.
Theo VOV
Cử tri Mỹ đặt niềm tin vào Cộng hòa hay Dân chủ?
Mệt mỏi chứng kiến tình trạng đấu đá đảng phái dẫn tới bế tắc suốt hai năm qua kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2012, hơn 100 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 4/11 tới vẫn băn khoăn với câu hỏi "đặt niềm tin vào đảng nào, Cộng hòa hay Dân chủ"?
Chính trường Mỹ trong 6 năm ông Barack Obama làm tổng thống luôn rơi vào tình trạng bế tắc.
Băn khoăn là bởi lẽ cuộc bầu chọn toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 36 trong tổng số 100 ghế Thượng viện và 36 trong tổng số 50 ghế Thống đốc bang diễn ra trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý I lao dốc tới -2,9%, đến quý II và quý III mới lần lượt tăng 4,6% và 3,5%. Thị trường lao động trong năm tuy có cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10 vẫn ở mức cao 5,9% so với mục tiêu 5% mà Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) đặt ra.
Khó chọn người đại diện cho lợi ích của mình bởi lẽ Quốc hội khóa 113 hiện nay bị chê là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Chính trường Mỹ, trong 6 năm ông Barack Obama làm tổng thống vừa qua, luôn rơi vào tình trạng bế tắc tới mức hầu hết các vấn đề đối nội cấp bách từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe,... đều không tìm ra được lối thoát.
Nước Mỹ dưới sự cầm quyền của ông Obama được ghi nhận đã thực hiện lời hứa rút quân, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc khi hàng nghìn lính Mỹ phải trở lại Iraq và gần chục nghìn binh lính khác vẫn ở lại Afghanistan sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014. Chiến dịch không kích chống nhóm vũ trang "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria chưa biết sẽ đi tới đâu khi mà Mỹ vừa tìm cách tiêu diệt IS, vừa cung cấp vũ khí, đạn dược cho các nhóm đối lập ở Syria mà trước đây IS là một bộ phận.
"Mùa Xuân Arab" một thời được tung hô như chiến tích của dân chủ phương Tây, nhưng thực tế đã chứng minh rằng dân chủ chỉ là "chiếc bánh vẽ" và các nước Trung Đông - Bắc Phi, nơi "Mùa xuân Arab" quét qua, vẫn trong tình trạng rối loạn, vô chính phủ. Tiến trình hòa đàm Israel-Palestin ấn định đạt được kết quả trong 9 tháng, nhưng vẫn không có bước tiến triển, thậm chí rơi vào bế tắc mặc dù Ngoại trưởng John Kerry đã hơn chục lần công du thuyết phục. Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tưởng như đầy hứa hẹn, nhưng sắp đến thời hạn chót thứ hai là ngày 24/11 vẫn còn "bộn bề thách thức", chưa có bước tiến rõ rệt. Quan hệ giữa Mỹ và Nga dù được "cài đặt đi cài đặt lại", song hiện đang có nguy cơ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh trên, tâm trạng của cử tri càng khó tả. Kết quả thăm dò chung công bố ngày 9/10 của CNN/ORC International cho biết trong hơn 1.200 cử tri được hỏi ý kiến có tới 83% nói rằng họ không ủng hộ cách thức làm việc của Quốc hội, trong đó 65% cho rằng hiệu quả hoạt động của Quốc hội Mỹ khóa 113 hiện nay là "tệ hại nhất trong lịch sử", trong khi chỉ có 14% ngả theo hướng ủng hộ. Ngoài việc uy tín của Tổng thống Obama giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, các ứng cử viên của đảng Dân chủ cũng đang đứng trước chiều hướng không mấy thuận lợi khi có tới 7% số nhóm cử tri "ruột" (gồm những người trẻ tuổi, phụ nữ và sắc tộc ít người - từng giúp ông Obama tái đắc cử tháng 11/2012) nói rằng họ không hứng thú đi bỏ phiếu. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri trong các khối cử tri nòng cốt của đảng Cộng hòa (gồm những người cao tuổi và bảo thủ) hứng thú đi bỏ phiếu tăng từ 16% năm 2012 lên 27%. Tuy nhiên, đảng Dân chủ phần nào an tâm với thông tin rằng tại Georgia, Carolina Bắc, Colorado và Iowa - các bang có 39% cử tri Dân chủ so với chưa đầy 30% cử tri Cộng hòa, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm năm 2014 lại đông hơn và những người đi bỏ phiếu sớm thường là cử tri của đảng Dân chủ. Đây là lý do Tổng thống Obama tiên phong bỏ phiếu sớm từ ngày 20/10 tại thành phố quê nhà Chicago, bang Illinois.
Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng Cộng hòa nhiều khả năng giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi họ đang có 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ. Tại Thượng viện, đảng nào chiếm được 51 ghế sẽ nắm quyền chi phối. Hiện đảng Dân chủ nắm giữ 53 ghế, đảng Cộng hòa 45 ghế cộng với 2 ghế độc lập. Trong ngày 4/11, trong 36 ghế Thượng viện phải bầu lại có 21 ghế của đảng Dân chủ và 15 ghế của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa đang rất hy vọng giành nốt quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện để đẩy Tổng thống Obama vào tình thế khó khăn hơn và buộc phải nhượng bộ trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ hai. Ngoài các ghế tại lưỡng viện Quốc hội còn có 36/50 ghế Thống đốc bang phải bầu lại. Đảng Cộng hòa hiện nắm 29 ghế Thống đốc bang so với 21 ghế của đảng Dân chủ. Đảng nào giành được nhiều ghế Thống đốc bang trong ngày 4/11 sẽ nắm quyền "điều binh khiển tướng" trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 bầu chọn tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Với tình thế hiện nay, không loại trừ khả năng một số ghế sẽ phải bỏ phiếu vòng hai mới phân được thắng bại. Do cuộc đua tại một số bang khá quyết liệt và sự cách biệt giữa các ứng cử viên của hai đảng không lớn, nên hiện vẫn tồn tại khả năng kết quả bầu cử Thượng viện phải tới đầu năm 2015 mới được phân định. Báo chí của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều thừa nhận rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới còn là cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của Tổng thống Obama.
Theo Thái Hùng
TTXVN/Tin tức
Việt Nam coi Belarus là đối tác tin cậy về hợp tác kỹ thuật quân sự Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh điều này trong buổi tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Cộng hòa Belarus. Chiều nay (8/10), tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Cộng hòa Belarus do Thiếu tướng...