Bầu cho phe Cộng hòa, người Mỹ muốn điều mới mẻ
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vừa qua, đảng Cộng hòa giành được ưu thế vượt trội so với đảng Dân chủ, minh chứng cho thấy người dân Mỹ đang khát khao thay đổi.
Thomas Tucker cùng mẹ tại điểm vận động bầu cử của đảng Cộng hòa tại hạt Cobb, bang Georgia. Ảnh: Việt Anh
Sát ngày bầu cử 4/11 vừa qua, tại trụ sở của đảng Cộng hòa tại hạt Cobb, bang Georgia, cậu bé Thomas Tucker, 14 tuổi, vẫn miệt mài gọi điện đến từng nhà để vận động người dân đi bầu cho đảng Cộng hòa. Tổng số người Thomas liên lạc lên đến hơn 300.
Cậu cùng mẹ là bà Lyndell Tucker cùng làm công việc của tình nguyện viên không lương. Nhiệm vụ chính của họ là gọi điện để vận động người dân Mỹ đi bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Thomas chia sẻ cậu muốn làm công việc này “để tạo nên cơ hội thay đổi cho nước Mỹ”.
Giáo sư Robert Guttman thuộc Đại học George Mason, Virginia, nhận định cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay là cơ hội để người Mỹ tìm kiếm những điều mới mẻ. Nền tảng gia đình vững chắc của các ứng viên đảng Dân chủ không giúp họ giành được lợi thế bởi chính những vấn đề hiện tại của nước Mỹ. Ứng viên đảng Dân chủ Alison Lundergan Grimes ở bang Kentucky là con gái của Jerry Lunderganm, cựu chủ tịch đảng Dân chủ của Kentucky. Tại bang Georgia, ứng viên đảng Dân chủ Jason Carter là cháu của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Các cuộc thăm dò dân chúng ở quy mô bang và quốc gia đều cho thấy người dân lo ngại kinh tế hồi phục chậm, dịch bệnh Ebola và nguy cơ khủng bố. Đó là những vấn đề mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang đau đầu. Vào đêm công bố kết quả tranh cử, có đến 72% người Mỹ cho biết họ lo ngại Washington sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công khủng bố mới.
Ông Joseph Gerth, cây bút lâu năm của của tờ Courier- Journal, tờ báo lớn nhất của bang Kentucky, người theo dõi các cuộc bầu cử trong nhiều năm, nhận định dù ứng viên đảng Dân chủ Grimes có làm gì đi chăng nữa thì người dân vẫn bỏ phiếu bằng cách nhìn vào những gì Tổng thống Obama đã làm được tính đến nay.
Tại bang Kentucky, nơi ngành công nghiệp than chiếm vị trí trọng yếu, người dân đổ lỗi cho ông Obama vì Quốc hội không thông qua được việc xây dựng các nhà máy than mới để giải quyết việc làm. Tổng thống còn bị chỉ trích vì để xảy ra sự cố chính phủ đóng cửa hồi đầu năm nay.
Khi trao đổi với nhóm phóng viên đến từ nhiều nước, các đại diện của đảng Cộng hòa tại bang Kentucky cũng như Georgia đều khẳng định họ mong muốn có mối hợp tác nhịp nhàng với đảng Dân chủ sau khi giành chiến thắng sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Tuy nhiên, theo ông Merle Black, giáo sư chính trị tại Đại học Emory, Georgia nhận định kết quả bầu cử giữa kỳ ngày 4/11 vừa qua cho thấy Tổng thống Obama đang ở thế rất khó khăn.
Trả lời câu hỏi của VnExpress, bà Nam Orrock, Thượng nghị sĩ của bang Georgia, thuộc phe Dân chủ, bày tỏ mối quan ngại làm sao hợp tác được với đảng Cộng hòa khi họ giành quyền kiểm soát Quốc hội. Những vấn đề chính dự kiến sẽ là đề tài tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ thời gian tới là chính sách nhập cư, chi tiêu ngân sách cho giáo dục và quân sự, ghế của đảng nào tại Tòa án tối cao Mỹ. Tiến sĩ Alan Abramowitz tại Đại học Emory cho rằng không dễ thấy sự đồng lòng giữa Quốc hội Mỹ và chính quyền của ông Obama sau khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện.
