Batman: Arkham Origins – khởi nguồn Arkham
Một tựa game hành động chất lượng dù chưa thể vượt ra khỏi cái bóng của 2 người tiền nhiệm Arkham Asylum và Arkham City.
Batman: Arkham Origins là tựa game đầu tiên của series không được phát triển bởi “cha đẻ” Rocksteady Games. Khi Warner Bros. tiết lộ rằng phiên bản thứ ba của dòng game bom tấn này sẽ được đảm nhiệm bởi studio non trẻ WB Games Montreal (vốn trước đó mới chỉ có kinh nghiệm port Batman: Arkham City lên hệ máy WiiU), rất nhiều fan đã tỏ ra hoài nghi cũng như lo ngại cho số phận của Arkham Origins. Được chính thức trình làng vào ngày 25/10 vừa qua, Arkham Origins cho thấy những lo ngại của người hâm mộ là có phần chính xác, song xét một cách toàn diện, không thể phủ nhận đây vẫn là một sản phẩm game hành động, phiêu lưu tương đối chất lượng.
Arkham Origins kể lại câu chuyện về một Người Dơi trẻ tuổi, nóng nảy hơn (so với Bruce Wayne chín chắn trong hai phiên bản trước) trên đường truy tìm và ngăn chặn 8 tay sát thủ lão luyện đang nhăm nhe tiêu diệt chính anh hòng đoạt lấy món tiền thưởng kếch xù 50 triệu đôla. “Nền móng” này được tiếp nối bởi một cốt truyện được xây dựng chặt chẽ với rất nhiều những bước ngoặt, những sự kiện bất ngờ. Sau màn tử chiến với Killer Croc tại nhà tù Blackgate ở những phút đầu, Người Dơi được biết rằng tay trùm tội phạm Roman Sionis – hay Black Mask – đã phát ngán với việc bị Người Dơi liên tục “nhúng mũi” vào chuyện làm ăn và quyết định dàn xếp một cuộc “săn dơi” vào đúng đêm Giáng Sinh cho những tay sát thủ khét tiếng nhất trên thế giới. Không chịu ngồi yên chờ chết, chàng Hiệp sĩ Bóng đêm lên đường thâm nhập vào những góc tối ẩn khuất của thành phố Gotham nhằm chặn đứng kế hoạch của tập đoàn tội phạm.
Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng chính sự xuất hiện ồ ạt của những tay sát thủ này lại là yếu tố khiến mạch truyện của trò chơi gặp trục trặc. Những nhân vật như Slade “Deathstroke” Wilson, Deadshot hay Bane có lẽ chẳng còn xa lạ gì đối với bạn đọc lâu năm của thế giới DC Comic cũng như dân đam mê phim ảnh, song những cái tên khác như Copperhead, Shiva hay Electrocutioner có lẽ sẽ khiến cho những người không phải fan “ruột” của Batman phải lúng túng tự hỏi không hiểu họ là ai và họ từ đâu tới. Warner Bros. Montreal xứng đáng được khen ngợi vì đã tỏ rõ thiện chí muốn chia sẻ “sàn diễn” cho những nhân vật ít tên tuổi hơn trong đội hình đông đảo của DC, song họ cũng đáng bị khiển trách khi không chịu bỏ thời gian ra đầu tư cốt truyện riêng hay một kiểu kịch bản phụ nào đó cho những tay sát thủ này. Nói cách khác, nếu như bạn chưa biết gì về Copperhead hay Deathstroke thì Arkham Origins cũng sẽ chẳng gợi mở cho bạn thêm bất cứ điều gì về họ cả ngoại trừ một chút thông tin tiểu sử.
