Bầu cử Algeria: Tổng thống mới không xoa dịu được ‘cơn thịnh nộ’ của người dân
Algeria đã bầu ra được Tổng thống mới là cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune, thế nhưng chiến thắng của ông Tebboune lại vấp phải sự phản đối rộng rãi của người dân.
Tổng thống đắc cử Algeria Abdelmadjid Tebboune. (Nguồn: AP)
Ngày 13/12, Cơ quan Bầu cử độc lập quốc gia Algeria (ANIE) đã tổ chức họp báo công bố kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống. Ứng cử viên độc lập – cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune đã giành chiến thắng ngay tại vòng 1 với tổng số phiếu bầu đạt gần 5 triệu phiếu, chiếm tỷ lệ 58,15%.
4 ứng viên còn lại, gồm ông Abdelkader Bengrina – phong trào El Bina – giành được 17,38% số phiếu ủng hộ, tiếp đến là đại diện đảng Talaie el houriyate – ông Ali Benflis nhận được 10,55%. Hai ứng cử viên của Phong trào Tập hợp quốc gia vì dân chủ quốc gia (RND) và đảng Mặt trận El Moustakbel lần lượt nhận được 7,26% và 6,66% phiếu bầu. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được Hội đồng Hiến pháp Algeria công bố trong khoảng thời gian từ ngày 16 – 25/12 tới.
Nghịch lý bầu cử
Điều đáng chú ý là người dân Algeria lại chào đón vị tân Tổng thống bằng một cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp thủ đô Algiers và nhiều thành phố lớn khác. Cuộc biểu tình ngày 13/12 là cuộc biểu tình chống chính phủ lần thứ 43, diễn ra liên tiếp vào ngày thứ 6 hàng tuần.
Theo báo cáo của ông Mohammed Charfi, người đứng đầu ANIE, tỷ lệ cử tri đi bầu là 40%, con số thấp nhất trong lịch sử tại quốc gia Bắc Phi này. Tỷ lệ cử tri đi bầu Tổng thống năm 2014 là 52%.
Tuy nhiên, truyền thông quốc gia này biện hộ rằng lượng phiếu bầu như thế là đã đủ cao để duy trì cuộc bỏ phiếu mặc cho phản ứng tẩy chay của người dân. Không những vậy, không nhà quan sát độc lập nào được mời để theo dõi cuộc bầu cử, rất ít nhà báo quốc tế được cấp thị thực để đưa tin và ở một số tỉnh, tỷ lệ cử tri thậm chí dừng lại ở con số 1%.
Ngoài ra, các video đăng tải trên mạng cho thấy các điểm bầu cử gần như là trống không, người biểu tình kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu tràn ngập đường phố trong ngày bầu cử. Một số còn đột nhập vào các điểm bầu cử và phá hủy các hòm phiếu, ném các phiếu bầu đi.
Video đang HOT
Kể từ khi cựu Tổng thống Bouteflika từ chức, các cuộc biểu tình Hirak liên tục nổ ra từ ngày 22/2 tại quốc gia này nhằm phản đối một nhóm người bao gồm quân đội và giới thượng lưu nắm quyền lực kể từ khi Algeria giành được độc lập từ tay Pháp suốt 60 năm qua, trong đó có Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Algeria, Tướng Ahmed Gaid Salah và những người ủng hộ cựu Tổng thống Abdelaziz Boutefika.
Người dân Algeria biểu tình vì cả 5 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống đều có liên quan tới chính quyền của cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. (Nguồn: AFP)
Trong rối ngoài êm
Tổng thống đắc cử Abdelmadjid Tebboune được biết đến là một trong những thân cận của ông Boutefika và từng giữ chức Bộ trưởng Nhà ở trong bộ máy chính phủ của ông. Tuy là ứng viên độc lập, nhưng ông Tebboune lại là một trong những thành viên chủ chốt của đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN), đảng chính trị số 1 đất nước.
Vị chính trị gia 74 tuổi này còn từng giữ chức Thủ tướng từ tháng 5/2017 và nhanh chóng kết thúc chỉ 4 tháng sau đó. Theo Al Jazeera, lý do bởi vì ông tự nhận mình là người kế nhiệm của ông Bouteflika trong một cuộc gặp mặt với người đồng cấp Pháp Edouard Phillipe.
Tuy chưa chính thức nhậm chức, ông Tebboune đã vấp phải sự phản đối từ đông đảo bộ phận người dân Algeria. Họ cho rằng vị tổng thống mới chả khác nào một “tấm bình phong” cho quân đội, đứng đầu là Tướng Salah, được coi là nhà lãnh đạo thực tế của quốc gia đang chìm trong tình trạng hỗn loạn chính trị này. Không chỉ riêng ông Tebboune, mà tất cả 4 ứng cử viên còn lại đều có liên quan tới chính quyền của ông Bouteflika.
Người dân Algeria đã chán ngấy với hệ thống chính trị do quân đội hậu thuẫn, được cho là thê lực quản lý đất nước thực sự và cực kỳ độc đoán, nguyên nhân khiến nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của đất nước trì trệ trong nhiều năm qua. Các cuộc biểu tình dường như sẽ không dừng lại cho đến khi có một chính phủ thoát ly khỏi quân đội và một tổng thống không nằm trong bộ máy chính phủ cũ. Và đương nhiên, ông Tebboune không phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Vị Tổng thống đắc cử Abdelmadjid Tebboune cho biết, ông sẽ bắt đầu các cuộc tham vấn để xây dựng một hiến pháp mới và khi hoàn thành, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Ngoài ra, ông đề nghị có một cuộc “đối thoại nghiêm túc” với phe biểu tình đối lập Hirak và sẽ tiến hành cải cách để giảm chi tiêu cho nhập khẩu. Ông cũng hứa sẽ mở một trang mới cho Algeria.