Theo ông Robert Guttman, những người chiến thắng chức thống đốc bang trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay có thể là những ứng viên tiềm năng cho chức tổng thống Mỹ vào năm 2016. “Chúng tôi yêu thích những gương mặt mới”, ông Guttman nói.
Tại điểm hỗ trợ bầu cử của hạt Fulton, Georgia, các tư vấn viên giải đáp các thắc mắc của người dân vào ngày bỏ phiếu. Ảnh: Việt Anh
Video đang HOT
Việt Anh
Theo VNE
"Làn sóng" Cộng hòa sẽ chi phối chính sách đối ngoại Mỹ
Chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua của Mỹ sẽ mở đường cho sự kiểm soát Thượng viện của các nghị sĩ phe Cộng hòa, mà họ chắc chắn sẽ có tiếng nói đóng góp vào chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề an ninh trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
5 gương mặt nổi bật trên mặt trận chính sách đối ngoại trong quốc hội thứ 114 của Mỹ:
Mitch Mc Connell
Sau khi đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Alison Lundergan Grimes trong cuộc bầu cử vừa qua, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kế hoạch mở rộng sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Trên cương vị là lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông McConnell sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc xác định luật chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell
Khi được hỏi đâu là vấn đề chủ chốt mà McConnell có thể hợp tác với Tổng thống Obama, ông Connell đã đề cập tới một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Tổng thống: "Các hiệp định thương mại"
McConnell là người lạc quan về thương mại quốc tế, hứa hẹn sự thuận lợi trong việc thúc đẩy "quyền đàm phán nhanh" (fast track authority), một công cụ pháp lý có thể giúp Tổng thống Obama hoàn tất các thỏa thuận thương mại lớn đang được thảo luận ở khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Các vấn đề chính sách đối ngoại hợp tác khác mà ông McConnell và ông Obama đã đề cập hôm 5/11 bao gồm một chiến lược đã được Quốc hội chấp thuận, đó là cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và tăng ngân sách cho các phản ứng của Lầu Năm Góc với cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi.
John McCain
Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain
Với bài phát biểu và quan điểm hiếu chiến về chính sách đối ngoại xuất hiện rộng rãi trên truyền thông Mỹ ngày 2/11, Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain đã là một trong những cái gai lớn nhất trong đội hình của chính quyền Obama.
Tuy nhiên, căng thẳng sẽ chỉ gia tăng khi cựu ứng viên Tổng thống McCain nắm kiểm soát Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, một vị trí mà McCain kỳ vọng sẽ cho phép ông điều hành các buổi điều trần thường xuyên về việc giải quyết mối đe dọa IS hay cuộc nội chiến ở Syria.
McCain, một người ủng hộ việc triển khai bộ binh ở Syria và Iraq, cũng sẽ cố gắng thúc đẩy chính quyền Mỹ đổ người và của vào cuộc chiến ở Trung Đông. Ông cũng hy vọng sẽ tìm ra cách tiết kiệm trong hệ thống "mua sắm công" cồng kềnh của Lầu Năm Góc, một ưu tiên cải tổ của hầu hết các chức vị trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Tom Cotton
Đảng viên Cộng hòa Tom Cotton
Ở Arkansas, ứng viên Cộng hòa Tom Cotton đánh bại ứng viên Dân chủ, thượng nghị sĩ đương nhiệm Mark Pryor.
Là một cựu binh quân đội thường nhắc tới thời tham chiến ở Afghanistan và Iraq, Cotton đã chỉ trích chính quyền Obama trên một số mặt trận, đặc biệt là vụ việc thả tự do 5 tù nhân Taliban bị giam ở nhà tù Vịnh Guantanamo để giải cứu trung sĩ lục quân Bowe Bergdahl bị Taliban bắt làm tù binh.