Trailer Batman: Arkham Origins – khởi nguồn Arkham
Thật may mắn, cốt truyện của game cũng tự biết cách sửa sai sau khoảng 1/3 thời lượng chơi bằng việc gạt nhóm sát thủ xuống hàng thứ và hướng tâm điểm sang mối liên kết chớm nở James Gordon – Batman và đặc biệt là sự xuất hiện của đối thủ truyền kiếp Joker – một quyết định sáng suốt của nhóm thiết kế Arkham Origins. Ngoài việc được đi sâu khai thác tâm lí và được chứng kiến những tình tiết dữ dội trong mối quan hệ nổi tiếng giữa hai nhân vật chính này (điều không có hoặc không thực sự sắc nét trong Arkham Asylum và Arkham City), người chơi còn có cơ hội được trải nghiệm một góc nhìn độc đáo khác về Joker, về tính cách, quá khứ của gã thông qua những màn hồi tưởng được truyền cảm hứng từ những tập truyện tranh lừng danh “The Killing Joke” và “Death in a Family”. Cả Joker lẫn Batman đều được thổi hồn một cách tinh tế nhờ giọng lồng tiếng tuyệt vời của hai diễn viên lồng giọng kì cựu Troy Baker và Roger Craig Smith, những phiên bản “non” nhưng không “xanh” chút nào của Mark Hamill và Kevin Conroy (Mark và Kevin đã tuyên bố ngừng đảm nhiệm hai vai diễn quen thuộc của họ sau Arkham City).
Dù qua những thông tin công bố ban đầu thì Warner Bros. Montreal muốn người chơi tin rằng Batman trong Arkham Origins mới chỉ là một tân binh chưa có nhiều kinh nghiệm chống tội phạm, gameplay của phiên bản này lại không ăn khớp chút nào với dự định đó. Chỉ có một đôi lần người viết bài cảm thấy thật sự tin rằng Batman mới “hành nghề” chưa được bao lâu, đó là những khi anh trao đổi với người quản gia Alfred. Alfred liên tục đưa ra những lời khuyên bảo, gợi ý như một người cha đang dẫn lối cho cậu con trai xuyên suốt cuộc hành trình trong Arkham Origins, khiến cho Người Dơi mang dáng vẻ “người trần mắt thịt” hơn là những hành động của anh trong game. Những khi Batman đối đầu với bè lũ sát thủ săn tiền thưởng lão luyện, kĩ năng chiến đấu của anh – vẫn dựa trên hệ thống free – flow combat và phản đòn (counter) được Rocksteady đặt nền móng từ năm 2009 – cho thấy sự bền bỉ và nhanh nhẹn đáng kinh ngạc lẽ ra chưa thể có được ở thời điểm ấy. Và với việc Deathstroke luôn được công nhận là tay sát thủ, lính đánh thuê nguy hiểm nhất trong thế giới DC Comics từ trước tới nay, khó mà tin được rằng Batman lại có thể đấu tay bo một chọi một sòng phẳng với hắn, với vốn kinh nghiệm thực chiến giắt lưng mới vỏn vẹn có hai năm.
Quả thực, cơ chế chiến đấu trong Arkham Origins gần như không có sự khác biệt nào so với hai người tiền nhiệm. Batman vẫn di chuyển khắp sàn đấu một cách nhịp nhàng, bay (theo đúng nghĩa) từ đối thủ này sang đối thủ khác với hệ thống free – flow combat được Rocksteady phát triển, vẫn có thể tùy ý tấn công, đỡ đòn, lăn lộn né tránh và viện đến sự trợ giúp của kho thiết bị đồ sộ để đánh bại kẻ thù. Trong khi mảng combat hầu như được giữ nguyên, độ khó của các cuộc đọ sức trong game đã được gia tăng đáng kể, đôi khi tới mức thái quá. AI của kẻ địch đã trở nên hung hãn hơn, tỉ lệ thuận với số lượng địch mà trò chơi “ném” vào mỗi trận đấu, bởi vậy người chơi không còn có thể cứ áp dụng chiến thuật “đấm và đỡ” như trước nữa; đôi lúc tất cả những công cụ chiến đấu, từ “phi tiêu dơi” batarang, cây súng batclaw cho tới cả áo choàng của Batman, người chơi đều phải lôi ra sử dụng hết nếu muốn sống sót. Một số tuýp địch thủ mới đã được đưa vào game nhằm làm tăng tính đa dạng. Nổi bật trong số này là những tay võ dưới trướng Black Mask, những kẻ biết cách di chuyển lắt léo né đòn, phản lại những đòn… phản công của bạn và tránh được tất cả những nhát đòn hạ gục. Dù kiểu địch thủ này lúc đầu khiến người chơi khá phấn khích, chúng nhanh chóng trở nên tẻ nhạt, đặc biệt là khi có hơn một tên xuất hiện cùng lúc. Bạn sẽ phải tập thích nghi với thế phòng ngự bị động và khiên cưỡng trong gần suốt trận đấu, trái ngược với phong cách chung rất bùng nổ, tốc độ của những màn “giáp lá cà” trong series Arkham.