Chưa dừng lại ở đó, ông Tebboune đang vướng vào những lùm xùm khi con trai ông, Khaled Tebboune bị nghi ngờ có liên quan đến nhóm tội phạm bị cáo buộc buôn lậu 700kg cocaine vào Algeria hồi năm ngoái. Ngoài ra, con trai ông còn bị buộc tội sử dụng quyền lực của cha mình để giành được các giao dịch bất động sản cho các đối tác kinh doanh.
Cho tới thời điểm này, việc ông Tebboune lên nắm quyền chưa gặp phải bất cứ sự phản đối nào đến từ lãnh đạo các nước. Ngày 15/12, ông đã nhận được lời chúc mừng của nhiều nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia và quốc vương của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trong số các nhà lãnh đạo gửi lời chúc mừng có Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Cheikh El-Ghazouani, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Khalifa Bin Zayed Al-Nahyan, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmed Al-Djabir Al-Sabah, Quốc vương Morocco Mohammed VI… Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Iran và Nga cũng gửi thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Tebboune. Ngày 14/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gọi điện trực tiếp tới ông Tebboune để chúc mừng nhà tân lãnh đạo này.
Quang Đào
Theo baoquocte.vn
Đồng minh ồ ạt chuyển sang mua vũ khí Nga, Mỹ đành im lặng bất lực?
Nhiều đồng minh Mỹ đã sử dụng vũ khí mua từ Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ vẫn chưa có giải pháp nào đối phó.
Theo Yenisafak, nhiều đồng minh Mỹ đã sử dụng vũ khí mua từ Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.
Nga đã bán vũ khí cho 166 trong tổng số 190 nước là thành viên của Liên Hợp Quốc, theo nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport.
Những khách hàng đầu tiên hay mua vũ khí Nga ở châu Á có Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Iraq ở Trung Đông, Algeria ở châu Phi và Nicaragua ở châu Mỹ La tinh trong khi đó, nhiều nước thành viên của NATO và các đồng minh Mỹ cũng mong muốn có các sản phẩm quân sự của Nga.
Hiện tại, Nga cũng có mối quan hệ thân thiết về quân sự và kỹ thuật với Pháp, Hy Lạp, Bulgaria và Slovakia, đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, UAE, Kuwwait, Jordan và Saudi Arabia.
Nhiều đồng minh Mỹ đã sử dụng vũ khí mua từ Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.
Hợp tác kỹ thuật, quân sự Nga-Pháp dựa trên thỏa thuận giữa hai quốc gia được ký năm 1994 mà theo đó cho phép hai nước cùng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, xe quân sự, xây dựng tàu và sản xuất pháo.
Hy Lạp là một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga. Nhiều thời điểm, Nga cung ứng cho Hy Lạp nhiều hệ thống phòng thủ, gồm cả hệ thống S-300, tàu đổ bộ, hệ thống tên lửa chống tăng, bệ pháo, trực thăng Mi-26.
Hiện tại, nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboroexport đang xem việc hiện đại hóa thiết bị do Nga và Liên Xô sản xuất là "một trong những hướng đi hứa hẹn" cho việc phát triển quan hệ Nga-Hy Lạp trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật.
Nga cũng hợp tác chặt chẽ với Bulgaria và Slovakia trong việc cung cấp thiết bị quân sự. Chẳng hạn, Moscow và Sofia đã ký hợp đồng để nâng cấp dòng máy bay MiG-29.
Nga và Hàn Quốc cũng đã ký bản thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật và quân sự hồi tháng 12/2007. Bản thỏa thuận này có giá trị trong vòng 10 năm và theo đó Nga đã cung cấp cho Hàn Quốc nhiều xe tăng T-80, trực thăng Ka-32.
Joran cũng được Nga cung ứng nhiều vũ khí từ xưa và nay vẫn tiếp tục nhận nhiều vũ khí. Hai nước đã ký nhiều hợp đồng, hầu hết trong đó là việc sản xuất bệ phóng lựu đạn RPG-32 Nashshab. Nga cũng đang nâng cấp hệ thống phòng không cho Jordan.
Sự hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga với Kuwait phát triển mạnh hồi năm 70 và 80.
Trong khi đó, việc cung ứng vũ khí của Nga cho UAE bắt đầu vào năm 1990. Theo thỏa thuận được ký năm 1994-1995, Nga đã nhận sản xuất nhiều BMP-3 cho nước này. Và tháng 8/2000, UAE đã đặt hàng Nga sản xuất hệ thống tên lửa chống tăng và đất đối không Pantsir-1.
Tháng 11/2006, Nga và UAE đã ký thỏa thuận hợp tác công nghệ và quân sự mà theo đó tạo nên khung pháp lý cho việc tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia trong lĩnh lực này.
Thỏa thuận 3,5 tỷ USD của Nga với Saudi Arabia hồi năm 2017 về việc chuyển vũ khí và thiết bị đã được các chuyên gia quân sự hai bên ký kết.
Theo nguoiduatin.vn
Cách bán hàng của Mỹ giúp Nga bán được Su-35 Bất chấp việc Mỹ đe dọa dùng biện pháp trừng phạt, Ai Cập vẫn quyết mua tiêm kích Su-35 của Nga dù mức giá không hề dễ chịu. Thông tin về bản hợp đồng này được trang Military Watch dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, bản hợp đồng tiêm kích thế hệ 4 Su-35 giữa Nga và Ai Cập...