Bầu cử Duma Nga: Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng gì tới vị thế của đảng ông Putin?
Ngày 18/9/2016 cử tri Nga bầu lại 450 đại biểu tại Hạ viện Duma. Đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin được cho là sẽ dễ dàng giành được thắng lợi.
Thủ tướng Nga D.Medvedev (trái), tổng thống Nga Putin (giữa) và đô trưởng Moscow S. Sobyanin, tại quảng trường Đỏ, ngày 13/09/2016 – Reuters
Ngày 18/9/2016 cử tri Nga bầu lại 450 đại biểu tại Hạ viện Duma. Đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin được cho là sẽ dễ dàng giành được thắng lợi, RFI nhìn nhận.
Nhưng liệu rằng khủng hoảng kéo dài, Moscow có phải thay đổi chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của Quốc hội mới?
Video đang HOT
Thực trạng kinh tế Nga?
Từ cuối năm 2014, kinh tế phải đối mặt với hai thách thức lớn : là quốc gia chủ yếu xuất khẩu dầu và khí đốt, nhưng từ giữa năm 2014 dầu hỏa và khí đốt mất giá mạnh, làm mất đi một phần lớn các khoản thu nhập của Nhà nước Nga. Theo thẩm định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, là nguồn cung cấp thứ nhì trên thế giới, với giá dầu ở khoảng 55 USD một thùng, trong năm 2015, ngân sách của Nga bị thất thu khoảng 135 tỷ USD, tương đương với 10 % GDP của nước này.
Thách thức thứ nhì là Âu Mỹ liên tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga can thiệp vào Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Để thích nghi với tình thế, chính phủ Nga đã liên tục cắt giảm chi tiêu công cộng, giảm các khoản trợ cấp xã hội, khiến đời sống của người dân càng thêm chật vật. Theo nghiên cứu của Trường Cao đẳng Kinh tế Moscow những khó khăn trong hai năm qua đã làm tiêu tan những thành tựu kinh tế mà nước Nga đã tích lũy được trong một thập niên. Tỷ lệ người nghèo tăng nhanh, lượng xe hơi bán ra trên toàn quốc rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2004.
Nước Nga đang trải qua khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 1999. Năm 2015, tổng sản phẩm nội địa giảm 3,7% so với 2014 và sẽ còn giảm tiếp thêm 0,6% trong năm nay. Tuy nhiên thống kê chính thức cho thấy kinh tế Nga đã “có dấu hiệu ổn định” trong quý 2/2016. Moscow kỳ vọng tình hình sáng sủa hơn trong sáu tháng cuối năm nay.
Khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng tới cuộc vận động tranh cử?
Vào lúc nội các của thủ tướng Dmitri Medvedev phải cắt giảm chi tiêu, các ứng cử viên tập trung vào những chủ đề nhậy cảm như là lương hưu, trợ cấp xã hội … mức thuế quá nặng đánh vào các hộ gia đình, lạm phát làm hao mòn sức mua của những thành phần có thu nhập thấp và công nhân viên chức nhà nước.
Trong khi đó, ông Putin trong các cuộc vận động tranh cử trước đây vẫn luôn hứa bảo đảm một mức thu nhập tốt cho nhân viên công vụ. Đồng rúp mất giá, lại càng khiến các mặt hàng nhập vào Nga thêm đắt đỏ, mãi lực của giới trung lưu sa sút. Trong khi đó chính đà vươn lên của lớp này là động cơ thôi thúc các tập đoàn quốc tế đầu tư vào Nga.
Nhà chính trị học thuộc Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia – Moscow, bà Ekaterina Schulmann ghi nhận đây là lần đầu tiên từ 15 năm qua, nước Nga tổ chức bầu cử trong bối cảnh thu nhập thực thụ của các hộ gia đình bị sụt giảm.
Trước mắt, đời sống khó khăn chưa đem lại hậu quả đáng quan ngại về mặt chính trị, nhưng có một sự bất bình trong công luận, và điều đó được thể hiện qua chỉ số tín nhiệm đối với đảng đang cầm quyền, và với chính phủ. Nhưng hào quang của ông Putin trong lòng người dân Nga thì vẫn chưa phai nhạt.
Có gì mới trong chính sách kinh tế Nga?
Trong bối cảnh khoản dự trữ ngoại tệ tích lũy được nhờ những năm tháng giá dầu và khí đốt cao chót vót, (2008, giá dầu hỏa từng lên tới trên dưới ngưỡng 120-130 đô la/thùng) đã bị thu hẹp lại đến mức báo động, các vị dân biểu trong Hạ viện Đuma khóa 2016-2021 chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ phiếu thông qua ngân sách khắc khổ cho những tài khóa tới. Cũng có khả năng chính phủ tăng thuế, kéo dài tuổi lao động của các công dân Nga, giảm trợ cấp lương hưu.
Một số chuyên gia lo ngại, trong trường hợp đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin không đạt được kết quả mong đợi, Moscow có nguy cơ gia tăng vai trò chủ đạo của Nhà nước lên các lĩnh vực kinh tế.
Ngược lại một số khác chờ đợi, thủ tướng Medvedev sẽ ra đi để nhường chỗ cho một người nổi tiếng có chủ trương tự do là ông Alexe Koudrine, nguyên bộ trưởng Tài Chính Nga. Nhân vật này từng được ông Putin mời chuẩn bị một kế hoạch cải tổ sâu rộng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018.
Nhưng nhìn từ phía Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia – Moscow, bà Ekaterina Schulmann cho rằng, về mặt cơ bản chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của Viện Đuma sẽ có một số những thay đổi, nhưng điều đó không phụ thuộc vào kết quả bầu cử ngày 18/09/2016. Bởi vì lãnh đạo ở cấp vùng, cấp tỉnh sẽ chứng minh với trung ương là họ vẫn làm chủ tình hình. Trong khi đó, Moscow vẫn sẽ căn cứ vào những thành tích của từng vùng để khen hay phạt các chính quyền địa phương.
Theo BizLive