Một trong số những điểm sáng của Arkham Origins là những trận đấu trùm. Trong hai tựa game Arkham trước, Batman thường phải đối diện với những địch thủ khỏe hơn, to lớn hơn và thậm chí đôi khi còn không thể hủy diệt nổi. Origins, trái lại, đem tới những con trùm tương đối vừa sức với Người Dơi, chí ít là về khía cạnh thể trạng. Trận đấu với Deathstroke có thể được xem là một trong những trận đánh hấp dẫn nhất của cả series tính cho tới thời điểm hiện tại. Hãng phát triển đã rất khéo léo đặt hai đấu thủ vào tư thế mặt – đối – mặt để tập trung khai thác kĩ năng võ thuật mãn nhãn của cả hai. Dù “dựa dẫm” rất nhiều vào cơ chế counter nhưng việc phải thận trọng “canh” đúng nhịp ra đòn lẫn phản đòn, đôi khi là thử… bị ăn đòn để tìm ra lối đánh của đối thủ khiến cho các trận đấu boss trong game tránh được tình trạng sa đà quá sâu vào những chuỗi Quick Time Event. Phàn nàn duy nhất của cá nhân người viết về những trận đánh trùm nói chung đó là chúng “xào lại” hơi nhiều cử động của các nhân vật trong các tình huống counter cũng như đổi lượt tấn công và độ khó áp đảo của những trận đấu với Bane, đôi khi khiến người chơi cảm thấy bị ngợp.
Bước ra thế giới phủ đầy băng tuyết bên ngoài, trải rộng trước mắt game thủ là một thành phố Gotham đẹp đẽ nhưng thiếu sức sống. Trong Arkham City, lời lý giải được đưa ra cho vấn đề này đó là khu vực này của thành phố đã được quây lại và chỉ nhằm phục vụ mục đích giam lỏng tội phạm, vậy nên mới không có thường dân sinh sống (!?). Giờ đây khi không còn có thể cầu cứu lại cái kịch bản (tương đối khó tin) đó nữa, sự thiếu vắng bóng dáng dân thường khiến Gotham trở nên trơ trọi một cách kì quặc, nhất là khi Origins lại chủ trương đi theo phong cách thiết kế kiểu open – world. Có người cãi rằng sở dĩ có điều này là do bối cảnh của trò chơi đang là đêm Giáng Sinh nên người dân phải… ngồi trong nhà đón lễ, song trên đường phố chỉ rặt thấy những toán côn đồ vẫn là điều khá kì lạ. Nửa phía Bắc của bản đồ trong game, vốn hầu hết là “đồ tái chế” từ Arkham City, được nối liền với hòn đảo mới phía Nam bằng một cây cầu dài tẻ nhạt mà game sẽ thường xuyên bắt bạn phải băng qua băng lại mỗi lần làm nhiệm vụ. Cây cầu “nổi bật” ở chính giữa là minh họa cụ thể nhất cho lối thiết kế map vụn vặt không cần thiết của trò chơi và người viết luôn luôn bỏ qua nó để sử dụng hệ thống fast travel bất cứ khi nào có cơ hội. Bên cạnh đó, Gotham còn chứa đầy những chướng ngại vật… vô hình mà thoạt nhìn thì tưởng Batman có thể dễ dàng dùng cây súng bắn lao móc để bám vào hay leo qua như ở phiên bản trước, nhưng lại hoàn toàn không thể bám hoặc vượt qua được. Một tựa game open – world nhưng lại không kì công chăm chút cho thành phố mà nó đặt bối cảnh, đó là điểm trừ chết người của Arkham Origins.