Ông Tom Cotton từng phát biểu hồi tháng 6: "Chúng tôi tụng kinh Ranger mỗi ngày, rằng sẽ không bao giờ bỏ rơi một đồng đội ngã xuống. Khi chúng tôi thực hiện những lời hứa đó với nhau, chúng tôi đã không hứa sẽ bị trao đổi với 5 kẻ giết người Taliban máu lạnh, và cũng không có người lính nào muốn điều đó xảy ra", Cotton nói hồi tháng 6.
Tom Cotton, một thành viên của Ủy ban quan hệ đối ngoại Hạ viện Mỹ, không nói ông muốn một ghế trong Ủy ban tình báo, Ủy ban quan hệ đối ngoại hay Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, nhưng ông hy vọng sẽ tiếp tục giữ tiếng nói thẳng thắn của mình trong các vấn đề của Lầu Năm Góc.
Joni Ernst
Trung tá vệ binh quốc gia Iowa
Tại tiểu bang Iowa, chiến thắng trước nghị sĩ Dân chủ Bruce Braley, Joni Ernst là nữ nghị sĩ đầu tiên được bầu vào quốc hội.
Hồi tháng trước, trung tá vệ binh quốc gia Iowa từng phát biểu: "Điều tôi muốn làm là so sánh và đối chiếu quan điểm của mình về chính sách đối ngoại, quân sự với nghị sĩ Bruce Braley và Tổng thống Obama".
Ernst chỉ trích kịch liệt chính quyền Obama đã chờ đợi quá lâu để giải quyết mối đe dọa từ lực lượng IS và thất bại trong việc giải quyết những vấn đề lộn xộn của Bộ Cựu chiến binh Mỹ.
Ernst cũng cho biết mình thiếu thông tin về cuộc chiến Iraq. Trả lời Des Moines Register, Ernst nói: "Tôi có lý do để tin rằng có vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq", bất chấp thực tế là những vũ khí như vậy chưa từng được tìm thấy ở Iraq.
Chưa thể trả lời rằng Ernst có hướng tới một vị trí trong các ủy ban liên quan tới chính sách đối ngoại trong quốc hội hay không, nhưng chắc chắn rằng Ernst sẽ không im lặng trước những vấn đề này bất chấp vị trí của mình là ở đâu.
Bob Corker
Ông Bob Corker
Ứng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker có quan hệ mật thiết với Chủ tịch Ủy ban này, Bob Menendez. Chính vì vậy, có lẽ "hương vị" hiếu chiến trong chính sách đối ngoại của Ủy ban sẽ không thay đổi nhiều dưới sự điều hành của ông Corker nếu ông có may mắn lên nắm quyền Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Corker cho rằng Tổng thống Obama đã thất bại trong việc thực thị "giới hạn đỏ" về việc vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria, và rằng ông Obama nên phát động tấn công quân sự trừng phạt chế độ Bashar al-Assad hồi năm ngoái, một biện pháp được Corker ủng hộ.
Corker cũng đã thúc ép ông Obama gửi vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine, nơi Kiev đã và đang thỏa thuận với phiến quân ly khai ủng hộ Nga nhiều tháng qua.
Những vấn đề này sẽ không biến mất, và Corker có khả năng sẽ tiếp tục đóng góp tiếng nói của mình vào các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại Mỹ.
Theo Hạnh Nhân
Theo FP
Tin tức
Người Cộng hòa Mỹ hân hoan mừng chiến thắng Tối ngày 4/11, dòng người kéo đến Tòa nhà kỷ niệm College Football, Atlanta thuộc bang Georgia, Mỹ, mỗi lúc thêm đông, để mừng chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Carolyn Rawlins cùng bạn tại buổi tiệc của đảng Cộng hòa. Ảnh: Việt Anh. Trong căn phòng có sức chứa đến vài trăm người, người ủng hộ...