Video đang HOT
Thế giới trong trò chơi chứa đầy những hoạt động ngẫu nhiên và những nhiệm vụ phụ cho game thủ thực hiện cả trong quá trình chơi lẫn sau khi cốt truyện của game đã kết thúc, song chúng hầu hết đều là những nhiệm vụ đơn giản và lặp lại. Kẻ thích đánh đố Riddler (trong Arkham Origins lấy mật danh là Enigma) đã trở lại để thử thách trí tuệ Batman, cất giấu các gói dữ liệu mang thông tin mật tống tiền các nhà chức trách ở khắp xung quanh thành phố. Những gói dữ liệu này thay thế cho các Riddler Trophy ở hai tựa game Arkham trước và vẫn chủ yếu nhằm mục đích khuyến khích người chơi tìm tòi, khám phá. Bên cạnh đó, cũng nhằm thay thế cho những tình huống giải cứu con tin trong Arkham City, Batman giờ đây cần phải tìm cách vô hiệu hóa các tháp phát sóng radio để lần theo dấu vết Enigma, đồng thời mở ra những địa điểm di chuyển nhanh fast travel tại các khu vực trong thành phố (tương tự trong Far Cry 3). Việc đột nhập vào những tòa tháp này cũng chẳng thách thức hay tốn thời gian gì cho lắm, mặc dù một vài tháp đòi hỏi phải có những thiết bị nhất định (sẽ tới tay người chơi dần dần theo mạch cốt truyện) mới có thể tìm được đường vào. Tựu chung, hầu hết các side quest trong trò chơi đều bắt Batman phải di chuyển đến một địa điểm đã định sẵn và dùng tới nắm đấm hoặc hoàn thành một nhiệm vụ giông giống nhau nào đó. Mặc dù các side quest sẽ bổ sung cho mục singleplayer của game những nhân vật phản diện mới, chẳng hạn như Bird, Mad Hatter hay Anarky, WB Montreal lại đi một nước cờ lạ lùng khi cắt bớt một vài trong số tám tay sát thủ nòng cốt và nhét họ vào chuỗi nhiệm vụ phụ không cần chơi qua cũng được. Kết quả là những nhân vật “xấu số” này cũng vô tình bị tách luôn ra khỏi mạch truyện chính – thật đáng tiếc khi những game thủ không có hứng thú với các nhiệm vụ phụ sẽ không có cơ hội được đọ sức với đủ cả tám tay sát thủ đáng lẽ ra phải là những mối đe dọa chính trong Arkham Origins.
Có những bước chững lại đáng kể so với hai người tiền nhiệm song cũng không thể phủ nhận một số cải tiến rõ ràng mà Arkham Origins đem lại. Những nhiệm vụ kiểu trinh thám là một trong số những sự cải tiến ấy. Mặc dù đã từng hiện diện trong cả hai phiên bản trước, cơ chế điều tra đã thực sự chuyển mình để trở thành một tính năng riêng biệt ở phiên bản lần này. Sử dụng công nghệ thị giác Detective Vision của Batman, người chơi vẫn tiến hành khám xét hiện trường các vụ án mạng để tìm kiếm manh mối và bằng chứng như trước nhưng không chỉ dừng lại ở đó nữa mà còn có thể tái hiện ảo lại diễn biến của vụ án và trạng thái ban đầu của hiện trường. Giống như trong tựa game Remember Me, người chơi sau đó có thể tùy ý “tua lại” hoặc “tua tới” những tình tiết của vụ án như khi đang xem một đoạn băng ghi hình để tìm ra những đầu mối quan trọng bị thất lạc. Đáng tiếc là game lại không hề yêu cầu động não suy luận một chút nào mà hoàn toàn “cầm tay chỉ lối” cho người chơi trong suốt cả cuộc điều tra, khi mà Người Dơi cứ luôn miệng… tự nói to với mình rằng mình đang cần xem xét cái gì, mình đang cần tìm gì và vụ án đã diễn ra như thế nào. Gần như không có cơ hội nào để bạn tự mình phá án, và hầu hết các vụ án thì đều kết thúc bằng việc truy tìm và giã nhừ tử thủ phạm cho tới khi nào hắn chịu thú nhận tội ác.
Arkham Origins áp dụng một hệ thống tính điểm kinh nghiệm mới, tăng XP cho game thủ thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ hoặc một số hành động nhất định. Sau khi đủ XP để “lên level”, người chơi có thể dùng điểm kĩ năng (skill point) nhận được để nâng cấp cho một trong hai mục Close Combat và Invisible Predator. Close Combat giúp gia tăng sức chịu đựng cho Batman trước súng đạn và những đòn tấn công trực diện, trong khi Invisible Predator sẽ nâng cấp các trang thiết bị của Batman, chẳng hạn như gel tự động phát nổ ở tầm gần mà không cần kích hoạt thủ công. Những minigame thử thách kĩ năng mới cũng được đưa vào game để game thủ hoàn thiện và nhận thêm một lượng lớn điểm kinh nghiệm cũng như mở khóa các thiết bị, chẳng hạn như lượn qua những vòng tròn xung quanh thành phố, thực hiện một chuỗi combo khi giáp chiến,…; mặc dù chủ yếu chỉ là thành phần “phụ gia” cho mục singleplayer, những thử thách này đều tương đối khó nhằn và bắt buộc phải thực hiện với những ai muốn hoàn thành game 100%.
Origins là phiên bản đầu tiên trong bộ ba Arkham có mục chơi multiplayer, chia các game thủ thành 2 đội bốn người được cầm đầu bởi Bane và Joker, đấu với nhau theo thể thức Team Deathmatch như một game bắn súng góc nhìn thứ ba. Điều thú vị là trong mục chơi này có cả sự góp mặt của Batman và Robin, được điều khiển bởi hai người chơi khác. Hai đội chơi giành điểm bằng cách chiếm giữ các trung tâm điều khiển hoặc đơn giản là bắn hạ các thành viên đội bạn. Batman và Robin, mặt khác, phải tìm cách lén lút đánh gục những tay súng của hai đội chơi nói trên để làm đầy một thanh đo rỗng và giành thắng lợi chung cuộc. Batman và Robin có đầy đủ những kĩ năng “săn mồi” xuất hiện trong mảng campaign, đem lại cho họ lợi thế rõ rệt.
Một hệ thống nâng cấp cơ bản trước và sau mỗi màn chơi sẽ cho phép game thủ unlock những khẩu súng mới, skill mới và dụng cụ mới, chẳng hạn như chế độ Detective Vision hay các thiết bị điều khiển từ xa UAV. Đáng tiếc thay, multiplayer trong Arkham Origins dính phải vô số vấn đề như giật lag, cơ chế bắn súng – ẩn nấp tồi (điều dễ hiểu bởi đây không phải một tựa game bắn súng thuần) và cơ chế di chuyển cứng nhắc. Sau khi thanh đo điểm của một đội chơi đã giảm xuống quá nửa, hai “dị nhân” Bane và Joker sẽ được phép tham chiến cho đội của chúng. Mặc dù đây cũng là một tình tiết lí thú, hai nhân vật này khi tham gia vào màn chơi hầu như sẽ chỉ đem lại sự ức chế hơn là phấn khích bởi cả hai đều mạnh áp đảo so với phần còn lại. Joker được trang bị một khẩu hand cannon “one shot, one kill” và một khẩu súng lục ổ quay bắn đạn phát nổ. Bane thì là một “đô vật” hạng nặng với sức mạnh thống trị, có thể bứt tốc và “smash” như Hulk, đánh gục tất cả những kẻ đứng xung quanh, hoặc có thể tóm cổ một game thủ xấu số nào đó và ném vào tường hoặc máy móc xung quanh, cũng làm cho anh ta chết ngay tắp lự.
Nhân tiện nói về chuyện “dính phải vô số vấn đề”: Arkham Origins có lẽ là một trong những tựa game thuộc hàng bom tấn gặp phải nhiều lỗi và bug nhất mà người viết bài từng chơi. Đã có rất nhiều người phàn nàn về những tựa game open – world của Bethesda hay Rockstar nhưng thành thực mà nói cá nhân tôi chưa bao giờ “dính” một bug đáng kể nào khi chơi game của họ cả. Còn với Arkham Origins? Kẻ thù (đôi khi bao gồm cả một số con boss) bị kẹt “vô thời hạn” dưới… sàn nhà hoặc gờ tường, một lỗi “kẹt tay” ngớ ngẩn khi leo lên lỗ thông gió khiến bạn không thể nào thoát được ra khỏi tháp phát sóng Burnley Comms của Enigma (trừ khi làm theo cách khắc phục mẹo trên mạng), đoạn phim cắt cảnh khi fast travel bị mất tiếng hoặc giật hình, khung hình bị sụt bất cứ khi nào xem xong một đoạn cutscene,… Những game thủ khác thì cho biết họ đã từng gặp phải trường hợp các nhân vật đột nhiên vô hình, rơi xuyên qua sàn hoặc bị kẹt trong thang máy, dẫn đến việc không thể tiếp tục quá trình chơi game nữa. Nhờ sự giúp đỡ của Internet người viết đã vượt qua được một số bug nhất định tuy nhiên nếu như bạn thực sự muốn hoàn thành game trọn vẹn và “không tì vết”, tôi khuyên bạn nên chờ thêm ít nhất là vài tuần nữa cho tới khi nhà sản xuất bắt đầu tung ra các bản patch vá lỗi.
Mặc dù Arkham Origins không thay đổi quá nhiều công thức chiến thắng đã được Rocksteady tìm ra cách đây 4 năm, những nỗ lực rõ ràng của WB Montreal nhằm vượt ra khỏi cái bóng của người đàn anh cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho series game danh tiếng này, dù cho một loạt những thiếu sót tương đối đáng kể như sử dụng nhân vật thiếu tính toán, một mục chơi multiplayer cẩu thả, không cần thiết và những nhiệm vụ phụ tẻ nhạt trong một thành phố tẻ nhạt vẫn khiến nhiều game thủ phải băn khoăn tự hỏi không biết liệu nhà sản xuất non trẻ này có đang thực sự đi đúng hướng hay không. Ở cuối siêu phẩm điện ảnh The Dark Knight, James Gordon có nói một câu nổi tiếng: “Người Dơi là người hùng mà Gotham xứng đáng có được, nhưng không phải người hùng mà Gotham cần ngay lúc này”. Arkham Origins cũng vậy: Cơ chế điều tra có chiều sâu, những trận đấu trùm ấn tượng, giọng lồng tiếng tuyệt vời… tất cả đều là những sự đầu tư mà dòng game Arkham xứng đáng được nhận, nhưng điều cần có ngay lúc này để tạo nên điểm nhấn là những bước cách tân, đổi mới thì thật sự, Arkham Origins chưa có.
Theo VNE
5 game về Batman tệ nhất mọi thời đại
Đó là Batman, Batman: The Caped Crusader, Batman: The Video Game, Batman Returns, Batman: Dark Tomorrow.
Batman: Arkham Origins đã ra mắt vào ngày 25/10 này, chấm dứt sự chờ đợi mong mỏi của fan suốt hai năm qua. Liệu có phải Hiệp Sĩ Bóng Đêm lúc nào cũng được mong chờ như vậy?
Không giống như phim ảnh, truyện tranh và game dường như là một sự kết hợp khá ăn ý. Thành công của những tựa game như X-men, Teenage Mutant Ninja Turtles hay Spiderman chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó, tuy vậy đôi lúc có những sản phẩm kiểu Superman 64 lại khiến cho ta phải xem xét lại. Thực tế cũng cho thấy, game về Batman có đến 20 sản phẩm khác nhau nhưng trước khi series Arkham của Rocksteady ra mắt năm 2009 chúng ta vẫn thích ngắm nhìn siêu anh hùng này trên phim hơn là trở thành anh ấy.
Dưới đây là 5 tựa game về Batman bị đánh giá là tệ nhất mọi thời đại.
Batman (1986)
Sản phẩm game đầu tiên nói về Hiệp Sĩ Bóng Đêm có cái tên rất đơn giản: Batman. Game được phát hành trên các hệ máy Amstrad CPC, ZX Spectrum và MSX microcomputers, những máy mà ngày nay game thủ thậm chí còn không bao giờ nghe đến tên chứ đừng nói là tận tay sờ vào.
Là một game 8 bit và đơn sắc, chính vì thế mà đồ họa không phải là thứ để chúng ta bàn đến. Người chơi sẽ điều khiển một Batman nhỏ xíu có màu vàng trông như miếng pho mát. Trong game, Joker bắt cóc Robin, phụ tá của Batman và nhiệm vụ của anh là phải ngay lập tức tổ chức giải cứu người bạn đồng hành nhỏ tuổi của mình. Nhưng để làm điều đó, Batman phải tìm đủ 7 mảnh Batcraft xung quanh khu vực hang dơi để sửa chữa chiếc thủy phi cơ của mình.
Nghiêm túc mà nói thì đó là toàn bộ nội dung của game. Người Dơi đi tìm phụ tùng sửa xe ngay trong nhà mình thay vì nhảy lên một chiếc xe khác và đi cứu Robin. Cốt truyện dở tệ đến mức nếu như cả Michael Bay, vốn rất nổi tiếng vì những ý tưởng kì quặc cho phim của mình, cũng phải chê game này thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ưu điểm duy nhất là khả năng điều tra của Batman sẽ tăng lên đáng kể, tất nhiên trong đây khả năng ấy không dùng để truy bắt tội phạm rồi.
Batman: The Caped Crusader (1988)
Năm 1988, Batman lại có cơ hội để đến với game thủ sau lần ra mắt đầu tiên không thành công trước đó 2 năm, tuy nhiên, thêm một lần nữa các nhà phát triển game lại hạ knock-out Hiệp Sĩ Bóng Đêm. Lần này, Batman phải đối mặt với hai kẻ thù khá nổi tiếng: Penguin và Joker. Game được chia ra làm 2 phần, với phong cách hoạt họa và lối chơi điển hình của game phiêu lưu hành động.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của game là sự phức tạp không lường trước được do không có hướng dẫn cụ thể nên làm gì và làm như thế nào. Giống như hầu hết game của những năm 80, các hướng dẫn ấy đều ở trong một bản hướng dẫn tổng thể đi kèm với game. Tuy nhiên việc chuyển hệ Commodore 64, Amstrad và ZX Spectrum đã khiến Batman: The Caped Crusader trở thành nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền tràn lan, nói cách khác trẻ em không đi mua đĩa gốc mà sẽ lấy bản copy được bạn bè chuyền tay. Kết quả là không có hướng dẫn, game đã trở thành một mớ hỗn độn và khó hiểu, người ta cứ đi và đi mà chẳng biết phải làm gì để ngăn chặn Joker và Penguin cả.
Batman: The Video Game (1989, 1990)
Lần xuất hiện đầu tiên của Người Dơi trên hệ máy NES có lẽ không đến mức thảm họa giống như hai người tiền nhiệm kể trên nhưng không vì thế mà tránh được "cái dớp" mà dòng game này lỡ dính phải. Game này vốn được chuyển thể từ một trong những phim về Batman của Tim Burton, vì lí do nào đó mà người thiết kế đã nghĩ rằng hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu Batman chạy lòng vòng quanh thành phố, ném kẻ xấu vào axit hay quẳng chúng từ trên nóc nhà cao tầng xuống. Điều này đã khiến fan hâm mộ chân chính của Batman phẫn nộ thực sự, vì ai cũng biết rằng Người Dơi không bao giờ sát hại kẻ khác, anh chỉ vô hiệu hóa chúng.
Xét về mặt đồ họa thì Batman: The Video Game cũng không khác biệt nhiều so với các game NES khác, chỉ có điều do các chính sách của Nintendo, game phải chờ đến hơn một năm sau khi phim của Tim Burton ra mắt mới được lên kệ. Điều đó phần nào làm giảm sự háo hức của fan đối với sản phẩm. Một điều khiến game bị chỉ trích là Vicky Vale, người lồng tiếng cho Batman, đã la hét quá nhiều trong khi đó không phải là phong cách thật sự của anh.
Batman Returns (1993)
1993 có thể được xem là năm của Người Dơi khi mà với thành công của bộ phim Người Dơi Trở Lại, Tim Burton đã đóng góp vào kho tàng điện ảnh một trong những bộ phim hấp dẫn nhất mọi thời đại. Tất nhiên các nhà phát triển game cũng không dại gì để bỏ lỡ mất cơ hội quý giá này. Nhưng hãy thử xét tình huống này: Nếu như không có ai đủ sức để làm một game ăn theo phim cho ra hồn, tại sao lại không để họ tự làm ra sản phẩm của riêng mình? Đó chính xác là điều mà họ đã làm, và cái gọi là loạn Batman Returns cũng bắt đầu từ đây.
Batman Returns được phát hành trên tất cả các hệ máy thời bấy giờ. Tuy nhiên mỗi hệ máy lại có một nhà sản xuất riêng và game lại một nội dung riêng, điểm chung duy nhất giữa các sản phẩm này chỉ là cái tên: Batman Returns. Giá trị giải trí cũng rất đa dạng, từ "vui cười nhẹ nhàng" cho đến "không dành cho người thiếu kiên nhẫn, hay nóng giận".
Chẳng hạn, phiên bản trên hệ máy Amiga do một công ty ở Anh phát hành chỉ là một game platform đơn giản trong khi phiên bản của Mega-CD lại là một game đua xe 3D. Phiên bản của Lynx lại khó kinh khủng khi được thực hiện dưới dạng đi cảnh 2D và người chơi chỉ có một mạng duy nhất để hoàn thành toàn bộ, phiên bản của MS-DOS lại là Batman xử lý vấn nạn tội phạm qua camera phát đến hang dơi.
Có đến 8 phiên bản của game được tạo ra và không có phiên bản nào thành công cả, riêng bản Lynx sau này được một trung tâm y tế sử dụng để kiểm tra các bệnh nhân mắc chứng khó kiểm soát bản thân, hay cáu giận.
Batman: Dark Tomorrow (2003)
Có hai điểm tốt duy nhất trong game này, đó là bộ truyện độc quyền dành cho những ai mua bản limited edition, và hai là trong game, ngoài Joker ra còn xuất hiện nhiều kẻ xấu quen thuộc khác như Poison Ivy, Mr. Freeze và Black Mask. Về lý thuyết, đây là ý tưởng rất tốt, tuy nhiên đến lúc thực hiện lại chẳng ra sao cả.
Đồ họa của game dễ khiến người ta liên tưởng đến một hệ máy nào đó từ đầu những năm 90 chứ chẳng phải là của năm 2003, càng không phải ở trên hệ máy GameCube và Xbox. Điều khiển nhân vật thậm chí còn ác mộng hơn khi người chơi liên tiếp hết lần này đến lần khác chết hoặc bị "hội đồng" trong khi cố mở menu để lựa chọn vật phẩm. Game vốn đã lên kế hoạch để ra mắt trên PS2, chỉ vì hứng chịu vô số "gạch đá"từ game thủ nên kế hoạch này phải hoãn lại. GameInformer đã cho Batman: Dark Tomorrow điểm số thấp chưa từng thấy: 0.75/10 trong Electronic Gaming Monthly đã phải trao giải "Nỗi nhục của tháng", như thế quá đủ cho những ai có ý định thử một lần đặt tay vào trò chơi này để xem nó như thế nào.
Theo VNE
2 sát thủ cuối cùng trong Batman Arkham Origins đã lộ diện Trên mạng đã rò rỉ 2 tấm ảnh với những thông tin đầy đủ về 2 sát thủ cuối cùng tham gia vào cuộc hành trình diệt dơi trong Batman Arkham Origins cùng với những sát thủ khét tiếng mà chúng ta đã biết trong suốt thời gian qua. Và 2 sát thủ cuối cùng đó Lady Shiva và Killer Croc. 2 t...